Giambattista Valli có sai khi làm mếch lòng khách haute couture?

Một influencer tại Trung Quốc tố cáo Giambattista Valli thiếu chuyên nghiệp khi cho Anya Taylor-Joy mượn đầm haute coututure mình đã đặt cọc. Ai đúng, ai sai trong chuyện này?

Cô Lu Min, người sở hữu bộ cánh haute couture từ Giambattista Valli, phẫn nộ trước sự ứng xử kém chuyên nghiệp của thương hiệu. Ảnh: Instagram @iammadamelulu

Trong thế giới thời trang, haute couture là địa hạt vô cùng bí ẩn, nơi những thương hiệu có tay nghề thượng thừa hấp dẫn những khách hàng thuộc tầng lớp giới thượng lưu với khả năng chi trả vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đô-la Mỹ cho một tạo tác. Nói để thấy rằng tệp khách hàng này có sức ảnh hưởng vô cùng lớn, khiến họ được các nhà mốt vô cùng ân cần chăm sóc. Tuy nhiên nếu họ tức giận vì mếch lòng thì thương hiệu cũng sẽ phải trả giá. Đây là điều đang xảy ra với Giambattista Valli ở Trung Quốc.

Những tranh cãi đến từ chiếc bodysuit haute couture của Giambattista Valli

Ảnh: Getty Images

Bộ cánh bị tranh cãi là bodysuit nhung hở vai với những bông hoa hồng bằng vải lụa, đến từ BST Giambattista Valli Haute Couture Xuân Hè 2024. Vừa qua, thiết kế này đã theo chân Anya Taylor-Joy lên thảm đỏ buổi công chiếu phim Furiosa: A Mad Max Saga tại London. Nữ diễn viên khi phối bộ cánh với các mẫu đỉnh sức (haute joaillerie) từ BST Blue Book 2018 của Tiffany & Co. đã được khen ngợi nhiệt liệt.

Ảnh: ImaxTree

Tuy nhiên, theo một khách hàng VIP của Giambattista Valli ở Trung Quốc tên là Lu Min, bộ cánh haute couture này thuộc sở hữu của cô.

Người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội Trung Quốc với hơn 1,36 triệu người theo dõi trên Instagram, Weibo, Douyin và Tiểu Hồng Thư, đã vô cùng tức tối. Cô cho rằng Giambattista Valli đã cho ngôi sao mượn sản phẩm mà không xin phép ý kiến của mình. Nếu mặc lại thiết kế này, Lu Min sẽ như “đụng hàng” Anya Taylor-Joy, mà chuyện đụng hàng là tối kỵ trong thế giới thời trang.

“Tôi thậm chí chưa được mặc lên mình sản phẩm cuối cùng”, Lu Min cho biết. Dự định ban đầu của cô là bay tới Paris trong tháng Sáu năm nay cho tuần lễ thời trang haute couture và nhân tiện nhận sản phẩm mà mình đã chi 200.000 Nhân dân tệ (khoảng 700 triệu đồng) để đặt cọc. Nhưng cô vô cùng sửng sốt khi thấy Anya Taylor-Joy mặc sản phẩm này trước bản thân mình.

Lulu bên nhà thiết kế gạo cội Valentino Garavani. Ảnh: Instagram @iammadamelulu

Được mệnh danh là “Nữ hoàng thời trang cao cấp LuLu”, Lu Min bắt đầu mua haute couture từ các thương hiệu như Valentino, Schiaparelli và Giorgio Armani Privé từ hơn một thập kỷ trước. Cô chia sẻ rằng trong suốt quãng thời gian mình đồng hành cùng các thương hiệu thời trang cao cấp, chưa bao giờ cô bị phật ý như thế này. Cô nhấn mạnh rằng bản thân mình sẽ không bao giờ mua hàng Giambattista Valli nữa.

Sức ảnh hưởng của Lu Min đã khiến Giambattista Valli trở nên viral ngoài ý muốn. Rất nhiều người đã đổ xô lên các kênh mạng xã hội của thương hiệu và chê bai, dè bỉu cách hành xử của thương hiệu. Ngoài mạng xã hội, Giambattista Valli hẳn cũng sẽ mất kha khá lượng khách hàng Trung Quốc mua hàng haute couture của họ. Theo JingDaily ghi nhận, thế giới haute couture vô cùng nhỏ bé, chỉ có khoảng 2000 khách hàng, do đó mất bất kỳ ai cũng có thể gây thiệt hại nặng nề cho thương hiệu về mặt doanh thu.

Giambattista Valli có sai trong việc cho Anya Taylor-Joy mượn trang phục haute couture?

Ảnh: Getty Images

Các người trong ngành có cái nhìn không đồng nhất về vấn đề giữa Giambattista Valli và khách hàng VIP Lu Min.

Nhà sử học thời trang Alexandre Samson, người phụ trách Bảo tàng Palais Galliera ở Paris, cho biết rằng trang phục haute couture không có nghĩa là độc quyền. “Trong lịch sử, rất hiếm khi khách hàng có độc quyền trên một mẫu thiết kế”.

Ông trích dẫn ví dụ của nữ hoàng cắt vải xéo Vionnet. Bà đã sản xuất tới 100 đơn đặt hàng cho cùng một chiếc váy trong những năm 1920 và 1930 (ảnh trên).

Ông tiếp tục: “Các thỏa thuận độc quyền, nếu có, là giữa thương hiệu và khách hàng. Không có truyền thống nào cả nhưng nhìn chung người đứng đầu bộ phận bán hàng đảm bảo rằng hai khách hàng không đến cùng một sự kiện trong cùng một thiết kế.”

Thiết kế Alexandre Vauthier Haute Couture Xuân Hè 2019 mà Christine Chiu sở hữu. Ảnh: ImaxTree

Quý bà Christine Chiu cũng đồng ý với ý kiến trên. Nhà sản xuất kiêm ngôi sao của chương trình Bling Empire từng chia sẻ với Harper’s Bazaar rằng các ngôi sao hạng A luôn có đặc quyền ưu tiên xuất hiện trong trang phục haute couture, cho dù họ chỉ được cho mượn sản phẩm. Bởi vì đây là điều cần thiết để quảng bá cho thương hiệu.

Christine Chiu đưa ra ví dụ với chiếc đầm haute couture của Alexandre Vauthier (ảnh trên). Dù cô đã mua thiết kế này, nhưng thương hiệu muốn đưa sản phẩm cho Céline Dion mặc tại tuần lễ thời trang Paris. Điều duy nhất thương hiệu làm là thông báo với Christine để cô không đụng hàng với Céline Dion.

Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, nhà sử học thời trang, nhà văn và chuyên gia thời trang cao cấp Tony Glenville lại không đồng tình với Giambattista Valli.

Ông cho rằng việc thương hiệu cho một ngôi sao mượn trang phục trước khi khách hàng có cơ hội mặc sản phẩm mình bỏ tiền ra mua là hành vi kém sang. “Đó là sự thiếu hiểu biết về văn hóa thời trang cao cấp. Tất cả đều liên quan đến cách cư xử và trong trường hợp này, tôi nghĩ thương hiệu đã cư xử rất tệ”.

Ông khẳng định việc thương hiệu cho một người nổi tiếng mượn mặc váy trên thảm đỏ là hoàn toàn có lợi cho chủ sở hữu thiết kế. Bởi điều này sẽ tích lũy giá trị sưu tầm của sản phẩm. Dẫu vậy, thương hiệu luôn nên liên lạc với chủ nhân để đánh tiếng trước. Trong trường hợp này, Giambattista Valli đã sai khi không hỏi ý kiến Lu Min trước.

Cách hành xử của Giambattista Valli thiếu chuyên nghiệp

Ảnh: Getty Images

Người phát ngôn của Giambattista Valli cho rằng đây là một sự cố đến từ việc đôi bên không hiểu nhau. Đại diện thương hiệu chia sẻ cùng nhật báo WWD rằng:

“Như thông lệ trong các hãng thời trang cao cấp, khách hàng bắt buộc phải nêu rõ yêu cầu của mình về tính độc quyền [của thiết kế] tại thời điểm đặt hàng. Nếu khách hàng không nhấn mạnh vào yêu cầu độc quyền và không trả trước phí giữ chân, sản phẩm có thể được cung cấp cho các khách hàng khác. Lần này không có yêu cầu nào như vậy được đưa ra.”

Tuy nhiên, cô Lu Min không đồng tình với cách trả lời của Giambattista Valli. Cô cho biết rằng trước đây, các nhà mốt đều hỏi ý kiến cô trước khi cho mượn sản phẩm, và cô chưa từng từ chối họ. Thương hiệu đã không thông báo cho cô rằng cô cần đưa ra yêu cầu cụ thể về tính độc quyền khi đặt hàng.

“Khi tôi mua hàng từ Armani Privé, họ sẽ cho tôi biết nếu tôi muốn độc quyền thiết kế trên toàn cầu thì sẽ phải trả thêm chi phí. Thương hiệu ít nhất nên hỏi tôi xem tôi có muốn trả nhiều tiền hơn để có được sự độc quyền toàn cầu [về kiểu dáng mà tôi đã đặt hàng] hay không trước khi đưa cho người nổi tiếng.”

Lulu đã mở một không gian ở Thượng Hải, Maison Lulu, để trưng bày toàn bộ bộ sưu tập thời trang cao cấp của mình. Nhưng các thiết kế từ Giambattista Valli sẽ không còn xuất hiện trong bộ sưu tập của cô sau sự cố này. Ảnh: Xiaohongshu

Theo Lu Min, một đại diện của công ty đã liên hệ với cô về việc thiết kế lại sản phẩm mới, có phần na ná nhưng khác với thiết kế nguyên bản, như một giải pháp thay thế. Tuy nhiên, cô không đồng tình. Trong một bài đăng trên mạng xã hội thu hút được hơn 1,6 triệu lượt xem, cô nhấn mạnh rằng điều duy nhất mình cần là lời xin lỗi chân thành từ Giambattista Valli.

“Tôi không muốn hoàn lại tiền, tôi chỉ muốn biết đã xảy ra chuyện gì và tôi muốn có một lời xin lỗi chân thành. Cuối cùng, nó chỉ là một chiếc váy, nhưng nó cho thấy cách các thương hiệu đối xử với mọi người và điều đó phản ánh đặc tính của thời trang cao cấp ra sao. Tôi sẽ không bao giờ mua bất cứ thứ gì từ thương hiệu Giambattista Valli nữa”.

Với cơn giận từ Lu Min chưa nguôi ngoai, chắc chắn Giambattista Valli sẽ mất kha khá lượng khách hàng VIP từ Trung Quốc chuyên mua sản phẩm haute couture của họ.

Đôi nét về thương hiệu Giambattista Valli

Ảnh: ImaxTree

Maison Valli, được thành lập vào năm 2004 và sản xuất thời trang cao cấp và dòng quần áo may sẵn Giambattista Valli, đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng nhanh chóng kể từ khi Artémis, chi nhánh đầu tư tư nhân của gia đình Pinault, nắm giữ cổ phần vào năm 2017, với tiềm năng trở thành cổ đông lớn ở giai đoạn sau.

Charlotte Werner, giám đốc điều hành của thương hiệu trong ba năm, đã quyết định rời bỏ vị trí của mình vào tháng 9 năm ngoái. Vào thời điểm đó, công ty cho biết họ sẽ công bố CEO mới “vào thời điểm thích hợp”.

TIN LIÊN QUAN:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm