Quay về với tự nhiên: Con đường màu xanh

Không phải là một sự đỏm dáng rũ bỏ phiền não của những người bận rộn nhiều tiền, sống xanh đã trở thành một lựa chọn giản đơn như chính bản chất của nó: quay về với tự nhiên.

Julia Roberts được bầu chọn là người đẹp “Xanh” của Hollywood

Khi thảm họa môi trường xảy ra ở vùng biển miền Trung những ngày qua, người ta nhớ đến câu chuyện có thật lừng danh thế giới: Erin Brockovich, một người mẹ đơn thân đã chiến đấu với công ty xả thải hóa chất gây nhiễm độc môi trường và sức khỏe con người.

Siêu sao Julia Roberts đã hóa thân thành bà mẹ Erin Brockovich và giành giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm 2001. Và cũng từ đó, cô nằm trong danh sách những “Ngôi sao xanh” của thế giới, đi đầu trong trào lưu chọn một cuộc sống thân thiện với môi trường. Julia Roberts lái chiếc Prius – dòng xe sử dụng năng lượng mặt trời và sống trong một ngôi nhà cũng dùng ánh nắng làm “nhiên liệu” cho sinh hoạt gia đình. Cô cũng đứng đầu chiến tuyến trong cuộc vận động bảo vệ động vật hoang dã ở Valle Vidal, New Mexico từ sự đe dọa của việc khoan dầu. “Người đàn bà đẹp” cũng là người phát ngôn cho tổ chức Earth Biofuels, đơn vị chủ trương cho các sáng kiến xăng sinh học và năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới.

“Cánh én” mang ước vọng Xanh

Hội An có lẽ là đô thị đầu tiên ở Việt Nam thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác tại từng gia đình. Họ không gọi là rác vô cơ hay hữu cơ nghe khoa học và xa lạ, họ gọi là rác dễ và rác khó, dựa theo khả năng phân hủy của rác. Mỗi tuần sẽ có lịch đổ rác rõ ràng, ai lười mà bỏ lẫn vào nhau thì cứ tự giữ rác trong nhà cho đến khi tự phân loại được thì xe rác mới chịu nhận. Du khách tò mò, người địa phương mách nước: “Chỉ là giai đoạn sơ khai nhất của việc sống xanh thôi. Đỉnh cao là ở vườn rau xã Cẩm Thanh”.

Vườn rau hữu cơ Cẩm Thanh bắt đầu xa hơn, từ một vườn rau ở Hà Nội do tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị thực hiện đã mấy năm nay. Sau đó, một đoàn nông dân và lãnh đạo của Hội An ra tận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn để học kinh nghiệm và mang về ứng dụng thí điểm ở thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, chỉ cách phố cổ Hội An có vài bước chân. Sự trì chí của Hội An đã làm nhóm bạn Vì sự phát triển đô thị từ Hà Nội vào theo để cùng phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Nông nghiệp hữu cơ đang trên đà phát triển tại Việt Nam

Nông nghiệp hữu cơ đang trên đà phát triển tại Việt Nam

Hữu cơ, tức là không có sự can thiệp của hóa chất hay yếu tố công nghiệp. Giống không biến đổi gien, phân bón tự ủ, phòng chống sâu bệnh bằng các loại thảo mộc tự làm: ớt, sả, gừng, tỏi… ngâm với rượu, xịt lên chống các loài gây hại. Và bây giờ, vườn rau hữu cơ đã được nhân lên nhiều lần, không chỉ ở Thanh Đông. Ngay cả làng rau nức tiếng là Trà Quế cũng sang học tập vì lượng khách tham quan và mua rau ở Cẩm Thanh ngày càng cao. Bài toán kinh tế đơn giản: tiết kiệm phân bón, thuốc trừ sâu là một khoản quan trọng, giá bán cao hơn một chút để bù vào sản lượng không cao như dùng thuốc, thêm lợi ích sức khỏe nhìn thấy ngay. Vậy là người này bảo người kia, cùng nhau trồng rau hữu cơ. Nông dân chia sẻ: “Trước kia dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu, lòng thấy không vui. Giờ chúng tôi thích ra trồng rau, khỏe người mà lại có thu nhập”. Hội An còn mang cả vườn rau vào các trường học, mỗi ngày, thầy cô và học sinh cùng góp công chăm bón. Bữa cơm học sinh có rau hữu cơ, và bài học trực quan này sẽ theo các em về với gia đình, như một hạt mầm quý được gieo đúng chỗ.

Hội An đang mở một vườn rau thực nghiệm mang tên “Cánh én”. Đây là nơi thử các giải pháp nông nghiệp mới nhất, để xem liệu có phù hợp với địa phương hay không. Lý giải về cái tên này, chị Đặng Hương Giang, giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị cho biết: Chúng tôi chọn câu nói của giáo sư, tác giả Cao Huy Thuần làm châm ngôn: “Một con én chỉ biết đưa thoi, mùa xuân có đến hay không, én không đặt vấn đề”.

Học sống thuận theo tự nhiên

Ngày càng nhiều những phụ nữ trí thức, doanh nhân theo đuổi con đường sống xanh. Họ đi nhiều, biết nhiều và hiểu điều gì đang xảy ra với trái đất, với mảnh đất nơi mình đang sống. Như những cánh én lặng thầm, họ làm từng chút một trên hành trình xanh của mình.

Mayu Ino là tên của một cô gái người Nhật Bản đã “phải lòng” Bến Tre và từ năm 1997 đến nay, cô gắn bó mật thiết với nông dân ở đây, mang nông nghiệp hữu cơ đến hướng dẫn họ. Vừa dịu dàng vừa cương quyết vừa bền bỉ, Mayu làm cùng nông dân để tạo ra, phát triển từng chút, từng chút diện tích trồng rau không dùng thuốc và phân bón hóa học làm tổn thương đất đai. Mấy ngày gần đây, Mayu làm dậy sóng Facebook với những đĩa mứt dừa đủ màu cô đem đi tiếp thị ở hội chợ thực phẩm Hàn Quốc: mứt dừa màu cam của gấc, xanh của lá dứa, tím của lá cẩm…

mayu

Hình vẽ màu nước chân dung cô Mayu Ino

Trưởng ban tổ chức phiên chợ nông sản Xanh Tử Tế (phiên chợ nông sản sạch được tổ chức vào thứ 7 và Chủ nhật tuần thứ nhất và tuần thứ 3 mỗi tháng tại Tp Hồ Chí Minh), chị Vũ Kim Anh kể về Mayu: “Không phải loại côn trùng nào cũng gây hại và nhiều lần, Mayu cùng các bạn nông dân “nuôi” những loại ấu trùng để phân biệt cách xử lý thuận theo thiên nhiên. Họ cố gắng thay đổi thói quen của nông dân: thuốc sâu nào càng độc, xịt phát sâu rầy chết ngay là nông dân càng ưa dùng. Chất độc hủy hoại thiên nhiên, hủy hoại sức khỏe người dùng khủng khiếp. Mayu nói với nông dân: “Các loại gừng, ớt, tỏi, sả… được ủ, ngâm, xay, hòa với nước sẽ thành dung dịch thuốc thảo mộc trừ sâu… Trời, nó cay thấy trời, diệt sâu tốt lắm đó”.

Những ngày này, trời nắng nóng hơn mọi năm. Tuy nhiên, khi ngồi xem các bạn trẻ dự thi “Startup Runway”, cuộc thi khởi nghiệp do Đại học Kinh tế Đà Nẵng phối hợp cùng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh tổ chức, ai cũng thấy lòng tự dưng mát mẻ. Hơn một nửa các dự án tham dự đều xoay quanh câu chuyện màu xanh: từ dự án đi cùng người nuôi tôm trong việc dùng giun quế để giảm tải kháng sinh, đến chuyện sử dụng trào lưu kết nối Internet của vạn vật (internet of things) trên hệ thống trồng rau thủy canh trong nhà, cho tới việc nghiên cứu sử dụng 300 ngày nắng ở Việt Nam để tạo ra năng lượng sạch…

“Những ý tưởng bảo vệ môi trường không quá cao xa, đôi khi chỉ là những “việc đơn giản” bạn có thể làm khi ở nhà, khi đi du lịch, đi mua sắm… Như khóa nước khi đánh răng, bạn sẽ tiết kiệm được 20 lít nước mỗi ngày”

HIỆU ỨNG TỪ “ CUỘC CÁCH MẠNG MỘT CỌNG RƠM”

Sách "Cuộc cách mạng từ một cọng rơm"

Bìa sách “Cuộc cách mạng từ một cọng rơm”

Cuộc cách mạng một cọng rơm (The Revolution One-Straw) là tên một tập sách của tác giả Masanobu Fukuoka. Ông là một nhà nông nghiệp, một nhà giáo và là một triết gia người Nhật nổi tiếng thế giới với quan niệm: làm nông nghiệp là trả về sự cân bằng của đất đai, thiên nhiên. Cảnh báo về cách mà con người đang làm hại thiên nhiên và tự làm hại chính mình, cuốn sách không chỉ nói về nông nghiệp, mà còn truyền dẫn cách yêu thương, bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống của con người. Ở Việt Nam, đã có một trang Facebook được lập nên và hiện có 5.002 người gia nhập để chia sẻ thông điệp của Fukuoka, động viên nhau và cùng theo đuổi lối sống hài hòa với thiên nhiên.

Bài: TrầnNguyên

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm