Chất liệu vải thiên nhiên không “xanh” như bạn tưởng

Nhiều người cho rằng việc mua các trang phục làm từ vải thiên nhiên hay vải tái chế là đang ủng hộ một ngành thời trang bền vững hơn. Điều này chỉ đúng ở một mức độ nhất định.

Càng ngày, người tiêu dùng càng quan tâm đến vấn nạn gây ô nhiễm môi trường của ngành thời trang. Điều này tuy tốt, nhưng đồng thời khiến các thương hiệu đẩy mạnh việc quảng cáo sáo rỗng về mức độ xanh, sạch của thương hiệu họ – ở tiếng Anh gọi là “greenwashing”.

Trong vài năm gần đây, các thương hiệu thời trang – kể cả nhóm thời trang nhanh hay siêu nhanh – đều cho ra mắt những bộ sưu tập dán nhãn “sustainable” (bền vững), “eco” (thân thiện với môi trường), hay “green” (xanh) và “clean” (sạch). Các bộ sưu tập này thường sử dụng vải thiên nhiên, như cotton, lanh (linen), len hay lụa.

Nhưng chất liệu vải thiên nhiên chưa đủ để đảm bảo mức độ xanh sạch của bộ sưu tập.

Khâu chế tác hao tốn tài nguyên thiên nhiên

Để tạo ra chất liệu vải thiên nhiên cần tiêu tốn rất nhiều công đoạn. Các công đoạn này phức tạp, đồng thời sử dụng nhiều hóa chất.

Đầu tiên, khâu trồng trọt. 

Các sợi vải thiên nhiên tiêu tốn rất nhiều nước để trồng. Tại khu vực Trung Á, có cả một hồ nước lớn – gọi là biển Aral hay Hàm Hải – đã cạn sạch nước. Nguyên nhân là các cánh đồng trồng cotton lân cận đã hút hết phần nước sạch từ biển Aral.

Ngoài ra, người dân trồng cotton, nếu không phải là loại hữu cơ, sử dụng khá nhiều thuốc trừ sâu để bảo vệ cho cây trồng của họ. Thuốc trừ sâu, khi ngấm xuống đất và mạch nước ngầm, làm ô nhiễm và gây độc cho cả một vùng rộng lớn xung quanh.

Kế đến, khâu chế tác.

Trong khâu thu hoạch, xử lý sợi và dệt vải, có nhiều các loại hóa chất khác được sử dụng. Ví dụ như hóa chất tẩy trắng sợi lanh, hóa chất nhuộm vải, và hoá chất dùng để giặt giũ.

Hiện tại, thị trường cũng có một số loại thuốc nhuộm hữu cơ làm từ nguồn thực vật (ví dụ dòng thuốc nhuộm do OEKO-TEX chứng nhận). Nhưng chúng khá đắt đỏ, không được áp dụng rộng rãi. Đồng thời, các thương hiệu thường chỉ dừng ở khâu quảng bá rằng chất liệu vải thiên nhiên chứ không nói thêm liệu thuốc nhuộm cũng có hữu cơ hay không.

Đúng là chất liệu vải thiên nhiên có khả năng phân hủy tự nhiên.

Tính chất này khiến nó tốt hơn với môi trường khi so sánh với vải gốc dầu (như polyester, acrylic hay polyamide). Nhưng để sản phẩm phân hủy cũng phải mất một thời gian dài. Mà để phân hủy hiệu quả, chất liệu vải phải được thấm ướt, tiếp xúc với không khí và ánh nắng mặt trời cũng như vi khuẩn. Khi bị chôn lấp trong các bãi rác thải, môi trường khô và tối này khiến cho chất liệu vải khó mà phân hủy nhanh.

Chưa kể, khi sợi vải phân hủy, có khả năng màu nhuộm sẽ thấm ngược vào mặt đất, gây ô nhiễm vùng ven. Mà điều này thì khoa học chưa…nghiên cứu đến.

Vì sao fast fashion vĩnh viễn không thể “xanh”

Ngành thời trang nhanh và siêu nhanh (fast and ultra-fast fashion) hoạt động dựa trên thói quen mua sắm ồ ạt của khách hàng. Chính nhu cầu mua nhiều để rồi vứt những sản phẩm này đi sau chỉ vài lần mặc mới là nguồn căn gây nên sự phí phạm của ngành thời trang.

Việc quảng cáo rằng bộ sưu tập làm bằng chất liệu vải thiên nhiên, ngành fast fashion đang đánh lạc hướng người tiêu dùng khỏi vấn đề cốt lõi. Thông điệp của họ tỏ rõ thái độ: “Mua sản phẩm tốt hơn nhưng đừng ngừng mua sắm”.

Lựa chọn tốt hơn: Slow Fashion, thời trang tái chế và chuyển nhượng

Gucci và Saint Laurent của tập đoàn Kering ủng hộ xu hướng Slow Fashion. Ảnh: Getty Images

Xu hướng slow fashion đang được một loạt các nhà mốt cao cấp đề ra.

Mục tiêu là giảm bớt các mùa thời trang, đồng nghĩa với việc giảm các xu hướng thời trang mới, để làm chậm lại sự chạy theo các xu hướng mới và giảm vòng xoáy sản xuất điện cuồng. Chọn mua các sản phẩm chất lượng tốt, có thiết kế vượt thời gian, dễ layer và phối với nhiều kiểu trang phục khác nhau. Slow fashion sẽ giải quyết được nguồn căn gây nên sự ô nhiễm môi trường của ngành thời trang.

>>> Xem thêm: GUCCI SẼ TỪ BỎ VIỆC CHẠY THEO CÁC MÙA THỜI TRANG

Đừng bỏ qua thời trang Recycle và Upcycle

Tại buổi tiệc từ thiện Film Benefit của bảo tàng MoMA, Emma Watson chọn một thiết kế của thương hiệu Kitx đến từ Úc. Chiếc đầm bằng vải lụa tơ tằm hữu cơ và viscose tái chế (upcycle). Ảnh: Getty Images

Còn khi mua sắm, thì thay vì chỉ tập trung chọn sản phẩm làm từ chất liệu vải thiên nhiên, bạn cũng có thể tìm đến thời trang tái chế. Các sản phẩm này làm từ chất liệu vải đã có sẵn và sẽ giảm hẳn việc hao hụt tài nguyên đến từ sản xuất vải mới tinh.

>>> Xem thêm: DÙNG BAO GÓI ĐỒ ĂN LÀM TÚI HÀNG HIỆU, ĐỈNH CAO CỦA TAY NGHỀ UPCYCLE LÀ ĐÂY!

Túi xách second hand và vintage không phải là đồ SIDA

Thị trường thời trang second hand là địa điểm duy nhất bạn có thể tìm mua những dòng sản phẩm số lượng giới hạn, hoặc đã ngừng sản xuất

Túi Louis Vuitton vintage chất lượng vẫn còn rất tốt. Ảnh: The Real Real

Về mặt túi xách và giày dép, thị trường second hand và vintage là một lựa chọn rất tốt để bạn tham khảo. Các sản phẩm được chuyển nhượng ở mức giá rất mềm so với phiên bản nguyên gốc, nhưng có thể chất lượng vẫn khá tốt. Một số website để bạn tham khảo là The Real Real, ReBag, Vestiaire Collective. Ngoài ra, tại châu Á có hàng loạt các cửa hàng chuyên bán hàng second hand đã được kiểm nghiệm chất lượng, như Don Quijote ở TokyoMilan Station ở Hồng Kông.

Ngoài ra, khi “gia nhập” hội sử dụng phụ kiện second hand, chính bạn cũng sẽ chọn mua sản phẩm cao cấp hơn và nâng niu sản phẩm của mình hơn, nếu một ngày muốn bán sang tay những món đồ này. Thói quen này sẽ giúp sản phẩm của bạn lâu bền hơn, và thân thiện với môi trường hơn.

>>> Xem thêm: KHI BLACK FRIDAY TRỞ THÀNH GREEN FRIDAY: VÌ SAO MÙA SALE CUỐI NĂM CÓ HẠI CHO MÔI TRƯỜNG

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm