LĂNG TỰ ĐỨC: CÔNG TRÌNH LĂNG TẨM ĐẸP NHẤT THẾ KỶ XIX CỦA TRIỀU ĐẠI NHÀ NGUYỄN

Sẽ thật thiếu sót nếu bạn đặt chân đến Cố đô Huế mà không thăm lăng Tự Đức. Quần thể lăng tẩm này vừa trở thành di tích lịch sử đầu tiên của Việt Nam góp mặt trong bảo tàng số hóa 3D của Google Arts & Culture.

Triều đại nhà Nguyễn đã trải qua 143 năm với 13 đời vua. Tuy vậy, chỉ có 7 lăng tẩm được xây dựng và bảo tồn đến ngày nay. Trong số đó, lăng Tự Đức, hay Khiêm Lăng, là công trình lăng tẩm đẹp nhất của vương triều Nguyễn. Đó là nơi an giấc ngàn thu của vị Hoàng đế thứ 4 của nhà Nguyễn – Tự Đức. Ông có thời gian tại trị lâu nhất trong triều đại phong kiến này. Khoảng 36 năm từ 1847 đến 1883.

Lăng tẩm của vị vua sùng Nho giáo

Chiếu theo quan niệm triết học phương Đông “Sinh ký tử quy”. Bậc quân vương sau khi lên ngôi đều sớm nghĩ đến việc xây dựng lăng tẩm cho mình. Ai cũng có ý niệm rằng, cuộc sống trần gian là chốn tạm bợ. Thế giới bên kia mới là cõi vĩnh hằng. Vua Tự Đức cũng không ngoại lệ. Ông chọn cho mình mảnh đất thơ mộng trong một thung lũng hẹp. Thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh, nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế.

Sơ đồ tổng thể Lăng Tự Đức

Nổi danh là ông vua có tâm hồn thi ca, nhiều mộng tưởng, lăng Tự Đức được mô tả tựa bức tranh sơn thủy hữu tình. Người thưởng ngoạn dễ choáng ngợp với địa hình bao quanh bởi sông núi hùng vĩ. Cùng nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của triều Nguyễn. Tháng 12 năm 1993, lăng Tự Đức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Sự biến mất của cái tên Vạn Niên Cơ

Lăng Tự Đức trải qua nhiều tên gọi gắn với từng thời điểm lịch sử. Lăng được khởi công xây dựng vào năm 1864 với tên gọi ban đầu là Vạn Niên Cơ. Cái tên mang ý nghĩa về một công trình mãi trường tồn. Thời gian ước định hoàn thành lăng là trong vòng 6 năm. Nhằm rút ngắn tiến độ dự định, hàng trăm nghìn thợ thuyền, dân phu và binh lính phải quần quật lao động trong điều kiện khắc nghiệt. Điều này dẫn đến cuộc khởi nghĩa Chày Vôi (năm 1866) do Đoàn Hữu Trưng khởi xướng. Những dân binh vùng lên bằng chính công cụ lao động thô sơ thời bấy giờ – chày vôi.

Tuy cuộc nổi loạn thất bại, song thanh danh vua Tự Đức bị ảnh hưởng nặng nề. Từ đó mà dân gian ta có câu:

Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân

Để xoa dịu sự phẫn uất trong nhân dân, vua Tự Đức phải viết điếu trần tình. Đồng thời, vua đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung. Theo sử sách, “Khiêm” ở đây có nghĩa là cung kính/nhún nhường. Mọi công trình lớn nhỏ trong lăng đều mang chữ “Khiêm”. Năm 1873, Khiêm Cung mới chính thức được hoàn thành. Sau khi vua Tự Đức băng hà vào năm 1883, lăng được gọi là Khiêm Lăng.

Kiến trúc lăng Tự Đức, cái nhìn toàn cảnh

Những cây cầu dẫn ta đến rừng thông xanh biếc bạt ngàn

Mặt bằng kiến trúc lăng Tự Đức là vòng 12ha, gồm 50 công trình lớn nhỏ dàn trải. Quần thể lăng được chia thành hai phần chính: tẩm điện và lăng mộ. Lăng là nơi an táng thi hài vua, tẩm là hành cung nơi vua làm việc và giải trí. Hai khu vực này được bố trí song song nhau.

Điều đáng nói, thuật phong thủy được xem như yếu tố phải tuân thủ triệt để trong kiến trúc lăng tẩm xưa. Thế nên, lăng Tự Đức cũng hội tụ các yếu tố đại cát. Gồm có: minh đường huyền thủy, tiền án hậu chấm, sơn triều thủy tụ. Phía trước lăng có núi Giáng Khiêm làm tiền án. Phía sau là núi Dương Xuân làm hậu chẩm. Minh đường chính là hồ Lưu Khiêm.

>>> Xem thêm: CÔNG VIÊN ẤN TƯỢNG HỘI AN: NÀNG THƠ TRÊN MIỀN DI SẢN

Hồ Lưu Khiêm vốn là một con suối nhỏ chảy trong khu vực lăng, được đào rộng thành hồ. Hồ vừa mang ý nghĩa phong thủy thiêng liêng, vừa là nơi thả hoa sen tạo cảnh. Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm rợp bóng cây xanh. Trên đảo, vua cho trồng hoa và tạo những hang nhỏ để nuôi các loại thú hiếm. Đồng thời, bên bờ hồ Lưu Khiêm còn có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ. Đây là hai công trình nhà tạ được dựng trên mặt nước. Ba cây cầu bắt qua hồ là Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm. Chúng dẫn ta đến đồi thông xanh bạt ngàn, gió vi vu.

XUNG KHIÊM TẠ VÀ DŨ KHIÊM TẠ: Bên bờ hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ – hai nhà thủy tạ nơi vua thường lui tới để ngắm hoa, vịnh thơ hay đọc sách.

Quang cảnh nên thơ của hồ nước chảy êm đềm, rừng thông xanh biếc, hòa cùng tiếng chim hót. Tất cả khiến toàn cảnh lăng Tự Đức tựa như chốn thần tiên ảo mộng giữa đời thường. Vẻ đẹp bồng lai của lăng Tự Đức đúng như áng thơ sau:

Tứ bề núi phủ mây phong
Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên

Yếu tố phong thuỷ trong lăng 

Yếu tố được tôn trọng triệt để trong lăng Tự Đức là sự hài hòa của đường nét. Không có những con đường thẳng tắp, đầy góc cạnh như các kiến trúc khác. Con đường lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm, đi qua trước Khiêm Cung Môn. Rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ. Con đường khuất vào những hàng cây sứ đại thụ ở gần lăng Hoàng hậu Lệ Thiên Anh.

HÌNH TƯỢNG ‘CÁ HÓA RỒNG’ TRÊN MÁNG XỐI Ở XUNG KHIÊM TẠ: Trong kiến trúc triều Nguyễn thường xuất hiện hình con cá đang há miệng làm máng xối. Nghệ nhân xưa đặt hai con cá trong bố cục đối xứng nhau qua góc mái chầu, bằng chất liệu nề vữa đắp nổi, khảm sành sứ bên ngoài. Cá mang những đặc điểm của đầu rồng cách điệu như hai mắt xoắn ốc lồi lên, miệng há to, mũi tròn nhẵn. Theo tư tưởng Nho giáo, cá gắn với biểu tượng của nguồn nước, mang sự may mắn, báo hiệu điềm lành và sự trường thọ.

Hình tượng chữ “thọ” với bố cục hình tròn mang ý nghĩa phúc thọ, xuất hiện khắp nơi trong lăng Tự Đức.

Khu tẩm điện

Qua khỏi cửa Vụ Khiêm và miếu thờ Sơn Thần là khu điện thờ. Nhìn từ phía tay trái là Chí Khiêm Đường, khu vực thờ các bà vợ vua. Tiếp đến là ba dãy tam cấp bằng đá nhà Thanh dẫn vào Khiêm Cung Môn. Hay còn gọi là cổng Tam Quan. Công trình hai tầng này được xây dạng vọng lâu, có thế đối đầu với hồ Lưu Khiêm ở đằng trước.

KHIÊM CUNG MÔN (CỔNG TAM QUAN): Công trình hai tầng này được xây dạng vọng lâu. Kiến trúc mái ngói của Khiêm Cung Môn mang dáng “mũi hài” (dạng mái hình thuyền), đặc trưng của nhà Nguyễn.

Tầng trên của Khiêm Cung Môn là nơi vua thường vọng cảnh đất trời mỗi lúc có thời gian nhàn rỗi. Hai bên tả hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho bá quan văn võ theo hầu. Chính giữa là điện Hòa Khiêm – nơi vua làm việc. Nay được sử dụng làm chỗ thờ bài vị của vua và hoàng hậu. Nằm sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua. Về sau trở thành chốn thờ tự bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức.

Diềm mái ngói của Khiêm Cung Môn đắp tác hình hai con rồng trong tư thế “lưỡng long chầu nguyệt” (biểu tượng cho tâm linh thần phục thánh thần).

Khiêm Cung được xem như hành cung thứ hai của vua Tự Đức, bởi sinh thời nhà vua ở đây còn nhiều hơn cả ở Đại Nội.

Minh Khiêm Đường

Dấu ấn đặc biệt trong khu tẩm điện chắc chắn phải kể đến Minh Khiêm Đường. Công trình mang giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc này nằm phía bên trái của điện Lương Khiêm. Không chỉ là nhà hát cổ nhất Việt Nam. Minh Khiêm Đường còn là nhà hát duy nhất được xây trong lăng tẩm. Đây cũng là chi tiết khiến lăng Tự Đức khác biệt so với các lăng vua nhà Nguyễn khác.

Hầu hết những vách tường hay cột trống đỡ đều được chạm khắc cầu kỳ với hoa văn nổi bật. Khi nhà hát được đóng kín, bên trong người ta sẽ thắp nến. Ánh nến từ bên dưới hắt lên sẽ tạo nên khung cảnh lung linh huyền ảo.

Khu lăng mộ

Ra khỏi khu vực tẩm điện, đi theo con đường quanh co, khách vãn cảnh sẽ đến khu lăng mộ. Nguyên vật liệu xây dựng ở khu tẩm điện chủ yếu là gỗ. Còn khu mộ địa lại được xây bằng đá nhà Thanh.

Bái Đình (sân chầu) mở ra khung cảnh uy nghiêm bởi hai hàng tượng quan viên văn võ đứng oai vệ, hùng dũng.

Bước vào Bái Đình (sân chầu), khung cảnh trở nên uy nghiêm. Bởi hai hàng tượng quan viên văn võ đứng oai vệ, hùng dũng. Cuối sân là Bi Đình (nhà bia). Trong đó có tấm bia bằng đá nặng 20 tấn khắc bài “Khiêm Cung Ký”, do chính vua soạn chiếu. Hai bên tấm bia là hai trụ biểu sừng sững, tượng trưng cho uy quyền và tài đức của vua. Phía trên trụ biểu được tạc hình hoa sen. Một biểu tượng Phật Giáo rất thịnh hành trong các công trình kiến trúc thời Nguyễn.

Bi Đình (nhà bia), nơi có tấm bia đá khắc bài “Khiêm Cung Ký”, do chính vua Tự Đức soạn chiếu.

Phía sau Bi Đình là hồ Tiểu Khiêm. Hồ có hình bán nguyệt ,đựng nước mưa, mang hàm ý rửa tội cho linh hồn của bậc đế vương. Bửu Thành – nơi chôn cất thi hài vua Tự Đức, tọa lạc ngay sau hồ. Chính diện của Bửu Thành có cánh cổng hai tầng mái, được khảm sứ cầu kỳ. Mộ vua được xây bằng đá, có hình dáng như một ngôi nhà (thạch thất).

Tuy nhiên, thi hài của vua hiện giờ đang ở vị trí nào thì không một ai biết.

THÔNG TIN BÊN LỀ LĂNG TỰ ĐỨC

Vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Hồng Nhậm)

  • Bảo tàng số hóa 3D là một dự án Di sản Mở (Open Heritage) của Google Arts & Culture, phối hợp cùng CyArk và Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế. Qua đó, các công trình kiến trúc trong lăng Tự Đức được số hóa thành mô hình 3D. Công chúng có cơ hội trải nghiệm những di tích lịch sử này ở không gian 3 chiều. Google Arts & Culture miễn phí cho mọi người với ba phiên bản: website, iOS và Android.
  • “Khiêm Cung Ký” được xem là cuốn tự truyện của vua Tự Đức về cuộc đời mình. Tuy có đến 103 người vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi. Vua đã viết bài văn bia này thay cho bia “Thánh đức thần công” như trong các lăng khác.
  • Năm 2015, Bia Khiêm Cung Ký được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm