“I am nobody! Who are you? Are you nobody, too?”
Áng thơ nhuốm màu mơ hồ và u tịch của nữ văn sĩ Emily Dickinson (1830 – 1886); một trong những bóng hồng thơ ca Mỹ cổ điển; chính là nguồn cảm hứng đằng sau bộ sưu tập Melancholic Emily của nhà thiết kế trẻ Quách Đắc Thắng. Những bông hoa ép khô trong tuyển tập thơ của bà; đã được Đắc Thắng chọn để khắc họa lại hình ảnh một nàng Emily mơ màng. Và qua chính nàng, anh cảm nhận mình “không là ai”.
Từ chiếc cổ áo mang hơi hướng Victorian cho đến gam màu trầm như trang giấy cũ; nhà thiết kế đã xử lý một cách tài tình nhiều chất liệu vải, tưa sợi, kết hợp cùng mẫu jacket form vuông. Lối phối hợp đầy ngẫu hứng giữa dáng áo jacket và gilet; là cách mà Đắc Thắng thể hiện góc nhìn riêng về Emily Dickinson; không chỉ ở yếu tố mềm mại nữ tính; mà còn là lời tự tình anh dành cho Emily. Bộ sưu tập như một cái gật đầu; một sự đồng cảm cho lối suy nghĩ vốn rất đỗi u buồn giữa hai người nghệ sĩ thuộc hai thế hệ.
Nguồn cảm hứng nhuốm màu thời gian
Những bộ trang phục đóng dấu Quách Đắc Thắng là như thế. Cảm hứng thiết kế của anh đến từ mọi điều trong cuộc sống. Nó mang màu sắc của thời gian và sự cũ kĩ. Dù đó có là nét úa tàn của thiên nhiên hay những nền văn hóa thuộc về quá khứ; Thắng đều tìm thấy điểm thú vị để truyền tải vào từng lớp vải đường may. Đối với anh, cái đẹp luôn mang tính chủ quan và tương đối; chỉ có người sáng tạo mới hiểu về nó rõ hơn ai hết. Thắng cho rằng: “Cái đẹp là sự thể hiện đa chiều; phản ánh cái tôi của người sáng tạo và những góc nhìn khác nhau của người thưởng thức.” Nó không đúng, không sai; mà là một mệnh đề và được kết luận bằng tư tưởng của người chiêm nghiệm.
Đắc Thắng – nhà thiết kế mang tư tưởng nghệ thuật trầm buồn, hoài cổ
Tuổi thơ không mấy êm đềm và những biến cố trong cuộc sống; đã tạo ra một nhà thiết kế mang tư tưởng nghệ thuật trầm buồn, hoài cổ; có đôi khi là những dữ dội, phức tạp. Có lẽ vì vậy mà người ta nhìn thấy ở trang phục của Thắng nét ngạo nghễ; bất cần nhưng nội tâm che giấu sự mềm yếu, tôn trọng cái đẹp của người phụ nữ. Thắng bật mí với tôi rằng trong tương lai; anh muốn nghiên cứu thêm về nguyên vật liệu thời trang và cách tái sử dụng chúng.
Tương tự như nhà thiết kế mà Thắng yêu thích – Martin Margiela; người tiên phong chống lại chủ nghĩa tiêu thụ phi mã; nhằm tránh hao phí và góp phần bảo vệ môi trường xanh. Dù còn từng bước nhỏ, anh đã dần ứng dụng những mẫu vải vụn và nguyên liệu tồn từ kho vải làm nguyên liệu xử lý chính trong bộ sưu tập của mình. Thời trang là muôn hình vạn trạng, đối với một nhà thiết kế trẻ; con đường học hỏi và phát triển còn đó trước mắt, rộng thênh thang.
Thời trang, sự khốc liệt của cái đẹp
Dù chỉ vừa tốt nghiệp ngành Thiết kế thời trang tại Đại học Văn Lang không lâu; nhà thiết kế sinh năm 1993 này đã có nhiều năm rong ruổi trong cuộc chơi nghệ thuật. Bộ sưu tập Tranh Collage Art of Walder Stremper; thuộc đồ án tốt nghiệp của cậu sinh viên Quách Đắc Thắng; được đánh giá cao về khả năng collage hình ảnh; kỹ năng vẽ tay và xử lý chất liệu thủ công.
“Con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để công chúng thấu hiểu hơn về tác phẩm của mình không chỉ bằng lời nói; văn bản, mà còn thông qua hình ảnh,” anh chia sẻ. Thật sự không quá khó để chỉ ra thiết kế của Thắng bên cạnh những trang phục khác; bởi chi tiết mang tính thủ công tỉ mỉ cùng họa tiết đính kết cầu kỳ vốn đã trở thành thương hiệu riêng.
Từng làm việc trong đội ngũ thiết kế tại Lam Boutique và hiện tại là aeie; bốn năm theo đuổi nghề cũng là bốn năm anh đúc kết nhiều kinh nghiệm quý giá; từ những thành công và cả nhiều thất bại. Làm thời trang ai cũng có tư tưởng mơ mộng, bay bổng; muốn sáng tạo hết mình cho các tác phẩm. Nhưng sáng tạo phải đi kèm với thực tế. Thắng tâm sự rằng, bản thân ngành công nghiệp này vốn khắc nghiệt; vì chi phí vận hành cao, giá thành vật chất đắt đỏ, tỉ lệ cạnh tranh khốc liệt.
“Thời trang là kẻ lạnh lùng, nhưng không bao giờ tuyệt đường với người có đam mê”
Để tạo dựng được hình ảnh riêng biệt khiến khách hàng nhớ đến; là một trong những điều rất khó cho những nhà thiết kế mới. Vì vậy, việc cọ sát thực tế và kinh nghiệm làm việc cho những thương hiệu khác là yếu tố rất quan trọng và cần thiết. Dù đôi khi cảm thấy bạc bẽo; nhưng những khó khăn đã trải qua là một thử thách để anh hoàn thiện bản thân.
“Thời trang là kẻ lạnh lùng, nhưng không bao giờ tuyệt đường với người có đam mê”. Quả thật vậy, thời trang tạo cơ may cho những người thành công; và sẵn sàng tước đi thành công đó nếu họ trở nên trì trệ, không tiếp tục phát triển. Điều quan trọng là sự vực dậy và khẳng định lại bản thân; chứ không phải là âm thầm bỏ cuộc sau biến cố. Trên chiến trường của những người nghệ sĩ; luôn có sự chào đón trở lại dành cho những con phượng hoàng vực dậy từ đống tro tàn..
Harper’s Bazaar Vietnam
Bài: Vân Anh.
Ảnh: Lạc Hoàng.
Fashion director: Sarah Nguyễn.
Stylist: Emil Vy, Camille Guerard.
Model: Honey Nguyễn.
Make up: Trí Viễn.