Cơ hội của sự từ chối: Vì sao nói “không” có thể giúp bạn thăng tiến sự nghiệp

Bạn đang phải trả chi phí cơ hội cho mỗi việc mình làm, nên từ chối cũng là cách mở ra cơ hội mới cho bản thân

COO Facebook Sheryl Sandberg khuyến khích phụ nữ có những lựa chọn phù hợp mong muốn của bản thân

Có rất nhiều lý do để chúng ta chọn lựa hay từ chối một điều gì đó. Không ít sự từ chối có thể đem đến những tiếc rẻ hoặc băn khoăn giữa được và mất. Tuy nhiên, với nhiều phụ nữ thành đạt, việc “nói không” hay từ chối chính là một lựa chọn sáng suốt để mở cánh cửa cơ hội mới và sàng lọc những điều cản trở được sống là chính mình.

Tìm một lựa chọn khác

Một trong 50 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, giám đốc tác nghiệp Facebook Sheryl Sandberg khuyến khích phụ nữ đặt ra các ranh giới và bỏ ngay quan điểm muốn trở nên hoàn hảo và “được tất cả mọi thứ”.

Trong một cuộc nói chuyện với hãng tư vấn McKinsey, Sheryl Sandberg đưa ra lý do khiến phụ nữ vô tình kìm hãm thành công của mình trong sự nghiệp. Bà chia sẻ về những quyết định, sai lầm và sự đấu tranh của mình, từ đó đưa ra lựa chọn sáng suốt cho bản thân, sự nghiệp, gia đình.  Bà kể:

“Lúc rời Google chuyển đến Facebook làm việc, với tôi, thực là đáng sợ. Tôi phải làm quần quật với các chỉ tiêu doanh số và công tác vận hành của toàn bộ bộ máy kinh doanh. Ở đây, ai nấy đều là những “con ma đêm”. Họ làm việc không có giờ kết thúc!

Nếu tôi cũng phải ở đó cả đêm, chỉ vì đây là phong cách làm việc chung, tôi chắc sẽ kiệt sức mất. Tôi đã lựa tới lựa lui giữa việc trở thành một người phụ nữ tồi tệ với gia đình, hoặc bỏ xừ cái công việc này.

Nhưng, tôi đã cho mình một lựa chọn khác: đi làm sớm, hoàn thành mọi việc thật hiệu quả trong khoảng thời gian ở văn phòng, và rời công ty lúc 5 giờ 30 chiều. Có chuyện gì gấp thì xử lý online.

Chọn cho mình một con đường không giống mọi người, xem thử nó có hiệu quả không. Đó là điều tôi đã làm. Chúng ta thường cứ làm theo cách mà mọi người muốn mình làm, chứ không tìm một hướng đi riêng phù hợp với bản thân mình”.

Để sống cho mình

Ảnh: Hôtel des Arts – M Gallery

Có một nhóm bạn là những phụ nữ làm việc ở đủ mọi lĩnh vực khác nhau, họ luôn có cái hẹn đặc biệt: ngày của “chị em chúng mình”. Họ cùng nhau xuống phố cà phê sáng, bàn luận những điều cùng quan tâm, chia sẻ những đam mê.

Họ, dù là giám đốc tiếp thị một hãng thời trang danh tiếng, chủ một nhà hàng chuyên món Nhật ở khu phố đắt đỏ Lê Thánh Tôn hay đơn giản chỉ là một cô giáo dạy tiếng Anh, lại có với nhau một điểm chung quan trọng nhất: dành những khoảnh khắc sống trọn vẹn cho bản thân mình, bỏ qua tất cả những trách nhiệm, công việc hay những chồng chéo của quan hệ xã hội.

Nghiên cứu mới nhất vừa được lãnh đạo tập đoàn Unilever Việt Nam báo cáo trong hội thảo với các giáo sư của trường đại học SMU (Singapore) cho biết: 16% người tiêu dùng tại các thành phố lớn của Việt Nam đi đến spa để làm đẹp mỗi tuần. Và cứ hai tuần họ lại dành thời gian đến salon để chăm sóc tóc.

Hỏi thăm các spa quen thì được một thông số thú vị: 90% phụ nữ đến spa đều cất điện thoại lại ở phòng thay quần áo. Điều đó có nghĩa là họ dành hẳn gần bốn giờ để hoàn toàn tận hưởng không gian riêng của mình mà chẳng ai làm phiền được bằng điện thoại – vốn là vật dính chặt lấy cuộc sống hiện đại.

Có thể thấy ngày càng có nhiều chị em phụ nữ chọn điểm đến cuối ngày và cuối tuần là điểm tập yoga hay các không gian thư giãn khác như một liệu pháp giũ bỏ mọi muộn phiền mệt mỏi vì công việc.

Hình ảnh này có gì lạ? Nó khác biệt hoàn toàn với bức tranh cuộc sống phụ nữ trước đây không lâu, thời mà mọi phụ nữ đều chọn hoặc là tất bật đi chợ nấu nướng hoặc là vùi đầu vào công việc. Bây giờ, những phụ nữ càng thành đạt càng biết cách tìm ra điểm cân bằng của tam giác cuộc sống: công việc – gia đình và cá nhân.

Từ chối, đôi khi cần mạnh mẽ

Ít người biết, một trong những doanh nhân quyền lực nhất châu Á, bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc Vinamilk lại là người không có điện thoại di động, lại càng không có iPad hay bất kỳ cái máy tính bảng nào. Bà cũng là người hiếm khi đi ăn cơm tiếp khách mà chọn ở lại văn phòng tập yoga rồi ăn cơm với khẩu phần giống mọi người trong công ty. Vì sao vậy? Bà cười: thói quen thôi.

Có lẽ ít ai chọn được cái thói quen “xịn” đến vậy. Nhưng người thuyền trưởng của con thuyền cực lớn này từ chối những thiết bị công nghệ có thể làm dây níu cản trở những suy nghĩ, làm gián đoạn cuộc sống riêng tư vốn dĩ rất ít ỏi của bà. Một doanh nhân trong CLB Doanh nghiệp dẫn đầu bảo, việc từ chối điện thoại di động của bà Liên là một quyết định quá mạnh mẽ, bởi ông và hầu hết bạn bè trong giới đều không cảm thấy yên tâm chút nào khi điện thoại bỗng dưng… hết pin.

Không biết được diễn biến của mọi việc chung quanh mình, họ lo lắng và cảm giác như bị tách ra khỏi thế giới bên ngoài vậy. Quả thật, từ chối trong trường hợp này là điều khó ai chọn lựa. Tuy rằng, ai cũng hiểu mình vẫn đang nắm giữ cái quyền này thay vì để cho mọi thứ từ điện thoại, Facebook, Viber… và hàng trăm thứ khác lôi tuột mình đi theo cái guồng quay bất tận của cuộc sống hiện đại.

Được gì khi nói không?

Trong kinh tế học, có một khái niệm rất hay: chi phí cơ hội.

Hiểu đơn giản nhất, khi mình làm bất cứ điều gì, nghĩa là mình đang phải trả chi phí cơ hội, vì chắc chắn mình không làm được điều khác bởi đã xài hết nguồn lực về thời gian hoặc tiền của… Vậy nên, từ chối, nói không cũng là đang cung cấp cho mình cơ hội để tạo ra những giá trị khác mà mình mong muốn.

Ví dụ như ca sỹ Phương Thảo, giọng ca lừng danh một thời gắn với tên tuổi của người chồng nhạc sỹ Ngọc Lễ. Đang ở tâm điểm của sự nổi tiếng, chị từ chối ánh hào quang này và tự biến mình thành vô hình cho một lựa chọn cuộc sống khác. Việc từ chối những săn đuổi của truyền thông, của sân khấu biểu diễn là một quyết định không hề giản đơn nhưng chị đã chứng minh mình làm được, một cách an nhiên tự tại…

Theo hướng khác, Nguyễn Thị Xuân Yến, 31 tuổi, đã chọn cách từ chối… vùng an toàn. Là “đại tướng quân” các dự án của Bộ Công Thương khi còn rất trẻ, công việc thuận lợi, ê kíp quen việc và cơ hội để chị phát triển là rất tốt. Thế nhưng, một ngày, chị bước ra khỏi nơi ấm áp đó để khởi đầu một hành trình mới đầy chông gai cho bản thân mình: lập công ty thiết kế Trà Quế. Những hợp đồng đầu tiên được ký bởi công ty gốm sứ Minh Long I, hãng xe Audi danh tiếng hay tập đoàn Viettel phản ánh những nỗ lực không ngừng nghỉ của nữ giám đốc Xuân Yến. Từ chối vùng an toàn và mở cánh cửa cơ hội mới cho mình, Xuân Yến cho biết mình học được một câu nói nổi tiếng: “Nếu bạn không tự thực hiện ước mơ của mình thì sẽ có người khác thuê bạn để thực hiện ước mơ của họ”.

Mr WARREN-BUFFETT_Bazaar0914

NEVER & DO NOT VỚI WARREN BUFFETT

Nổi tiếng với triết lý đầu tư theo giá trị và lối sống tiết kiệm, nhà đầu tư với tài sản trên 50 tỷ USD khuyên:

VỀ KIẾM TIỀN: Đừng bao giờ phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất. Hãy đầu tư để tạo ra nguồn thứ hai.

VỀ TIÊU TIỀN: Nếu như bạn cứ mua những thứ bạn không cần thì sớm muộn gì bạn cũng phải bán những thứ mình cần.

VỀ TIẾT KIỆM TIỀN: Không nên tiết kiệm những khoản còn lại sau chi tiêu. Mà hãy tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm.

VỀ MẠO HIỂM: Đừng bao giờ thử độ sâu của dòng sông bằng cả hai chân.

VỀ ĐẦU TƯ: Đừng bao giờ cho hết tất cả số trứng vào một rổ.

VỀ SỰ KỲ VỌNG: Trung thực là một món quà vô cùng đắt giá và đừng mong chờ chúng từ những kẻ rẻ tiền.

>>> Xem thêm: QUÁ TRÌNH RÈN LUYỆN KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO Ở PHỤ NỮ

Bài: Kiên Chinh – Ảnh: AFP
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm