Những chiếc túi Hermès da cá sấu luôn là niềm mơ ước của nhiều tín đồ thời trang. Tuy nhiên, không dễ để làm nên một chiếc túi da cá sấu đạt tiêu chuẩn của nhà mốt Pháp. Mất một thời gian dài để nuôi được một con cá sấu lên đến kích cỡ phù hợp để lấy da. Môi trường chăn nuôi hung hiểm, ít chủ trang trại đầu tư. Vì vậy, Hermès quyết định phải tự vận hành các trang trại lấy da cá sấu để đảm bảo quy trình chuẩn ngay từ những bước đầu tiên.
Trang trại cá sấu mới của Hermès
Dự án mới nhất của Hermès là mở trang trại ở khu vực Northern Territory, miền Bắc Úc. Được biết, dự án này mới đang ở bước lên kế hoạch, nhưng đã được chính phủ Úc phê duyệt. Và nó sẽ là một trong những trang trại nuôi cá sấu lớn nhất nước Úc.
Bản tường trình từ thương hiệu ghi chú, trang trại cá sấu Hermès này sẽ có phòng nuôi trứng, phòng ấp nở. Xung quanh được bao bọc bởi nhà máy xử lý nước (cá sấu cần nước sạch để cho ra da thuộc tốt nhất). Cũng như khu cung cấp điện năng mặt trời.
Trang trại này sẽ khởi đầu với 30 nhân viên và 4,000 con cá sấu. Mục tiêu của Hermès là đạt quy mô 50,000 con sau năm năm vận hành. Loại cá sấu được nuôi sẽ là cá sấu nước mặn Crocodylus Porosus. Phần bụng loài sấu này cung cấp các tấm da thuộc đẹp nhất trong tự nhiên, có vảy hình vuông nhỏ đều tăm tắp.
Thông tin gây bão dư luận
Ngay khi thông báo này được tung ra, hàng loạt nhóm yêu và bảo vệ động vật đã lớn tiếng phản đối.
Đây là điều không đáng ngạc nhiên. Hiện tại, Hermès là một trong những thương hiệu xa xỉ vẫn dùng da thuộc exotic (các loại da thuộc không phải da bê/bò). Các nhóm yêu động vật cho rằng hành động này là phi nhân tính.
“Việc nuôi một con thú chỉ để làm nên thứ phụ kiện xa xỉ không thiết yếu là phí phạm và man rợ”, trích lời giáo sư Jed Goodfellow thuộc hiệp hội phi lợi nhuận vì quyền thú vật RSPCA, chi nhánh Úc.
Các nhóm yêu động vật cũng kể tên một loạt các thương hiệu khác đã ngừng sản xuất sản phẩm da thuộc exotic. Trong đó có Chanel, Tommy Hilfiger, Mulberry, Calvin Klein… “Người tiêu dùng đang ngày càng chối từ sản phẩm da thuộc exotic. Thật ngớ ngẩn là Hermès lại lao đầu vào ngõ cụt này”, bà Nicola Beynon của Humane Society International chia sẻ cùng Hypebeast.
Cũng có chuyên gia phản biện rằng, trại cá sấu đang giúp bảo vệ loài động vật này tốt hơn.
Lý do vì sao một số thương hiệu không thu mua da thuộc exotic, như trường hợp của Chanel, là vì họ không thể đảm bảo việc đối xử nhân đạo đối với các con thú tại trang trại. Hermès, khi mua lại (hoặc xây dựng) trang trại riêng, có thể tạo nên môi trường chăn nuôi lành mạnh và đạt chuẩn nhất.
Theo giáo sư Grahame Webb, chủ tịch hiệp hội bảo vệ cá sấu hoang dã tại Úc, cho rằng những động thái xây trang trại thực ra có lợi cho nhóm cá sấu hoang dã.
“Hermès là một công ty rất bảo thủ. Họ luôn đảm bảo những gì tốt đẹp nhất trong mọi hoạt động. Và Úc cũng là nơi được đánh giá có những trang trại cá sấu nhân đạo nhất toàn cầu”, ông chia sẻ cùng tờ The Guardian.
Việc không có trại chăn nuôi dẫn đến tình trạng săn bắt động vật hoang dã. Từ đó gây thảm sát và đe dọa quần thể cá sấu hoang dã. Theo giáo sư Webb, vào thập niên 1970, Úc từng đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cá sấu nước mặn. Đến khi các trang trại được thiết lập, bây giờ loài cá sấu này không còn thuộc diện cần bảo tồn nữa.
Các thương hiệu xa xỉ bành trướng ở mảng da thuộc exotic
Không riêng gì Hermès, các tập đoàn khác như LVMH và Kering cũng sở hữu nhiều trang trại chăn nuôi lấy da thuộc exotic. Riêng tại Úc, Hermès có đến ba trang trại chăn nuôi cá sấu tại Úc.
Lý do? Vì người tiêu dùng vẫn mơ ước sở hữu túi xách da cá sấu xa xỉ. Đối tượng khách hàng đinh của Hermès vẫn săn lùng túi xách da cá sấu. Các sản phẩm này liên tục có thời gian chờ đợi rất lâu. Và khi lên sàn đấu giá, chúng tiếp tục được thu mua với mức giá khủng. Việc mở thêm một trang trại chăn nuôi cá sấu sẽ giúp Hermès đẩy mạnh việc sản xuất của mình.
>>> Xem thêm: GIẢI MÃ LÝ DO VÌ SAO TÚI XÁCH DA CÁ SẤU SIÊU ĐẮT ĐỎ
Harper’s Bazaar Việt Nam