Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội làm sống dậy bức tranh trăm tuổi của Victor Tardieu

Bức tranh lịch sử huyền thoại với 200 nhân vật của mỹ thuật Đông Dương, hồi sinh tại hội trường Ngụy Như Kon Tum qua công nghệ video mapping, hòa quyện giữa ánh sáng hiện đại và di sản văn hóa.

Hội trường Ngụy Như Kon Tum, trái tim của trường Đại học Đông Dương (số 19 Lê Thánh Tông) không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn là nơi bức tranh sơn dầu huyền thoại về 200 nhân vật được tái hiện qua công nghệ hiện đại, đưa lịch sử sống dậy giữa lòng Hà Nội.

Khởi nguồn của nền mỹ thuật hiện đại

Tác phẩm sắp đặt chữ: Văn chương – Khoa học – Nghệ thuật của nghệ sĩ thị giác, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn

Đại học Đông Dương được ký quyết định thành lập vào năm 1906, là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam kết nối nền giáo dục bản địa với tư duy khoa học và văn minh phương Tây. Trường là nơi đào tạo những tri thức ưu tú, biểu tượng văn hóa lịch sử với sự giao thoa kiến trúc Pháp và văn hóa Việt Nam.

“Thời kỳ Đông Dương có thể xem là giai đoạn nền móng của mỹ thuật hiện đại tại Việt Nam. Trường Mỹ thuật Đông Dương (một trong tám trường thuộc hệ thống Đại học Đông Dương) không chỉ đào tạo họa sĩ, nhà điêu khắc mà còn cả kiến trúc sư và nhà thiết kế trang trí, tạo nên một thế hệ nghệ sĩ đa ngành”, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn chia sẻ. Nguyễn Thế Sơn không chỉ là giám tuyển, mà còn là người đứng đầu nhóm phục dựng tác phẩm Thăng đường nhập thất.

Tòa nhà chính của trường, nay là hội trường Ngụy Như Kon Tum, sau nhiều lần thay đổi thiết kế đã được kiến trúc sư Ernest Hébrard xây dựng theo phong cách tân cổ điển Pháp với điểm nhấn là những cột trụ đá lớn, mái vòm cao và các cửa sổ lớn đón ánh sáng tự nhiên. Không gian bên trong được thiết kế mở, kết hợp giữa sự uy nghiêm của kiến trúc Pháp và nét mềm mại trong cách bố trí của người Việt. Các họa tiết trang trí trong tòa nhà mang đậm ảnh hưởng nghệ thuật Đông Dương với các hoa văn cách điệu từ văn hóa Việt Nam do họa sĩ Victor Tardieu đảm nhiệm.

Chứng nhân lịch sử

Chân dung họa sĩ Victor Tardieu của nhà điêu khác Trần Quốc Thịnh. Chất liệu đồng hun

Trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, hội trường Nguy Như Kon Tum vừa là địa điểm tổ chức triển lãm vừa là một phần của tác phẩm nghệ thuật. Không gian tòa nhà chia thành bốn cụm nghệ thuật tương tác, mỗi cụm mang đến một câu chuyện về lịch sử và văn hóa Đông Dương.

Tiền sảnh là không gian đầu tiên đón chào khách tham quan, nơi bức tượng của Victor Tardieu, người sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương, được đặt trang trọng (ảnh trên). Tượng đồng của ông như nhắc nhở về di sản của nền giáo dục mỹ thuật thời Đông Dương với vai trò là vị hiệu trưởng đầu tiên.

Tiếp đến là tâm điểm của triển lãm, hội trường nơi bức tranh Thăng đường nhập thất của Victor Tardieu với 200 nhân vật được tái hiện qua công nghệ video mapping kết hợp animation. Những nhân vật trong tranh như bước ra khỏi lịch sử giao tiếp với không gian xung quanh và kể lại câu chuyện của chính họ bằng công nghệ AI. Sau đó hành lang và cầu thang là nơi các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được bố trí, từ tranh thêu Đông Dương, tượng đồng, cho đến gốm sứ, tranh lụa, sơn mài, giấy đó… tạo nên hành trình nghệ thuật xuyên thời gian.

Cuối cùng là vòm trần huyền ảo, nơi chiếu video art 3D mapping khổng lồ, ánh sáng và tác phẩm âm thanh hòa quyện, biến những họa tiết truyền thống thành những hình ảnh 3D sống động, chân thực.

Hành trình tái hiện bức tranh sơn dầu biểu tượng của Victor Tardieu

Tác phẩm kỹ thuật có 3D mapping “Thăng đường nhập thất” của nhóm tác giả: Nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải, Viên Hồng Quang, nhà nghiên cứu TS. Phạm Long, họa sĩ – nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế và Lê Huy Thanh Hoàng

Bức tranh này là một tác phẩm mang tính biểu tượng của thời kỳ Đông Dương do họa sĩ Victor Tardieu sáng tác vào đầu thế kỷ 20. Bức tranh mô tả hơn 200 nhân vật đại diện cho các tầng lớp xã hội Việt Nam thời kỳ đó: từ các quan chức thuộc địa, tri thức, cho đến người lao động và nông dân.

Tuy nhiên, bức tranh gốc đã biến mất sau năm 1954. Mãi đến năm 2006, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Đông Dương, bức tranh được Đại học Quốc gia Hà Nội nỗ lực phục dựng lần đầu. Phục dụng bức tranh tường này là thử thách lớn, khi chỉ có một nguồn bức ảnh đen trắng từ thư viện Paris làm tư liệu.

Ở lần phục dụng năm 2024 này, các nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ video mapping. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển dự án triển lãm tại Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội lần này giải thích:

“Bức tranh này về bản chất, có thể gần nhất với tranh gốc, gần nhất thôi chứ không phải là gốc. Gốc là bức ảnh đen trắng và nhóm nghệ sĩ nhà nghiên cứu đã tiến hành phỏng dựng lại việc tô màu cho nó bằng AI. Nhưng AI không phải vạn năng. Nhóm đã phải đào tạo huấn luyện để AI tô được đúng chất màu sơn dầu theo bút pháp ấn tượng, từ dữ liệu bản tranh nghiên cứu gốc đang nằm trong nhiều bộ sưu tập trên thế giới”.

Để tái hiện lại bức tranh, nhóm sáng tạo đã sử dụng các bức tranh gốc của Victor Tardieu được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Singapore làm mẫu cho AI học tập.

“Bức tranh này khó ở chỗ là phải khớp với tranh đã chép từ năm 2006, không tránh khỏi những sai lệch nhất định so với bản gốc. Chênh lệch vị trí có nghĩa là chúng tôi cần phải biến đổi cả ảnh gốc này để “làm sai” theo bức tranh sơn dầu chép lại trên tường.

Mapping lần thứ nhất là để đặt vào dùng vị trí của nó. Mapping lần thứ hai là biến ảnh gốc cho AI học màu này, chúng phải điều chỉnh theo bức tranh chép ở trên tường bởi vì nếu lệch hình sẽ bị nhòe và gây hoa mắt. Vì vậy phải mất ba ngày để setup căn chỉnh tọa độ thủ công. Và khi chiếu lên, nó đúng là một cái màn hình của rạp chiếu phim, thậm chí còn xịn hơn”.

Từ đó, bức ảnh tĩnh biến thành video hoạt hình, các nhân vật trong tranh có thể bước ra khỏi khung hình, tương tác với người xem qua chuyển động và âm thanh để kể lại câu chuyện của họ.

Cuộc giao thoa giữa nghệ thuật và lịch sử

Điều đặc biệt của bức tranh sơn dầu lớn nhất Việt Nam này là tất cả 200 nhân vật đều có thật ngoài đời và được họa sĩ Nam Sơn – trợ lý của Victor Tardieu hỗ trợ kết nối. Anh Nguyễn Thế Sơn và nhóm nghiên cứu đã giải mã:

“Về bản chất, bức tranh như một thiên sử và Victor Tardieu chính là người chép sử thời kỳ đó. Tác phẩm còn giá trị hơn cuốn sách sử thông thường. Victor Tardieu mất sáu năm mới hoàn thành bức tranh, từ khi lên ý tưởng đến quá trình nghiên cứu chỉnh sửa và vẽ đi vẽ lại nhiều lần. Ông vẽ và nghiên cứu trực tiếp từng người, sau đó mới chép từng hình vào trong bức tranh tổng thể.

Bức tranh sơn dầu không chỉ là tác phẩm nghệ thuật hiện đại lớn nhất thời kỳ đó, mà còn là hành trình thời gian, đưa người xem trở về những năm tháng đầu của thế kỷ 20. Tác phẩm hiện thân cho một xã hội biến động với các nhân vật thể hiện nhiều ngành nghề mà Đại học Đông Dương đào tạo vào những năm sau đó”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm