Huyền thoại về ngọc biển: Vì sao ngọc trai lại đắt giá?

Khác với các loại đá quý hình thành từ trong lòng đất, ngọc trai được sinh ra từ biển cả. Hơn thế, loài ngọc biển này còn gắn với vô vàn truyền thuyết trong nhiều nền văn hóa cổ.

Photo: Long Beach Pearl

Chẳng ai rõ ngọc trai có tự bao giờ. Chỉ biết loài ngọc sinh ra từ biển cả này đã tồn tại từ trước khi được lịch sử ghi chép lại. Nhiều năm trước đây, một nhóm khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích của ngọc trai. Đó là mảnh tranh sức ngọc trai trong quan tài bằng đá của một công chúa Ba Tư. Có niên đại từ năm 420 trước Công nguyên và hiện được trưng bày ở Điện Louvre. Điều này có nghĩa, con người đã đeo ngọc trai như nữ trang cách đây mấy thiên niên kỷ.

Nghìn lẻ một truyền thuyết về viên ngọc quý hiếm của biển cả

Sở hữu hình dạng tròn vành, đầy đặn cùng thứ ánh sáng ngà kỳ lạ. Ngọc trai khiến người xưa liên tưởng đến mặt trăng huyền ảo. Vì lẽ đó, biểu tượng ngọc trai mang một ý nghĩa và giai thoại khác biệt trong nhiều nền văn hóa cổ.

Chẳng hạn, thần thoại Ba Tư kể rằng: Ngọc trai được hình thành từ những giọt sương bị hàu nuốt lấy khi chúng rơi xuống biển.

Trong khi đó, người Hy Lạp cổ đại lại tin đó chính là giọt nước mắt của nữ thần tình yêu Aphrodite. Nước mắt của nàng đã rơi xuống đại dương và tìm đường vào những con hàu.

Tượng nữ thần tình yêu Aphrodite bằng đất nung tại La Mã. Có niên đại khoảng từ thếkỷ 1 trước Công nguyên – thế kỷ 1 sau Công nguyên.

Ở Trung Quốc cổ đại, những thiếu nữ giới hoàng tộc luôn đeo chuỗi ngọc trai trên cổ. Để tượng trưng cho sự trong trắng.

Ngược lại, các hiệp sỹ thời Trung cổ thường cất viên ngọc trai trong bộ áo giáp sắt trước khi ra trận chiến. Họ cầu mong ma thuật ẩn trong những viên ngọc trai sẽ hộ mệnh và giúp họ chiến thắng trở về.

Ngay cả Cổng Thiên đường trong Kinh thánh cũng được mô tả “12 cổng là 12 hòn ngọc trai, mỗi cổng làm bằng một hòn ngọc trai”. Còn trong tích cổ Hindu, vị thần Krishna đã tặng người vợ yêu dấu của mình những viên ngọc trai như một biểu tượng của tình yêu và sự hòa hợp.

Trang sức ngọc trai còn là biểu tượng tối thượng của sự giàu có và quyền thế trong xã hội La Mã cổ đại.

Cụ thể, vào thế kỷ 1 trước Công nguyên (TCN), quan chấp chính tối cao và nhà độc tài của Cộng hòa La Mã; Julius Caesar (100 – 44 TCN), đã thông qua một đạo luật rằng: Chỉ có tầng lớp thống trị mới được phép đeo ngọc trai.

Một giai thoại nổi tiếng khác của Ai Cập cổ đại vẫn còn lưu truyền tới ngày nay. Chuyện kể về cuộc thách đố giữa nữ hoàng Cleopatra và người tình Mark Antony (hay còn gọi là Marcus Antonius) xem ai có thể “nuốt chửng” của cải của cả một quốc gia chỉ trong một bữa ăn. Nữ hoàng Ai Cập đã nghiền một viên ngọc trai từ đôi bông tai của mình rồi hòa vào ly rượu. Bà uống nó và giành phần thắng.

Khởi nguồn của Thời đại Ngọc trai (Pearl Age)

Thế kỷ 15 và 16 là giai đoạn quan trọng trong lịch sử ngọc trai. Nhờ vào các chuyến viễn du của Christopher Columbus và nhóm người Tây Ban Nha. Ban đầu họ chỉ có tham vọng mở rộng châu Âu sang Tân Thế giới. Nhưng, việc vô tình phát hiện ngọc trai ở khu vực Trung và Nam Mỹ đã thay đổi mọi thứ!

Phát hiện này góp phần làm tăng thêm sự giàu có cho những đế quốc phương Tây. Đồng thời mở ra giai đoạn gọi là Thời đại Ngọc trai  trong giới hoàng gia và quý tộc châu Âu ở thế kỷ 16.

Hình ảnh tái hiện cảnh săn ngọc trai tự nhiên tại Vịnh Ba Tư. Courtesy of K. C. Bell

Tên gọi Pearl Age phản ảnh rõ nét những gì đã xảy ra lúc bấy giờ. Nhu cầu leo thang về trang sức ngọc trai của giới quý tộc đã dẫn đến sự gia tăng trong thương mại và vận chuyển ngọc trai đến phương Tây. Có cầu ắt sẽ có cung. Hàng ngàn ngư dân và thợ lặn trên khắp thế giới đã đổ xô tìm kiếm ngọc trai tự nhiên. Có thể nói, Thời đại Ngọc trai đã tạo cơ hội việc làm cho số lượng lớn lực lượng lao động nghèo.

Những cuộc săn ngọc đánh cược bằng cả mạng sống

Trước thế kỷ 20, cách khai thác duy nhất là các thợ lặn trầm mình xuống biển tìm trai ngọc. Tuy nhiên, lặn mò ngọc trai là công việc vô cùng nguy hiểm. Họ phải chấp nhận mạo hiểm cả mạng sống của mình.

Vô số tai nạn xảy ra. Thợ lặn bị chết đuối, xuất huyết bởi áp suất dưới nước, hoặc thường xuyên bị cá mập tấn công. Cũng cần nói thêm rằng, thời đó, dụng cụ săn ngọc trai của họ rất thô sơ. Mỗi thợ lặn phải quấn dây thừng quanh cơ thể, đeo găng bảo vệ tay bằng da.

Người thợ lặn đeo dụng cụ kẹp mũi tự chế từ gỗ, mai rùa hoặc xương cừu.

CÁCH SĂN NGỌC TRAI VÀO THẾ KỶ 19

Mỗi thợ lặn phải quấn dây thừng quanh cơ thể. Dụng cụ kẹp mũi của họ cũng tự chế từ gỗ, mai rùa hoặc xương cừu.

Sau đó họ thòng một chiếc giỏ lưới đựng hàu trên cổ. Rồi buộc đá tảng dưới mắt cá chân. Trọng lượng đá nặng giúp họ chìm xuống đáy biển nhanh hơn ở độ sâu trung bình từ 7 đến 30 mét.

Thông thường, các thợ lặn có tối đa 2 phút để thu thập càng nhiều hàu càng tốt vào giỏ trước khi hết hơi. Muốn ngoi lên, họ phải giật dây báo hiệu cho các thuyền viên đợi sẵn trên boong thuyền để kéo họ lên khỏi mặt nước.

Một thợ lặn có thể thu thập tới 20 con hàu trong mỗi lần lặn. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 3 hoặc 4 viên ngọc trai chất lượng trong một tấn hàu. Nếu đủ may mắn; họ sẽ kiếm được các viên ngọc trai có hình dạng, độ bóng và màu sắc hoàn hảo. Lẽ thường, cái gì quý thì rất hiếm.

Cũng như đá quý, chất lượng của ngọc trai được xác định bởi các tiêu chí. Bao gồm: kích thước, hình dạng, màu sắc và độ bóng. Một yếu tố quan trọng khác thẩm định giá trị của ngọc trai là độ dày của xà cừ. Điều này không chỉ quyết định độ sáng của ngọc trai mà còn cả thời gian tồn tại của nó.

Kho báu trù phú của Vịnh Ba Tư

Bán đảo Ả Rập từng siêu giàu không phải bởi dầu mỏ, mà là ngọc trai. Thiên đường ngọc trai trứ danh một thời của thế giới là ở Vịnh Ba Tư, thuộc bán đảo Ả Rập ngày nay. Cấu trúc địa chất dưới đáy biển và nhiệt độ nước nơi đây đã hình thành nên môi trường sống lý tưởng cho hàu Pincada radiate.

Những viên ngọc trai của Vịnh Ba Tư nức tiếng với vẻ đẹp hoàn hảo và có giá trị thương mại cao nhất thế giới suốt thế kỷ 19. Đó là lý do vùng vịnh này còn có tên là Vịnh Ngọc trai.

Theo các nhà nghiên cứu của Anh, đã có hơn 2.000 con tàu được cử đến Vịnh Ba Tư để tham gia vào việc tìm kiếm và buôn bán ngọc trai. Khoảng 900 tàu từ Bahrain. 300 từ Dubai. Hơn 400 từ Abu Dhabi và khoảng 350 từ Doha.

Đối với các thương nhân, sau khi thu thập ngọc trai, họ sẽ vận chuyển chúng tới châu Âu, Bắc Mỹ, hay các khu vực khác như Trung Quốc, Ấn Độ… Tuy nhiên, đầu thế kỷ 20, sự khai thác quá mức đã dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn hàu hoang dã ở Vịnh Ba Tư và các khu vực khác.

Điều này đồng nghĩa với việc thế giới gần như không còn nguồn cung cấp ngọc trai tự nhiên.

Ngày nay, hầu như các viên ngọc trai được mua bán đều là trai nuôi cấy. Bây giờ, ngọc trai tự nhiên chỉ còn xuất hiện và giao dịch trong những phiên bán đấu giá giới hạn dành cho giới thượng lưu.

>>> Xem thêm: CÁCH ĐEO NGỌC TRAI TRẺ TRUNG MÀ VẪN THỜI THƯỢNG TẠI CÔNG SỞ

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm