Mùa Xuân Hè 1999, Lee Alexander McQueen và thương hiệu mang tên mình làm rung chuyển thế giới thời trang với khoảnh khắc người mẫu Shalom Harlow bước ra trong chiếc váy trắng. Cô xoay tròn trên sàn diễn bằng gỗ, hai cánh tay rô-bốt phun sơn lên váy, biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật ngay trước mắt công chúng. Khi ấy, màn trình diễn của Alexander McQueen trở thành những gì “không tưởng”, “điên rồ bậc nhất” trong giới thời trang.
>>> XEM LẠI: NHỮNG MẪU THIẾT KẾ GÂY SỐC NHẤT CỦA NHÀ THIẾT KẾ ALEXANDER MCQUEEN
Năm 2009, Lady Gaga nổi tiếng toàn cầu với bản hit Bad Romance. Ngoài âm nhạc, phong cách trang điểm đôi mắt búp bê hay thời trang Alexander McQueen phủ sóng MV đã đi vào lịch sử thời trang. Giọng ca Paparazzi cho hay thời trang của cô trong Bad Romance nhằm làm nổi bật hình tượng kẻ độc tài. Phong cách dị biệt của Lady Gaga khi ấy trở thành chủ đề toàn cầu.
Tiếp đó là những trang phục như chiếc váy từ thịt bò tươi năm 2010 hay váy ren che toàn bộ cơ thể. Người yêu thích nhiều nhưng công chúng chỉ trích cũng không ít bởi phong cách tiên phong, nổi loạn và xa lạ với đại chúng ấy của nữ ca sĩ.
>>> ĐỌC NGAY: LADY GAGA THẮNG ĐẤU GIÁ 3 ĐÔI BỐT CÀNG CUA CỦA ALEXANDER MCQUEEN
Tua nhanh qua một thập kỷ cùng với sự ra đi của Lee Alexander McQueen, năm 2015, bảo tàng Victoria and Albert tổ chức triển lãm Savage Beauty, trưng bày những tác phẩm thời trang kinh điển của Alexander McQueen. Đây là triển lãm thành công nhất trong lịch sử bảo tàng với hơn 480.000 vé bán ra, thu về 3 triệu bảng Anh. Savage Beauty thậm chí còn thành công hơn triển lãm về David Bowie, tượng đài âm nhạc thế giới. Show diễn Alexander McQueen Xuân Hè 1999 cũng trở thành một trong những khoảnh khắc kinh điển của thời trang thế kỷ 20.
Còn về phần Lady Gaga, bây giờ cô đã trở thành một nữ ca sỹ nhạc pop chính thống, góp phần định hình làng âm nhạc thế giới.
Hai ví dụ trên cho chúng ta thấy trong thời trang và nghệ thuật, những giá trị từng được xem là nổi loạn, dị biệt sẽ có ngày trở nên chính thống, đại chúng, hay thậm chí là kinh điển. Câu hỏi đặt ra là khi nào, đâu là ranh giới cho những giá trị được gắn nhãn dị biệt – chính thống?
Khi nào những giá trị dị biệt trở thành đại chúng?
Chúng ta đang sống trong thời đại web3, nơi mạng xã hội, Bitcoin và công nghệ blockchain bùng nổ. Từ khi phong trào #MeToo hay Black Live Matter nổ ra, thế giới chứng kiến một cuộc cách mạng mới, khi cuộc đấu tranh của các cộng đồng thiểu số, nổi loạn trở thành chuẩn mực xã hội. Đó là các cuộc đấu tranh cho nữ quyền, bảo vệ môi trường, chống phân biệt chủng tộc hay kỳ thị đồng tính… Thực chất, các phong trào này đều manh nha từ thập niên 1970, 80, 90 và lan rộng ra toàn cầu trong thời đại này.
Khi nào một yếu tố được xem là điên rồ, nổi loạn? Điều này nằm ở các giá trị và nguyên tắc chúng hướng đến. Các nhóm thiểu số hay một cá nhân – bởi sự dị biệt của mình – thường sẽ tách khỏi đám đông. Họ không tuân theo những quy chuẩn thường thấy của xã hội.
Ở đây, có thể là show diễn của Alexander McQueen mà chúng tôi đã nói ở đầu bài, hay các trang phục của Lady Gaga. Tính dị biệt còn có thể như cách bậc thầy Yohji Yamamoto sử dụng người mẫu từ mọi độ tuổi, sắc tộc thay cho quy chuẩn những “người mẫu size 0” thường thấy của làng thời trang. Đó cũng có thể là cách Balenciaga để người mẫu trình diễn trong một cơn bão giả lập trong mùa Thu Đông 2022, hay cách Daniel Roseberry để người mẫu bế búp bê Y2K trong show diễn Schiaparelli Haute Couture Xuân Hè 2024 vừa qua.
Dị biệt, yếu tố cần thiết trong thời trang và nghệ thuật
Sự khác người – hay không giống với số đông ấy – giúp các nhà sáng tạo nổi bật. Trước tiên, công chúng sẽ nhớ đến họ bởi sự khác biệt. Cùng với sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội, cá tính độc bản của người sáng tạo sẽ được nhân rộng và thảo luận. Khi họ ngày càng kiên định với lý tưởng, phong cách sáng tạo của mình, mặc cho chúng có theo quy chuẩn hay không, cá tính sẽ càng rõ ràng.
Khi thời gian qua đi, sự nổi loạn không tuân theo theo quy chuẩn đám đông lại trở thành bản sắc và là phương tiện bày tỏ cá tính cá nhân. Điều này cực kỳ cần thiết trong ngành thời trang và sáng tạo. Đó cũng chính là lúc những giá trị từng được xem là “dị biệt” lại trở thành yếu tố tiên phong, được số đông chấp nhận và trở thành một phần của văn hóa đại chúng.
“Những quy chuẩn đặc biệt dành cho nghệ sĩ xuất phát từ niềm tin rằng, tài năng thiên bẩm đặt họ nằm ngoài những quy chuẩn xã hội như số đông. Điều đó có nghĩa là, việc tuân thủ những quy chuẩn sẽ đánh mất đi tính độc bản của người nghệ sĩ”.
– nhà xã hội học người Mỹ, Howard S. Becker chia sẻ trong cuốn sách Art Worlds (1982).
Năm 2016, Bob Dylan nhận giải Nobel Văn học. Khi ấy, có ý kiến cho rằng liệu danh ca có thực sự viết văn? Nhưng có một điều chắc chắn, ông chính là giọng ca tiên phong, từng được xem là nổi loạn trong thập niên 1960 và 1970. Năm 1962, Bob Dylan ra mắt trước cả The Beatles và The Rolling Stones.
Ông trở thành giọng ca tiên phong cho trào lưu tuổi trẻ nổi dậy đương thời. Những ca khúc của ông đã đặt nền móng cho văn hóa hippie nở rộ. Sự nổi loạn của người nghệ sĩ đôi khi còn nằm ở tầm nhìn và trí óc tiên phong của họ. Điều này khiến các giá trị họ mang đến, vì quá tân tiến, nên không phù hợp với đám đông đương thời.
Vượt qua cuộc khảo nghiệm của thời gian
Vượt qua cuộc khảo nghiệm khắc nghiệt của thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, các yếu tố nổi loạn một thời vẫn vẹn nguyên giá trị cho nhiều thế hệ là then chốt để chúng trở thành kinh điển. Việc những giá trị từng được xem là nổi loạn trở thành xu hướng đại chúng không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, trong một vài thập kỷ gần đầy, điều này ngày càng trở nên phổ biến như “chuyện thường ngày ở huyện”.
Điều khác biệt giữa thập niên 1960 và ngày nay là ranh giới rõ ràng giữa dị biệt và phổ thông đại chúng, giữa thiểu số và đa số ngày càng bị xóa nhòa. Công nghệ phát triển sẽ góp phần giúp rút ngắn thời gian để một yếu tố dị biệt nhanh chóng trở nên đại chúng hóa.
Không cần đến năm thập kỷ để được công nhận như Bob Dylan, Balenciaga dưới triều đại Giám đốc Sáng tạo Demna Gvasalia là câu trả lời cho thành công từ dị biệt. Vốn nổi tiếng với phong cách Avant-garde và các thiết kế vị lai, khi tiếp quản Balenciaga, anh đem phong cách dị biệt vào thương hiệu có nền tảng từ Haute Couture này. Trong năm đầu tiên nắm quyền, các thiết kế độc đáo, đậm tính kiến trúc của Demna đưa Balenciaga hồi sinh và chuyển mình rực rỡ. Quý ba năm 2017, Balenciaga trở thành thương hiệu hot nhất thế giới, vượt mặt cả “người anh em” Gucci trong Kering.
Đại chúng hóa, rồi sao nữa?
Khi một giá trị lên ngôi đại chúng, hẳn có một giá trị khác phải nhường ngôi, đây là quy luật tất yếu của cuộc sống. Sự đối lập của mặt hưng thịnh – suy tàn này khiến không ít người hoài nghi, liệu có phải chúng ta đang sống trong một xã hội phủ định, khi văn hóa tẩy chay trở thành một phần quen thuộc.
Nhà xã hội học nổi danh người Pháp, Émile Durkheim cho rằng, xã hội vận hành tựa như một cơ thể sống. Trong đó, từng bộ phận đều có một chức năng riêng để đảm bảo tổng thể được vận hành trơn tru.
Từ quan điểm này, ta có thể thấy rằng, mỗi sự vật hiện tượng đều có ý nghĩa riêng. Khi một yếu tố từng được cho là nổi loạn trở thành đại chúng đồng nghĩa với một giá trị tương đồng thoái trào. Đây là sự phát triển cần thiết, thúc đẩy sự phát triển của ngành sáng tạo hoặc xã hội, tựa như sự xoay vòng của các xu hướng thời trang.
Vậy lời khuyên cho các nhà thiết kế? Đó là hãy kiên định với cá tính sáng tạo của mình, hãy sử dụng trang phục để bộc lộ tài năng thiên bẩm. Và rồi, mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng.
ĐỌC TIẾP:
AVANT-GARDE LÀ GÌ? PHONG CÁCH THỜI TRANG LẬP DỊ CỦA TƯƠNG LAI
CHẤT LIỆU FUTURISTIC: KHI THỜI TRANG GIAO THOA CÙNG CÔNG NGHỆ
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar