K-pop biến biểu tình ở Hàn Quốc thành đại nhạc hội

Trong những cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Yoon Suk Yeol diễn ra vào tháng 12/2024, âm nhạc K-pop trở thành công cụ quan trọng

Người biểu tình đêm 9/12 ở Seoul, Hàn Quốc cầm lightstick K-pop và hô khẩu hiệu theo các ca khúc phổ biến. Ảnh: VOA Korea

Người hâm mộ âm nhạc K-pop đã từ lâu quá quen thuộc với việc sử dụng các câu hò (fanchant) và vung gậy phát sáng (lightstick) để ủng hộ cho thần tượng của mình. Tuy nhiên, trong những cuộc biểu tình ở Hàn Quốc diễn ra vào dịp cuối năm 2024, K-pop còn được sử dụng như một công cụ để kêu gọi luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Cảnh tượng chưa từng có trong những cuộc biểu tình chống Tổng thống ở Hàn Quốc

Từ sau ngày 4/12, cả chục nghìn người đã tụ tập ở thủ đô Hàn Quốc để tham gia các cuộc biểu tình yêu cầu ông Yoon Suk Yeol từ chức. Lý do vì tối 3/12, ông bất ngờ ban hành thiết quân luật vào vào đêm 3/12, làm cả nước bàng hoàng và đẩy nền kinh tế lớn thứ tư châu Á vào cuộc khủng hoảng chính trị.

Ngay lập tức, chính phủ đã có cuộc bỏ phiếu luận tội đầu tiên vào thứ Bảy tuần trước, nhưng hành động đã thất bại vì hầu hết các nghị sĩ thuộc đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền của ông Yoon đã tẩy chay phiên họp. Dù cuộc bỏ phiếu này thất bại, người dân xứ Hàn không bỏ cuộc và tiếp tục tham gia các cuộc biểu tình kêu gọi luận tội Tổng thống, mặc cho gió sương lạnh giá và nhiệt độ đã chạm ngưỡng độ âm khi thủ đô Hàn Quốc đã bước vào mùa đông.

Ước tính hàng chục nghìn người đã xuống đường ở Seoul, đứng ngoài tòa nhà Quốc hội để hô vang khẩu hiệu. Trong tay họ cầm gậy phát sáng, với màu sắc đại diện cho hàng chục hội fan khác nhau trong làng âm nhạc K-pop. Khẩu hiệu của họ được cải biên từ những ca khúc K-pop thịnh hành. “Luận tội, luận tội, luận tội Yoon Suk Yeol”, những người biểu tình ở Hàn Quốc hô vang theo giai điệu ca khúc Whiplash của nhóm aespa.

Âm nhạc K-pop giúp xóa bỏ những rào cản

Chưa khi nào các hội fan K-pop khác nhau lại cùng đồng lòng sánh vai đến như vậy. Ảnh: AFP / Jung Yeon-je

Park Min Ju, MC và điều phối viên tại cuộc biểu tình, cho biết mình đã chuẩn bị nhạc karaoke không lời của những ca khúc K-pop này, cùng các bảng khẩu hiệu để người tham gia có thể đọc theo. “Tôi muốn mọi người cảm thấy nhiệt huyết và không mệt mỏi khi tham gia biểu tình. Dù tình hình rất nghiêm trọng nhưng [K-pop] giúp cổ vũ tinh thần của mọi người”.

Nhiều người tham gia biểu tình cho biết việc được nghe nhạc, làm động tác theo các ca khúc được ưa thích, và hô khẩu hiệu giúp tinh thần họ minh mẫn khi phải đứng ngoài đường suốt nhiều giờ liền. Cô Kim Da In, 19 tuổi, chia sẻ cùng Reuters rằng “chúng tôi hô khẩu hiệu biểu tình không khác gì cách chúng tôi hô khẩu hiệu ủng hộ thần tượng tại các buổi biểu diễn ca nhạc”.

Nhiều người khác lại cho rằng âm nhạc giúp họ tự tin khi tham gia biểu tình. Cô Lee Seul Gi, 36 tuổi và fan của nhóm ATEEZ, cho biết, “Có những cuộc biểu tình trước đây khá dữ dội và đáng sợ. Nhưng việc sử dụng gậy phát sáng và âm nhạc K-pop khiến chúng tôi đỡ e ngại”. Cô cũng cho biết bản thân đã trải nghiệm được sự đoàn kết ở đây, khi kết nối với các fan hâm mộ K-pop khác, mặc dù bản thân họ có thể không chung thần tượng.

Cuộc biểu tình trở thành đại nhạc hội K-pop quy mô lớn trên đường phố thủ đô Hàn Quốc

Cảnh tượng 150.000 người đứng ngoài tòa nhà Quốc Hội ở Seoul đã thu hút sự chú ý từ cộng đồng mạng quốc tế. Họ đánh giá cao việc fan Kpop sẵn sàng đấu tranh cho điều họ tin tưởng bằng cách văn minh, không bạo lực. Nhiều người để lại bình luận trên YouTube, ủng hộ cộng đồng K-pop xứ Hàn.

  • “Đây chính là xã hội văn minh 3.0”;
  • “K-pop, K-drama, K-food, và bây giờ là K-biểu tình (K-protest)”;
  • “K-Protest chính là đại nhạc hội không bạo lực”;…

Cũng có nhiều người đùa rằng đây là thời điểm tốt nhất để đến Hàn Quốc và tham gia cuộc biểu tình, bởi họ sẽ không bao giờ có cơ hội tham gia một đại nhạc hội lớn như vậy nữa.

Quả thật, không sai khi mô tả những cuộc biểu tình ở Hàn Quốc những ngày qua như đại nhạc hội, bởi người dân đã chơi những ca khúc K-pop nổi tiếng nhất, từ các nhóm nhạc như BIGBANG, 2NE1, BTS, Seventeen, EXO, Stray Kids, NCT,… Ban điều phối biểu tình cũng chọn phát những ca khúc có ý nghĩa đối với biểu tình, ví dụ như CrookedCoup D’Etat của G-Dragon – những ca khúc nói lên cảm giác trống rỗng trong lòng khi đối mặt với cục diện bên ngoài, với mong muốn lật đổ hiện trạng.

Sử dụng âm nhạc, những người biểu tình nói lên nỗi lòng của mình. Ẩn chứa bên dưới không khí nhộn nhịp là cảm xúc phẫn nộ, đòi hỏi công lý, và quyết tâm tạo dựng một xã hội Hàn Quốc dân chủ đáp ứng mong muốn của giới trẻ. Chúng ta đã thấy sự liên kết của âm nhạc và chính trị từ hàng nhiều thế kỷ (ví dụ chất nhạc punk thể hiện mong muốn lật đổ nhà cầm quyền trong thập niên 1970), và K-pop đang kéo dài trào lưu này trong thế kỷ 21.

XEM VIDEO

Trích Reuters
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm