Nhà rửa tội San Giovanni, Florence, nước Ý giữa tháng Sáu vừa qua được phủ quanh mình một tấm canvas khổng lồ in họa tiết giống một trong những mẫu khăn đã trở thành biểu tượng của Emilio Pucci.
Các tín đồ thời trang đều có thể dễ dàng nhận ra chiếc khăn tạo cảm hứng cho dự án táo bạo này là Battistero. Đây là thiết kế của Marquise Emilio Pucci vào năm 1957, khắc họa quang cảnh quảng trường San Gionanni nhìn từ trên cao. Dự án nghệ thuật sắp đặt mô phỏng một chiếc khăn huyền thoại đã làm thay đổi bộ mặt cả một công trình vĩ đại.
Những chứng nhân của lịch sử đầu thế kỷ 20
Những chiếc khăn choàng từng một thời gian dài gắn bó với tủ quần áo của phụ nữ. Đó không chỉ là món phụ kiện thời trang của phái đẹp đầu thế kỷ 20 mà còn là tấm gương phản chiếu những biến chuyển về nghệ thuật, thời trang cũng như phong cách sống. Tại những cửa hiệu thời trang cuối thế kỷ 19, bạn có thể tìm thấy rất nhiều mẫu khăn in họa tiết hoa Art Nouveau và mang âm hưởng phương Đông.
Bước sang những năm 1930, khi chất liệu nhân tạo rayon ra đời, khăn choàng có cơ hội được sản xuất hàng loạt. Thế nên những ai không thể sở hữu cho mình một chiếc khăn lụa trước đó đã có thể dễ dàng thỏa mãn niềm khao khát nhờ chất liệu thay thế này.
Một thập niên sau đó, kiểu thiết kế cho khăn choàng trở nên nhẹ nhàng hơn và thêm nhiều lựa chọn chất liệu như cotton, linen, len… Do chính sách tiết kiệm nghiêm ngặt phục vụ chiến tranh, những phụ nữ không đủ tem phiếu vải vóc để mua một chiếc mũ mới có thể dùng chiếc khăn choàng buộc lên đầu như khăn turban hoặc lưới bọc tóc.
Không chỉ là một món đồ thời trang, khăn lúc này còn mang ý nghĩa thực tế. Với những phụ nữ phải làm việc trong các công xưởng, vấn khăn lên đầu cũng là để bảo vệ tóc khỏi bị cuốn vào máy móc. Sau khi chiến tranh kết thúc, những mẫu khăn lại phản ánh sự lạc quan của thời đại hồi sinh. Màu sắc u ám đã được thay thế bằng những bông hoa tươi rói.
Giá trị của khăn choàng lụa với phái đẹp
Audrey Hepburn từng nói: “Khi tôi choàng một chiếc khăn lụa, tôi cảm thấy mình đàn bà hơn bao giờ hết, một người đàn bà xinh đẹp”.
Đối với Hepburn, Elizabeth Taylor và Grace Kelly, không gì có thể làm toát lên phong cách quý phái của họ bằng những chiếc khăn choàng quanh đầu trong cái gió nhẹ của vùng Riviera ven biển Địa Trung Hải.
Có ai đó nói rằng chỉ một chiếc khăn cũng có thể khiến người mang nó bước vào đại sảnh danh vọng của sự quý phái, đẳng cấp. Điều này không thể sai trong trường hợp đó là những chiếc khăn lụa Hermès. Người ta thống kê, cứ mỗi 25 giây lại có thêm một chiếc khăn của thương hiệu này được bán ra. Danh sách những người nổi tiếng đã góp phần làm nên huyền thoại cho khăn Hermès: nữ hoàng Elizabeth II, Jackie Kennedy, Audrey Hepburn, Brigitte Bardot, công nương Grace Kelly, Hillary Clinton…
Giá trị đặc biệt của khăn Hermès chính là từ quá trình tạo tác đầy công phu. Tại các xưởng của Hermès nằm ở ngoại ô Lyon nơi có 750 thợ làm việc. Mỗi thiết kế khăn cần khoảng 18 tháng cho các công đoạn sản xuất và 750 giờ để khắc khung in.
Trung bình, mỗi chiếc khăn Hermès có khoảng 27 màu khác nhau. Những người thợ cũng cần sáu tháng để xác định từng màu sắc riêng biệt của mẫu khăn. Và mỗi một màu sắc được in riêng biệt, tốn hơn một tháng chờ khô để in màu kế tiếp. Bạn sẽ không khỏi thán phục sự tỉ mỉ của những nghệ nhân Hermès khi biết rằng một trong những mẫu khăn nhiều màu nhất của họ có đến 46 màu.
Cho tới nay, kỷ lục chiếc khăn đắt giá nhất thế giới từng được bán có giá ba triệu bảng Anh (khoảng 109 tỷ đồng) trong một cuộc đấu giá tại London. Món phụ kiện bằng linen dệt có tên Oceanie, La Mer của thương hiệu cao cấp Ascher lấy cảm hứng từ chuyến đi đến Tahiti năm 1940 của nghệ sỹ Henri Matisse. Chiếc khăn có màu của cát và in những biểu tượng đầy tính tượng hình, khổ 165 x 380cm được thiết kế lồng trong khung và treo trên tường.
Cũng giống như Oceanie, La Mer, những chiếc khăn của Hermès cũng mang đầy đủ sự tương đồng như một bức tranh. Từ kích thước đến màu sắc, họa tiết và sự ấn tượng của nội dung thể hiện trên chiếc khăn, ngoài cái kiểu quấn, choàng, bạn hoàn toàn có thể lồng khung treo như một tác phẩm nghệ thuật.
>>> Xem thêm: KHĂN HERMÈS ĐƯỢC THIẾT KẾ RA SAO
Bài: Diễm Trinh
Harper’s Bazaar Việt Nam