KINH DOANH THỜI GEN Z: CÔNG THỨC THÀNH CÔNG LÀ THƯƠNG HIỆU x INFLUENCER?

Influencer Marketing tiếp tục là xu hướng giúp các thương hiệu đến gần hơn với khách hàng

Bốn influencer nổi tiếng trên Youtube Wengie, cặp song sinh nhà Merrell và Jackie Aina trong một chiến dịch cùng Dior

Câu chuyện thu hút sự chú ý của giới mộ điệu Việt mấy ngày nay không gì khác ngoài lùm xùm xoay quanh outfit của một vài vlogger tại sự kiện ra mắt Bộ sưu tập (BST) của một thương hiệu thời trang cao cấp. Không bàn xa hơn về vấn đề đẹp xấu, bởi lẽ cái đẹp nằm trong “đôi mắt của kẻ si tình”. Nhìn một cách tổng quan, dễ nhận thấy một điểm khá “lạ”. Bên cạnh các fashionisto, fashionista, là sự góp mặt của các vlogger đa ngành khác: Lifestyle vlogger, Food vlogger, vv

Biết rằng các nhãn hàng nói chung và các nhà mốt cao cấp không hề “dễ dãi” trong mỗi lần xuất hiện. Có thể hiểu động thái “lạ” này cho thấy các thương hiệu cao cấp đã nhập cuộc đua Gen Z – đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều từ influencer.

Thời đại của Gen Z

Cách đây chỉ vài năm, chúng ta còn nhắc nhiều đến Millennials như đối tượng khách hàng chính của nhiều thương hiệu. Thế nhưng, hashtag ở thời điểm hiện tại đã nhanh chóng chuyển thành Gen Z. Có vẻ như thế hệ người trẻ sinh sau năm 1995 đã lớn nhanh hơn chúng ta tưởng.

Được nhận định là thế hệ trẻ, năng động nhưng Gen Z cũng dễ thay đổi sở thích, hành vi tiêu dùng. Và quan trọng nhất, họ dễ chịu tác động hoặc ảnh hưởng từ người khác. Đây chính là mấu chốt giải quyết bài toán hóc búa về sự “sáng nắng chiều mưa” của những khách hàng trẻ này.

Sự đổ bộ của các influencer

Tati Westbrook là một trong những influencer có tiếng ở mảng làm đẹp với 2,9 triệu lượt theo dõi trên Instagram và 9,7 triệu lượt theo dõi trên Youtube. Ảnh: Tati Westbrook

Làn sóng Gen Z mang theo một nền văn hoá mới. Và dĩ nhiên là kéo theo sự thay đổi chiến lược kinh doanh của cả thế giới.

Quan sát một vòng thị trường hiện nay, dễ nhận ra marketing bằng celebrities (người nổi tiếng) không còn là lựa chọn hàng đầu của các thương hiệu. Lý do lớn nhất là bởi, ngay cả khi thế giới đã “phẳng” hơn, những ngôi sao lớn vẫn có khoảng cách với phần đông công chúng. Điều đó đồng nghĩa với việc những lời nói của họ ít nhiều được cho là “có mùi quảng cáo”. Độ tín nhiệm về trải nghiệm sản phẩm cũng vì thế mà giảm đi.

Lấp vào khoảng trống giữa “sao” và “người thường” là sự ra đời của các influencer. Từ những người có ảnh hưởng lớn (mega, macro influencer) đến độ phủ sóng hẹp hơn (micro, nano influencer). Tất cả đang góp phần thay đổi cách thương hiệu chạm đến khách hàng tiềm năng của mình.

Chúng ta nhận ra một điều: Các nhãn hàng đã bắt đầu chuộng các influencer – những người có ảnh hưởng lớn với giới trẻ. Đây là một phần của sự chuyển mình trong chiến lược marketing của các thương hiệu.

Cú bắt tay giữa các thương hiệu và Influencer

Sức ảnh hưởng của các Influencer giữa thời đại 4.0 là không cần bàn cãi. Từ những tập đoàn lớn đến những thương hiệu local brand. Từ thời trang, làm đẹp đến ẩm thực, công nghệ. Một trong những quốc gia đi đầu phải kể đến Trung Quốc. Phép thử mang tên Influencer x Gen Z ở quốc gia tỷ dân này cho thấy: các influencer thật sự “không phải dạng vừa”!

Sức ảnh hưởng của Mr Bag giúp thương hiệu “cháy hàng” chỉ sau vài phút mở bán

Mr Bag là cái tên quen thuộc với giới trẻ Trung Quốc. Chẳng thế mà lần hợp tác cùng Tod’s đã mang về cho thương hiệu này 500,000 USD chỉ sau 6 phút mở bán.

Những nhà mốt hàng đầu cũng không nằm ngoài xu thế. Louis Vuitton kết hợp với Emma Chamberlain- Youtuber với 8,5 triệu follower. Dior bắt tay với Tanya Bur hay Jackie Aina để đến gần hơn với Millennials và gen Z. Trong lĩnh vực làm đẹp, các nhãn hàng đặc biệt yêu thích hợp tác cùng các Beauty blogger từ Youtube hay Instagram. Có thể kể đến Colourpop cùng Zoella, 3CE và Lily Maymac, vv. Ở Việt Nam, cú bắt tay tiêu biểu có lẽ là Miracle Apo cùng Chloe Nguyễn, An Phương, vv.

Sự hợp tác Win-Win 

Noen Eubanks – ngôi sao của Tiktok là gương mặt mới trong chiến dịch của Celine

Trong khi không ít người cho rằng hợp tác cùng các influencer là pha cứu nguy cho các thương hiệu lâu đời. Cũng cần nhìn nhận một cách khách quan hơn là influencer cũng hưởng lợi không ít từ đối tác của mình.

Những thương hiệu dù lâu đời hay non trẻ đều cần chạm được khách hàng tiềm năng của mình. Như đã nói, influencer chính là cầu nối điểm chạm đó. Một bộ sưu tập với dấu ấn cá nhân của influencer và nét signature của thương hiệu sẽ thu hút khách hàng hiệu quả. Influencer đóng vai trò như làn gió mới, góp phần tái định nghĩa hình ảnh thương hiệu trong mắt người dùng. Mặt khác, việc hợp tác cùng những thương hiệu lớn cũng góp phần lan rộng tầm ảnh hưởng của influencer.

Với sự bùng nổ của các mạng xã hội, tin rằng đế chế của influencer marketing sẽ còn bành trướng trong thời gian tới. Cùng chờ đón những bộ sưu tập đặc sắc từ sự hợp tác đặc biệt này.

Harper’s Bazaar Việt Nam  

Xem thêm