Vào thời Hùng Vương dựng nước, người Việt đã biết trồng cây gai, cây đay, trồng dâu nuôi tằm để tạo ra các loại vải may vá thành khăn mũ, quần áo, váy, yếm…Thế nhưng lại có một phụ nữ được nhân dân tôn kính phong làm tổ của nghề may và có những nơi thậm chí còn cụ thể hóa bà trở thành Tổ nghề may áo dài, đó là Nguyễn Thị Sen. Bà không sáng tạo ra nghề may; nhưng bà lại là người có công lớn trong việc truyền dạy nghề; hướng dẫn cho thợ may tìm tòi; sáng tạo bằng đường kim mũi chỉ.
Bà Nguyễn Thị Sen – Bà tổ nghề may Việt Nam
Theo thần tích đền thờ tổ nghề may ở làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) thì bà Nguyễn Thị Sen là một người con gái xinh đẹp; đảm đang của làng Trạch Xá. Ngay từ nhỏ Nguyễn Thị Sen đã nổi tiếng chăm chỉ, khéo léo. Ngoài chuyện cửa nhà; cô còn ra đồng phụ giúp việc đồng áng; hái dâu nuôi tằm; quay tơ dệt vải. Tại Trạch Xá, Nguyễn Thị Sen đã tập hợp một số người giỏi may vá lại cùng học hỏi tay nghề lẫn nhau; may trang phục áo quần để bán cho dân chúng trong vùng. Đến tuổi cập kê, sắc đẹp và tài thêu thùa may vá của Nguyễn Thị Sen đã nổi khắp cả một vùng. Nhiều người đánh tiếng, mai mối muốn hỏi cưới cô về làm người vợ hiền, dâu đảm.
Chuyện kể rằng khoảng đầu niên hiệu Thái Bình (970-979), Vua Đinh Tiên Hoàng đi ngang đất Trạch Xá của xứ Sơn Tây. Nhà vua rất ngạc nhiên khi thấy người dân ở đây áo quần trang nhã, đẹp đẽ. Nhờ dò hỏi, ông đã được biết về Nguyễn Thị Sen và những người thợ tài hoa. Mến phục cô gái vừa xinh đẹp hiền thục, vừa khéo léo, lại thạo nghề may vá; Vua đã làm lễ hỏi cưới rồi rước dâu về Hoa Lư. Cô thợ may khéo léo Nguyễn Thị Sen trở thành Hoàng Phi thứ tư; được dân gian thuờng gọi là Tứ phi.
>> Xem thêm: Áo dài truyền thống ngập tràn thảm đỏ đêm 2 Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam
Vào năm Kỷ Mão (979) Vua Đinh Tiên Hoàng bị gian thần sát hại. Buồn chán trước cảnh triều đình rơi vào binh đao tranh quyền, đoạt vị; bà đã đưa các con từ giã Hoàng cung trở về làng Trạch Xá quê hương. Tại đây, bà đã mang nghề may trong cung truyền dạy cho dân làng. Từ đó nghề may đã phát triển đời này nối tiếp đời sau, đến nay được hơn ngàn năm. Bà mất ngày 12 tháng chạp được nhân dân lập đền thờ và được tôn là Tổ Nghề May.
Để công đức tiền nhân lưu truyền hậu thế, người dân làng Trạch Xá đã lập đền thờ suy tôn bà là Đức Thánh Tổ nghề may. Hằng năm, thợ may và những người làm việc trong lãnh vực thời trang tổ chức lễ hội giỗ tổ vào ngày 12 tháng Chạp âm lịch hàng năm.
Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ ngành dệt may
Quần áo là vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt của con người. Cho nên từ ngàn xưa, nghề may mặc đã được tôn vinh trân trọng. Những người phát triển nghề may quần áo qua mọi thời đại luôn được dân chúng nhắc tới, nhớ ơn. Cho dù thời trang đã thay đổi đến đâu thì các thợ may mỗi năm lại tổ chức một ngày cúng tổ; để nhớ tới người đầu tiên biến công việc may vá trở thành chuyên nghiệp, trở thành một nghề bền vững, sáng tạo, đem lại biết bao bộ trang phục làm đẹp cho đời.
>> Xem thêm: Sao Việt: Lưu giữ hồn Tết Việt qua áo dài truyền thống
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn“, tôn vinh ngành nghề truyền thống; hàng năm ngành may mặc tổ chức lễ hội giỗ Tổ nghề May vào ngày 12 tháng Chạp (Âm lịch), ba năm lại mở đại lễ một lần. Hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp; hiệp thợ ngành may mặc thời trang trên cả nước; cùng những người thợ may khắp miền Đất nước về dự. Tổ chức lễ hội Đức Thánh Tổ nghề May rất thành kính; với nhiều nghi lễ trang trọng và nhiều hoạt động giao lưu văn hóa dân gian; Lễ hội truyền thống được tổ chức tại làng Trạch Xá, thành phố Hà Nội và thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
(Tổng hợp:Thy Thy)
Harper’s Bazaar Việt Nam