Giải mã màu sắc trong mỹ phẩm: 8 chất tạo màu mỹ phẩm thiên nhiên an toàn

Bạn có hiểu rõ những nguyên liệu tạo nên màu sắc đa dạng cho mỹ phẩm của mình?

BZ_Beauty_Spreads_4_15-2

Xu hướng sử dụng mỹ phẩm thiên nhiên không chỉ khoanh vùng trong phạm vi các sản phẩm dưỡng da. Đối với mỹ phẩm trang điểm, nó còn liên quan đến chất tạo màu mỹ phẩm.

Ngày nay, chúng ta quen với việc các thương hiệu mỹ phẩm đã pha trộn sẵn sản phẩm lên kệ. Kem nền, phấn trang điểm, màu mắt, màu môi…, có 1001 các tông màu để chúng ta lựa chọn. Nhưng ở thời xa xưa, phụ nữ luôn tự pha chế màu sắc của mỹ phẩm trước khi sử dụng. Đây là vì mỹ phẩm lúc ấy không có chất bảo quản, nên phải được pha chế tươi mới.

Vì sao bạn nên quan tâm đến chất tạo màu mỹ phẩm?

Ngoài nguyên liệu dưỡng nhan, màu sắc cũng là một thành phần quan trọng làm nên sự an toàn của mỹ phẩm. Ngày xưa, khi sự hiểu biết về khoa học làm đẹp còn ở thuở sơ khai, việc chết vì cái đẹp là chuyện như cơm bữa.

Thời Ai Cập cổ đại, phụ nữ từng vẽ mắt với bột malachite xanh lá, galena và kohl đen. Tuy nhiên, những chất tạo màu này đều có thể gây ngộ độc khi sử dụng ở hàm lượng cao. Màu xanh của đá malachite đến từ đồng, màu đen của kohl và galena thì lại chứa chì. Cả hai kim loại nặng này đều gây hư tổn hệ thần kinh khi được bôi lên da trong thời gian lâu dài.

Đến cuối thời kỳ Trung Cổ, nữ hoàng Elizabeth I của Anh mê mẩn kem nền làm từ chì và giấm. Sử dụng trong một thời gian dài, mỹ phẩm này ăn mòn làn da, gây xỉn màu và rỗ mặt, thậm chí còn dẫn đến cái chết.

Từ thời Phục Hưng trở đi, giao thương cải tiến nên châu Âu có thể nhập khẩu những phẩm màu mới lạ từ châu Á và Trung Đông. Các loại son môi, phấn má và thuốc nhuộm tóc dành cho giới quý tộc được làm từ nguyên liệu đắt đỏ như nghệ, quế, và nghệ tây (saffron). Phụ nữ bình dân thì thay thế bằng những chất rẻ tiền như lưu huỳnh, thủy ngân và thậm chí là…phân mèo! Có thể mường tượng được ảnh hưởng khi sử dụng chúng về lâu về dài.

Mãi đến năm 1856, con người mới lần đầu tiên làm nên phẩm màu tổng hợp. Người khai mào phát súng này là ngài William Henry Perkin, khi chế tạo ra màu tím mauveine. Từ đấy, giá thành sản xuất chất tạo màu mới rẻ xuống để sử dụng cho sản phẩm bình dân, bao gồm cả thực phẩm lẫn mỹ phẩm.

Phẩm màu thiên nhiên có an toàn hơn phẩm màu nhân tạo? 

Với trào lưu trở về với tự nhiên, chúng ta có khuynh hướng ưa thích phẩm màu thiên nhiên. Nhưng, như bạn đã thấy, không phải chất tạo màu thiên nhiên nào cũng tốt. Chì và lưu huỳnh chắc chắn tự nhiên, nhưng dùng nó dưỡng nhan chẳng khác nào tự sát. Những màu lạ mắt như xanh dương, xanh lá cũng khó tìm được nguồn tạo màu an toàn và giữ màu lâu dài từ thiên nhiên. Chẳng vì vậy mà có hẳn một loạt những sắc tố bắt buộc phải làm từ phẩm màu nhân tạo.

Nhóm phẩm màu nhân tạo được chấp nhận tại châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản luôn được ghi chú rất kỹ càng. Các chất tạo màu tổng hợp thường có tên bắt đầu với ký tự là chữ cái, cùng một loạt con số biểu độc nhất vô nhị cho cấu tạo màu đấy. Tại châu Âu, màu tổng hợp có tên bắt đầu với ký tự CI. Tại Mỹ là FD&C và tại Nhật thì theo ký tự viết tắt từ tên tiếng Anh.

Nhìn chung, những phẩm màu nhân tạo được chấp nhận lưu hành ngày nay đã trải qua rất nhiều năm tháng kiểm nghiệm. Nếu muốn tìm hiểu thêm về phẩm màu trong mỹ phẩm của mình, bạn có thể đánh tên màu vào website ewg.org để tìm hiểu thêm về độ an toàn của nó.

Chất tạo màu thiên nhiên có kém chất lượng hơn phiên bản nhân tạo? 

Điều này cũng không đúng. Chất tạo màu mỹ phẩm thiên nhiên chỉ bị hạn chế về gam màu khi so sánh với phẩm màu tổng hợp.

Ngoài ra, một số phẩm màu thiên nhiên chỉ phù hợp để tạo màu cho thực phẩm (ví dụ như màu từ củ dền hay tảo xanh spirulina). Đây là loại phẩm màu dễ bay hơi, mất màu hay đổi màu khi tiếp xúc với nắng và không khí. Thực phẩm, với tính chất dùng ngay khi mở hộp và đát sử dụng ngắn, không bị ảnh hưởng bởi những tính chất này như mỹ phẩm.

Chính vì vậy, nếu bạn mua mỹ phẩm thiên nhiên, làm tay từ những thương hiệu nhỏ, bạn cũng cần lưu ý điểm này.

***

Danh sách những chất tạo màu mỹ phẩm thiên nhiên an toàn

Harper’s Bazaar mách bạn danh sách những loại phẩm màu thiên nhiên an toàn, lại có độ bền ngang ngửa phiên bản tổng hợp, đang được sử dụng rộng rãi toàn cầu. Nếu là người thích thử nghiệm làm mỹ phẩm an toàn tại gia, bạn có thể tự tin sử dụng những phẩm màu này cho sản phẩm của mình.

Màu nâu tự nhiên đến từ chiết xuất của đường caramel. Nó được xem là một trong những phẩm màu an toàn nhất, thậm chí cho cả mỹ phẩm vùng mắt.

Màu xanh chlorophylls copper complex là một chiết xuất từ thực vậy như cỏ linh lăng. Chất tạo màu mỹ phẩm được hòa tan với đồng để tạo nên màu xanh rực rỡ. Màu xanh này có độ ổn định tốt nhất cho mỹ phẩm có độ pH từ 4 đến 9.

Màu tím Guanine được chiết xuất từ vảy cá trích. Chất tạo màu mỹ phẩm này hợp pháp để sử dụng tại Mỹ nhưng bị cấm ở châu Âu.

Chất tạo màu Annatto ngả từ vàng sang cam đậm, đến hạt giống của loại cây điều màu ở các vùng nhiệt đới. Nó được sử dụng trong mỹ phẩm có độ pH cao hơn 5.

Màu vàng cam khiến chúng ta nghĩ đến cà rốt. Cho mỹ phẩm, beta-carotene được chiết xuất từ một loại nấm. Nó an toàn cho các loại mỹ phẩm có độ pH thấp hơn 8.

Một màu đỏ ngả cam đến từ cà chua. Lycopene còn được cho là có tác dụng dưỡng da, kháng khuẩn và cải thiện đàn hồi. Hợp pháp để sử dụng ở châu Âu nhưng bị cấm tại Mỹ.

Màu đỏ thắm đến từ bọ cánh cứng họ cochineal, thường được tìm thấy ở Peru. Thoạt nhiên, chúng ta rùng mình khi nghe rằng màu đỏ này đến từ xác bọ. Tuy nhiên, nó là một trong những màu đỏ rực rỡ nhất an toàn trong thiên nhiên, vô cùng bền màu, và rất dễ để tạo màu cho cả thực phẩm lẫn mỹ phẩm.

Màu xanh biển này được chiết xuất từ hoa cúc chamomile. Chất tạo màu mỹ phẩm này hợp pháp để sử dụng tại Mỹ nhưng bị cấm ở châu Âu.

>>> Xem thêm: NHỮNG TỪ KHÓA BẠN CẦN HIỂU KHI MUA MỸ PHẨM THIÊN NHIÊN

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm