Cách dùng hiệu ứng tâm lý Benjamin Franklin để hóa giải xung đột chốn công sở

Phương pháp biến thù thành bạn, hóa giải xung đột chốn công sở và tìm đồng minh trên thương trường

Chân dung Benjamin Franklin, vẽ bởi Joseph Duplessis năm 1778. Ảnh: Britannica

Bạn đang gặp khó khăn ở văn phòng? Một số đồng nghiệp không thuận hòa và gây khó dễ cho bạn trong công việc? Thay vì lên án việc họ thiếu tinh thần đoàn kết với cấp trên, khiến cho mối quan hệ giữa mọi người càng rạn nứt, bạn có thể áp dụng một biện pháp hòa giải mâu thuẫn gọi là hiệu ứng tâm lý Benjamin Franklin. Với phương pháp này, bạn sẽ uyển chuyển biến thù thành bạn, hóa giải xung đột chốn công sở và tìm đồng minh trên thương trường.

Trên hết, vì sao chúng ta học hỏi Benjamin Franklin

Hiệu ứng Benjamin Franklin là một hiện tượng tâm lý được đặt theo tên của chính khách nổi tiếng người Mỹ.

Trước tiên, chúng ta phải hiểu vì sao hiệu ứng tâm lý mang tên Benjamin Franklin được tin tưởng. Lý do vì vị chính khách này là nhà ngoại giao đầu tiên và hàng đầu của Hoa Kỳ. Ông đã thành công lôi kéo chính phủ Pháp ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến giành độc lập tách biệt khỏi Vương quốc Anh. Trong suốt cuộc đời của mình, ông là một nhà báo, nhà văn, nhà xuất bản, triết gia, nhà hoạt động xã hội và nhà khoa học. Đáng chú ý, ông là người duy nhất ký cả bốn văn bản dẫn đến việc thành lập Hoa Kỳ mà chúng ta biết đến ngày nay.

Với những thành tựu kể trên, không ngoa khi nói rằng hiệu ứng tâm lý mang tên ông cũng là một phần của bí quyết thành công của người đàn ông vĩ đại này.

Hiệu ứng tâm lý Benjamin Franklin là gì?

Để giúp bạn hiểu thêm về hiệu ứng tâm lý này, sau đây là một câu hỏi nhỏ cho bạn. Hãy nghĩ về một người mà bạn đã giúp đỡ, và một người khác nhận được sự giúp đỡ của bạn. Hãy đánh giá xem ai là người bạn thích hơn.

Suy nghĩ về vấn đề này, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng mình thực chất cảm thấy thân thiết hơn với người bạn mà mình giúp đỡ, chứ không phải người mà mình nhận được sự hỗ trợ.

Nghịch lý trong cảm xúc này chính là hiệu ứng tâm lý Benjamin Franklin. Bản chất của khái niệm này nằm ở việc lý giải rằng chúng ta thường có thái độ tích cực đối với người mà chúng ta đã giúp đỡ, hơn là người đã giúp đỡ chúng ta. Nói đơn giản, khi bạn hỗ trợ một ai đó, bạn cảm thấy hiểu họ hơn nên dễ dàng trở nên thân thiết với họ.

Tranh sơn dầu Benjamin Franklin vẽ nằm 1928 bởi John Ward Dunsmore

Benjamin Franklin đã nhận thức được hiện tượng tâm lý này một cách tình cờ vào năm 1773. Lúc đó, ông phải làm việc với một quý ông giàu có và nhiều quyền lực, nhưng người đàn ông này chẳng ưa gì nhà ngoại giao.

Nhiều người sẽ chọn phương pháp luồn cúi, nịnh nọt một người giàu có hơn mình. Nhưng Benjamin Franklin thì không. Ông chọn một phương thức tiếp cận khác.

Hay tin rằng người đàn ông đó sở hữu một cuốn sách quý hiếm, Benjamin Franklin đã hỏi mượn đọc nó trong vài ngày. Khi trả cuốn sách lại, nhà ngoại giao đính kèm thêm một lá thư cảm ơn được viết tay nắn nót. Có lẽ, nhà ngoại giao chỉ đang tìm cách để tiếp cận quý ông khó tính kia. Nhưng thật bất ngờ. Ông ta bỗng nhiên trở nên niềm nở với Benjamin Franklin sau đó.

Ghi chú lại trong hồi ký của mình, Benjamin Franklin nhận xét: “Khi chúng tôi gặp lại nhau ở Hạ viện, ông ấy đã nói chuyện với tôi (điều mà ông ấy chưa từng làm trước đây) một cách lịch sự”. Hai người cuối cùng trở thành bạn thân cho đến lúc cuối đời

Bài học mà nhà ngoại giao đã rút ra được từ câu chuyện này là người đã từng làm điều tốt với bạn sẽ sẵn sàng làm điều tốt với bạn hơn là người mà chính bạn đã giúp đỡ.

Các nhà tâm lý học diễn giải hiệu ứng tâm lý này

Bức tranh Benjamin Frankling Drawing Electricity from the Sky, vẽ năm 1816 bởi Benjamin West. Ảnh: Google Arts Project / Philadelphia Museum of Art

Đọc câu truyện trên, bạn có thể cho rằng hiệu ứng tâm lý Benjamin Franklin nghe hoang đường. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khoa học đã xác định tính minh bạch của hiệu ứng này.

Năm 1969, các nhà tâm lý học Jon Jecker và David Landy đã tuyển dụng 74 tình nguyện viên và bí mật chia họ ra thành ba tốp. Họ được giới thiệu là sẽ tham gia một cuộc thi học thuật với giải thưởng bằng tiền mặt.

Sau khi đã nhận được phần thưởng tiền mặt, tốp đầu tiên được tiếp cận bởi chính nhà tâm lý học, được yêu cầu trả lại tiền thưởng bởi vì bản thân đã hết tiền nghiên cứu. Tốp thứ hai được yêu cầu hoàn tiền bởi một trợ lý văn phòng. Tốp cuối cùng được ra về với tiền thưởng.

Cả ba nhóm tình nguyện viên được yêu cầu đánh giá cảm giác thân thiết với nhà nghiên cứu. Kết quả cho thấy nhóm đầu tiên đặc biệt có ấn tượng tích cực về nhà nghiên cứu, khi so với nhóm thứ hai và nhóm thứ ba. Như vậy, có thể rằng việc trực tiếp đứng ra xin sự hỗ trợ mang lại hiệu quả tích cực nhất, còn chuyện không nhờ vả hoặc nhờ vả gián tiếp sẽ không giúp bạn được người khác quý mến.

Các nhà khoa học lý giải rằng hiệu ứng Benjamin Franklin chủ yếu xảy ra vì hai lý do chính:

1. Con người có xu hướng cố gắng giảm bớt sự bất hòa. Vì vậy khi giúp đỡ ai đó, chúng ta tự nhủ trong thâm tâm rằng chúng ta phải thích họ lắm thì mới hỗ trợ họ.

2. Trong những tình huống mà chúng ta chưa có một ý kiến hay thái độ với người khác, việc hỗ trợ họ có thể khiến chúng ta hiểu thêm về họ và từ đó thân cận họ hơn.

Các bước áp dụng phương pháp hòa giải mâu thuẫn của Benjamin Franklin

Tranh sơn dầu Writing The Declaration Of Independence 1776, vẽ bởi Jean Leon Gerome Ferris

Tại chốn công sở, việc tận dụng hiệu ứng tâm lý Benjamin Franklin có thể mang lại những lợi ích đáng kể trong việc thúc đẩy các mối quan hệ tích cực, sự hợp tác và làm việc nhóm. Bằng cách khuyến khích đồng nghiệp hỗ trợ lẫn nhau, bạn có thể tạo ra một môi trường làm việc hài hòa và thuận lợi hơn. Điều này có thể giúp xây dựng lòng tin, thúc đẩy tinh thần và nâng cao năng suất chung.

Hiệu ứng tâm lý Benjamin Franklin cũng có thể là một công cụ hữu ích để giải quyết xung đột tại văn phòng. Hành động có đi có lại có thể giúp hàn gắn các mối quan hệ căng thẳng, giải quyết xung đột và thúc đẩy văn hóa đồng cảm và hiểu biết giữa các thành viên trong nhóm.

Sau đây là một số bước để bạn có thể áp dụng hiệu ứng này:

1. Bắt đầu với lời bỏ nhỏ. Khi “nhờ vả” người khác, bạn nên chọn những công việc đơn giản, không quá tầm với của họ.

2. Nói lời cảm ơn. Khi người đó đã hoàn thành công việc, bạn hãy bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng chân thành đối với sự giúp đỡ của họ. Sự thừa nhận này củng cố hành vi tích cực của họ và tạo ra cảm giác thiện chí.

3. Duy trì kết nối. Hãy tìm kiếm cơ hội để tương tác với người đó nhiều hơn. Điều này có thể bao gồm việc hỏi ý kiến ​​của họ về một chủ đề trong công việc hay cuộc sống cá nhân, mời họ đi uống cà phê hoặc ăn trưa cùng,… Đây là những cách nhỏ để mối quan hệ của bạn càng thêm sâu sắc.

4. Đáp lại lòng tốt. Để củng cố mối quan hệ mà bạn đã thiết lập, hãy cân nhắc đáp lại lòng tốt của họ bằng cách đề nghị giúp đỡ đồng nghiệp. Bằng cách này, bạn củng cố mối quan hệ và tạo ra cảm giác cùng có lợi trong mối quan hệ.

Lưu ý: Cách bạn trò chuyện với đồng nghiệp là tối quan trọng. Đừng quá giả lả, nịnh nọt khi nhờ vả. Đừng trịch thượng, dạy đời người khác khi giúp đỡ họ. Tất nhiên, cách bạn mở lời luôn có sự thay đổi nhất định phụ thuộc vào các tình huống khác nhau, nhưng nhìn chung, bạn sẽ đạt được kết quả tốt nhất bằng sự tử tế và lịch sự, đặc biệt nếu mục tiêu của bạn là sử dụng hiệu ứng tâm lý Benjamin Franklin để xây dựng mối quan hệ.

Nhận thức được sức mạnh của hiệu ứng Benjamin Franklin và đưa nó vào văn hóa công sở, bạn sẽ tạo ra những mối quan hệ bền chắc và giúp cho mọi sự càng suôn sẻ, thuận lợi. Mỗi ngày làm một việc tốt chính là cách đơn giản nhất, hữu hiệu nhất.

TÂM LÝ CHỐN CÔNG SỞ:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm