Để thành công hơn, hãy thử nhìn sự việc qua lăng kính khác

Sự đa dạng vốn là hương sắc của cuộc sống. Đôi mắt khách quan sẽ giúp nhìn ra điều mới mẻ khác biệt

Đôi mắt rất quan trọng. Mỗi người chúng ta đều “mở mắt chào đời”, sống, trải nghiệm, cảm nhận những thăng trầm buồn vui qua lăng kính rất riêng… cho đến ngày “nhắm mắt”.

Đôi mắt người đời thường thích nhìn cái đẹp. Thượng đế cũng công bằng vì có khi mình xấu với người này nhưng lại rất khả ái trong mắt người khác. Xấu đẹp tùy người đối diện là vậy đó! Có những cô gái trắng trẻo, “điện nước đầy đủ” vui vẻ bên người yêu Việt Nam. Cũng có những cô gái rất mảnh khảnh, “bằng phẳng”, da ngăm nâu, tự tin thể hiện cạnh người đàn ông tóc vàng mắt xanh của mình. Tình yêu không biên giới à? Có người thích, có người thấy gai gai mắt… Chung quy cũng là do cách nhìn nhận sự việc khác nhau của mỗi người.

Con mắt riêng, lăng kính riêng của mỗi người

Tôi cũng vậy. Tôi cũng nhìn đời qua đôi mắt chủ quan.

Thời còn đi học, tôi hay ghé thăm nhà một cô bạn và thường chào hỏi bà ngoại của bạn tôi. Đó là một bà ngoại truyền thống: quần đen, áo bà ba – hết nâu rồi lại xám hay trắng, tóc búi. Chỉ còn thiếu cái khăn rằn và khay trầu là đúng như bức tranh vẽ phụ nữ Việt Nam đời xưa.

Rồi gia đình bạn tôi xuất ngoại. Một năm sau tôi gặp lại bà để nhận quà bạn tôi gửi về. Thật quá đỗi ngạc nhiên!

Trước mắt tôi là một phụ nữ đã có tuổi, tôi không thể dùng từ một bà già vì bà rất trẻ trung và năng động. Tóc cắt ngắn, uốn xoăn nhẹ tự nhiên. Áo sơ-mi cam nhạt bỏ trong quần tây cắt khéo màu nâu sữa. Không còn đôi guốc gỗ lóc cóc mà thay vào đó là đôi sandal đế thấp. Bà còn trang điểm nhẹ nhàng. Thấy tôi trố mắt nhìn, bà ngoại cười xòa: “Ở bển ai cũng ăn mặc vậy mà con…”.

Ngẫm nghĩ kỹ tôi thấy một điều: Tại sao phụ nữ Việt Nam luôn phải ẩn mình? Trong tận cùng của phụ nữ Việt Nam dường như có một đức tính là nhẫn nhịn hy sinh, nhưng cũng là khiếm khuyết: Không biết tự yêu lấy bản thân mình trước khi yêu thương và lo lắng cho nhiều người khác.

Một bà nội trợ đầu tắt mặt tối, suốt ngày loay hoay nấu bếp, lau nhà, dọn giường, chăm lo con cái, chồng về đến nhà mọi thứ đã sẵn sàng tăm tắp… thì đôi khi ông chồng lại cần một bóng hồng nào đó biết ra lệnh và đòi hỏi chàng phải làm cái này cái kia. Người đàn ông được “hầu hạ” cần được “hành hạ” bởi một người đàn bà không phải là vợ mình.

Ngược lại, cũng có một số người vợ không khéo nên được cho là hay lấn lướt chồng, tự ra những quyết định cho mọi việc trong gia đình, nói năng không lựa lời… Người chồng “tự ti” trong gia đình ấy lại cần phải thấy “tự tin” và được tán thưởng bởi một bóng hồng khác dưới một mái nhà khác.

Cách nào đúng, cách nào sai? Vấn đề nằm ở chỗ nào?

Đôi mắt khách quan nhìn ra điều mới mẻ

Bản chất cuộc đời là một sự chung sống. Vậy nên có lẽ chúng ta cần nhìn sự việc bằng đôi mắt của chính mình và bằng đôi mắt những người xung quanh nữa. Để thấu hiểu và điều chỉnh. Để biết cho và biết nhận.

Trong kinh doanh cũng vậy. Một sáng nào đó bạn hãy đến công ty và quan sát mọi việc bằng đôi mắt khách quan của một “khách hàng”. Có thể bạn sẽ thấy cô lễ tân khá xinh đẹp chào hỏi khách hàng với gương mặt lạnh tanh như một người mẫu thời trang mùa đông trên sân khấu. Có thể bạn sẽ thấy bảo vệ công ty mình đang hướng dẫn cho khách hàng chỗ để xe với thái độ của một thủ trưởng…

Ấn tượng đầu tiên là ấn tượng vàng. Cần phải hướng dẫn nhân viên bảo vệ thương hiệu công ty từ những việc nhỏ nhất. Chúng ta cần nhìn công việc thường ngày bằng đôi mắt của người khác, của khách hàng để biết những điều mà mỗi ngày mình vẫn nhìn nhưng không thấy… Cách nhìn nhận sự việc qua nhiều góc độ sẽ giúp chúng ta phát hiện ra những điều mới mẻ, để có dịp thử nghiệm, so sánh và áp dụng những phương pháp hoạt động hay kinh doanh khác, hiệu quả hơn.

Sau thời hoàng kim của ngành tài chính và bất động sản từ năm 2007 đến năm 2010 thì các ngân hàng bắt đầu khó khăn. Vào đầu năm 2012, tôi làm Giám đốc khối Tiếp thị ngân hàng Techcombank. Trong tình hình chung, số lượng khách hàng đến giao dịch với các chi nhánh của chúng tôi có sút giảm so với những năm trước.

Tôi đề nghị chiến lược “ Bán lẻ sôi động ”(Retail Excitement). Khi nhìn sự việc bằng đôi mắt “nội bộ”, các đồng nghiệp của tôi tại Techcombank thoạt đầu không đồng ý chiến lược này.  Một chiến lược quá rủi ro. Tuy nhiên, khi tập thể chúng tôi áp dụng cách nhìn sự việc khách quan theo mắt của khách hàng bằng cách thực hiện một phỏng vấn cụ thể thì hơn 95% khách hàng của chúng tôi tỏ ra thích thú với ý tưởng và quan niệm mới mẻ này.

Kết quả thành công ngoài mong đợi. Khách hàng đến giao dịch đông hơn và hài lòng, vì mỗi lần đến giao dịch với Techcombank là một trải nghiệm thú vị. Techcombank trở thành ngân hàng đầu tiên áp dụng chiến lược “Bán lẻ sôi động” tại Việt Nam.

Cảm nhận sự đa dạng của cuộc sống

BZ_GocNhin_9_13LePhuongPhuong

Hãy nhìn cái bàn từ nhiều góc độ để có thể thấy cái bàn đó có lúc hình vuông, có lúc hình chữ nhật, có lúc lại là hình bình hành. Thế giới này liệu có còn thú vị nếu tất cả chúng ta đều có cái nhìn và suy nghĩ giống nhau? Giữ cho đầu óc phóng khoáng, chúng ta có thể nhìn ra điều mới mẻ từ đôi mắt khách quan của chính mình.

Giáo sư tâm lý Đại học Rissho, Isamu Saito, cho rằng: “Con mắt của tâm trí thường ngóng nhìn về hai hướng. Một hướng ra bên ngoài thế giới, thu thập những thông tin về môi trường và những con người chung quanh. Còn con mắt kia quay vào trong, nhìn vô thế giới cái tôi bí mật của mỗi người. Đây chính là con mắt khảo cứu và giám sát những hoạt động của trí óc, suy ngẫm xem người khác nghĩ gì và tiên liệu, thấy trước loại người mà ngày nào đó ta sẽ trở thành”.

Trong công việc và cuộc sống, ngay cả khi khó khăn thử thách nhất, tôi cũng tự nhủ đừng nhắm mắt chui đầu vào cát trốn tránh như một chú đà điểu khi gặp một con sư tử. Vì dù không nhìn thấy gì cả, thì con sư tử vẫn còn đó và sẽ nhanh chóng ăn thịt mình mà thôi.

Người phụ nữ Việt Nam của thời đại mới sẽ biết lúc nào thì dám mở to mắt đối diện sự thật, lúc nào thì khép hờ hàng mi để chiêm nghiệm ý nghĩa cuộc sống, lúc nào thì mắt nhắm mắt mở để tha thứ cho mình, tha thứ cho người và lúc nào thì nhắm mắt thật chặt để chấm dứt một ảo ảnh.

Không chỉ nhìn mà chúng ta còn cần biết nhận… để mình không những thấy mà còn cảm nhận được sự việc một cách đầy đủ nhất.

Sách hay

Practically Radical  là tuyên ngôn và cẩm nang về sự thay đổi. Con người, đặc biệt là doanh nhân, đứng trước áp lực phải có cái nhìn mới về bản thân, về công việc và việc lãnh đạo. Họ đối mặt với những câu hỏi sống còn: Có nhìn thấy những cơ hội mà người khác không nhìn thấy? Có ý tưởng mới nào nảy ra từ những cái đã quá quen thuộc? Người ta thường hài lòng khi đi được nửa chặng đường, nhưng nửa chặng đường chính là điểm phá hoại.

BZ_GocNhin_9_13

 

Bài: Lê Phương Phương – Ảnh: Corbis, Dương Công Sơn
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm