“Quần áo của các người đang giết chết chúng tôi…”

Ai đang thật sự trả giá cho những quần áo giá rẻ mà chúng ta hay mua?

 

Chúng ta đang mua sắm quá nhiều quần áo, và chúng ta đang trả rất ít cho những người làm ra sản phẩm. Đó là thông điệp của The True Cost, một bộ phim tài liệu mới nói về hiểm họa của ngành công nghiệp thời trang, sắp được công chiếu từ ngày 29-5 tại một số thành phố lớn trên thế giới. Ở Châu Á, phim sẽ được chiếu tại Thượng Hải vào ngày 11-6.

The True Cost là hồi chuông cảnh báo về sự thật đau lòng đằng sau những sản phẩm hàng may mặc giá cực rẻ mà chúng ta hào hứng mua được, và mua không ngừng tay.

Bộ phim là một cuộc điều tra sâu rộng, đau lòng và đáng lên án về nền công nghiệp sản xuất quần áo. Trong đó, có hình ảnh trẻ em bị dị hình do việc phun thuốc trừ sâu trong vành đai trồng bông cotton ở Ấn Độ, những thước phim khủng khiếp về vụ sụp đổ chết người của nhà máy Rana Plaza ở Bangladesh năm 2013, hình ảnh sông Ấn Độ nổi đầy bọt hóa chất hay hàng núi quần áo bị bỏ đi ở Haiti.

The-true-cost-poster

“Tôi tin rằng những quần áo này được sản xuất từ máu của chúng tôi”, Shima Akhter, một công nhân nhà máy ở Bangladesh phát biểu trong phim, “Tôi muốn những người chủ nhà máy phải nhận thức được và để tâm đến chúng tôi, để những người mẹ không phải mất đi những đứa con như thế nữa”.

Bộ phim cũng phỏng vấn một chủ nhà máy ở Bangladesh. Ông cho rằng chính áp lực liên tục đòi hỏi phải sản xuất với chi phí rẻ là một phần nguyên nhân dẫn đến điều kiện làm việc không an toàn của các công nhân. “Thực sự có đạo đức không khi mua một chiếc áo thun với giá 5 đô-la, hay một chiếc quần jeans với giá 20 đô?””, Livia Firth – Giám đốc sáng tạo một công ty tư vấn kinh doanh bền vững Eco-Age đã đặt câu hỏi như thế.

the-true-cost-clothes

Núi rác thải hàng may mặc ở Dhaka, Bangladesh

Cả bộ phim lột tả những sự thật, những con số đáng giật mình. Dưới đây là một vài ví dụ:

– Có 250.000 người nông dân trồng bông cotton ở Ấn Độ đã tự tử trong vòng 15 năm qua, một phần là do nợ nần chồng chất từ việc mua hạt giống bông biến đổi gen.

– Có 80 tỷ sản phẩm quần áo được bán ra trên toàn cầu mỗi năm, tăng 400% so với cách đây 2 thập niên.

– Trung bình người Mỹ bỏ đi 37 ký quần áo mỗi năm.

– Chỉ 10% số lượng quần áo người ta quyên góp cho các cửa hàng đồ cũ được bán ra, số còn lại kết thúc trong các bãi chôn lấp hoặc dạt ra thị trường các nước đang phát triển.

“Khi bắt đầu làm bộ phim, tôi hoàn toàn mù tịt về chuyện này”, Đạo diễn Andrew Morgan cho biết trong buổi họp báo công chiếu phim với truyền thông, “Tôi chưa từng có tí mảy may suy nghĩ về chiếc quần chiếc áo mình đang mặc”.

Chính bức ảnh về một đứa bé trạc tuổi con của ông đang đi tìm người thân gần đống đổ nát ở Rana Plaza đã thôi thúc anh làm bộ phim này.

Morgan cho rằng cần có những thay đổi mang tính hệ thống trong ngành công nghiệp này, mà điểm mấu chốt là cái giá của ô nhiễm và điều kiện làm việc không an toàn đang không được tính trong giá thành sản phẩm bán ra.

Do đó, ông kêu gọi người tiêu dùng không nên chọn mua quần áo giá rẻ – những gì đang được gọi là “fast fashion” (thời trang mì ăn liền) – thay vào đó, hãy mua ít nhưng chọn những sản phẩm được làm chất lượng hơn.

“Chúng ta hãy ngừng ngay việc mua sắm liên tục và bất tận mà hãy đầu tư vào những món đồ chúng ta thật sự yêu thích”, ông khẩn thiết.

Bài: Nhi Ong – Theo: CNN

Xem thêm