Giàu trong cốt cách: Sự sang trọng đến từ học thức

Công nương Diana trở thành biểu tượng của mọi phụ nữ chẳng phải vì tước vị mà bởi phẩm chất, cốt cách của một người "đẹp từ trong ra ngoài" như lời nhà thiết kế Jimmy Choo từng nói về bà

Tại sao Thúy Kiều lại nổi tiếng trong lầu xanh của Tú Bà? Tôi đoán chắc câu trả lời sẽ dừng lại ở hai khía cạnh: vì nàng đẹp và có tài. Tuy nhiên theo tôi, nàng nổi bật hơn nhờ sở hữu một phẩm chất quý giá hơn thế nữa. Đó chính là điều cụ Nguyễn Du gọi là “Mai cốt cách tuyết tinh thần”, sự sang trọng của một người có học thức.

Giàu hay sang?

Xã hội biến chuyển mạnh mẽ kể từ đầu thập niên 1990, người Việt Nam đã đi qua thời “đồng phục”. Nhiều người Việt giàu lên nhanh chóng và cũng khoe sắc như trăm hoa đua nở. Nếu nhìn vào số siêu xe, siêu trang sức, siêu túi xách… ta có thể nói người Việt dùng đồ sang không thua kém người nước khác.

Tuy nhiên, dùng đồ sang chưa chắc đã sang. Thứ các cụ gọi là trọc phú cũng xuất hiện tràn lan cùng sự bùng nổ của thời đại. Tất nhiên, khi đã giàu người ta có quyền muốn sang, nhưng sang cho đúng cách thì vẫn còn hiếm quá.

Tôi nhớ, có một đối tác làm ăn khởi nghiệp thành công. Nên ông ấy luôn vận lên người những thứ thật đắt tiền, thật đẹp, thật lộng lẫy và nhìn vào rất ton-sur-ton nữa. Có một lần, tôi thấy ông ấy mặc bộ com-lê tối màu rất sang trọng. Giày tây, thắt lưng được chọn đúng tông màu với nhau. Tuy nhiên, cả thành quách sang trọng kia sụp đổ khi ông ngồi xuống, ống quần bị kéo cao lên để lộ đôi tất… trắng. Người am hiểu về ăn mặc sẽ không bao giờ dùng màu tất này khi mặc com-lê vì nó chỉ phù hợp với trang phục thể thao. Có thể việc lựa chọn ấy chỉ là một nhầm lẫn, nhưng chừng đó thôi cũng đủ để hiểu. Người sang thực sự rất kỹ trong chuyện ăn, mặc và đặc biệt là hành xử.

Đó mới là bề ngoài, cái bên trong còn quan trọng hơn nữa.

Điều đầu tiên tôi để ý trong nhà của các đại gia chính là hai cái tủ: tủ rượu và tủ sách. Rất nhiều đại gia mời tôi uống vang trắng bằng ly bầu bầu dành riêng cho bourgogne hay loại ly thon dài thanh mảnh dành riêng cho rượu champagne. Sự lẫn lộn ấy đủ để hiểu họ chẳng hiểu gì về rượu, một thứ không phải để nhậu mà là dành cho niềm hoan lạc sang trọng của thánh thần, của Dionysus. Rượu khi ấy không còn là thước đo tửu lượng nữa mà là thước đo cho sự am tường văn hóa ẩm thực.

20140919_giau-trong-cot-cach-ruou-vang-do

Các cụ ngày xưa uống rượu bằng bát nhưng bát cũng phải có men này, men kia. Họ thậm chí còn uống quỳnh tương với họa tiết hoa quỳnh hoa cúc ở đáy bát. Đấy là cái sang chân truyền của văn hóa Việt. Còn rượu vang, champagne là cái sang chân truyền của văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, giữa thời giao thoa, hiểu được cái sang tinh túy của Tây và nhớ được cái sang tinh tế của ta dễ có mấy ai?

Ấy là còn chưa nói tới sách. Tôi không thể quên được một người có tên tuổi trong ngành báo chí đã từng khoe sang bằng chuyện viết về Erich Maria Remarque một cách thản nhiên rằng “tác phẩm của bà…” trong khi Remarque là… đàn ông chính cống. Sự sang “dỏm” ấy trở thành trò cười đến tận bây giờ, cho dù thời điểm bài viết ấy xuất hiện cách đây 20 năm.

Mai cốt cách, tuyết tinh thần

Thế nào là sang? Hãy nhìn vào công nương Diana, người mà từ phục sức, trang điểm tới cách đi đứng nói năng đều toát lên vẻ sang trọng. Những chiếc váy của bà dù giản dị vẫn hết sức thanh lịch.

Cái sang nằm trong cốt cách hay nói đúng hơn nó là từ nền tảng chân truyền của gia tộc. Vì thế, muốn tạo nền tảng sang trọng cho gia đình (chưa được sang) của mình, con người ta phải học. Họ học bằng cái tâm thức cầu thị thực sự, học tỉ mỉ chứ không phải cứ thấy cái gì có vẻ sang là khoác về mình. Sự học ấy cũng cần phải có chọn lọc và kiên trì.

Đáng tiếc thay, các đại gia bây giờ đa số chỉ đèm đẹp kiểu thủ công mỹ nghệ chứ không đẹp từ trong bản chất một cách tinh truyền. Trong khi đó, có nhiều người không giàu nhưng lại sang. Sang vì cốt cách của họ, vì gia đình của họ có nền tảng thật sự.

20140919_giau-trong-cot-cach-quote

Bà Tôn Nữ Thị Ninh là một ví dụ. Tôi vốn không quan tâm nhiều đến giới chính trị gia, nhưng vẫn có ấn tượng đặc biệt với bà. Cách bà ăn mặc khi xuất hiện nơi công cộng, ngôn từ mà bà sử dụng và cả tốc độ nói của bà nữa, tất cả toát lên đúng cái gọi là “mai cốt cách, tuyết tinh thần” mà người ta phải ngưỡng mộ. Nhiều khi tôi nghĩ: vì làm ngoại giao nên chuyện đó tất nhiên bà phải được học. Tuy nhiên, xét cho cùng, nếu không có cốt cách tốt thì cũng khó mà có được vẻ sang trọng nhường ấy. Phải chăng sự sang của bà Ninh đến từ dòng dõi hoàng tộc? Tôi tin vào lý do này, bởi với dòng dõi ấy, lại là phụ nữ Huế, bà có sẵn cái nôi sang trọng để từ đó trưởng thành, phát triển.

Rồi còn một người nữa phải kể đến là Lý Chánh, bình luận viên bóng đá nổi tiếng. Anh học kinh doanh, làm việc trong lĩnh vực thể thao nhưng vẽ đẹp, chơi piano hay. Quan trọng hơn cả, Lý Chánh am hiểu về âm nhạc, hội họa. Đưa cho Chánh một đoạn nhạc nào đó, anh đọc ngay ra đó là thuộc thể loại nào. Sự am tường đó không học thì không thể có được. Anh học từ đâu? Gia đình là chủ yếu.

Một vẻ sang trọng quyến rũ khác mà tôi may mắn được gặp chính là cô Đặng Tuyết Mai, thân mẫu của Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Cô Mai đẹp và sang từ cách nói chuyện với chất giọng Nam mềm mại hơi pha chút Bắc. Cô Mai đọc nhiều sách và phải chăng đó là nền tảng để một người như cô giữ được vẻ đẹp bền lâu? Cô đẹp từ chính sự sang trọng của mình.

Nhiều khi, sống trong cái khung chuẩn mực lâu quá, người ta cần bung ra cho lần tự do duy nhất trong đời. Thời nay, có vẻ như tìm ra phụ nữ sang khó hơn xưa bởi họ thường bỏ qua những giá trị cũ, bị coi là lỗi thời. Ngày xưa các cụ nói “giàu vì bạn, sang vì vợ” bởi các cô gái gia giáo đã được dạy dỗ kỹ lưỡng trước khi đi làm dâu. Việc giáo dục ấy giúp người phụ nữ biết hỗ trợ cho chồng để anh hoàn thiện mình và trở nên sang trọng.

Còn bây giờ, phụ nữ hướng ngoại nhiều, chẳng còn quan tâm mấy tới nữ công gia chánh. Họ không hiểu rằng nữ công gia chánh không phải là phục dịch bếp núc, củi lửa, chợ búa mà là trách nhiệm tạo nên văn hóa ẩm thực, văn hóa sống, văn hóa sinh hoạt gia đình. Thế nên, phụ nữ xưa mới có bốn chữ công dung ngôn hạnh.

Nữ công gia chánh nằm trong chữ công. Dung nhan sang hèn do di truyền, do trời cho. Ngôn hạnh thì phải học, phải tự trau dồi. Phụ nữ thời nay, ít sang hơn nhưng cũng nhờ học hành nhiều, nên khi đã sang thì sang tột bậc khiến đàn ông không theo kịp.

Sang nhờ học

Để sang, như tôi đã nói, người ta cần nền tảng gia đình nhưng cũng cần phải học. Học từ chính quan sát xung quanh mình và học biết cách đặt mình vào vai người xung quanh để tự phán xét hành xử của hính mình. Tiếc thay người Việt bây giờ “bận” đến mức không chịu quan sát. Đôi khi, một hành vi nhỏ thôi, như mở cửa, kéo ghế, bật lửa cho phụ nữ cũng đủ tôn cái sang của người đàn ông.

Tôi nhớ trong bộ phim My Fair Lady do huyền thoại điện ảnh Audrey Hepburn đóng vai chính, cô gái Eliza xuất thân thấp kém đã phải trải qua nhiều bài học từ cách phát âm, đi đứng, cư xử để có được tác phong của tầng lớp thượng lưu. Sự nhẫn nại và ham học hỏi đã giúp cô hóa thân thành một công nương đáng ngưỡng mộ và tìm được hạnh phúc.

20140919_giau-trong-cot-cach-audrey-hepburn-my-fair-lady

Audrey Hepburn trong My Fair Lady đã chứng tỏ rằng việc sang trọng có thể học mà thành.

Bộ phim kinh điển này cho thấy sự sang trọng hoàn toàn có thể học. Việc học bắt đầu từ chính những điều nhỏ nhất như cách ăn vận ra phố, cách dùng tăm sau khi ăn, dáng ngồi, dáng đứng, lối đi. Mỗi người chúng ta chỉ cần chỉn chu, khó tính với bản thân một chút là mỗi ngày ta đã có thể sang thêm một ít. Sang không thể mua được bằng tiền. Quá trình để sang nhiều khi mất cả đời. Thế mới hiểu, giàu rồi ai cũng muốn sang, nhưng để làm sang khó hơn để làm giàu gấp nghìn lần. Trước hết, người ta phải biết rằng sang không nằm trong áo quần, xe cộ đắt tiền mà là học thức, cốt cách của con người. Có người được sinh ra trong một gia đình có truyền thống, nếp sang trọng đã được hình thành từ tấm bé. Tuy nhiên, nhiều người không có được sự may mắn ấy nên muốn sang thì phải tự giáo dục mình.

Đúng là từ khởi nguyên của loài người, làm gì có ai sang, ai giàu, ai hèn, ai nghèo. Tuy nhiên, qua quá trình chắt lọc của xã hội, lớp người sang hình thành và kéo dài cái sang ấy thành dòng tộc. Sang trọng là một nhu cầu lớn và ai cũng có quyền được thỏa mãn nhu cầu đó. Song, sang không phải thứ cứ gấp gáp là có, mà cần tới một quá trình rèn luyện, học hỏi để trau dồi, để làm giàu trong cốt cách.

Bài: HMD – Ảnh: Getty Images
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm