Học hỏi được gì ở quy trình sản xuất thời trang thông minh đời mới của Alibaba?

Trong công xưởng của Alibaba, kỹ thuật sản xuất công nghệ tối tân, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp cắt giảm chi phí và thời lượng sản xuất tối đa

Ngành thời trang là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới. Ước tính trị giá 1,2 nghìn tỷ đô-la Mỹ, tạo công ăn việc làm cho 161 triệu người toàn cầu, đây cũng là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhất nhì thế giới.

Việc gây ô nhiễm đến từ quá trình thu thập nguyên liệu dệt vải, nhuộm vải, hao tốn năng lượng để sản xuất, cho đến vận chuyển các sản phẩm này đến tay người tiêu dùng.

Một trong những công ty muốn tăng năng suất, giảm phí phạm ở khâu sản xuất chính là Alibaba. Tập đoàn Trung Quốc này, sau khi gây tiếng vang ở mảng e-commerce, tiếp tục bành trướng vào ngành sản xuất. Tập đoàn vừa hé lộ một dự án mất ba năm nghiên cứu và hoàn thiện: Xưởng may, sản xuất công nghiệp sử dụng kỹ thuật tối tân.

Bên trong xưởng may đời mới của Alibaba

Xưởng sản xuất này được đặt ở ngoại ô Hàng Châu. Toà nhà cao ba tầng được đặt tên Xunxi (Tốc Tê, có nghĩa là tê giác nhanh). Tại đây, công nghệ Internet of Thing IoT được sử dụng triệt để nhằm hiện đại hóa sản xuất và giảm thiểu lãng phí.

Ví dụ, ở khâu lên ý tưởng, các nhà thiết kế thường phải nhuộm màu lên vải vóc để chọn lựa mẫu màu phù hợp nhất với chất liệu. Nhưng bây giờ, công nghệ của Alibaba cho phép “nhuộm màu vải” trên máy tính, tạo hình ảnh 3D của sản phẩm một cách chân thật, giúp nhóm thiết kế dễ hình dung sản phẩm cuối cùng, không phải phí phạm quá nhiều vải vóc và thời gian để sản xuất sản phẩm mẫu. Alibaba quả quyết, phương thức này giúp cắt giảm 75% thời gian sản xuất, từ khâu ý tưởng cho đến khi xuất xưởng sản phẩm.

Các công nhân tại xưởng may không phải cắt tay rập. Công nghệ AI sẽ giúp ước tính nên cắt rập như thế nào để giảm thiểu phí phạm nhất. Các máy may được kết nối với Internet để giảm thiểu lỗi trong khâu chế tác sản phẩm.

Do tất cả các công đoạn được kết nối với Internet, nhóm quản lý không nhất thiết phải có mặt ở xưởng may. Họ có thể theo dõi quá trình sản xuất từ xa. Từ đó giải quyết vấn đề không thể đi công tác (trường hợp xảy ra trong đại dịch COVID-19). Công nghệ IoT cũng cho phép nhóm quản lý ngay lập tức nhận ra vấn đề trong khâu sản xuất ngay khi nó xuất hiện, thay vì chờ báo cáo cuối ngày.

Kết hợp với kho thông tin khổng lồ của người tiêu dùng

Ảnh: Alibaba

Lợi thế của Alibaba là nắm trong tay một khối lượng data khổng lồ về người tiêu dùng, thông qua các trang bán hàng qua mạng mình xây dựng và quản lý. Những data về kiểu dáng trang phục, màu sắc, chất liệu đang được ưa thích giúp Alibaba hiểu rõ nhu cầu của người dùng.

Những thông tin này như một dạng nghiên cứu thị trường, cho phép tập đoàn sản xuất những sản phẩm bán chạy vừa đủ, không phí phạm, thừa mứa, gây tồn đọng hàng tồn kho.

Cách sản xuất thông minh này của Alibaba cùng một lúc giải quyết hai vấn đề: Cắt giảm chi phí vận hành mà vẫn cho ra mắt các mẫu thời trang đa dạng; đồng thời vận hành “xanh” hơn khi cắt giảm lượng hàng tồn kho và phí phạm nguyên vật liệu.

Để phát triển xanh và sạch hơn, các doanh nghiệp Việt có thể học hỏi Alibaba. Nâng cấp và cải thiện các quy trình cắt rập, tạo hình 3D sản phẩm trên vi tính là những động thái, tuy nhỏ, nhưng mang lại hiệu quả cao.

>>> Xem thêm: CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC ĐIỀU GÌ QUA CUỘC ĐẠI TU HÀNG TỶ ĐÔ CỦA H&M?

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm