Mạng xã hội có thực sự giúp chúng ta bớt cô đơn?

Internet, mạng xã hội mang lại cho con người nhiều tiện ích và thông tin. Tuy nhiên, chúng có thực sự giúp chúng ta bớt cô đơn?

Vừa đây, tôi tình cờ xem một đoạn quảng cáo điện thoại di động. Hai nhân vật là đôi tình nhân ngồi trong một quán ăn. Tuy nhiên, cả hai chỉ mãi chăm chú với chiếc điện thoại của mình. Thế rồi cô nàng chuyển tình trạng quan hệ Facebook của mình từ “đang có người yêu” (in a relationship) thành “độc thân” (single) ngay trước mặt anh chàng. Cô nhắn một tin chia tay và kết thúc bằng cách gọi cho anh. Người con trai thốt lên qua điện thoại “Em chia tay anh à?!” trong khi vẫn đang nhìn thẳng vào mắt cô gái.

Đoạn quảng cáo ấy quả thực làm tôi không khỏi kinh ngạc tự hỏi “Mình đang sống ở thời đại kỳ quặc nào vậy?”.

Hai mặt của một mạng lưới

Có lẽ ai cũng biết những giá trị của Internet và các phương tiện truyền tải thông tin hiện đại mang lại. Nhờ có chúng, chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Trong những câu chuyện cổ tích, đôi khi vẫn thấy có những tấm gương kỳ diệu, giúp ta nhìn thấy người mình yêu đang ở xa nghìn dặm. Giờ thì điều ấy chẳng phải là phép màu nào đặc biệt nữa, bạn chỉ cần bật webcam hay cập nhật Instagram mà thôi. Cũng đã xa rồi thời người ta phải gửi đi cả chồng thư cùng nội dung và chờ đợi để được trả lời. Với e-mail, thông tin có thể được chuyển đi cho hàng trăm người cùng một lúc. Chúng ta cũng chẳng cần phải nhớ chính xác tên đầy đủ của ai nữa, chỉ cần gõ vài ký tự và hệ thống e-mail sẽ hiện lên cả danh sách người nhận. Thật tiện lợi biết mấy!

Mỗi ngày, các công ty cung cấp điện thoại, dịch vụ e-mail, công cụ tìm kiếm trên thế giới vẫn đang vận hành hết tốc lực chạy đua để mang tới cho người dùng những phương tiện hiệu quả nhất. Bây giờ chẳng cần phải có máy tính, chẳng cần nối Internet, chỉ cần một chiếc điện thoại 3G là người ta có thể giao tiếp với nhau theo nhiều cách.

Screen Shot 2015-08-29 at 4.30.19 PM

Đôi khi tôi nghĩ, nếu thời nàng Tô Thị có mạng xã hội, chắc nàng chẳng phải hóa đá chờ chồng. Nàng chỉ cần đăng lên một tấm hình thôi, có khi đã có hàng trăm người nói cho nàng biết chồng mình đang ở đâu, làm gì. Mà có khi từ trước đó, nàng và người ấy đã chẳng tới nỗi không nhận ra họ là anh em ruột.

Hơn thế nữa, mạng xã hội cho con người ta cơ hội “phát triển thương hiệu cá nhân”. Trước đây, người ta thích vào các phòng chat của Yahoo, MSN để tìm bạn bè. Giờ đây người ta thích “lượn lờ” trên Facebook, Instagram, Twitter… Mạng xã hội vừa thỏa mãn được nhu cầu kết nối, vừa là nơi thể hiện mình. Nhiều người vẫn gọi trang cá nhân trên mạng của mình là nhà. Mà đã là nhà thì cứ thoải mái thêm bớt, nhất là khi mọi thứ đều miễn phí. Tuy nhiên, chính vì thế, người ta bắt đầu biến mạng xã hội thành khu vườn cho cuộc sống hằng ngày. Họ gieo vào đủ loại hạt và cũng thu hoạch từ đó không biết bao nhiêu là hoa trái, cả tốt lành lẫn độc hại.

Thật trớ trêu khi có những việc rất khó nói với người thân hay bạn bè, nhưng vô cùng dễ dàng để tung lên mạng. Càng ít dám sống cuộc đời thực thì người ta càng thích nói năng, thích tuyên bố trên các mạng xã hội. Người ta tưởng Internet an toàn, bịa ra một cái tên thì muốn làm gì, nói gì cũng được. Thế nhưng, một khi Internet mang lại cho bạn thông tin của người khác, thì nó cũng có thể biến bạn thành nạn nhân. Điển hình như trường hợp một cậu thanh niên mới lớn đã đem chuyện mình gây tai nạn chết người ra bỡn cợt trên mạng xã hội. Hành động nông cạn, vô tình của cậu làm cho hàng nghìn người phẫn nộ và quyết đi tìm để… trừng trị. Ngay sau đó, mọi thông tin cá nhân, từ ngày sinh tháng đẻ, địa chỉ nhà ở, số điện thoại tới cả danh tính của bạn gái của cậu đều được tung hết lên mạng.

Tuy nhiên, dù sao thì trường hợp như trên cũng là hãn hữu. Đa số chúng ta đều biết cách ứng xử trên mạng xã hội sao cho đúng
mực, tạo được ấn tượng tốt. Đời sống ảo mà, muốn đóng vai nào chẳng được. Thế là chúng ta có rất nhiều bạn bè trên mạng. Chúng ta trở nên bận rộn với việc cập nhật thông tin, nhắn tin và đắm đuối trong việc huyễn hoặc rằng mình đang
được vây quanh mà không nhận ra lâu lắm rồi mình quên mất việc gặp những người bạn thật.

mang-za-hoi

Cô đơn trên mạng

Đoạn quảng cáo điện thoại ở trên nghe có vẻ khó tin nhưng thực ra những chuyện tương tự vẫn đang xảy ra hàng ngày. Tôi đã không ít lần hẹn bạn bè đi uống cà-phê và sau màn chào hỏi thì mỗi người tay trái ôm iPad, tay phải cầm iPhone. Chúng tôi hỏi thăm tình hình, trêu đùa nhau qua Whatsapp, Line… với đủ ký hiệu trên màn hình. Trong khi đó, thực tế chúng tôi chỉ cần ngẩng đầu lên là có thể nhìn thấy, cười đùa cùng nhau.

Bạn bè thật ngày càng ít có cơ hội trò chuyện, còn bạn bè trên mạng xã hội lại trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy. Điều đáng buồn là người ta có thể thuộc lòng lịch ăn – mặc – làm – chơi của một số người trên mạng, nhưng nếu hỏi những người thân trong gia đình họ đang ở đâu, làm gì, có khi họ sẽ ngẩn người ra và trả lời “không biết”. Nhiều người có tới hàng mấy nghìn bạn trên mạng xã hội nhưng chẳng thể tìm nổi một người bạn thân thiết ngoài đời. Tôi cũng có những người bạn “ảo” như thế trên mạng. Bất kỳ một câu nói, một bài viết gì của tôi, họ đều tham gia bình luận, phê bình, cho ý kiến, thậm chí khuyên bảo đủ điều. Nhưng đến khi bản thân gặp một trục trặc gì đấy thì họ lại than thở và nặng nề hình dung ra như họ đang đứng bất lực trước bức tường cao vút.

Có người đã nói với tôi rằng, lang thang trên Facebook còn hấp dẫn hơn đi chơi với người yêu. Khi thấy có nhiều bình luận cho bài viết của mình, họ thích thú hơn là cảm giác hài lòng khi hoàn tất một báo cáo phức tạp gửi cho sếp. Họ thích ngồi online suốt cả ngày hơn là đi tụ tập với nhóm bạn trước đây của mình. Những phản biện qua lại đầy kịch tính trên mạng làm họ cảm thấy
cuộc đời sinh động hơn.

Đến khi cộng đồng mạng này tạm nghỉ ngơi lấy sức trước khi lại lao vào những cơn sóng mới, họ cảm thấy trống rỗng và chán chường. Họ không biết phải làm gì cho qua thời gian, bất kể những công việc thực tế vẫn còn tồn đọng ở đó. Vắng đi những người bạn ảo, họ trở thành những con người cô đơn trong xã hội đời thường. Họ đọc, tham gia, miệt mài phân tích chỉ cho một mục đích duy nhất là duy trì sự có mặt của mình. Đáng buồn hơn, họ nghĩ rằng nếu không có Internet và mạng xã hội thì đời sống sẽ trở nên vô nghĩa. Giá trị của họ được xác định, thống kê, và đánh giá bằng bao nhiêu lượt xem, bao nhiêu bình luận, bao nhiêu người bạn trên Facebook. Phải chăng, tất cả chỉ vì người ta sợ hãi nỗi cô đơn, sợ hãi phải sống cuộc đời có thực vốn không dễ dãi như thế giới ảo? Sao người ta không nhận ra rằng, cuộc sống kia dù khó khăn hơn, yêu cầu từ họ cao hơn, nhưng cũng ấm áp, rực rỡ hơn màn hình máy tính hay điện thoại rất nhiều? Cũng có lúc các trang mạng xã hội trở thành lối thoát cho một số người đang đấu tranh với những áp lực hàng ngày của cuộc sống như vấn đề gia đình, công việc, tình cảm. Tuy nhiên, chính những lối thoát ấy cũng dần chồng chéo lên nhau và trở thành một tấm mạng che phủ khả năng biểu lộ tình cảm cần thiết và quan trọng trong cuộc sống thật của con người. Có nhiều người phải chờ đến khi đã quá muộn mới nhìn lại và nhận ra điều ấy.

Những điều không thể thay thế

Con trai tôi hiện đang học ở Mỹ. Nhờ Internet, tôi có thể nhìn thấy, nghe thấy tiếng con bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, những chuyện có vẻ quan trọng hay các yêu cầu ngoài kế hoạch thì con sẽ viết e-mail chứ không gọi điện thoại hay nói chuyện trực tiếp. Vì thế, hễ thấy e-mail của con trai gửi, tim tôi tự nhiên đập nhanh hơn vài nhịp. Thế rồi chuyện đấy cũng lây sang tôi. Cứ khi nào cảm thấy không vừa lòng với cách học hành hay cư xử của con tôi lại viết một e-mail trước để… gõ chuông báo động trước khi nói chuyện.

Screen Shot 2015-08-29 at 4.30.03 PM

Có lẽ Internet đã mang lại cho người ta cách giao tiếp bằng sự im lặng. Người ta có thể trao thể hiện tâm trạng, bàn tán về cuộc đời người khác, tranh cãi kịch liệt từ vấn đề nóng bỏng của thời sự đến những chuyện vặt vãnh như ai đã nói xấu ai qua sự im lặng của những ký tự trên màn hình. Thế nhưng, thế giới này đâu phải được tạo thành từ sự im lặng như vậy.

Hẳn bạn còn nhớ trong phim No Strings Attached, nhân vật nam có nói rằng “Đừng gọi cho anh để nói em nhớ anh. Đừng nhắn tin, đừng gửi e-mail, đừng viết lên tường Facebook! Nếu em thực sự nhớ anh, hãy tới đây và nói với anh điều ấy!”. Thế mới thấy, chẳng có phương tiện nào thay thế được cho một sự hiện diện, một tiếng nói, một cái nắm tay, một cái ôm trong đời thực.

Chúng ta có thể gửi qua mạng ảnh một bó hoa tuyệt đẹp long lanh màu sắc, có thể viết một trăm lần câu “Anh yêu em” hay nhấn nút < cùng với số 3 cả trăm lần để tạo ra một rừng ký hiệu trái tim nho nhỏ dễ thương trên màn hình. Tuy nhiên, người ta làm sao thấy được nhịp tim thổn thức, ánh mắt chân thật, bàn tay nóng ấm và giọng nói ngọt ngào khi ai kia thổ lộ ra điều ấy qua mạng? Internet có thể mang tới cho chúng ta thông tin, giúp chúng ta liên lạc với người khác bất cứ lúc nào. Thế nhưng, tất cả những điều đó chỉ là phương tiện hỗ trợ chứ không phải cuộc đời thật.

Thế giới thực phức tạp, nhiều thử thách và đồng thời cũng ấm áp, lãng mạn hơn nhiều. Vậy sao ta không bớt thời gian sống ảo, trở về với cuộc đời thật để cảm nhận hơi ấm của người thương yêu?

Bazaar Việt Nam -Bài: Lê Phương Thảo. ảnh: Getty Images

Xem thêm