Face Mapping: Mụn trên mặt nói gì về tình trạng sức khỏe của bạn?

Những “vị khách” không mời mà tới thình lình xuất hiện trên gương mặt có thể tiết lộ rất nhiều điều về tình trạng sức khỏe của “gia chủ”

Nếu đôi mắt là cửa sổ tâm hồn thì có lẽ gương mặt là cánh cửa hé lộ những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn bên trong cơ thể bạn, thể hiện qua những đốm mụn nổi bất thình lình. Đó cũng là cách chuẩn bệnh theo face mapping, một phương pháp cổ truyền bắt nguồn từ y học của người Hindu (Ayurveda) và người Trung Quốc. Face mapping có thể hiểu nôm na là “vẽ sơ đồ” trên gương mặt bạn, chia ra thành từng phần riêng biệt, mỗi phần có mối liên hệ mật thiết tới những cơ quan, bộ phận khác nhau bên trong cơ thể. Những đốm mụn nổi bất thường trên mặt là cách cơ thể “cảnh báo” vấn đề của từng cơ quan. Do đó các bác sỹ da liễu có thể nhìn mụn nổi ở đâu trên gương mặt bạn mà đoán ra được vấn đề sức khỏe của bạn. 

Face mapping đã có từ hàng nghìn năm trước”, theo Tiến sỹ Dan Hsu, bác sỹ chuyên về Đông y ở New York cho biết. “Đa phần là dựa vào những kinh nghiệm chuẩn bệnh lâm sàng được đúc kết từ lâu đời. Ngày nay bác sỹ có thể thử máu hay chụp X-quang để tìm ra bệnh nhưng các thầy thuốc ngày xưa chỉ chuẩn đoán bệnh bằng cách xem xét gương mặt, thần sắc, bắt mạch và hỏi han bệnh nhân”. Theo Đông y, mỗi bộ phận trên cơ thể có màu sắc, nhiệt độ khác nhau, và biểu lộ qua những phần khác nhau trên gương mặt. Ví dụ như gan, được biểu thị qua đôi mắt. Một trong những triệu chứng của bệnh vàng da (một căn bệnh từ gan) là mắt bị vàng. “Phương pháp này đã được chứng thực qua 2000 năm và vẫn đúng với ngày nay”, bác sỹ Hsu cho biết.

Nếu đã qua khỏi tuổi dậy thì (thường bị nổi mụn do hormone) mà gương mặt bạn thỉnh thoảng vẫn gặp vấn đề về mụn, bạn có thể tham khảo phương pháp face mapping này để biết cách chữa trị và điều chỉnh lối sống cho hợp lý.

Trán

Những đốm mụn nổi trên trán có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm vấn đề về tiêu hóa, vấn đề ở ruột non, gan, bị stress nặng, ngủ không đều độ, chế độ ăn uống kém dưỡng chất hoặc dị ứng với các sản phẩm chăm sóc tóc. Để đối phó với mụn ở trán, bạn nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày, uống thật nhiều nước để thải độc tố, xem lại chế độ ăn uống và kiểm tra xem có loại sản phẩm chăm sóc tóc nào khiến da bạn bị kích ứng không. Tránh ăn uống những thực phẩm có nhiều đường.

Thái dương/Chân mày/giữa chân mày

Mụn nổi ở khu vực này có thể do tuần hoàn kém, vấn đề ở túi mật hoặc chế độ ăn nhiều chất béo, ăn nhiều thức ăn đóng hộp có chứa chất bảo quản hoặc uống nhiều rượu. Giải pháp thiết yếu vẫn là uống nhiều nước, cũng như xem lại chế độ ăn uống và vệ sinh.

Mũi

Nổi mụn trên mũi có thể là do chế độ ăn nghèo nàn dưỡng chất, bệnh táo bón, rối loạn dạ dày – ruột non, chứng khó tiêu hay tuần hoàn máu kém. Bạn cần bổ sung vitamin B, ăn thức ăn ít gia vị và massage vùng mũi để làm dịu những đốm mụn.

Mụn ở má có thể gây ra do vấn đề ở phổi, gan, ăn quá nhiều, stress, vấn đề ở dạ dày, điện thoại di động dơ thường xuyên áp vào má (tuỳ bạn thuận nghe ở má bên nào), vỏ gối dơ lâu ngày không giặt hay cọ trang điểm dơ không vệ sinh. Rửa mặt, tẩy trang để giữ cho da luôn thông thoáng sạch sẽ là điều tối quan trọng để tránh mụn, đặc biệt là khi mỗi ngày chạy xe bạn phải tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm như hiện nay. Thường xuyên thay vỏ gối, chùi sạch bề mặt điện thoại cũng như vệ sinh cọ trang điểm. Ngoài ra, giữ tinh thần thư giãn, thoải mái với lịch sinh hoạt điều độ cũng rất quan trọng.

Vùng miệng/môi

Mụn ở đây có thể là do chứng táo bón, ăn nhiều thức ăn nóng như đồ chiên, đồ cay hoặc bị dị ứng với kem đánh răng. Do đó, bạn nên bổ sung nhiều chất xơ bằng cách ăn nhiều rau cải, trái cây. Thử đổi kem đánh răng nếu mụn vẫn không hết.

Cằm

Mụn nổi ở cằm có thể gây ra do rối loạn nội tiết tố (hormone), vấn đề về phụ khoa, thận hoạt động mất cân bằng, thường xuyên để cằm tiếp xúc với bàn tay, hoặc cũng có thể do kem đánh răng. Tương tự như trên, nghỉ ngơi và uống nhiều nước là những cách tốt nhất để cải thiện tình trạng này. Bạn cũng nên bổ sung Omega-3 để cân bằng hormone. Nên để ý không chống cằm lên tay hay xoa cằm thường xuyên, trừ khi đảm bảo tay đã rửa sạch sẽ.

Tai

Đôi tai bạn có mối liên hệ mật thiết với hai quả thận. Nếu thận của bạn hoạt động không tốt hay không nhận đủ dưỡng chất hoặc thiếu nước, bạn có thể bị nổi mụn to và dai dẳng ở vùng tai. Để ngăn tình trạng này, cần uống nhiều nước, tránh cafe và không ăn thức ăn nhiều muối.

Bazaar Việt Nam – Theo: Fashion Spot và Byrdie

Xem thêm