Mái tóc xơ gãy, dễ rụng? Có lẽ vì thói quen ăn uống quá mặn của bạn

Ngoài yếu tố gen di truyền thì thói quen sống cũng rất quan trọng để mang lại mái tóc khỏe, bóng mượt

Vì sao ăn mặn gây rụng tóc, và cách chữa trị

Bạn không hề tẩy hay nhuộm tóc. Bạn chăm dưỡng tóc hàng ngày. Mỗi khi gội đầu thì rất đầy đủ, dầu gội xả và kết thúc với giấm xả tóc. Cuối tuần lại ủ tóc với dầu dừa. Nhưng mái tóc của bạn vẫn mỏng và dễ rụng. Vì sao? Đối với nhiều người, mái tóc mỏng dễ rụng là yếu tố gen di truyền. Nhưng với người khác, lý do là vì thói quen sống hàng ngày thiếu lành mạnh. Một thói quen xấu gây rụng tóc chính là ăn mặn.

Vì sao thói quen ăn mặn gây rụng tóc?

Muối là một gia vị đậm đà cho bữa ăn thêm ngon. Nhưng quá nhiều muối lại gây nên hàng loạt tác hại cho sức khỏe. Từ việc tăng huyết áp, dẫn đến khả năng bị bệnh tim mạch, và đồng thời có thể gây rụng tóc.

Khi chúng ta ăn quá mặn, cơ thể liên tục khát nước, khiến chúng ta uống nước nhiều hơn và vì vậy cũng đi tiểu nhiều hơn. Quá trình này giúp cơ thể đào thải muối. Nhưng nó còn đào thải một chất quan trọng khác: Kali.

Kali là một khoáng chất quan trọng giúp cơ thể vận hành trơn tru. Ngoài việc giúp các nội tạng như tim và thận làm việc hiệu quả, kali cũng quan trọng để kích thích mọc tóc. Mà khoáng chất này có thể bị mất qua đường nước tiểu.

Khi cơ thể chúng ta không đủ kali (còn gọi là bệnh giảm kali huyết – hypokalemia), một triệu chứng đi kèm là rụng tóc hàng loạt. Đây là vì lượng muối thừa trong bữa ăn hàng ngày bị đọng lại trong chân tóc. Nó ngăn ngừa nang tóc hấp thụ các dưỡng chất quan trọng. Về lâu ngày, tóc của bạn sẽ khô, xơ xác và rụng hàng loạt.

Bổ sung kali để chống rụng tóc do ăn mặn

Ảnh: Instagram @ffitomatoes

Theo hướng dẫn từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, một ngày, chúng ta chỉ nên nạp vào cơ thể ít hơn 2300 milligram muối. Còn phái đẹp tuổi trung niên (từ 50 tuổi trở lên), mắc những bệnh về thận, huyết áp cao, tiểu đường, thì chỉ nên dùng ít hơn 1500 milligram.

Thực đơn Việt, với các món kho mặn và chấm nước mắm, rất dễ khiến chúng ta bị vượt chỉ tiêu này. Những món ăn vặt, từ khoai tây chiên cho đến các loại hạt rang kèm muối, cũng tích trữ lượng muối kha khá. Những món ngọt của Tây phương, như bánh ngọt hay kem, cũng chứa ít muối để làm tăng vị ngọt. Cộng dồn lại cả ngày, và bỗng nhiên ta nhận ra rằng: ồ, mình đang nạp quá nhiều muối vào cơ thể.

Để tránh tình trạng ăn mặn gây rụng tóc, hãy tăng cường nạp các loại thực phẩm giàu kali vào bữa ăn hàng ngày.

Có một mối quan hệ mang tính chất cân bằng giữa muối và kali. Trong cơ thể chúng ta, muối (sodium) và kali đều thuộc dạng ion dương. Trong thận của chúng ta có một bộ phận xử lý hai khoáng chất này. Ion dương của kali có thể thay thế ion dương của muối. Khi nạp nhiều kali hơn, thận sẽ giúp cơ thể thay thế ion muối bằng ion kali, giúp đào thải muối nhanh hơn.

Những món ăn giàu kali

  • Trái cây: chuối, cam, dưa gang, mơ, bưởi
  • Rau củ: các loại rau lá như rau chân vịt hay cải xoăn kale, bông cải xanh, nấm, khoai tây, khoai lang, dưa leo, bí đỏ
  • Các loại đậu: đậu tây, đậu nành
  • Các loại cá: cá ngừ, cá thờn bơn, cá hồi
  • Sản phẩm bơ sữa như: sữa bò tươi và sữa chua không đường

Ủ tóc bằng mặt nạ thiên nhiên để bổ sung kali

Một biện pháp nữa để bổ sung kali cho mái tóc bạn là qua biện pháp ủ tóc. Đây là một ý hay cho ngày thư giãn cuối tuần tại nhà.

Nguyên liệu làm mặt nạ tóc:

Chuối, một quả
Dưa vàng nhỏ, 1/8 quả. Bỏ vỏ và hạt.
Sữa chua không đường, 2 thìa canh
Dầu ôliu, 1 thìa canh

Thực hiện: Xay nhuyễn các nguyên liệu trên. Đắp lên mái tóc khô, chưa gội. Dùng lược chải để hỗn hợp thấm đều vào sợi tóc. Ủ từ 15 đến 20 phút. Sau đó gội và xả lại như bình thường.

>>> Xem thêm: BẠN ĐÃ BIẾT CÁCH DƯỠNG TÓC VỚI CÀ PHÊ ĐỂ CÓ SUỐI TÓC ĐEN NHÁNH, SUÔN MƯỢT?

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm