PHẪU THUẬT CHỮA XỆ MÍ MẮT: ĐỪNG XEM THƯỜNG BIẾN CHỨNG

Khi cả mỹ phẩm chống lão hóa và kỹ thuật trang điểm không thể cứu vãn đôi mắt bị xệ mí, "dao kéo" ở vùng mắt chính là giải pháp. Song, cần lưu ý gì khi phẫu thuật?

Khi đôi mắt kém sắc, sự tự tin của phái đẹp cũng giảm đi

Khoảng từ 40 tuổi trở đi, người phụ nữ bắt đầu đối diện với một mối bận tâm hiện diện ngay ở khu vực vốn được ưu ái gọi là “cửa sổ tâm hồn”, đó là xệ mí mắt. Nhiều chị em chia sẻ, mỗi ngày khi soi gương, họ cảm giác rõ mí mắt chùng xuống dần. Mặc dù đã cố gắng trang điểm để khắc phục hay dưỡng da vùng mắt nhưng rất khó cải thiện và che giấu khuyết điểm này.

NGUYÊN NHÂN XỆ MÍ MẮT

Bác sỹ Nguyễn Phan Long (Bệnh viện Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hiệp Lợi) cho biết: Xệ mí xuất phát từ cả bên trong lẫn phía bên ngoài cơ thể. Nhóm xệ mí thứ nhất là do ngoại lực tác động mạnh từ bên ngoài khiến cho mí bị chấn thương. Nhóm xệ mí thứ hai thường gặp ở người tuổi trung niên, khi cơ thể bắt đầu lão hóa với ba biểu hiện:

  • Da teo tạo ra những nếp nhăn chùng, mỏng, lỏng lẻo, che phủ nếp mí trên, chùng xệ nhiều sẽ che cả khe mí, cản trở tầm nhìn.
  • Ở mí dưới, lão hóa gây nhão da và mô mí dưới da, nhão cả cơ vòng gây lật mí, mô mỡ hốc mắt thoát vị ra phía trước do vách ngăn yếu, tạo hình ảnh phì đại lồi túi mỡ mí dưới.
  • Xệ mí do dư mỡ ở mí mắt.

GIẢI PHÁP CHỮA XỆ MÍ MẮT

phau-thuat-tham-my-mat

Làn da ở vùng mắt mỏng nhất trên cơ thể, do đó, bác sỹ thực hiện phẫu thuật phải cực kỳ khéo tay và thuần thục. Ảnh mang tính chất minh họa

Theo bác sỹ Nguyễn Phan Long, phẫu thuật là một phương cách giải quyết chứng xệ mí. Đối với mí trên, động tác đầu tiên là rạch một đường da. Vì da mí mắt trên chỉ dày 2mm nên bác sĩ phải cực kỳ khéo tay và thuần thục. Bước tiếp theo là bỏ bớt dải tổ chức dưới da, lấy bớt dải cơ vòng mi, bộc lộ các túi mỡ và lấy bớt mỡ dư.

Phẫu thuật viên phải xác định chính xác các túi mỡ và lấy ra lượng mỡ phù hợp với từng khuôn mặt để sau khi lành có ổ mắt đẹp tự nhiên, không bị biến dạng. Tiếp theo là cắt dải da dư. Khâu vết mổ lại theo thứ tự: khâu phục hồi vách túi mỡ, sau đó khâu mép da với nhau.

Để phẫu thuật xệ mí mắt dưới có hai phương pháp chính. Nếu da không nhăn chùng nhiều và người bệnh chỉ bị thoát vị túi mỡ (túi mỡ lộ lên mặt da), sa mỡ khóe mắt thì chỉ cần rạch đường kết mạc lấy mỡ ra. Thực hiện phương cách này sẽ tránh sẹo và phù nề.

Đối với trường hợp da nhăn nhiều, sa túi mỡ hốc mắt thì phải phẫu thuật, tái tạo mí dưới hoặc tái tạo da mí dưới gò má. Đường rạch da sát mí dưới, cắt bớt cơ vòng mí dưới, cắt bớt túi mỡ mí dưới (3 túi), bóc tách mỡ và cơ vùng gò má để xóa rãnh lệ.

BIẾN CHỨNG CÓ THỂ GẶP KHI PHẪU THUẬT MÍ MẮT

doi-mat-xe-mi

Nguyên nhân dẫn đến xệ mí xuất phát từ cả bên trong lẫn phía bên ngoài cơ thể

Khi phẫu thuật chữa xệ mí, mức độ thành công không thể nào tuyệt đối. Các biến chứng từ nhẹ cho đến nặng có thể xuất hiện ngay tức thì, bao gồm:

  • Rụng lông mi: Trong lúc phẫu thuật, nhất là với mí mắt dưới, có thể một số lông mi bị cắt đứt hoặc bị rụng. Sau một thời gian lông mi sẽ mọc lại bình thường.
  • Sưng bầm: Sau khi giải phẫu mắt thường sưng nhẹ, có thể bầm tím da vùng mắt. Hiện tượng sưng giảm dần và hết sau 3–5 ngày. Vết bầm nếu có sẽ hết
    hẳn sau 1 tháng.
  • Mắt nhắm không kín: Nguyên nhân của tình trạng này có thể do cắt bỏ quá nhiều tổ chức căn cơ và mỡ ở mí mắt hoặc do cắt bỏ da mí quá mức cần thiết.
  • Tổn thương ống tuyến lệ: gây hiện tượng chảy nước mắt thường xuyên.
  • Sẹo: Do đường rạch da của bác sỹ không đẹp, kỹ thuật may không tốt hoặc kỹ thuật tốt nhưng cơ địa bệnh nhân không thuận lợi trong quá trình lành sẹo, dẫn đến sẹo lồi và xấu.

Theo: Shape

Xem thêm