Khi TP.HCM một lần nữa tiến vào trạng thái giới nghiêm, tôi nghĩ, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người rơi vào trạng thái lo âu, hoang mang. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra, liệu lệnh giới nghiêm có được mau chóng hủy bỏ, hay các yêu cầu giãn cách xã hội sẽ ngày một trầm trọng thêm.
Thiết nghĩ, chúng ta có thể tìm thấy đôi lời xoa dịu ở những người đã trải qua tình huống này – chính là những ai đã đối mặt với tình trạng lệnh giới nghiêm bị ban hành nhiều lần tại các quốc gia châu Âu. Còn nhớ, vào giai đoạn khi đại dịch toàn cầu vừa diễn ra hồi năm 2020, châu Âu đã gỡ giãn cách xã hội một đợt vào mùa hè, sau đó lại tái ban hành lệnh giới nghiêm chỉ vài tháng sau khi mùa thu đến. Nhiều sự kiện được lên lịch thực hiện, rồi sau đó phải hủy bỏ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Một trong những bạn trẻ đã “sống sót” qua đại dịch ở châu là nhiếp ảnh gia Hoàng Trần. Lắng nghe câu chuyện của bạn ấy có lẽ sẽ giúp nhiều người tìm thấy hướng đi trong thời gian khó khăn này.
Đôi nét về nhiếp ảnh gia Hoàng Trần
Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, Hoàng Trần cho biết bố mẹ cậu rất muốn cậu theo ngành tài chính an toàn và ổn định. Tuy nhiên, mẹ của cậu là một thợ may. “Lớn lên trong môi trường đầy các tạp chí, catalogue thời trang và quần áo, nhen nhóm nên ở mình một sự yêu thích dành cho thời trang và nhiếp ảnh”, Hoàng Trần chia sẻ cùng Harper’s Bazaar.
Năm 19 tuổi, cậu bắt đầu thử sức với nghề nhiếp ảnh gia. Sau 5 năm cầm máy ảnh, chụp ảnh thời trang cho một số đầu báo và chiến dịch quảng cáo của các công ty tại Việt Nam, Hoàng Trần cảm thấy mình thiếu sót một thứ gì đó. “Chính là dấu ấn cá nhân của mình trong nhiếp ảnh”.
Lúc này, chàng nhiếp ảnh gia trẻ có một quyết định táo bạo. Cậu quyết định bắt đầu lại từ đầu, dấn thân sang Pháp để học nhiếp ảnh. “Mình chưa bao giờ hối hận. Đây là quyết định đúng đắn nhất từ trước đến giờ của mình. Chuyến du học đã giúp mình mở rộng tầm mắt, hình thành phong cách cá nhân của mình ngày hôm nay”, Hoàng Trần nói.
Cảm xúc của một người bị trầm cảm trong giai đoạn đại dịch
Đến Pháp, Hoàng Trần theo học và tốt nghiệp từ trường Spéos International Photography School. Cũng đúng vào thời điểm này, đại dịch ập đến. Các hoạt động thời trang và giải trí ngưng trệ. Như bao người làm trong ngành thời trang, Hoàng Trần bị mất tinh thần.
Hoàng Trần kể lại, tâm trạng bản thân vốn đã bắt đầu sa sút sau khi qua Pháp du học. “Những bạn du học sinh chắc sẽ hiểu tâm trạng này, lúc đầu thì thấy rất vui và hào hứng, nhưng sáu tháng, một năm sau thì sẽ biết mùi ngay”, cậu nói.
Thế rồi khi Pháp ban hành lệnh giới nghiêm, lúc đó cậu nhận ra mình đã rơi vào trạng thái trầm cảm nặng. “Không được chụp hình nữa, tâm trạng và sức sáng tạo của mình đóng băng theo. Một năm trở lại đây, ngoài hình chó mèo, con đường góc phố, thì mình không cầm máy chụp một tấm hình beauty nào, thể loại mà trước đó, nằm mơ mình cũng ra ý tưởng”, cậu nhớ lại. “Trong giai đoạn người người, nhà nhà cách ly, trên các tạp chí kêu gọi “Work from home”, đó cũng là lúc mình bị cú giáng mạnh nhất từ chứng trầm cảm.”
“Trầm cảm là một cái bóng rất đáng sợ. Nó như việc bạn đánh một ai đó và cấm họ không được khóc”.
Hoàng Trần sử dụng thời gian khó khăn để nhìn lại và trân trọng bản thân
Trước khi đại dịch ập đến, Hoàng Trần đã chụp khá nhiều bộ ảnh cho portfolio giới thiệu bản thân để gửi đến các agency. Một người bạn của cậu, người đã cộng tác với cậu trong thời gian dài, nhận ra rằng chúng khá tăm tối. Mà những tấm ảnh này, Hoàng Trần chưa từng công khai công bố với bạn bè, người quen.
“Từng tấm hình, là từng mảnh gương nhỏ phản chiếu tâm hồn của mình. Nhưng mình cũng chưa bao giờ đủ dũng cảm để khoe hết ra một cách hoàn chỉnh nhất. Một phần vừa hy vọng sẽ có ai đó đủ tinh tế để hiểu và hỏi mình ổn không. Phần còn lại nhiều hơn, là nỗi lo lắng, sợ mọi người thấy được phần yếu đuối của mình. Mà trên đời này, ai mà không có một lớp vỏ bọc để tự bảo vệ mình, khiến mình trông mạnh mẽ hơn trong mắt người khác?”
Tuy vậy, Hoàng Trần vẫn giữ được góc nhìn lạc quan về giai đoạn trầm cảm. Đó là học được việc trân trọng bản thân và các tác phẩm mình làm ra. Cậu tập được việc sáng tạo vì muốn thể hiện cảm xúc bản thân, chứ không phải chỉ để làm nên những tác phẩm chứng tỏ bản ngã khiến thiên hạ trầm trồ.
Hoàng Trần khẳng định mình luôn nhìn về nhiếp ảnh như một hình thức kể truyện chứ không đóng khung nó trong các kỹ thuật. “Nhiếp ảnh gia mình ngưỡng mộ là Nick Knight. Ông ấy rất sáng tạo, thử nghiệm với đủ loại hình thức như tranh vẽ, CGI, 3D scan…” Sau đại dịch, cậu nhấn mạnh rằng, suy nghĩ này đã mở ra rất nhiều chân trời mới cho bản thân. “Nếu được chọn, mình vẫn luôn muốn mang đến hơi thở tích cực trong hình ảnh mà mình tạo ra. Sáng tạo đối với mình bây giờ phải vui, mà khi vui thì mới có có giá trị tích cực”.
Quan trọng nhất trong giờ khắc này là quan tâm lẫn nhau
Kết lại lời tâm sự như một lá thư thân gửi đến các bạn trẻ đang ở trong cùng tâm trạng, Hoàng Trần nhấn mạnh rằng trong giây phút khó khăn, việc có bạn bè và gia đình ở bên để hỗ trợ nhau về mặt tinh thần là cấp thiết. “Mọi người hãy lùi lại một bước, quan sát bạn bè, người thân, những người chúng ta có cơ hội tiếp xúc hàng ngày, và hỏi họ có ổn không. Chìa ra một cánh tay không quá khó. Đôi khi là chỉ ngồi nghe họ kể chuyện, thế thôi là cũng giúp một ai đó giải tỏa năng lượng tiêu cực rồi”.
Nhiếp ảnh gia trẻ tuổi cũng mạnh dạn chia sẻ những tấm hình chụp trong giai đoạn trầm cảm. Xem nó như một bước để chấp nhận và yêu bản thân hơn. “Mình vẫn nghĩ, cuộc sống luôn có thăng có trầm, phải có khó khăn và đau thương mới thấy giá trị của lúc yên bình”, cậu nói.
“Trầm cảm dạy cho mình nhiều bài học về tâm hồn cũng như thể xác, mà có lẽ nếu không trải qua, mình sẽ không bao giờ hiểu được cảm giác trưởng thành”.
>>> Xem thêm: CARA DELEVINGNE LẦN ĐẦU MỞ LÒNG VỀ GIAI ĐOẠN TRẦM CẢM NẶNG NỀ
Ảnh: Hoàng Trần
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam