VÌ SAO CÁC THƯƠNG HIỆU XA XỈ THAY ĐỔI LOGO?

Phần lớn các thương hiệu xa xỉ có sự thay đổi logo. Xu hướng phổ biến nhất là hướng đến sự tối giản

Để một doanh nghiệp hoạt động tốt, việc thay da đổi thịt là tối cần thiết. Hiểu được điều đó, không ít ông lớn thời trang đã lần lượt có những sự thay đổi đối với thương hiệu của mình. Nói đến “đổi thịt” thì có thể hiểu là thay máu nhân sự trong mảng sáng tạo.

Còn “thay da” thì chính là thay đổi diện mạo bên ngoài. Đó có thể là sự thay đổi tên thương hiệu như trường hợp của Yves Saint Laurent (nay là Saint Laurent). Thierry Mugler thành Mugler hay Maison Martin Margiela (nay là Maison Margiela). Dễ thấy việc lấy đi một phần trong cái tên vốn đã thành huyền thoại của thương hiệu cho thấy việc hướng tới sự tối giản. Đây là xu hướng toàn cầu không của riêng lĩnh vực nào. Và sự đơn giản hoá đó không chỉ ở cái tên mà dần xuất hiện ở cả logo các thương hiệu xa xỉ.

Công cuộc tái thiết thương hiệu

Logo vốn được xem là thông điệp súc tích mà thương hiệu gửi đến khách hàng. Phong cách, tinh thần hay tất cả tinh tuý được gói gọn trong logo. Những năm gần đây, có không ít thương hiệu cao cấp thay đổi nhận diện thương hiệu. Đây được cho là động thái cần thiết ở thời điểm có nhiều biến động thị trường như hiện nay.

Trước hết, làm mới bộ mặt thương hiệu là cách đánh dấu sự chuyển giao phong cách: bỏ lại những cái đã cũ, thương hiệu cao cấp đã sẵn sàng đem đến làn gió mới cho khách hàng. Tiếp đến, sự thay đổi giúp các nhãn hàng đến gần hơn với giới trẻ – giờ đây là Millennial và Gen Z.

Nhìn dưới góc độ kinh doanh, những logo mới này còn thể hiện sự khôn ngoan của thương hiệu. Nếu ngày trước, các thương hiệu xa xỉ chỉ quan tâm đến chất liệu, đường may, kiểu dáng. Thì câu chuyện kinh doanh hiện nay chỉ tập trung vào hashtag streetwear và athleisure. So với những logo cách điệu quá sang chảnh so với phong cách phóng khoáng này, những logo tối giản hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ và kinh doanh.

Khi các thương hiệu xa xỉ hướng đến sự tối giản

Điểm tối giản dễ thấy nhất có lẽ là phông chữ trên những logo mới. Cách tân, đơn giản, dễ đọc. Khoảng cách giữa các chữ cái cũng được thu ngắn lại. Dưới con mắt của những chuyên gia thiết kế, phông chữ đơn giản đang là xu thế mới. Nó hướng đến sự gắn kết sâu rộng, xoá bỏ rào cản. Danh sách những cái tên thuộc giới xa xỉ phẩm chọn phong cách tối giản không dừng lại ở bức hình trên. Năm 2018, Celine bỏ dấu sắc huyền thoại trên chữ “e”, trở về với logo cũ. Trước đó, Fendi cũng gỡ bỏ logo FF trên phiên bản 1965 được thiết kế bởi Karl Lagerfeld.

Có cắt bỏ thì cũng có thêm mới. Nhưng sự tối giản vẫn là yếu tố then chốt. Logo Fendi phiên bản mới thêm vào dòng chữ “Roma” – nơi ra đời của thương hiệu. Burberry nhấn mạnh sự gắn kết bền chặt với “London England” ở dưới tên thương hiệu. Bên lề, một khảo sát thú vị năm 2016 cho thấy gần một nửa thương hiệu xa xỉ Pháp có chữ “Paris” trên logo của mình.

Đồng loạt, liệu có đồng bộ?

Mặc dù khá đồng điệu khi chọn sự tối giản cho logo mới, các thương hiệu khẳng định vẫn thể hiện chất riêng của mình. Quay trở lại lời nhận xét ở đầu bài viết. Logo suy cho cùng là một thông điệp súc tích. Còn thứ làm nên một thương hiệu còn là sản phẩm, dịch vụ và giá trị. Chính vì vậy, thay vì chăm chăm soi xét việc các logo ngày càng giống nhau, có chăng ta nên đón xem những sáng tạo sắp đến để có sự đánh giá khách quan nhất?

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm