Việt Nam trong những năm gần đây đã chính thức tham gia vào “thị trường nhan sắc” quốc tế đầy sôi động. Điều này không có gì ngạc nhiên. Các quốc gia Đông Nam Á và Nam Mỹ vốn nổi tiếng yêu thích các cuộc thi nhan sắc.
Trong quá khứ, nhiều hoa hậu Việt đã điền tên mình vào bản đồ nhan sắc thế giới như Phương Khánh – Hoa hậu Trái Đất 2018, H’Hen Niê, top 5 Miss Universe 2018, Nguyễn Thúc Thùy Tiên – Miss Grand International 2021, Đỗ Thị Lan Anh – Miss Earth Water 2023. Thành công quốc tế của những người đẹp này khiến công chúng Việt Nam càng yêu thích hoa hậu hơn bao giờ hết.
Trong năm 2023, nước ta bùng nổ các cuộc thi nhan sắc. Một thống kê đã chỉ ra rằng, có khi chỉ trong sáu ngày ngắn ngủi, Việt Nam đã có thêm 3 hoa hậu, 12 á hậu. Không thể phủ nhận ưu điểm và giá trị của các cuộc thi nhan sắc. Các hoạt động tràn ngập vẻ đẹp và hào quang giúp xã hội trở nên vui tươi và sôi động hơn. Các người đẹp sải bước trên sàn diễn cũng khơi dậy những đam mê, khao khát trong lòng các bạn trẻ. Những thông điệp tích cực của các cô gái đẹp ít nhiều đi vào lòng người, dấy lên những suy nghĩ của công chúng về trách nhiệm và khả năng sáng tạo của bản thân.
Có thể kể đến các cuộc thi uy tín, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những đất nước đáng chú ý trên bản đồ sắc đẹp thế giới, như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Trái đất Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Siêu Quốc gia Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam… Từ đây, nhiều đại diện nhan sắc Việt bước ra thế giới, góp mặt và gặt hái những thành tích đáng ghi nhớ tại các cuộc thi nhan sắc, đặc biệt là Big 4: Miss Universe, Miss World, Miss International và Miss Earth.
Bên cạnh những cuộc thi uy tín, còn nhiều lắm những cuộc thi nhỏ, tổ chức qua loa, thiếu chuyên nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cuộc thi nhan sắc chuyên nghiệp. Làm thế nào để các cuộc thi nhan sắc duy trì chất lượng trong bối cảnh “ra đường gặp hoa hậu” hiện nay?
Kỷ nguyên mới đầy tính cạnh tranh
Trước đây, Việt Nam không có nhiều cuộc thi hoa hậu lớn. Nổi tiếng và lâu đời nhất chỉ có Hoa hậu Việt Nam (gốc từ Hoa hậu báo Tiền Phong), Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và Hoa hậu Thế giới Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, ngành công nghiệp nhan sắc Việt bước vào kỷ nguyên mới. Phía sau mỗi cuộc thi phải có một nhà tổ chức chuyên nghiệp. Unicorp và Unimedia nắm giữ bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và Miss Cosmo. Sen Vàng tổ chức Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Thế giới Việt Nam. Elite Việt Nam hiện đang nắm giữ bản quyền Miss Universe Vietnam. Một nhân tố mới vừa gia nhập đường đua nhan sắc là TNA Entertainment của diễn viên Trương Ngọc Ánh, với Miss Earth Vietnam.
Bên cạnh các cuộc thi lớn này, còn muôn vàn cuộc thi khác, khó có thể liệt kê được. Để chuẩn bị cho một cuộc chiến tài năng và sắc đẹp, các cô gái phải chuẩn bị lâu dài cả về sức khỏe, học vấn, và tài chính. Nhưng nếu “tham chiến” ở những cuộc thi thiếu chuyên nghiệp, ngay cả khi đăng quang, họ cũng “lỗ” nhiều hơn “lãi”, không chỉ về đầu tư mà cả về danh tiếng.
Cuộc thi sắc đẹp cần một ADN rõ ràng
Như đã nói ở trên, do tình trạng bão hòa các cuộc thi, lượng người đẹp lại không đủ. Từ cuộc thi này qua cuộc thi khác, công chúng rất thường gặp những gương mặt cũ rích, từng “chinh chiến” trong quá nhiều cuộc thi. Ở cuộc thi nào, họ cũng na ná nhau, do đó không thu hút được công chúng.
Không thể trách công chúng “chóng chán”. Bản chất của con người là yêu cái đẹp và liên tục tìm kiếm cái mới, cái lạ. Để giữ được vị thế của mình, không chỉ các cô gái đẹp, ngay cả mỗi cuộc thi nhan sắc cũng phải tìm ra điểm nhấn khác biệt của mình.
Ví dụ: Hễ nói đến cuộc thi Vietnam Next Top Model, người ta hiểu ngay cuộc thi nhằm tìm kiếm người mẫu tài năng cho ngành thời trang. Cuộc thi The Face Vietnam tìm kiếm gương mặt ấn tượng cho ngành quảng cáo. Cuộc thi Miss Earth là để tìm đại sứ trong công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Mỗi cuộc thi nhan sắc đều cần có tiêu chí riêng. Người thắng giải là gương mặt đại sứ cho một công cuộc hoặc lĩnh vực riêng mà nhà tổ chức nhắm tới. Trước tiên, công chúng cần được thông báo để hiểu rõ về DNA riêng của từng cuộc thi.
Bên cạnh đó, đổi mới về quy trình tổ chức cũng là vấn đề cần bàn tới. Dù nhiều cuộc thi đã thay đổi format, sản xuất thêm các chương trình truyền hình thực tế với mong muốn mang đến cái nhìn sâu sắc cho công chúng về quá trình trở thành hoa hậu của một cô gái. Nhưng rõ ràng, vẫn khó cạnh tranh với nhiều chương trình giải trí khác. Khán giả luôn quan tâm tới kết quả nhiều hơn là quá trình thí sinh đã trải qua. Chính vì vậy, nhiều giá trị ý nghĩa mà chương trình và thí sinh muốn truyền tải có thể đã bị bỏ qua.
Điều này đòi hỏi các tổ chức chuyên nghiệp và có kinh nghiệm lâu năm, nghiên cứu các số liệu để có thể tìm ra cách giúp cuộc thi “bùng nổ” hơn trong những lần tổ chức sắp tới.
Cống hiến cho cộng đồng
Trong thời đại mới, nhận thức về vẻ đẹp và giá trị của người phụ nữ trở nên đa chiều. Các cuộc thi nhan sắc cần truyền tải những thông điệp tích cực và nữ quyền.
Năm 2022, nữ tỉ phú Anne Jakkaphong Jakrajutatip, chủ nhân mới của Miss Universe, cho phép phụ nữ thuộc nhiều lứa tuổi và tình trạng hôn nhân đều có thể tham gia cuộc thi. Bà chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng phụ nữ nên có quyền tự quyết trong cuộc sống”. Quyết định này tạo ra một tiền lệ chưa từng có, phản ánh tinh thần tiến bộ trong xã hội hiện đại.
Miss Universe 2021 Harnaaz Sandhu liên tục bị công kích về ngoại hình. Không lùi bước trước những nhận xét tiêu cực, cô đáp trả và khẳng định giá trị của bản thân. Cô làm rõ vai trò tích cực của cuộc thi nhan sắc trong việc thúc đẩy sự tự tin và đa dạng vẻ đẹp cho phụ nữ.
Các cuộc thi nhan sắc, một khi đặt trọng tâm vào những vấn đề xã hội và cống hiến cho cộng đồng, mới thực sự tạo ra kết nối mạnh mẽ với công chúng.
ĐỌC THÊM:
CHỊ ĐẸP ĐẠP GIÓ RẼ SÓNG: 30 CHƯA PHẢI LÀ HẾT
HÀNH TRÌNH “ĐẠP GIÓ RẼ SÓNG” LÀ VƯỢT QUA BẠO LỰC MẠNG
THE NEXT GEN: THẾ HỆ KẾ NGHIỆP MANG ĐẾN LÀN GIÓ MỚI CHO DOANH NGHIỆP GIA ĐÌNH
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar