Cùng với những cái tên thần tượng đình đám đời đầu, Blackpink là một trong số những nhóm nhạc góp phần đem văn hoá châu Á vươn ra thế giới
Tết Nguyên đán đang đến rất gần. Dịp lễ lớn này giờ đây không chỉ quan trọng với cộng đồng người châu Á, mà cả những thương hiệu phương Tây. Đây không phải là động thái duy nhất cho thấy mong muốn tiếp cận châu Á của các thương hiệu ngoại.
Làn sóng văn hoá
Yếu tố đầu tiên lý giải cho hiện tượng này chính là sự xuất khẩu văn hoá. Làn sóng Hallyu của Hàn quốc đã đem văn hoá xứ củ sâm nói chung và châu Á nói riêng đến gần hơn với giới trẻ phương Tây. Các ngôi sao hàng đầu của Trung Quốc cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở các sự kiện thảm đỏ quốc tế. Đây đều là những động thái giúp văn hoá Á Đông được nhớ mặt đặt tên nhiều hơn.
Châu Á – vùng đất màu mỡ
Bên cạnh sự ảnh hưởng văn hoá, cần nhắc đến một yếu tố không nhỏ ảnh hưởng đến chiếc lược kinh doanh của các thương hiệu phương Tây: sự thay đổi đối tượng khách hàng.
Ngày nay, dễ dàng bắt gặp những nhân viên tư vấn gốc Á ở các kinh đô mua sắm châu Âu. Sự thay đổi bộ mặt nhân sự này là để phục vụ cho lượng khách đến mua sắm tại đây. Họ đa phần là khách du lịch Trung Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh lượng lưu học sinh châu Á trẻ và giàu có ngày càng đông ở các nước này.
40% doanh số của Burberry đến từ các khách hàng châu Á – Thái Bình Dương. Con số này ở Furla là gần 50%.
Châu Đông Vũ thần thái trong sắc đỏ của Burberry
Để tiếp cận tốt hơn đối tượng khách hàng này, các thương hiệu cũng ngày càng ưu ái các gương mặt mẫu châu Á. Lưu Văn, Hề Mộng Dao dần quen mặt với các nhãn hàng thời trang và show diễn quốc tế. Các thương hiệu hàng đầu như Chanel hay Dior cũng ưu ái những gương mặt idol Hàn quốc. Jennie của nhóm nhạc Blackpink là đại sứ của Chanel tại Hàn Quốc. Người mẫu Nhật Bản Kiko Mizuhara cũng là đại sứ châu Á đầu tiên của Dior Beauty.
Jennie của Blackpink được khen ngợi bởi thần thái sang chảnh như có sẵn ADN của Chanel
Khi các thương hiệu phương Tây cũng ăn mừng Tết âm lịch
Các hoạt động Marketing trên nền tảng số chiếm khoảng 60% tổng ngân sách quảng bá của các thương hiệu thời trang. Nên bên cạnh việc sử dụng các influencer bản địa, các thương hiệu còn có nhiều cách tiếp cận khách hàng châu Á khác. Điển hình là việc “ăn mừng” Tết âm lịch bằng những bộ sưu tập đặc biệt.
Bộ sưu tập mừng Tết 2020 của Gucci kết hợp cùng chú chuột Mickey
Từ thời trang đến mỹ phẩm, phụ kiện, các thương hiệu ngoại mang đến bữa tiệc tân niên thịnh soạn. Sắc đỏ đặc trưng của Tết âm lịch thường là gam màu chủ đạo của các sản phẩm này. Theo từng năm mà hình ảnh con giáp sẽ là cảm hứng thiết kế. Năm 2020 Canh Tý, chuột Mickey Mouse xuất hiện trong bộ sưu tập Tết của Gucci. Moschino lại lấy hình tượng hoạt hình Mickey Rat làm cảm hứng.
Ngoài ra, những hình ảnh điển hình mang đến sự thịnh vượng, an khang cũng được đưa vào. Như Dior sử dụng hình tượng chim phượng hoàng cao quý, tạo sự khác biệt so với các thương hiệu khác.
Harper’s Bazaar Việt Nam