Đại diện Việt Nam, Lê Ngọc Hà Thu thắng giải nhất cuộc thi thời trang bền vững toàn cầu

Cô gái trẻ này sẽ là gương mặt triển vọng của làng thời trang Việt khi thúc đẩy phát triển của nhánh thời trang bền vững

Bộ sưu tập Slow Boy Archive của Lê Ngọc Hà Thu tại Redress Design Award 2020

Trong tháng 09/2020, ngành thời trang Việt Nam có những bước tiến vượt bậc.

Nhà thiết kế Trần Hùng trở thành một thành viên chính thức của Hiệp hội thời trang Anh. Anh trình làng bộ sưu tập Xuân Hè 2021 tại Tuần lễ thời trang London.

Còn nhà thiết kế trẻ Lê Ngọc Hà Thu đạt giải nhất tại cuộc thi thiết kế thời trang Redress Design Award 2020, hạng mục Thời trang nam. Lê Ngọc Hà Thu đã xuất sắc vượt qua các thí sinh từ những quốc gia phát triển hơn như Ý, Hàn Quốc, Canada, Phần Lan,… để mang lại niềm tự hào cho Việt Nam.

Cuộc thi Redress Design Award quy mô toàn cầu

Các thiết kế bước vào chung kết Redress Design Award 2020, đến từ thí sinh của 10 quốc gia toàn cầu.

Redress Design Award là cuộc thi thiết kế thời trang tập trung vào mảng thời trang xanh và cách phát triển bền vững. Quy mô của nó mang tính toàn cầu. Đây là cuộc thi thiết kế thời trang bền vững lớn nhất thế giới, do Hiệp hội Phi lợi nhuận Redress của Hồng Kông tổ chức.

Mục tiêu của cuộc thi Redress Design Award là tìm ra những nhân tài mới có khả năng đẩy mạnh sự phát triển bền vững của ngành thời trang. Đồng thời, chương trình kết hợp với các tổ chức chính phủ, trường đại học, thương hiệu, nhà sản xuất có tầm ảnh hưởng lớn để mang lại những thay đổi thực tế.

Khi đoạt giải Quán quân hạng mục Thời trang nam của Redress Design Award 2020, Lê Ngọc Hà Thu sẽ được cộng tác với đội ngũ thiết kế toàn cầu của thương hiệu Timberland. Và tham gia ra mắt bộ sưu tập thời trang cho Tết Nguyên đán năm 2022.

Lê Ngọc Hà Thu là ai?

Điều đáng ngưỡng mộ là cô gái này vẫn còn rất trẻ! Lê Ngọc Hà Thu sinh năm 1997. Cô tốt nghiệp khoa Thiết kế thời trang tại Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội (LCDF), và hiện tại đang là trợ giảng ngành thiết kế của trường. Dù còn trẻ nhưng cô gái trẻ này đã có nhiều hoài bão làm nên những thay đổi lớn.

Bộ sưu tập thắng giải Redress Design Award 2020 của Lê Ngọc Hà Thu được đặt tên là Slow Boy Archive. Một bộ sưu tập lai trộn giữa phong cách Mỹ và Nhật Bản. Các thiết kế căn bản như áo khoác trucker và quần thụng. Điểm đặc biệt là bộ sưu tập sử dụng vải tái chế upcycle từ kimono cũ, và áp dụng lối cắt may, tạo rập không phí phạm vải.

Vì sao bộ sưu tập Slow Boy Archive của Lê Ngọc Hà Thu lại chiếm trọn tình cảm của ban giám khảo Redress Design Award 2020? Bạn sẽ hiểu được qua cuộc trò chuyện độc quyền giữa Hà Thu và Harper’s Bazaar Việt Nam. Ở cô gái này toát ra sự cẩn thận, khả năng tính toán kỹ lưỡng, và nguồn năng lượng dồi dào sức trẻ.

HARPER’S BAZAAR: Đầu tiên, xin được chúc mừng Hà Thu đã thắng giải Quán quân của Hạng mục Thời trang nam tại Redress Design Award 2020. Cảm xúc của bạn hiện giờ ra sao?

LÊ NGỌC HÀ THU: Khi ban giám khảo xướng lên cái tên Hà Thu lên cho giải thời trang nam, tôi thật sự sững sờ. Tất nhiên ai tham gia thi đấu cũng muốn đạt giải cao. Nhưng cá nhân tôi chưa hề nghĩ mình sẽ làm được điều này. Khi thành quả của tâm huyết và công sức mình bỏ ra được công nhận, cảm xúc này thật tuyệt vời. Nó chứng tỏ rằng hướng đi của tôi đúng đắn.

HARPER’S BAZAAR: Bạn đã nghe về cuộc thi Redress Design Award như thế nào?

LÊ NGỌC HÀ THU: Lần đầu tiên tôi nghe về cuộc thi này khi còn theo học năm hai đại học. Lúc ấy, tôi đang thiết kế bộ sưu tập có nhiều yếu tố bền vững. Giáo viên của tôi từng làm việc nhiều năm tại Hồng Kông. Bà có một người bạn công tác tại hiệp hội phi lợi nhuận Redress, đơn vị tổ chức cuộc thi, và bà đã giới thiệu tôi đến với cuộc thi này.

Nhưng lúc ấy, tôi không tham gia vì nghĩ mình chưa đủ kinh nghiệm. Trong suốt hai năm sau đó, tôi quyết định tập trung hơn vào lĩnh vực thời trang xanh. Trau dồi kiến thức về trào lưu zero-waste (tạm dịch: không phí phạm), cũng như những cách áp dụng nó vào sản phẩm thực tế.

Sau hai năm chuẩn bị, thì năm nay, tôi quyết tâm ghi danh. Một phần nữa vì Redress Design Award 2020 đã mở thêm hạng mục thời trang nam.

HARPER’S BAZAAR: Dường như hạng mục thời trang nam tại Redress Design Award 2020 là “kíp nổ” cho bạn?

LÊ NGỌC HÀ THU: Khi nghiên cứu về thời trang bền vững, tôi thấy có nhiều suy nghĩ sai lệch. Đại đa số các nhà thiết kế cho rằng chỉ có phái nữ mới quan tâm về hướng phát triển này. Nhưng dựa trên số liệu của các nghiên cứu thị trường thì điều này không hẳn đúng.

Tôi nhận ra cơ hội phát triển lớn trong thị trường thời trang nam. Vì vậy, tôi muốn thách thức bản thân, làm nên một bộ sưu tập vừa thực dụng và có giá trị thương mại, vừa giữ vững các giá trị phát triển bền vững. Và cuộc thi Redress Design Award 2020 là cơ hội tốt cho tôi.

HARPER’S BAZAAR: Hà Thu có thể chia sẻ thêm một chút về quá trình lên ý tưởng cho bộ sưu tập thắng giải được không?

LÊ NGỌC HÀ THU: Tôi bắt đầu lên ý tưởng về những cách tiếp cận đối tượng là khách hàng nam. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy rằng nam giới có những yêu cầu về thời trang khác hẳn so với phụ nữ. Chưa kể là việc “sống xanh” có thể không phải lựa chọn hàng đầu của nam giới.

Sau đó, tôi nghiên cứu một số thương hiệu thể thao – như Timberland, Patagonia, Nike. Họ thành công truyền bá thông điệp rằng: Quan tâm đến thiên nhiên là điều đáng trân trọng, bản lĩnh, chứ chẳng có gì phải giấu diếm. Dựa trên ý tưởng này, tôi đã thiết kế nên các sản phẩm cool ngầu, thông dụng trong tủ đồ nam giới – ví dụ như áo khoác denim, quần cargo – nhưng ở một phiên bản xanh sạch và bền vững hơn.

HARPER’S BAZAAR: Làm sao bạn đảm bảo rằng các thiết kế của mình theo sát yêu cầu bền vững của cuộc thi?

LÊ NGỌC HÀ THU: Khi nói về thiết kế thời trang bền vững, có bốn tiêu chí chính: Chất liệu, Rập, Phom dáng và Bảo quản mặt hàng. Tôi phải đảm bảo thiết kế của mình đáp ứng tất cả các tiêu chí này.

Về mặt chất liệu, tôi dùng vải thừa, vải vụn, và vải từ sản phẩm thời trang second hand. Các miếng vải nào cần nhuộm thì phải sử dụng chất liệu nhuộm thực vật như chàm, nghệ. Không dùng màu nhuộm chứa muối nhôm ô nhiễm nguồn nước.

Về mặt rập, 70% của bộ sưu tập của tôi dùng cách cắt rập không thừa vải. Như vậy, tôi hạn chế phí phạm chất liệu một cách tối đa.

Khi thiết kế kiểu dáng, thì tôi ưu tiên loại phom dáng phù hợp cho cả hai phái, theo phong cách phi giới tính (unisex). Bộ trang phục không bị giới hạn cho bất cứ đối tượng nào. Bạn bè có thể thoải mái mượn đồ của nhau mặc nữa!

Cuối cùng, không thể không nói về việc chăm sóc và bảo quản món đồ. Việc bảo quản đúng cách sẽ kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Cho áo khoác thì tôi chọn chất liệu rất bền, chỉ cần giặt một lần mỗi 3–6 tháng. Quần áo mặc trong thì làm từ vải dễ giặt hơn.

HARPER’S BAZAAR: Có rất nhiều yêu cầu khi thiết kế trang phục “xanh” nhỉ. Đây có phải là khó khăn của việc phát triển bền vững cho các nhà thiết kế?

LÊ NGỌC HÀ THU: Theo tôi thì để phát triển thật sự bền vững, bạn phải để tâm đến toàn bộ vòng đời của sản phẩm.

Nhưng trong ngành công nghiệp thời trang, nhà thiết kế chỉ chịu trách nhiệm khâu phát triển mẫu. Những bước khác trong khâu sản xuất – như chất liệu vải, lên rập, số lượng sản xuất – bạn không được quyền quyết định. Các nhà thiết kế thời trang công nghiệp cũng không được trực tiếp trò chuyện với khách hàng để hiểu về nhu cầu của họ, tránh thiết kế nên các mẫu không được đón nhận và bị sản xuất một cách phí phạm.

Lợi thế của một nhà thiết kế độc lập, sở hữu thương hiệu riêng, là bạn có thể nắm quyền quyết định ở tất cả các khâu. Từ đấy đảm bảo tính bền vững liền mạch, xuyên suốt.

HARPER’S BAZAAR: Sau khi tham gia Redress Design Award 2020, bạn nghĩ mình đã thay đổi như thế nào ở cương vị một nhà thiết kế?

LÊ NGỌC HÀ THU: Hai điều quan trọng nhất tôi học được sau khi tham gia cuộc thi là tầm quan trọng của việc liên tục sáng tạo, và áp dụng các công nghệ mới vào khâu sản xuất.

Sau cuộc thi Redress Design Award 2020, tôi quyết định sẽ số hóa các thiết kế nhiều hơn nữa. Ví dụ, hiện tại, tôi đang thực hiện một dự án làm dịch vụ may đo qua mạng thân thiện với cộng đồng LGBTQ+. Khách hàng sẽ nạp các số đo qua mạng. Một hình mẫu mannequin 3D sẽ được chế tác dựa trên các số đo này, để giúp ích cho công đoạn chỉnh sửa và thử đồ qua mạng. Rất tiện cho các nhà thiết kế, khi không thể trực tiếp may đo trong giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch cúm COVID-19. Cũng giúp ích cho cộng đồng LGBTQ+, những người nhạy cảm với động thái bị đụng chạm trong quá trình may đo truyền thống.

HARPER’S BAZAAR: Giải thưởng cho bạn là được mời tham gia êkíp thiết kế toàn cầu của thương hiệu Timberland, ra mắt bộ sưu tập capsule đặc biệt dịp Tết Nguyên đán 2020. Bạn hy vọng sẽ học hỏi được điều gì từ cơ hội này?

LÊ NGỌC HÀ THU: Đây là cơ hội rất tốt để tôi hiểu thêm về ngành công nghiệp thời trang, từ khía cạnh của một thương hiệu toàn cầu, có góc nhìn rất khác so với một nhà thiết kế độc lập.

Tuy màn cộng tác phải diễn ra qua mạng vì dịch cúm COVID-19, tôi hy vọng vẫn có thể được gặp gỡ êkíp Timberland tại Hồng Kông năm sau. Tôi cũng sẽ đến tham quan các nhà máy của Timberland tại Việt Nam.

Đồng thời, tôi sẽ được tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ thiết kế thời trang, mà còn ở bộ phận quảng cáo (marketing) và kinh doanh (sales). Timberland có những chủ trương phát triển bền vững mạnh mẽ, nên tôi hy vọng sẽ học hỏi được nhiều điều về cách điều hành một thương hiệu thời trang xanh, vượt khỏi phạm trù của việc chỉ thiết kế thời trang.

HARPER’S BAZAAR: Hà Thu có lời nhắn nhủ nào cho các bạn trẻ yêu thời trang và thiết kế để phát triển thêm bền vững?

LÊ NGỌC HÀ THU: Hãy chấp nhận sự thay đổi! Chúng ta đang sống trong một thời đại thay đổi chóng mặt. Đặc biệt là thay đổi môi trường và công nghệ. Những gì xưa cũ của ngành thời trang (ví dụ sản xuất vô tội vạ và giảm giá để kích cầu mua sắm) không còn phù hợp. Cả ngành công nghiệp lẫn khách hàng đều phải cố gắng để tìm ra giải pháp mới.

Để làm được điều này, chúng ta phải thử nghiệm với những ý tưởng mới mẻ, tốn nhiều thời gian nghiên cứu và tìm hiểu. Và tránh không nản chí, quay về con đường cũ khi gặp những trở ngại. Quan trọng nhất, tôi nghĩ, là chúng ta phải luôn tin tưởng rằng những thay đổi này sẽ mang lại một tương lai xán lạn hơn.

HARPER’S BAZAAR: Cảm ơn Hà Thu. Chúc bạn nhiều thành công với các dự án mới của mình.

***

Êkíp thực hiện ảnh chụp cho Redress Design Award 2020

Photographer: Karl Lam
Models: Ana B. and Daniel
Stylist: Kieran Ho
Makeup: Vic Lai for Popstar Cosmetics
Hair: Marco Chan for KMS
Venue: Karl Studio, Chai Wan, Hong Kong

>>> Xem thêm: NHỮNG TÀI NĂNG TRẺ XUẤT CHÚNG: TOP 6 LỚP TỐT NGHIỆP KHÓA THỜI TRANG ĐẠI HỌC HOA SEN 2020

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm