Bấm thang máy lên tầng cao nhất của một khu nhà sang trọng giữa lòng Sài Gòn đông đúc, tôi gõ cửa căn hộ penthouse của người phụ nữ Bazaar kỳ này – chị Catherine Denoual. Chào đón tôi vào nhà là con gái chị, Louise, cùng hương cà phê thơm lừng, ấm sực, quyện trong tiếng nhạc Bach du dương. Những tưởng khi Catherine bước xuống, chị sẽ xuất hiện trong phục trang lộng lẫy, nhưng tôi đã nhầm. Bước xuống cầu thang là một người phụ nữ với mái tóc đen ngang vai, trong chiếc áo thun cùng quần jeans đơn giản. Như hiểu được sự ngạc nhiên trong ánh mắt tôi, Catherine cười: “Chị không thích mặc quần áo rườm rà đâu, trong bất cứ dịp gì cũng chỉ thích mặc quần jeans thôi”. Quả là một người phụ nữ Paris đích thực, luôn đẹp một cách dễ dàng mà không cần gồng mình cố gắng.
Chiếc tổ kén hướng về sông
Cầm trên tay chiếc ly espresso nhỏ nhắn còn đang bốc khói nghi ngút, tôi vừa nói đôi ba câu chuyện phiếm với Catherine, vừa lặng lẽ ngắm nhìn không gian quanh nhà. Những tông màu từ xám ghi cho đến nâu gỗ sụ phảng phất chút cảm giác trầm lạnh hiếm hoi giữa Sài Gòn nhộn nhịp. Cách chơi màu sắc trọng tính tối giản hé lộ một cách tinh tế với những vị khách về gu thẩm mỹ sang trọng và hiện đại của chủ nhân. Căn hộ tuy rộng thênh thang nhưng Catherine chỉ sử dụng những món trang trí nhỏ. Từng chiếc ghế, kệ tủ cho đến khung giường đều toát lên vẻ thanh mảnh, giản dị. Tuy vậy, những chi tiết đó đều không bị chìm nghỉm trong không gian rộng lớn. Chúng giống như những mảng màu đậm nhạt trong một bức tranh. Khi được người họa sỹ sắp xếp hài hòa, linh hồn của bức tranh sẽ trở nên sống động hơn bao giờ hết.
Catherine tâm sự phòng bếp chính là nơi chị dành nhiều tình cảm nhất. Bởi trong những ngày cả nhà rảnh rỗi, chồng chị sẽ đích thân chuẩn bị bữa tối. Hai mẹ con sẽ cùng nhau trò chuyện rôm rả trong tiếng chạm lanh canh của ly rượu vang. Hương thơm đượm vị hè đầu mùa tươi mới của loại vang trắng từ New Zealand cũng là thức uống đặc biệt của chị, bên cạnh loại vang đỏ Bordeaux truyền thống. “Cả hai vợ chồng đều là người Pháp mà”, chị bật cười hóm hỉnh. Phần lớn phòng khách và bếp sử dụng đá đen và gỗ tự nhiên. Bộ ghế sofa bằng da thuộc màu nâu sáng cùng tấm thảm lông cừu mượt mà càng làm cho ngôi nhà thêm ấm cúng, thoải mái. “Với tôi, nhà là nơi để trở về sau một ngày dài mệt mỏi”, Catherine chia sẻ, “nó như một chiếc tổ kén, một hòn đảo nhỏ của riêng mình”. Có lẽ cũng chính vì vậy mà sắc xanh tràn ngập khắp ngôi nhà, đặc biệt là khu vực ban công với những hàng tre rì rào trong gió.
Khi được hỏi tại sao chị chọn căn hộ penthouse thay vì một ngôi nhà làm tổ ấm, Catherine nói điều duy nhất chị đeo đuổi chính là mong muốn được nhìn thấy dòng sông. Lần đầu tiên chị đến Việt Nam và quyết định định cư cùng người chồng Pháp gốc Việt, hai người đã từng ở trong một căn nhà nằm rất gần bờ sông. Sau khi chuyển vào khu vực gần trung tâm để tiện việc đi lại, chị vẫn nhất quyết tìm một nơi có thể ngắm cảnh dòng nước uốn lượn quanh thành phố hằng ngày. Đưa mắt về phía khung cửa sổ kính chiếm hết mặt nhà hướng về thành phố, Catherine tự hào chia sẻ, vào thời khắc cuối ngày ngôi nhà sẽ đón trọn vẹn cảnh hoàng hôn cực kỳ ngoạn mục khi màu nắng nhuộm đỏ khắp không gian.
Leo lên chiếc cầu thang xoắn hình trôn ốc bằng đá, tôi lại càng thêm phần bất ngờ khi bước vào phòng ngủ với chiếc giường trải drap màu hồng nhạt nền nã. Catherine nhanh chóng giải đáp sự hiếu kỳ của tôi: “Hồng là màu tôi yêu thích nhất vì nó trong sáng như màu của tuổi thơ”. Nói đoạn, chị bật cười: “Vì thế nên tôi chỉ dành riêng màu này cho nơi riêng tư như phòng ngủ”. Theo như lời chị, tông màu ngọt ngào như hồng nhạt làm cho không gian trở nên thư thái và dịu dàng hơn. Phòng ngủ, cũng hệt như những nơi khác trong căn hộ, được Catherine bài trí vô cùng tinh tế và thoáng đãng với bàn trang điểm, tủ sách và những chiếc ghế bọc nệm trắng muốt, êm ái tựa những đám mây.
Từ những món nội thất biết nói
Nói chuyện trang trí nội thất với Catherine như thể chính tôi là nhân vật của một câu chuyện phiêu lưu bất tận, vì từng món đồ trong chính căn nhà này được tìm thấy qua những cung đường chị đặt chân đến. Chỉ về phía bức tượng hình đàn chim hải âu đang chấp chới bay lên, phủ màu sơn đen ấn tượng đặt trên chiếc bàn nhỏ trong phòng khách, Catherine nói đó là món đồ mà chị thích nhất. “Tôi tìm thấy bức tượng trong một cửa hàng đồ cổ tại Paris. Bức tượng được làm từ thập niên 1960 bởi nghệ sỹ người Mỹ Curtis Jere”. Chị cười lớn: “Tuổi của bức tượng có khi còn lớn hơn cả tôi”. Catherine kể chị thường ngắm vật trang trí đặc biệt này mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, vì nó mang đến cho tâm hồn sự thư thái và cân bằng một cách kỳ lạ.
Qua cách chia sẻ của chị về những món trang trí trong nhà, tôi cảm nhận được những tình cảm và lòng nhiệt huyết in sâu trong trái tim chị. Với Catherine, mỗi món đồ là một nhạc cụ, một mảnh ghép để tạo thành một bản hòa tấu rất riêng biệt và đậm dấu ấn cá nhân. Hầu hết chúng đều được Catherine tìm thấy trong các khu chợ trời tại Pháp và Bỉ. Chị thường cùng bạn bè dành buổi sáng Chủ Nhật thảnh thơi rảo bước quanh những sạp hàng nội thất cũ, lắng nghe người bán hàng kể lại gốc tích, tác giả và cuộc phiêu lưu của món đồ đó. Bỗng nhiên, Catherine nhìn tôi hỏi: “Bạn có tin vào sự tái sinh của đồ vật không? Tôi nghĩ rằng mỗi món đồ đều có một cuộc đời trước đó. Chúng từng thuộc về nhiều chủ nhân, phiêu bạt qua nhiều căn nhà, chứa đựng một câu chuyện đầy thú vị và rồi tất cả đều được tái sinh lần nữa tại nhà tôi.”
Suy nghĩ của chị làm tôi khựng lại trong khoảnh khắc. Tôi nhìn quanh từng vật trang trí trong nhà, từ tấm gương khuôn mặt trời mạ vàng đồng trên tường, bức tượng Phật với gương mặt hiền hòa như một đứa trẻ nơi căn bếp, cho đến tác phẩm tượng nghệ thuật hình nhân đặt trước cửa phòng đọc sách. Những món đồ đã thì thầm với Catherine về cuộc đời của chúng và bây giờ, chị kể lại câu chuyện ấy cho tôi nghe. Có lẽ, chúng đều có một tâm hồn riêng chứa đựng những điều tự sự mà chỉ có những người sở hữu một trái tim nhạy cảm mới nhìn thấy và nâng niu. Với người phụ nữ Pháp vốn yêu sự lãng mạn trong cuộc sống này, trang trí nội thất thật sự không chỉ đơn thuần là công việc mà là một niềm đam mê vô cùng mãnh liệt trong tâm hồn chị.
Đến một ước mơ bỏng cháy cho người Việt
Catherine đưa cho tôi xem cuốn sách chị thích đến nỗi cứ đọc đi đọc lại mãi – To Kill a Mockingbird của tác giả Harper Lee. Bằng giọng hào hứng, chị khẳng định chắc nịch: “Cuốn sách là một tuyệt tác văn học về tuổi thơ, sự trong sáng và những trăn trở tâm tư đã gây bão dư luận Mỹ vào thập niên 30 của thế kỷ trước”. Qua những cuốn tiểu thuyết, từng món đồ trang trí nghệ thuật cho đến bộ sưu tập nhạc cổ điển, chân dung chị càng khắc họa rõ nét hơn trong mắt tôi, một người phụ nữ luôn tìm thấy niềm vui, sự lãng mạn tao nhã trong cuộc sống. Tôi bâng quơ hỏi, liệu chị có thấy vất vả không khi hàng ngày mình phải đi tìm những cảm hứng mới. Catherine chỉ mỉm cười: “Nếu mình nghĩ vậy thì sẽ không bao giờ tìm được điều gì thú vị cả. Không phải lúc nào bạn thức dậy với suy nghĩ “À! Hôm nay mình phải có nguồn cảm hứng” thì bạn sẽ tìm được. Nguồn cảm hứng hiện hữu ở khắp nơi và đến một cách tự nhiên. Chỉ cần bạn để ý một chút thôi!”
Có lẽ chính cách sống tự tại cùng những chuyến đi khắp thế giới đã đem đến những góc nhìn mới mẻ và nguồn cảm hứng bất tận cho chị. Để rồi từ đó thương hiệu trang trí nội thất, kinh doanh sản phẩm linen thêu tay mang tên Catherine Denoual Maison Boutique ra đời. Chị vui vẻ kể lại: “Khi ấy tôi đang đi du lịch ở Na Uy. Bỗng nhiên mái ngói đỏ của một ngôi nhà ven đường đã vô tình thu hút tôi. Từ ý tưởng đó, tôi áp dụng cho nhà máy mới xây của mình. Bây giờ, từ xa ai cũng có thể nhìn thấy nhà máy với phần mái đỏ rực nổi bật.”
Nhắc đến những dự định tương lai, ánh mắt của chị sáng lên một niềm vui. Sau hơn 20 năm lưu lại tại mảnh đất hình chữ S này, Catherine đã sống, ăn và ngủ như một người Việt Nam thực thụ. Chị đã nhìn ra và đem lòng yêu những bàn tay lành nghề của những nghệ nhân làng nghề thủ công, yêu cái tâm trong từng sản phẩm và óc sáng tạo tuyệt vời của người Việt. Catherine chia sẻ, không đâu có những sản phẩm thủ công tinh xảo và kỳ công như Việt Nam, dù là ở châu Á, ở Pháp hay bất cứ đâu trên thế giới. Khoảng thời gian 15 năm làm biên tập thời trang cho những tờ tạp chí Pháp danh tiếng như Femme, Madame (tạp chí của hãng hàng không quốc gia Air France) đã ảnh hưởng không nhỏ đến gu thẩm mỹ của chị, đồng thời nhóm lên sự say mê với từng thước vải và cái cách chúng lướt nhẹ trên đầu ngón tay như dòng nước êm đềm.
Nằm trên con đường Hai Bà Trưng sầm uất của thành phố, cửa hàng Catherine Denoual Maison Boutique đã gói gọn cuộc hành trình dài của chị và những người thợ thực hiện họa tiết thêu tay. Đồng hành cùng chị suốt 18 năm nay, họ đã trở thành một phần của thương hiệu. Nhưng sự khắc nghiệt của thời gian buộc chị phải đi tìm những lớp người trẻ chịu tiếp nối công việc này. Đôi mắt đầy tâm sự của Catherine đưa về phía khung kính cửa sổ đang lấp lánh ánh nắng ráng chiều. Bằng tất cả sự quả quyết, chị nói: “Nhất định tôi sẽ tìm được cách để giữ lại và tiếp tục phát triển nghề thêu thủ công của người Việt thêm nữa.”
Dẫu khó khăn vẫn còn rất nhiều trước mắt, đặc biệt là ở một thị trường trẻ và đang trong giai đoạn thay đổi từng ngày từng giờ như Việt Nam, Catherine vẫn không “chịu” đi chậm lại hay chọn một con đường khác dễ dàng hơn. “Theo văn hóa Việt Nam thì tôi cầm tinh con trâu mà”, chị cười giòn tan, “Trong bất cứ việc gì, tôi đều sẽ kiên trì làm hết sức mình và không bao giờ bỏ cuộc”.
DECOR TIPS
BAZAAR: Chị thấy nhà ở Việt Nam thường gặp lỗi thiết kế nào?
Catherine Denoual: Tôi nghĩ lỗi cơ bản nhất là cố gắng đưa quá nhiều món đồ nổi bật vào cùng một chỗ. Trong trường hợp này, “more is more” không phải là một ý kiến hay mà hoàn toàn ngược lại. Bạn nên bắt đầu với những món đồ cần thiết trước, những thứ mình thật sự yêu thích và bắt đầu xây dựng từ đó.
BAZAAR: Những căn nhà ở Việt Nam thường có kích thước khá nhỏ, nên làm thế nào để sử dụng không gian một cách tối đa nhất?
Catherine Denoual: Bạn nên chú trọng nhiều hơn đến những không gian chứa đồ. Đây là nơi rất quan trọng với một căn nhà nhỏ nhưng thường ít được quan tâm đến. Bạn nên xây tủ quần áo âm tường, chọn tủ bếp rộng rãi, tủ giày cao, nhiều ngăn để chứa những vật dụng thường ngày. Hạn chế để nhiều thứ lặt vặt bày khắp nơi quanh nhà để không gian sống ngăn nắp và thoáng mát hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn đồ nội thất nhỏ, thiết kế đơn giản, thanh thoát. Tường và sàn nhà nên lát màu sáng, tiết chế họa tiết.
BAZAAR: Chị có thể chia sẻ cách để tạo một không gian sống xanh hơn không?
Catherine Denoual: Ngay cả trong một căn hộ chung cư giữa lòng thành phố, bạn vẫn có thể dễ dàng đưa cây xanh vào nhà. Tôi thích cây có tán lá lớn hoặc um tùm như một khóm tre chẳng hạn. Việt Nam có rất nhiều loại cây nhiệt đới vô cùng bắt mắt mà bạn có thể trồng trong những chậu đất xung quanh nơi ở. Hoa cũng là một lựa chọn thú vị, tuy nhiên, khuyết điểm của chúng là khó giữ được lâu. Cá nhân tôi rất thích hoa lan vì vẻ đẹp truyền thống, lại tươi lâu nếu chăm sóc cẩn thận.
Bài: Vân Anh
Ảnh: Hải Đông – Trang Điểm Và Làm Tóc: Vinh Trần
Fashion Director: Sarah Nguyễn. Stylist: Emil Ty
Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 11/2016