Từ lâu, Black Friday và Cyber Monday được biết đến là một trong những ngày lễ mua sắm lớn nhất hành tinh. Nhưng trước làn sóng sống xanh ngày nay, một khía cạnh khác đang được xem xét. Có vẻ như những ngày lễ mua sắm này đang tác động xấu đến môi trường.
Ngày Black Friday là gì?
Black Friday được mệnh danh là ngày lễ mua sắm lớn nhất trong năm. Đây là lúc hầu hết các nhà bán lẻ đều tung ra khuyến mãi hấp dẫn. Vì thời gian khuyến mãi thường chỉ giới hạn trong 24 giờ, Black Friday càng trở nên thu hút.
Không dừng lại ở đó, những nhà kinh doanh còn mạnh tay tạo thêm Cyber Monday, ngay sau Black Friday. Xuất phát từ Mỹ, lễ hội mua sắm này đã lan rộng ra khắp thế giới. Bên cạnh đó, còn có những dịp mua sắm lớn khác ngày lễ độc thân 11/11 của Trung Quốc.
Đằng sau cơn bão mua sắm là nguy cơ môi trường
Sự thật là, mua sắm vô tội vạ không chỉ tiêu tốn tiền của mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Tác động như thế nào phụ thuộc vào nguồn gốc, chất liệu sản phẩm và cách xử lý sau khi dùng. Và trớ trêu thay, chúng ta vẫn thường mua nhiều hơn nhu cầu, đặc biệt dưới tác động của khuyến mãi, giảm giá.
Giáo sư Patsy Perry, giảng viên ngành Marketing Thời trang tại Đại học Manchester cho biết: “Các ngày lễ mua sắm lớn như Black Friday là thời điểm lý tưởng cho các nhãn hàng tăng doanh số. Người tiêu dùng cũng dễ dàng chi tiền hơn vào mùa cuối năm. Tuy nhiên, tất cả những điều này đang đi ngược lại với những gì chúng ta hướng đến. Phát triển bền vững hay sống xanh sẽ trở nên vô nghĩa.”
Con người đang tiêu thụ nhiều hơn gấp 3 lần những gì mà Trái đất có thể cung cấp. Và việc mua sắm quá đà đang làm cho tình hình thêm nghiêm trọng.
Cho ngày thứ Sáu xanh trở lại
Hiểu được điều đó, tổ chức Green Friday đã kêu gọi người dân ngừng mua sắm vô tội vạ. Đây là động thái cho thấy trách nhiệm với môi trường và chính túi tiền cùng tương lai của bạn. Với mong muốn “thay đổi thế giới từ việc mua sắm”, Green Friday phát động nhiều sự kiện tại Pháp. Tuyên ngôn của tổ chức “xanh” này là “mua sắm hợp lý và bền vững”. Sau hơn 2 năm hoạt động, Green Friday nhận được nhiều sự chú ý và hưởng ứng. Hàng trăm nhãn hàng Pháp ủng hộ dự án như Nature&Découvertes, Big Moustache, Faguo. Tham gia Green Friday, hồ sơ doanh nghiệp cũng sẽ được kiểm tra rất kỹ lưỡng. Các tiêu chí hàng đầu là mức độ thân thiện với môi trường và kế hoạch phát triển bền vững.
Green Friday cũng kêu gọi người dân tiêu thụ ít hơn, nhưng hợp lý hơn. Ví dụ như phân loại, sắp xếp, tái chế đồ đạc hoặc cho đi những món đồ ít sử dụng. Theo tổ chức, đây là cách để tạo ra một nền kinh tế xoay vòng, hạn chế tác động đến môi trường.
Green Friday không phải là tổ chức duy nhất lên tiếng về tương lai của Trái Đất. Trước đó, một số doanh nghiệp cũng có động thái vì môi trường và đa dạng sinh học. Nhiều workshop về tái chế và phân loại đồ đạc được tổ chức. Một số khác hỗ trợ người dùng đánh giá tình trạng máy móc điện tử nhằm hạn chế lãng phí và thải rác.
Việt Nam cũng không nằm ngoài câu chuyện khi các ngày lễ mua sắm lớn trong năm ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin rằng lối sống xanh đang từng ngày thay đổi hành vi của người Việt. Cùng hướng tới một cuộc sống thân thiện, bền vững!
Harper’s Bazaar Việt Nam