Nét cổ điển, tinh tế tối thượng của bộ sưu tập No. 8 từ nhà thiết kế Hà Thông đã chinh phục giới chuyên môn và người hâm mộ ngày 11 tháng 8 vừa qua. Tuần lễ Thời trang Tốt nghiệp 2018 của Học viện Thiết kế và Thời trang London (Hà Nội) đã cho thấy đẳng cấp quốc tế của nhà thiết kế trẻ Việt Nam. Sự kiện này càng ý nghĩa hơn khi Hà Thông nhận được lời chúc mừng đặc biệt từ chị Trang Lê – Chủ tịch Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam. Xuất hiện trong sự kiện còn có chị Trần Nguyễn Thiên Hương – giám khảo của Project Runway Việt Nam, đại diện của tạp chí Harper’s Bazaar.
Project Runway: Nơi đam mê cất cánh
Tại Project Runway 2015, nhà thiết kế Hà Thông được chú ý bởi kỹ thuật tinh xảo, cầu kỳ trong từng đường nét. Nếu như các thí sinh khác được đào tạo chuyên nghiệp, Hà Thông lại có kinh nghiệm phụ việc cho Hoàng Minh Hà – Quán quân Project Runway năm 2013 và Hà Hồng Lam – Á quân năm 2014.
Năm 2015, cô tham dự cuộc thi này và lọt vào top 6, chỉ dừng lại ngay trước chung kết. Giám khảo Thiên Hương rất khâm phục nghị lực và đam mê của cô gái nhiều thiệt thòi này. Chị quyết định tặng Hà Thông một suất học bổng tại Học viện Thiết kế và Thời trang London (LCDF). Được ví như học viện danh giá Central Saint Martins của Việt Nam, LCDF ít chú trọng khía cạnh thương mại, hay thế giới phù hoa của thời trang. Suốt hai năm theo học tại LCDF, Hà Thông đã trau dồi nghệ thuật thiết kế, quá trình sáng tạo, và tự tay lên phom dáng cho giấc mơ của mình.
No. 8: Câu chuyện của niềm tin
“Bộ sưu tập No.8 kể về một cô gái trẻ và ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang. Đó là hành trình đánh thức bản năng, đi tìm ước mơ và mở cánh cửa cuộc đời mình. Từ đó bước vào thế giới đầy màu sắc, hạnh phúc và tươi vui. Cô gái ấy chính là tôi.” Nhà thiết kế Hà Thông chia sẻ về ý nghĩa cái tên: “Con số 8 luôn xuất hiện ở mọi sự khởi đầu quan trọng trong cuộc đời tôi: tháng 8 – tôi sinh ra; năm 2008 – bắt đầu sự nghiệp; 28 tuổi – chinh phục cuộc thi Project Runway; sau 8 năm làm việc tôi quyết định tạm dừng và đi học tại LCDF”
Là người sống khép kín, Hà Thông luôn đặt tâm trí vào cảm xúc người mặc. Trang phục đối với cô là cách bộc lộ bản ngã và thế giới nội tâm của mỗi người. Trong No. 8, màu xanh tượng trưng cho niềm tin vĩnh cửu; kết hợp với màu đỏ của đam mê và màu trắng của sự giản dị, thuần khiết. Phải chạm vào mới thấy hết được sự xa hoa kín đáo của trang phục. Từ đường kim mũi chỉ tới những chất liệu như dạ mềm, lụa, vải organza.
“Câu chuyện của No. 8 cũng là câu chuyện bản thân. Vì cuộc sống của mình luôn thiếu sự cân xứng”. Hà Thông chia sẻ về bộ sưu tập. Những đường cắt bất đối xứng, cùng các chi tiết như chần bông và xếp pli “làm nổi bật phom dáng hình quả trứng, thể hiện khao khát được bao bọc và yêu thương”.
Năm 2015, cô được công chúng biết đến như thí sinh khuyết tật đầu tiên của Project Runway Vietnam. Sau ba năm, cô trở thành một nhà thiết kế được giới chuyên môn công nhận. Trang phục của Hà Thông gợi nhắc tới sự hàn lâm của Prada; thần thái lịch thiệp và sự thoải mái của Loewe hay Céline. Với mỹ cảm tinh tế và kỹ thuật trau chuốt, Hà Thông cho thấy tiềm năng của một nhà thiết kế quốc tế. Chặng đường đến hôm nay của cô đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Những ước mơ sẽ không tàn lụi khi bạn nuôi dưỡng chúng bằng đam mê và niềm tin.
Triển vọng thiết kế Việt
Tuần lễ Thời trang Tốt nghiệp tại LCDF còn cho thấy suối nguồn sáng tạo vô tận của các nhà thiết kế trẻ. Chủ đề Re:Fashion năm nay là cầu nối giữa quá khứ và tương lai; giữa truyền thống và sự phá cách; giữa vòng tái sinh và giá trị bất biến. Bộ sưu tập Kháng kháng sinh (Antibiotics & Antibody) của Hoàng Hiền Linh là thông điệp về sự lạm dụng thuốc kháng sinh. Cô lấy ý tưởng từ màu sắc và chất liệu của viên thuốc tổ kén. Những chi tiết đính kết, thêu tinh xảo đem lại vẻ sang trọng, hân hoan của phong cách dạ hội. Khi kết hợp với trang phục đường phố năng động, chúng tạo nên tổng thể đầy cuốn hút.
Trong khi đó, nhiều học viên lại hướng về lịch sử, văn hóa và nghề thủ công truyền thống để tìm cảm hứng. Bộ sưu tập Hương sắc Việt Nam của Đoàn Thu Uyên là lời tri ân bằng lụa với gốm sứ Chu Đậu. Bộ sưu tập Ruộng bậc thang của Lê Thị Hồng Vân lại là những tác phẩm hội họa trừu tượng, ôm trọn sắc màu huyễn hoặc của miền núi phía Bắc.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Tốt nghiệp còn có triển lãm trưng bày các không gian nghệ thuật. Nó đưa người tham quan vào thế giới sáng tạo của từng nhà thiết kế. Có trò chuyện với họ, người ngoài cuộc mới hiểu rõ hơn về quá trình đào tạo, rèn luyện suốt hai năm của từng học viên.
Chị Hà Thị Hằng – Giám đốc điều hành LCDF chia sẻ: “Hà Thông là người cầu toàn. Có lần, Thông đã xin phép ở trường 24/24 để hoàn thiện thiết kế”. Nghị lực và niềm tin chính là yếu tố giúp cô gái đa tài này thành công. Với các bạn trẻ muốn theo đuổi thiết kế, chị khuyên: “Phải có đam mê thì bạn mới thành công. Tài năng là 1%. Đam mê mới là 99%”. Tại triển lãm, khi chiêm ngưỡng từng thiết kế, người xem có thể cảm nhận đam mê và hoài bão vô tận của những nhà thiết kế tốt nghiệp năm nay. Cùng với Hà Thông, những tài năng này chỉ mới bắt đầu con đường chinh phục thời trang nước nhà và ghi dấu trên bản đồ quốc tế.
Bài: Lace Nguyễn
Ảnh: Tư liệu
Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 9/2018