Panel của ngày cuối cùng trong chuỗi sự kiện Fashion Colloquia
Ngày thứ 3 của sự kiện Fashion Colloquia, sự kiện do đại học RMIT tổ chức, với nhiều kinh nghiệm làm việc khác nhau và những góc nhìn đa dạng, các chuyên gia mỗi người đã đem đến cho panel thảo luận những ý kiến và lời khuyên vô cùng bổ ích cho những nhà thiết kế trẻ đang trên đà phát triển thương hiệu của mình trong thị trường Việt Nam và ngoài nước.
Phương pháp đào tạo sinh viên của các trường đại học
Theo như chia sẻ của rất nhiều panelist trong Fashion Colloquia, hiện nay, rất nhiều sinh viên đang thiếu kinh nghiệm làm việc trong những công ty phù hợp với chuyên ngành của họ. Cô Angela Finn, phó ban Giảng dạy và Học tập của trường Đại học RMIT tại Melbourne, chia sẻ: Rất nhiều sinh viên quốc tế thường vừa học vừa làm bán thời gian. Họ thu được nhiều kinh nghiệm làm việc bổ ích. Thực tế giúp họ ứng dụng và trui rèn những kỹ năng và kiến thức từ giảng đường. Hầu hết sinh viên Việt Nam đều tập trung cho việc học. Họ chỉ bắt đầu thực sự bước vào thị trường lao động khi tốt nghiệp đại học. Vậy nên, sinh viên Việt Nam không có lợi thế so với các ứng viên khác trên mặt bằng nhân công.
Sáng tạo và tầm nhìn
Cô Christina Yu, người sáng lập thương hiệu giỏ xách Ipa Nima, cho biết: Điều quan trọng nhất của những bạn trẻ đang bắt đầu khởi nghiệp là phải xác định được tầm nhìn cho doanh nghiệp của mình. Họ phải can đảm giữ vững lập trường của mình trong cơn bão cạnh tranh hiện nay. Nếu doanh nghiệp trẻ quá chú trọng vào việc biến tấu sản phẩm theo ý của số đông khách hàng, họ sẽ mắc vào vòng tròn luẩn quẩn: Đẽo cày giữa đường, không tạo được ấn tượng cụ thể trong lòng người mua.
Quan điểm tuyển dụng thực tập sinh của các công ty trong ngành thời trang
Ở phần đầu của panel thảo luận, hầu hết các chuyên gia và khách mời đều đồng ý về vấn đề thiếu kinh nghiệm làm việc theo chuyên môn của sinh viên Việt Nam. Một số panelist tham gia Fashion Colloquia lại bày tỏ sự lo ngại khi dành các cơ hội việc làm cho những thực tập sinh.
Anh Nguyễn Hữu Kiên, quản lý thương hiệu Thuy Design House của NTK Thủy Nguyễn, và chị Lottie Delamain, quản lý sáng tạo của cafe-concept store L’Usine, đưa ra ý kiến: Thực tập sinh thông thường chỉ thực tập trong ba tháng. Quãng thời gian quá ngắn. Quá trình hướng dẫn và tiếp thu công việc không thể đầy đủ. Thực tập trong thời gian ngắn không có ích lợi cho cả thực tập sinh lẫn nhà tuyển dụng.
Giải pháp nằm ở đâu?
Từ những chia sẻ trên của các panelist, có thể thấy: Thiếu kinh nghiệm làm việc trong ngành thời trang của sinh viên là vấn đề nan giải. Hiện vẫn chưa có chiều hướng giải quyết thỏa đáng từ những nhà tuyển dụng cho các bạn trẻ.
Qua buổi thảo luận này, những câu hỏi đã được đặt ra xoay quanh chủ đề tuyển dụng thực tập sinh là: Liệu có hướng đi nào khác cho các bạn trẻ tài năng và nhiệt huyết? Họ luôn sẵn sàng cống hiến cho ngành công nghiệp sáng tạo của nước nhà. Nhưng nếu tình hình này tiếp diễn, e rằng nguồn nhân lực dồi dào này sẽ dần dần dịch chuyển sang những thị trường nước ngoài. Ở những nơi này, tài năng và nghiệp vụ của các thực tập sinh được doanh nghiệp nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn.
Xây dựng cá tính riêng cho từng thương hiệu Việt Nam
Theo rất nhiều chuyên gia của panel thứ ba, sở dĩ nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường bởi họ chưa có một câu chuyện để định hình cá tính riêng. Họ cũng chưa đưa ra được những giá trị sáng tạo của thương hiệu. Chỉ đơn thuần sản xuất và bày bán sản phẩm thì chưa nâng được giá trị sáng tạo. Những doanh nghiệp start up và các nhà thiết kế trẻ trong ngành thời trang cần có một câu chuyện để kể về họ và về sản phẩm của họ. Có thế mới có thể chinh phục được người tiêu dùng trên thị trường.
Bất đồng và đồng thuận trong từ Fashion Colloquia 2016
Nhưng, cũng có một số ý kiến khác biệt cho rằng người tiêu dùng hầu hết quyết định mua sản phẩm một cách khá nhanh chóng. Chỉ cần mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả hợp lý, họ sẽ dễ dàng mua ngay các sản phẩm, mà không cần tìm hiểu những câu chuyện đằng sau những sản phẩm được bày bán.
Nhìn chung hiện nay, ngành thời trang là một ngành công nghiệp có mức độ cạnh tranh khá gay gắt và giá trị sáng tạo vẫn là một khái niệm dù là quan trọng, nhưng vẫn rất mơ hồ khi được ứng dụng vào chiến lược kinh doanh.
Photo: Tu Nguyen Dang Khue
Harper’s Bazaar Vietnam