Met Gala 2015 là khoảnh khắc thời trang vĩ đại vinh danh Trung Quốc. Nó tái hiện một phần lịch sử và văn hoá quốc gia này trong cuộc triển lãm mang tên “Trung Quốc: Thông qua lăng kính”. Và trên hết, nó đưa tên tuổi Guo Pei (Quách Bồi) lên một tầm cao mới.
Nghe có vẻ xa lạ, nhưng chính Guo Pei là người tạo nên trang phục Rihanna diện lên thảm đỏ. Trên nền vàng tượng trưng cho vua chúa, từng đường thêu tỉ mỉ hiện rõ. Chiếc váy như hiện thân của những món đồ trong thần thoại Trung Quốc. Cao sang, quý phái và đầy quyền lực.
Chiếc váy lộng lẫy ấy ngốn của Guo hết 2 năm làm việc, với bao mồ hôi và nước mắt. Không bõ công mong đợi, ngay sau khi xuất hiện, nó trở thành hiện tượng thời trang trên thế giới; hiện diện trên trang nhất làng loạt trang báo; và đưa tên tuổi Guo Pei lên một tầm cao mới.
Guo Pei và mối cơ duyên với ngôi sao Barbados
Trả lời phỏng vấn CNN sau sự kiện, cô Guo Pei xúc động cho biết: “Tôi nghẹn ngào ngay lần đầu tiên Rihanna thử chiếc váy đó. Tôi nghĩ váy áo được làm ra là để mặc. Đó là lý do các nhà thiết kế cần nhiều người mẫu thật phù hợp. Tôi cho rằng Rihanna và chiếc đầm ấy đã hoà lại làm một. Cô ấy mang đến cho bộ phục trang một cuộc sống mới”.
Bên cạnh chiếc đầm của Rihanna, một tuyệt tác nữa của Guo cũng xuất hiện tại sự kiện. Chiếc váy mang tên Dajin (Vị thần tuyệt mỹ) ấy đã được góp mặt trong buổi trưng bày. Nó nhận được nhiều cái xuýt xoa không ngớt từ du khách tứ phương. Như tặng phẩm đích thực dâng lên các vị thần, bộ phục trang ngốn 50.000 giờ làm việc liên tục.
“Tôi thiết kế nó gần 10 năm trước. Dajin chính là một phần bộ sưu tập được gợi cảm hứng từ các trang phục trong thời chiến”. Cô Guo cho biết. “Tôi nghĩ mọi người đã nói rất nhiều về cái chết của haute couture. Nhưng tôi tin vào việc tái sinh và vòng tuần hoàn của cuộc sống. Đó chính là lý do tôi làm nên những chiếc váy này.”
Guo Pei và cái tát trời giáng của Haute Couture
Guo Pei sinh năm 1967 tại Bắc Kinh, vào thời điểm khái niệm thời trang cao cấp cùng những trào lưu quốc tế có tác động mạnh đến nền văn hóa truyền thống Trung Quốc. Nói về những tháng ngày gian khó, Guo Pei kể:
“30 năm trước, không có từ ngữ gọi là thời trang ở Trung Quốc. Và 20 năm sau đó, khái niệm ‘thiết kế thời trang’ vẫn chưa là gì cả. Dẫu vậy, suốt 30 năm qua, tầm hiểu biết về cái đẹp đã được nâng cao đáng kể. Giờ đây, ngày càng nhiều người Trung Quốc tìm kiếm một món đồ vừa thể hiện tinh thần quốc gia; mà vẫn toát lên cá tính của riêng họ”.
Lớn lên trong nền văn hoá xem đồng phục là chuẩn mực, cô đã rất khó khăn để tìm chỗ đứng cho nghệ thuật thêu tay trong haute couture. Nhằm có được mọi kỹ năng thêu thùa, thứ giúp cô đạt đến đỉnh cao sự nghiệp ngày nay, Guo Pei phải tự tìm tòi và học hỏi tất cả.
Năm 1982, cô đã trở thành thành viên lớp học thiết kế đầu tiên ở Bắc Kinh. Trải nghiệm đầu về haute couture mà cô trò nhỏ lúc đó nhận được là khi mở lời nhờ giáo viên hướng dẫn thực hiện các mẫu chiếc đầm dạ hội cô thấy trên truyền hình hay truyện cổ tích.
Đáp lại, cô được dẫn đến thẳng một cửa hàng phục trang. “Tại sao em không làm nên thứ gì có thể bán được ấy?”, cô giáo trả lời. Cánh cửa haute couture đầu đời đã bị đóng sập trước mắt Guo Pei như thế.
Hành trình ghi tên Trung Hoa lên trang phục
Dẫu vậy, thất bại đầu tiên vẫn không ngăn bước cô trò nhỏ nhiệt huyết. Mặc ánh nhìn kỳ thị từ mọi người xung quanh, Guo Pei mở Rose Studio năm 1997. Cô quyết tâm đưa nghệ thuật thêu truyền thống trở lại. Nhiều năm trôi qua, Rose Studio trở thành điểm đến thời trang cao cấp nổi tiếng nhất Trung Quốc. Với hơn 500 thợ thủ công, gồm 300 thợ thêu và 150 nhà thiết kế, nhà sáng tác mẫu và thợ may, Rose Studio liên tục là cái tên đồng hành cùng ngôi sao tại các sự kiện thảm đỏ.
Nổi bật nhất là chiếc đầm kết 200.000 viên kim cương Swarovski mà ca sĩ Song Zuing (Tống Tổ Anh) mặc tại lễ bế mạc Olympic Bắc Kinh năm 2008. Cái tên Guo Pei lại một lần nữa được xướng lên, khi diễn viên Lý Băng Băng sải bước tại Liên hoan phim Venice 2010 trong chiếc đầm đuôi cá do cô thực hiện.
Với dòng máu Trung Hoa chảy trong huyết quản, những thiết kế của Guo Pei luôn có cách phối màu sặc sỡ, được thêu, đính hạt và xếp lớp vô cùng vương giả. Với cảm hứng từ những câu chuyện lịch sử phong kiến hay giai tích thần thoại, những bộ váy áo được làm kỹ lưỡng, công phu đến từng chi tiết. Ở đó, biết bao nét đẹp đậm chất Á đông đã được phục dựng, như hoa văn gốm sứ, hoạ tiết rồng phượng hay thậm chí là mấn mão vua chúa.
Và ở đó, có một tinh thần bất diệt mang tên Guo Pei.
Guo Pei: Rei Kawabuko Trung Quốc
Hai năm qua (2016 và 2017), Guo Pei đều trình làng BST tại tuần lễ thời trang Haute Couture. Đây là lần đầu tiên NTK Trung Quốc góp mặt tại lễ hội thời trang danh giá nhất hành tinh. Đó cũng là lúc cô ghi tên mình vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới.
Nói về Guo Pei, Lucy Liu, bạn thân và cũng là khách hàng thân thiết, cho biết chính tình yêu công việc cùng đam mê dành cho nghệ thuật thêu thùa và những hình thù kỳ quái đã tạo nên điểm nhấn khác biệt cho các tác phẩm của cô.
“Guo Pei có trí tưởng tượng rất hoang dã so với các nhà thiết kế haute couture Tây phương khác. Những trải nghiệm cuộc sống của cô ấy đều được đưa vào từng thiết kế. Đặc biệt là cảm xúc và niềm đam mê bất tận với thời trang”, cô nói.
Với những cống hiến to lớn trong làng thời trang quốc tế, có thể nói Guo Pei chính là người đặt nền móng cho nền công nghiệp thiết kế Trung Quốc. Hay nói cách khác, Guo Pei chính là Rei Kawabuko của quốc gia 5000 năm lịch sử, nhưng gần như không có khái niệm gì về thời trang thiết kế.
Để hiểu rõ hơn đam mê và nguồn cảm hứng bất tận trong thời trang của Guo Pei, hãy cùng Bazaar xem qua các sáng tạo đặc biệt của cô tại Tuần lễ thời trang Haute Couture 2017.
Harper’s Bazaar Việt Nam