Một khảo sát của Booking.com chỉ ra rằng, 81% du khách Việt Nam cảm thấy thoải mái và hạnh phúc nhất khi đi du lịch. 72% mong muốn lưu giữ trạng thái thoải mái và tự tin này cả khi trở về với cuộc sống hàng ngày, để luôn được là phiên bản tốt nhất của bản thân. Nói không ngoa rằng người viết chưa từng gặp một người nào… không thích du lịch. Hoạt động này mang lại nhiều lợi ích tinh thần, giúp ta vui tươi hạnh phúc hơn hoặc theo cách nói thịnh hành là “đi để chữa lành”.
Ông Varun Grover, Giám đốc Quốc gia của Booking.com tại Việt Nam nhận định, các xu hướng năm 2024 cho thấy du lịch không đơn thuần thoát ly khỏi cuộc sống thực tại, mà còn là cách để chúng ta tận hưởng cuộc sống với niềm đam mê và sự hứng khởi. Từ những cuộc phiêu lưu mạo hiểm đến miền đất mới, cho tới những khám phá văn hóa và các trải nghiệm đa chiều khác, du lịch cho phép chúng ta sống với phiên bản tốt nhất của chính mình.
“Việc du khách Việt Nam giữ vững khao khát khám phá một cách bền vững hơn và tôn trọng di sản văn hóa tại những nơi họ đặt chân tới là một tín hiệu rất đáng khích lệ”, ông Varun Grover đánh giá.
Từ khảo sát này, chúng ta có thể thấy, du lịch sinh thái, bền vững, hướng đến bảo vệ môi trường và trải nghiệm văn hóa là hai xu hướng được ưa chuộng hiện nay. Đây cũng là những từ khóa được các du khách thượng lưu quan tâm trong những kỳ nghỉ của mình, theo một báo cáo của Deloitte.
Hai xu hướng du lịch xa xỉ đang là trào lưu lớn
1. Du lịch sinh thái bền vững
Theo báo cáo Du lịch Bền vững 2024 do Booking.com thực hiện, 96% du khách Việt cho biết yếu tố bền vững có vai trò quan trọng đối với quyết định du hí của họ. 94% chia sẻ họ có mong muốn thực hiện các chuyến du lịch bền vững trong vòng 12 tháng sắp tới. Trong năm ngoái, 60% du khách kiếm tìm các chuyến du lịch bền vững và xu hướng này tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong vài năm nay, ngày càng có nhiều người nhận thức tầm quan trọng của lối sống bảo vệ môi trường hơn. Bền vững cũng chính là phong cách sống của tương lai, giúp nhân loại kiến tạo nên một thế giới xanh, sạch cho nhiều thế hệ mai sau.
Một thống kê đã chỉ ra rằng, từ năm 2024 đến 2031, du lịch bền vững sẽ tăng trưởng kép toàn cầu khoảng 14,3%. Trong đó, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng du lịch bền vững mạnh nhất. Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia là ba điểm đến nổi bật, nhờ vào hệ sinh thái đa dạng và các hoạt động du lịch sinh thái chiều lòng du khách.
Du lịch bền vững bao gồm nhiều yếu tố.
Chọn lựa các địa điểm dịch vụ thân thiện với môi trường (eco-friendly) là xu hướng đầu tiên.
Tiếp đó là sử dụng các phương tiện di chuyển ít xả khí thải ra môi trường. Xe điện, di chuyển giữa các điểm đến bằng tàu hỏa hay các phương tiện giao thông công cộng là những gợi ý cho du khách.
Một yếu tố khiến du khách yêu thích trong du lịch bền vững là kết nối với cộng đồng địa phương. Chẳng hạn nếu du lịch ở Hội An, bạn có thể ghé qua làng rau Trà Quế hay làng gốm Thanh Hà, nơi có lịch sử chế tác gốm lên đến hơn 500 năm.
Hoạt động du lịch có trách nhiệm như giảm thiểu sử dụng nhựa dùng một lần, giảm thiểu chất thải, bảo tồn động vật hoang dã và môi trường sống tự nhiên đang trở thành tiêu chuẩn với những du khách thượng lưu có ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều du khách ưa chuộng hình thức du lịch cao cấp kết hợp khu bảo tồn thiên nhiên. Tại đây, họ có thể thư giãn bằng cách gần gũi với thiên nhiên, có nhiều trải nghiệm thú vị và đáng nhớ, đồng thời đóng góp vào quá trình bảo tồn hệ sinh thái.
Ví dụ, với chuyến đi ngắm động vật hoang dã cao cấp, du khách có thể cùng nhà nghiên cứu quan sát tê tê tại khu bảo tồn. Công ty du lịch cao cấp Indagare cam kết đóng góp 1% doanh thu cho Long Shields Lion Guardians, nhằm bảo vệ sư tử tại khu vực xung quanh Vườn Quốc gia Hwange ở Zimbabwe.
Tại Việt Nam, một resort ở Côn Đảo cũng thiết lập quỹ Phát triển Bền vững để đóng góp vào các dự án bảo tồn động thực vật trên đảo.
2. Du lịch trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử và văn hóa địa phương
Đã qua rồi thời chúng ta đi du lịch chỉ để chơi hay đơn giản là nằm im trong khách sạn. Khi đời sống ngày càng phát triển, nhu cầu tìm hiểu về các nền văn hóa, văn minh khác nhau để làm sâu sắc thêm trải nghiệm, vốn sống ngày càng được lòng các du khách thượng lưu. Trong đó, du lịch văn hóa là xu hướng được ưa chuộng tiếp theo, sau bền vững.
Du lịch văn hóa là hình thức mà ở đó, du khách hòa mình vào các phong tục văn hóa địa phương. Đó có thể là trải nghiệm ẩm thực, tham quan các danh lam thắng cảnh hay hòa mình vào những ngày lễ hội địa phương. Bản tính của con người là tò mò. Khi toàn cầu hóa, nhu cầu tìm hiểu về các nền văn hóa khác trở thành một nhu cầu thiết yếu và chính đáng.
Theo báo cáo của Data Bridge Market Research, quy mô thị trường du lịch văn hóa được định giá là 6,52 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2023, dự kiến đạt 15,23 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2031. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 11,2%, giai đoạn từ 2024 – 2031.
Paris, địa điểm du lịch thu hút khách số một thế giới, cũng đồng thời là địa danh du lịch văn hóa dẫn đầu. Đến kinh đô ánh sáng, dường như du khách không thể bỏ qua tháp Eiffel, tham quan Khải Hoàn Môn, Nhà thờ Đức Bà, thưởng thức món escargot (ốc sên) nức danh hay nhấm nháp tách cà-phê ở Cafe de Flore.
Tất cả đều là du lịch văn hóa. Trong vài năm gần đây, Việt Nam cũng là điểm đến du lịch văn hóa được ưa chuộng bậc nhất châu Á. Tại Việt Nam, chuỗi sự kiện Taste Studio cũng chính là một phần của du lịch văn hóa xa xỉ.
Năm 2023, nước ta được Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) vinh danh là Điểm đến hàng đầu châu Á về di sản, văn hóa, ẩm thực. Trước đó, Việt Nam cũng liên tiếp nhận được giải thưởng này thường niên, từ năm 2018–2020. Việt Nam có lợi thế với tám di sản thế giới được UNESCO công nhận, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO và gần 40.000 di tích. Huế, Hội An, Ninh Bình, Hạ Long, Hà Nội… là những điểm đến văn hóa nổi tiếng nước ta.
Cảnh đẹp có thể thu hút du khách đến một hoặc hai lần, nhưng khi yêu văn hóa địa phương, họ sẽ quay lại nhiều lần. Lồng ghép văn hóa vào du lịch cũng là cách để văn hóa dễ tiếp cận hơn, có sức lan tỏa và phù hợp với thời đại hơn. Khi du khách toàn cầu đang ngày càng tìm kiếm những trải nghiệm thân thiện với môi trường và giàu di sản, những người Việt trẻ cũng đang đáp ứng nhu cầu. Họ đam mê bảo toàn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời giới thiệu chúng đến với bạn bè quốc tế.
Harper’s Bazaar Việt Nam