GIẢI MÃ 10 CĂN PHÒNG NGHỆ THUẬT TỪ TRIỂN LÃM CỤC IM LẶNG CỦA NGUYỄN CÔNG TRÍ

Triển lãm Thời trang Nguyễn Công Trí và Nghệ thuật Đương đại “Cục Im Lặng" diễn ra từ ngày 27/12 - 29/12. Triển lãm lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và được giới mộ điệu mong chờ nhất dịp cuối năm 2019 bởi sự choáng ngợp trong tầm vóc và quy mô mang tầm quốc tế.

“Khi im lặng, tôi thấy mình đầy sức mạnh”

“Khi im lặng, tôi thấy mình hạnh phúc”

“Khi im lặng, tôi thấy mình tràn ngập năng lượng sáng tạo”

Đối với nhà thiết kế Công Trí, sự im lặng dắt anh qua mọi thách thức; soi rõ mọi triết lý sống. Công Trí tổ chức triển lãm Cục Im Lặng. Anh kết hợp cùng 10 nghệ sĩ thị giác để giúp anh kể câu chuyện của mình. 10 gian phòng là những câu chuyện của Công Trí trong hành trình chinh phục thời trang suốt 2o năm.

NO.1: TRẮNG x NGÔ ĐÌNH BẢO CHÂU

Từ lối đi vào, Ngô Đình Bảo Châu vận dụng kĩ thuật của Nghệ Thuật Trúc Chỉ Việt Nam. Từng thớ sợi hay bột nhuyễn của tre, bắp, bèo; những loại chất liệu cây cỏ khác hòa cùng nước để tạo ra vuôn vàn hình ảnh. Chúng trở thành những họa tiết cách điệu, dập nổi trên bề mặt của những tấm màn giăng hai bên lối đi mang hai gam màu đen-trắng.

Lối đi vào gian phòng đầu tiên được bao phủ bằng những lớp màn lụa dập nổi bề mặt 3D từ tre trúc chỉ

Đi sâu hơn là căn phòng màu trắng, trưng bày một chiếc bàn tròn và 15 chiếc ghế. Với cách sắp đặt như vậy, căn phòng khiến người thưởng lãm liên tưởng đến một cuộc hội ngộ bí mật. Nơi mà người ta chỉ trải lòng khi có người đồng cảm và thấu hiểu. Hơn thế nữa, với nhà thiết Công Trí, màu trắng là thứ màu câm, của khoảng lặng, đa ngôn đa nghĩa.

Màu trắng và bộ sưu tập NO.1 còn đánh dấu cho sự khởi đầu của anh vào thế giới thời trang Màu trắng cũng như là một tờ giấy trắng. Tờ giấy trắng cần nhiều thời gian để được tô vẽ những mảng màu của riêng mình.

Căn phòng phủ đầy màu trắng. Với nhà thiết Công Trí, màu trắng là thứ màu câm, của khoảng lặng, đa ngôn đa nghĩa.

NO. 2: CÃI LẠI x NGÔ THANH PHƯƠNG

Gian phòng thứ hai giới thiệu những thiết kế từ bộ sưu tập “NO.2: CÃI LẠI của  Công Trí. Nhà thiết kế đã kết hợp với biên đạo múa Ngô Thanh Phương. Anh đã chọn  bộ môn múa đương đại để diễn thể cho bộ sưu tập của mình. NO.2: CÃI LẠI là những chiếc áo dài mang đậm truyền thống Việt Nam. Thực chất, Công Trí lấy ý tưởng từ từ áo dài, nhưng không dài, và áo dài được hiển hiện theo cách khác.

Mẫu áo dài cách điệu từ bộ sưu tập CÃI LẠI của Công Trí được trưng bày ở gian phòng thứ 2

Chính sự đối nghịch ngay trong tâm tưởng của Công Trí đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ đến biên đạo múa Ngô Bảo Phương. Cô cảm nhận được mối liên hệ từ sự phá vỡ và tái tạo mãnh liệt của Công Trí. Vở múa “The Talks” ra đời. “The Talks” được chuyển thể từ định dạng múa trên sân khấu thành tác phẩm video nghệ thuật đa kênh.

Nội dung của vở múa “The Talks” lột tả những cảm xúc đa chiều. Cặp đôi liên tục chuyển động, giằng xé rồi lại ôm lấy, vỗ về. Họ thể hiện cho sự đối nghịch từ trong tâm tưởng; đồng thời lột tả sự trăn trở và tìm cách bứt phá khỏi những giới hạn bản thân; nhằm hướng đến bản ngã của riêng mình. Cũng như Công Trí ở thời điểm đó. Nhà thiết kế không ngại đổi mới để tìm ra chính mình.

NO.3: CẢM x VUUV

Cảm là một hành trình trở về cội nguồn, là chuyến dạo chơi của Công Trí về chốn thôn quê yên bình. Nơi anh được hòa vào thiên nhiên, lắng nghe những điều vốn dĩ mộc và chân thật. Để rồi Công Trí cảm thấy dâng trào cảm xúc sáng tạo chớm vội thăng hoa. Toàn bộ chất liệu trong bộ sưu tập CẢM hoàn toàn nguyên bản.

Trụ tháp được giăng từ 100 chiếc đó tre tại gian phòng thứ 3

Gian phòng 3 mang không gian sáng tạo đầy duy mĩ của văn phòng kiến trúc VUUV. Đây là một biến thể từ ngôn ngữ đan lát tre nứa truyền thống. Khi chất liệu thủ công chính là nguồn cảm hứng chủ đạo cho thời trang và kiến trúc. Từ lối đi vách vòng, không gian rộng đến trụ tháp được dựng từ hàng trăm chiếc đó tre. Tất cả hòa quyện đem lại một luồng gió mới cho nghệ thuật thủ công Việt Nam; vừa gần gũi mà cũng rất hiện đại.

NO.4: CẮT LỚP x LU-YANG

Đến với gian phòng NO.4, giới mộ điệu sẽ phải “rùng mình” bởi sự sáng tạo đặc biệt của nghệ sĩ thị giác Lu-Yang. Đến với triển lãm, cô trình bày tác phẩm video nổi tiếng: “Mạn Đà La Hoang Tưởng” (2015). Căn phòng nhuộm một màu ánh sáng màu đỏ, tạo nên cảm giác kịch tính, huyền ảo. Khách thưởng lãm như lạc vào một căn phòng nửa thực, nửa ảo. Bao quanh là những thiết kế “xuyên thấu tâm can” của Công Trí.

Tác phẩm nghệ thuật của Lu-Yang và thiết kế của Công Trí đồng điệu trong cùng một câu hỏi: tận cùng bản thể học của con người là gì? Phải chăng chính là xác thịt. Cấu tạo căn bản, thứ liên đới mật thiết tới sự tồn tại của mỗi sinh linh – sự sống rồi cái chết! Nếu Công Trí chụp các múi cơ, xương khớp của anh để làm mo-tif cơ thể in lên vải. Thì Lu-Yang chụp hệ thần kinh trung ương của cô để hình tượng hóa cảm xúc trong tác phẩm nghệ thuật.

NO.5: TRÓI x TRƯƠNG CÔNG TÙNG

Gian phòng NO.5 là thế giới quan ấn tượng của nghệ sĩ thị giác Trương Công Tùng. Căn phòng được anh tạo ra từ những chiêm nghiệm thẳm sâu trong nhiều năm quan sát và nghiên cứu về khoa học, vũ trụ và triết học.

Giải thể cho sự bức bối của mình về một xã hội bị phụ thuộc vào máy móc. Bao quanh căn phòng là một màu trắng, trần cao cùng những vật thể được đính phím nút của máy vi tính. Màn hình LED trình chiếu sự chuyển động không ngừng của những vi mạch máy tính tạo nên cảm giác của một thời đại của robot hóa. Khi máy móc dần hoạt động thay thế con người.

Viễn cảnh của một kỷ nguyên công nghệ làm chủ cuộc sống được phục dựng kỳ công; khi công nghệ chính là vũ trụ sống

Ý niệm trong bộ sưu tập NO.5. Trói của nhà thiết kế Công Trí được nghệ sĩ Trương Công Tùng đồng cảm. Nếu nhìn vào trang phục của nhà thiết kế, ta thấy sự ẩn dụ về chiếc lồng giam giữ con người; thì tác phẩm của Trương Công Tùng tựa như một lời ám chỉ ngầm cho trạng thái nhân loại đang mắc kẹt dưới “hang động” của kỉ nguyên công nghệ.

Quả cầu phủ kín nút của bàn phím vi tính là những chi tiết điểm nhấn của thiết kế bối cảnh trong gian phòng này

NO.6: NẤM x ALEXANDER TÚ

Công Trí mường tượng một viễn cảnh nơi con người không còn là trung tâm của sự sống. Mà vật thể sống chính là loài nấm– một loại thực vật sống trường tồn qua thời gian. Nấm là sinh thể có sức sống mãnh liệt do nó luôn đặt mình nằm ở ngưỡng quân bình giữa những nghịch lý. Nấm mọc theo từng cụm. Công Trí đã hình tượng hóa nấm thành trang phục đẹp tựa điêu khắc trong NO.6.

Trong căn phòng trình bày thiết kế biểu tượng của Nguyễn Công Trí mà siêu mẫu Thanh Hằng và ca sỹ Hồ Ngọc Hà đã từng trình diễn

Từ cảm hứng trên biên đạo múa Alexander Tú đã dựng lên bản múa “Thế Giới Mới Gan Dạ”. Alexander Tú cùng với nhóm LYRICIST sử dụng chính chuyển động của cơ thể diễn viên múa để diễn tả những đặc tính của loài nấm. Sự xuất hiện của nhóm vũ công quấn vào nhau tựa như những loài nấm. Cũng như con người, loại động vật vốn được xem là yếu nhất cũng trở nên mạnh mẽ vì yếu tố cộng hưởng, cộng sinh.

Xung quanh căn phòng của bộ sưu tập NO:6 còn trình chiếu nghệ thuật mapping để gia tăng hiệu ứng thị giác. Hình ảnh mapping trình chiếu tựa như thời gian và không gian. Dù chúng dịch chuyển thế nào, nhưng quần thể động thực vật vẫn trường tồn theo thời gian.

NO.7: CẢM ƠN SÀI GÒN x HỨA NHƯ XUÂN

Gian phòng thứ 7 mang đầy tính mỹ cảm, hoài cổ. Mang người xem trở về “Giấc Mơ Xưa” với khung cảnh của Việt Nam của thập niên 1960. Căn phòng không chứa đựng quá nhiều những triết lý, mà lại vô cùng tả thực khiến người khác ám ảnh. Người xem đứng giữa căn phòng như đứng giữa không trung của một “căn nhà” đậm chất Việt Nam.

Gian phòng được sắp đặt bởi nhiếp ảnh gia thời trang Hứa Như Xuân. Đây là lần đầu cô thử nghiệm nghệ thuật sắp đặt dành riêng cho NO.7 của Công Trí. Một bộ sưu tập đầy tính hoài niệm về Sài Gòn. NO.7 không phá cách, mà lại gần gũi, đầy màu sắc. Cũng như là cách mà Công Trí nhìn Sài Gòn. Đây là nơi đã cưu mang những nhiệt huyết và đam mê của anh với thời trang.

Không gian tả thực khá “ám ảnh” về một căn phòng của Việt Nam thời điểm những năm 1960

NO.8: TIẾNG VỌNG x TÙNG MONKEY

Được thực hiện bởi nghệ sĩ thị giác Tùng Monkey, gian phòng số 8 tập trung vào nghệ thuật trình chiếu kĩ thuật số thời gian thực. Tùng Monkey thể nghiệm những hình ảnh hoạt hoạ, luồng ánh sáng 3D hay hiệu ứng đa chiều của âm thanh.

Khách thưởng lãm gần như lạc vào một không gian bẫy “công nghệ” đậm tính vị lai. Nơi các múi hình ảnh như neuron thần kinh kết nối nhau bằng tốc độ chớp mắt do trí tuệ nhân tạo làm nên.

Tùng Monkey là nghệ sĩ sử dụng công nghệ làm chất liệu sáng tác chính. Anh gần như đứng ở tuyến đối lập với ý tưởng trong bộ sưu tập NO.8 của Công Trí. Bộ sưu tập với các thiết kế xoay quanh sự chi phối của Internet đến cuộc sống.

Tùng Monkey thể nghiệm hình ảnh hoạt hoạ, luồng ánh sáng 3D hay hiệu ứng đa chiều của âm thanh cho gian phòng số 8

NO.9: LÚA x TRUC-ANH

Gian phòng NO.9: LÚA được nghệ sĩ thị giác Truc-Anh tái hiện với không gian nghệ thuật đặc sắc. Mỗi góc trong gian phòng được chăm chút kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ. Nghệ sĩ Truc-Anh thích thú với cách tiếp cận của Công Trí trong bộ sưu tập NO.9. Anh không phản đối những điều vốn được xem là trái ngược nhau. Đơn cử như truyền thống và tính đương thời; hình học chính xác và dáng vẻ hữu cơ; ruộng lúa nông thôn và khoa học viễn tưởng.

Toàn cảnh gian phòng đậm chất nghệ thuật và triết lý được thực hiện bởi nghệ sỹ thị giác Truc-Anh

NO.10: EM HOA x BẢO NGUYỄN

Kết thúc chuyến du ngoạn vào tâm hồn của nhà thiết kế Công Trí là gian phòng nghệ thuật của Đạo diễn, Nhà sản xuất phim Bảo Nguyễn. Những thước phim “Trong Khu Rừng, Có Một Cánh Cửa” được “dệt” nên từ bộ sưu tập nổi tiếng “Em Hoa” của anh cả làng thời trang Việt Nam.

Bộ sưu tập EM HOA gây tiếng vang trong sự nghiệp của Nguyễn Công Trí được chọn để khép màn triển lãm Cục Im Lặng

Ảnh: Kiếng Cận (Loi Phuc Pham)
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm