Lắng nghe tiếng gia đình ngày Tết

Khác xa với bà hay mẹ mình, chúng ta “cá nhân” hơn, đi xa hơn và có lẽ vì thế, cũng có lúc, chúng ta cần trở về nhà

Cứ mỗi dịp Tết về, bạn bè tôi lại nô nức gọi điện nhắn tin, kể cho nhau nghe kế hoạch đi chơi những đâu. Người thì muốn đi trượt tuyết, người thì muốn tắm nắng ở một bãi biển ngập nắng, người lại muốn lên một cao nguyên mù sương để tận hưởng núi rừng… Cũng phải thôi, cả năm đã vất vả với công việc bộn bề, dịp nghỉ Tết dài ngày quả là rất phù hợp cho việc đi nghỉ xả hơi. Tôi cũng vậy, có khi cả vài tháng nữa mới đến Tết mà tôi đã book xong hết vé máy bay, resort, chỉ chờ đến ngày là xách vali lên đường. Hình như chẳng có ai có hứng thú nói đến chuyện họp mặt gia đình.

Thế nhưng, có một lần, tôi đến nhà thăm một người bạn trước khi chị cùng con trai sang Đức, chuẩn bị chỗ ăn ở để cháu nhập học tại một trường đại học. Trong khi đợi bạn tôi nghe điện thoại, tôi chợt nhìn thấy con trai chị đang ngồi ngắm bà ngoại. Bà đã già, đang tẩn mẩn gọt một quả cau với cử động thật chậm rãi. Thế rồi bà đột ngột nhìn sang, mỉm cười với đứa cháu: “Mai con bay rồi, sao không đi gặp gỡ bạn bè hay chuẩn bị đồ đạc đi?”. Cậu bé chạm khẽ lên bàn tay bà rồi đáp: “Mai con đi rồi nên con muốn nhìn bà, sau này con đi xa, cuối tuần muốn về gặp bà cũng không được”. Câu nói và cử chỉ ấy khiến tôi phải vội quay mặt đi, giấu vội giọt nước mắt đang dâng lên.

BZ_TalkingPoints_giadinh

Cậu bé khiến tôi chợt nghĩ về bà mình. Bà từng vỗ về tôi ngủ hàng đêm, người từng vỗ tay dọa đánh nền nhà khi tôi vấp ngã. Suốt những ngày tuổi trẻ, tôi hết mải mê với chuyện đi học, đi làm, rồi thăng tiến. Khi bà bệnh nặng, tôi và anh trai đều đang ở nước ngoài.

Dù tai không còn nghe rõ và chỉ nằm một chỗ, bà vẫn cố trả lời điện thoại của tôi, giục tôi sớm trở về nhà, sớm lập gia đình, ổn định cuộc sống. Khi trở lại Việt Nam thăm gia đình, tôi chợt nhận thấy mẹ mình cũng đã ở tuổi bà ngày xưa, khi tôi bắt đầu đi học, rụt rè nấp sau chân mẹ ngày đầu tiên tới trường. Tôi thấy thời gian sao mà trôi đi nhanh quá, mái tóc mẹ đã chen đầy sợi bạc. Một cảm giác buồn, có phần như hối tiếc dâng lên trong lòng tôi. Bà và mẹ đã dành phần lớn cuộc đời chờ đợi những đứa cháu, đứa con đi xa trở về nhà, và kể cả khi chúng không về kịp, cũng chẳng bao giờ trách móc.

Song, xúc cảm và sự thức nhận trong khoảnh khắc ấy rồi cũng vụt tan mất. Sáng mai thức dậy, tôi lại bắt đầu quay cuồng trong giấy tờ, họp hành, gặp gỡ khách hàng và những chuyến bay. Mà tôi nghĩ đó cũng chẳng phải là câu chuyện của riêng mình. Có những người bạn của tôi cả tháng chỉ ở với chồng con hai, ba ngày. Có người cả năm chỉ ghé về thăm bố mẹ được dăm ba lần, dù bố mẹ chỉ ở cách chị chừng một giờ lái xe ô-tô. Một đối tác trong lần đi ăn trưa với tôi đã nửa đùa nửa thật mà nói: “Tôi gặp chị còn nhiều hơn cả gặp con gái”. Câu nói của anh khiến tôi giật mình.

Sự bận rộn của cuộc sống hiện đại đang làm mối quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo hơn. Đó là điều không khó để nhận ra. Rất nhiều người phụ nữ vừa nắm quyền điều hành công ty, vừa quán xuyến gia đình. Họ đều muốn tự tay nấu cơm cho chồng con để tận hưởng niềm vui cả gia đình quây quần, trầm trồ khen từng món ăn. Thế nhưng, mỗi ngày lại một việc nảy sinh, có khi về đến nhà, con cái đã đi ngủ từ lâu. Hoặc có hôm nào làm được như vậy, thì chồng cũng bận rộn đến khuya mới xong.
Đôi khi, ngay cả việc tụ họp được cả gia đình đi ăn tại nhà hàng cũng khó. Thế nên, chẳng có gì lạ khi vợ chồng không cần hiểu nhau, con cái dần trở nên xa cách với cha mẹ, và chính những bậc cha mẹ ấy cũng trở nên xa cách với người đã sinh thành ra mình. Câu hỏi được đặt ra là: “Tại sao chúng ta lại bận rộn đến như vậy?”.

Khác hẳn với cha mẹ mình, những người làm gì cũng chỉ nghĩ đến con, tôi thấy thế hệ mình bên cạnh con cái còn có rất nhiều điều khác. Nếu bà tôi vẫn còn nghĩ rằng con gái thì nên dựa vào chồng, giờ đây, với chúng ta, chuyện lo toan tài chính cho con ăn học nên người chỉ là một mục tiêu nhỏ. Mục tiêu lớn hơn còn là khẳng định chỗ đứng của mình trong xã hội, khẳng định năng lực, khẳng định tiếng nói… So với thế hệ của bố mẹ mình, chúng ta có điều kiện vật chất tốt đẹp hơn, nhiều tiền hơn và cũng muốn tách biệt, muốn “cá nhân” hơn.

Khi tài chính dồi dào, chúng ta thay vì phải đi tới một khách sạn trung bình, tắm tại một bãi biển công cộng thì sẽ chọn một resort có bãi riêng, càng yên tĩnh càng tốt. Có điều kiện vật chất, thay vì ở một ngôi nhà chung, bố mẹ con cái đi ra đi vào luôn va phải nhau, chúng ta sẽ ở một biệt thự cỡ lớn, muốn đi từ phòng này sang phòng kia cũng phải rảo bước thật dài. Vợ chồng trước đây phải tận dụng phòng ngủ làm phòng làm việc, nay đã có đủ chỗ để mỗi người có thể ở riêng ra một phòng khi cần.
Và khi đã đạt tới một chức vị, thay vì phải tự tay ghi chép ngày lễ, ngày giỗ của gia đình, ta đã có một cô trợ lý cần mẫn làm tất cả mọi việc. Cô ấy sẽ gửi hoa, gửi quà cho gia đình, bè bạn mỗi dịp sinh nhật, mừng thọ, hiếu hỷ… Không còn phải trực tiếp làm gì, dần dần chúng ta không cần nhớ đâu là dịp cần phải đặc biệt quan tâm tới người thân nữa.

Tất cả những điều ấy đẩy chúng ta xa khỏi gia đình. Song, không phải lúc nào ta cũng có đủ thời gian để nhận ra điều ấy. Mà kể cả có nhận ra, chúng ta cũng đành tặc lưỡi, thôi thì mỗi thời mỗi khác, thôi thì không tháng này thì tháng sau, năm nay chưa kịp làm thì để năm sau làm… Cứ vậy, cứ vậy mãi.

family-reunion

Và rồi mỗi dịp Tết đến, tôi không còn mấy nhiệt huyết với việc đón tiếp họ hàng, trở về nhà ăn cơm với đại gia đình. Thay vào đó, tôi chọn cách đi nghỉ ngơi và cũng mua luôn các gói tour du lịch cho bố mẹ đi chơi. Đơn giản lắm, cô trợ lý đã chọn sẵn cho tôi mấy gói tour phù hợp với người già, tôi chỉ cần xem lại, rồi chọn. Mọi việc liên lạc, đặt chỗ đã có cô ấy lo.

Giờ nghĩ lại, tôi tự hỏi không biết bố mẹ có vui vì được con cái mua cho những gói du lịch sang trọng, đắt đỏ ấy không? Bố mẹ có thực sự tận hưởng những điều tôi mang lại (cùng với sự trợ giúp đắc lực của các công ty cung cấp dịch vụ và cô trợ lý) hay không? Và tôi nghĩ tới bạn bè mình, những người phụ nữ của thế hệ tôi, những người đã làm được những điều mà bà và mẹ của họ không bao giờ nghĩ đến. Liệu tới khi đã xế bóng, chúng tôi có thực sự vui khi trải qua một cái Tết với những dịch vụ tuyệt vời nhưng xung quanh toàn người xa lạ hay không?

Tôi nghĩ là chắc không đâu. Là người Việt Nam, dù ít, dù nhiều trong chúng ta luôn có một chút tinh thần “gia tộc”. Khác xa với những người bạn nước ngoài của tôi, khi kinh tế khó khăn, cuộc sống gặp rắc rối, họ chỉ có một mình đối mặt. Còn tôi, tôi biết sau lưng mình sẽ luôn có gia đình. Sự trợ giúp có khi không phải bằng vật chất, nhưng một lời động viên, một tiếng thở dài thông cảm, cũng đủ nhắc ta biết mình không hề cô đơn.

Và cuối cùng thì điều bố mẹ chúng ta, và có thể chính là chúng ta sau này, mong muốn là một sự sum họp. Dù trong những bữa ăn ngày Tết đông đúc sẽ có ông chú nào đó lên tiếng bảo ban với quan niệm đã rất lỗi thời, có tiếng cha mẹ cằn nhằn sao cả năm chẳng về thăm ai, thì cuối cùng ta vẫn biết tất cả những điều ấy chỉ để nhắc ta rằng: Đây là gia đình. Yêu một gia đình lớn, cũng là cách ta nhắc nhở bản thân, người bạn đời và con cái yêu gia đình nhỏ. Và gia đình sẽ ở đó đợi ta trở về, dù ta mải mê bước lên nấc thang danh vọng hay đi đến phương trời nào.

BZ_TalkingPoints_giadinh-1

Cảnh trong phim Ẩm thực nam nữ

PHIM ẨM THỰC NAM NỮ là một tác phẩm hài hước mà cảm động của đạo diễn Lý An về mối quan hệ gia đình châu Á trong cuộc sống hiện đại. Qua câu chuyện diễn ra quanh bàn ăn gia đình của vị đầu bếp nổi tiếng, phim cho thấy điều giữ lại được mọi giá trị chính là tình yêu và sự cảm thông.

Bài: Hà Hương. Ảnh: Corbis

Xem thêm