VÌ SAO BẠN HAY TRỄ GIỜ, VÀ CÁCH KHẮC PHỤC THÓI QUEN NÀY

Lời khuyên để cải thiện thói quen trễ giờ từ một bác sỹ tâm lý

Có thể bạn hay trễ giờ vì mất thời gian sắm sửa nhiều hơn dự kiến. Ảnh: Instagram @EggCanvas

Có thể bạn hay trễ giờ vì mất thời gian sắm sửa nhiều hơn dự kiến. Ảnh: Instagram @EggCanvas

Nạn trễ giờ có thể được xem là một căn bệnh xã hội. Người này trễ giờ, kéo theo người kia trễ giờ, kéo theo…toàn xã hội trễ giờ. Đến mức độ chúng ta xem việc trễ giờ là hiển nhiên. Vô hình chung, khi mời mọc ăn tiệc, ăn đám cưới, uống cà phê, chúng ta bắt đầu “hét lố giờ” lên 1, 2 tiếng…chỉ để đảm bảo mọi người có mặt đúng thời gian mình tính mời ban đầu.

Vậy việc trễ giờ là vô tình hay cố ý? Và làm sao để chúng ta có thể khắc phục thói quen này? Hãy nghe bác sỹ tâm lý giải đáp.

“Đôi khi, thói quen trễ giờ có thể bắt nguồn từ việc vô tổ chức. Nhưng thực chất, nó cũng có thể được giải thích bởi tính cách con người.” Theo lời bác sỹ tâm lý Lindsay Henderson.

Vì sao bạn hay trễ giờ?

Có thể phân chia tính cách của người hay trễ giờ vào các nhóm sau. Lưu ý: Một người hay đi trễ có thể thuộc vào một hay nhiều nhóm.

Người cầu toàn

Người cầu toàn luôn mất rất nhiều thời gian sắm sửa, chuẩn bị. Họ tính chỉ đánh môi son, nhưng cuối cùng lại makeup cả mặt vì phát hiện mắt thâm quầng do thức đêm. Nếu áo hơi nhăn, họ phải ủi cho bằng được. Họ cho rằng khi bắt đầu đi, đường đi của họ sẽ hoàn hảo, nên họ không dành thời gian cho những vấn đề có thể gặp phải trên đường đi (ví dụ kẹt đèn đường, kẹt xe, không tìm được chỗ đậu xe).

Người không thể chối từ các buổi hẹn hò

Họ nhận được nhiều lời mời cùng một lúc. Và họ không nỡ từ chối. Dẫn đến vấn đề họ phải chạy đôn chạy đáo khắp để có mặt ở tất cả các buổi hẹn. Và dĩ nhiên là trễ ở nơi này một chút, trễ ở nơi kia một chút.

Người dễ bị hoang mang khi chuẩn bị

Những người này không có kỹ năng tổ chức cao. Chính vì vậy, họ hoang mang khi phải chuẩn bị cho cuộc hẹn, không biết nên bắt đầu từ đâu. Chưa kể là nếu cuộc hẹn này quan trọng (ví dụ phỏng vấn công việc) thì họ sẽ càng dễ stress. Khiến cho họ chần chừ khi quyết định nên mặc gì, trang điểm ra sao…

Người có tính cách bất cần

Việc đi đúng giờ được xem là thói quen tốt. Có những người muốn chứng tỏ rằng mình hơi…bất cần, khác người, độc đáo; nên họ sẽ cố tình đi chậm. Không trễ nhiều, chỉ là chậm 5-10 phút mà thôi.

Người “nước đến chân mới nhảy”

Có những người chỉ hoạt động tốt khi gặp một “biến cố”. Ví dụ như làm việc gấp cho kịp deadline. Hay tính chất công việc của họ là xử lý khủng hoảng tại một công ty PR. Cảm giác chạy nước rút tạo adrenaline trong não bộ, mang lại hưng phấn cho họ. Nếu không có adrenaline, họ cảm thấy uể oải và không muốn động đậy. Chính vì vậy, chỉ khi đi trễ, não bộ họ mới sản sinh adrenaline tương tự.

Người ngại phải đến sớm và đứng chờ một mình

Có nhiều người e ngại đi sớm, vì họ bồn chồn khi phải chờ đợi người khác. Việc đi trễ tạo cảm giác an toàn hơn cho họ, vì chí ít họ không phải bỡ ngỡ khi đến cuộc hẹn. Ngoài ra, có những người cũng muốn chứng tỏ bản thân quan trọng. Việc đi trễ tạo cảm giác họ là người quan trọng và người khác phải chờ đợi mình.

“Nữ hoàng không bao giờ trễ giờ. Nữ hoàng luôn đến đúng giờ. Những người khác chỉ căn bản là đi sớm.”.

– Nhật ký công chúa

 

Cách nào để khắc phục?

Những người có thói quen trễ giờ chắc chắn biết rằng tính cách này là một vấn đề. Họ thậm chí còn cảm thấy tội lỗi khi bắt người khác chờ đợi. Nhưng họ dường như không thể khắc phục.

“Không thể sửa thói quen chậm trễ nếu không hiểu nguyên nhân gốc rễ”, bác sỹ Henderson giải thích. “Một khi đã hiểu lý do gây trễ nải, bạn mới có thể khắc phục triệt để.”.

Tính toán lại thời gian

Bạn nên dành ra một tuần để tính thời gian cho các quy trình chuẩn bị của mình. Từ việc tắm rửa, thay quần áo, đến trang điểm, làm tóc. Cho đến việc ước tính thời gian phải bỏ ra để đi đến chỗ hẹn. Có thể quãng đường đó nếu chạy gấp chỉ mất 10 phút, nhưng nếu vướng đèn đỏ thì sẽ lên đến 25 phút. Vậy, hãy luôn tính nhẩm rằng bạn sẽ cần 25 phút thay vì 10 phút để đến nơi.

Tìm hạnh phúc trong việc…ở một mình

Nếu đến điểm hẹn sớm, bạn hãy làm một việc gì đó để qua thời gian. Ví dụ, đọc một quyển sách, hay nghe nhạc, hay dọn dẹp hộp thư điện tử trong lúc chờ đợi. Bạn sẽ không cảm thấy bồn chồn nữa.

Tìm một người giúp đỡ

Tất nhiên, tất cả các khắc phục đều cần thời gian để thực hiện. Bạn sẽ dễ khắc phục thói quen này hơn nếu tìm được một người bạn hay đi sớm, có tác phong chuẩn bị ngăn nắp, để chuẩn bị cùng mình. Người bạn ấy sẽ giúp động viên bạn để sắm sửa nhanh chóng, đúng giờ hơn.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm