Tại tuần lễ thời trang Haute Couture Xuân Hè 2022 ở Paris, Chanel mời Charlotte Casiraghi, cháu gái công nương Grace Kelly, cưỡi ngựa mở màn show diễn. Bộ sưu tập lần này của hãng cũng được lấy cảm hứng từ thời trang cưỡi ngựa. Nhiều người bảo rằng, dường như Chanel đang muốn ăn theo Hermès và Gucci – hai thương hiệu gắn liền với ngựa và kỵ sỹ – nhưng nhà mốt lại khẳng định rằng, nhà sáng lập Coco Chanel là người rất yêu thích cưỡi ngựa thuở sinh thời.
Khoan bàn cãi về việc thời trang cưỡi ngựa liên quan ra sao đến Chanel, điều không thể phủ nhận là bộ môn thể thao cưỡi ngựa có mối quan hệ mật thiết đến ngành thời trang cao cấp. Có rất nhiều thương hiệu lấy bộ môn thể thao cưỡi ngựa làm biểu tượng cho mình. Vì sao? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu.
Cưỡi ngựa: Thú vui tao nhã của giới thượng lưu
Từ thời Trung cổ ở châu Âu, ngựa đã là một biểu tượng của quyền lực và tiền tài. Vốn, ngựa là vật phải có cho những cuộc chinh chiến. Nhưng từ những năm 1500 trở đi, vua chúa châu Âu xem cưỡi ngựa là bộ môn tiêu khiển, biểu trưng cho lãnh thổ rộng lớn và tiềm lực kinh tế, hơn chỉ là một công cụ cần thiết cho chiến tranh. Khi Henry VIII lên ngôi, ông bắt đầu tổ chức các cuộc đua ngựa quy mô lớn.
Ngày nay, các bộ môn thể thao với ngựa vẫn là thú vui độc quyền của giới sang giàu. Để có thể thi đấu, bạn phải bỏ nhiều công sức để đặt mua ngựa giống tốt, phải sở hữu trang trại lớn để nuôi ngựa, phải thuê người chăm sóc sức khỏe cho nó… Hầu như tất cả các vận động viên nổi tiếng trong bộ môn đua ngựa hay thi đấu polo đều đến từ gia đình khá giả. Ví dụ như các thành viên gia đình hoàng gia, hoặc con cái các tỉ phú công nghệ như Eve Jobs (con gái Steve Jobs) và Jaime Xie (con gái tỉ phú Ken Xie).
Khi giới thượng lưu đam mê thú vui nào, họ sẽ đều chi tiêu phóng tay để trang trải cho đam mê của mình. Vì lý do đó, rất nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ đều bắt đầu với phụ kiện cưỡi ngựa, hoặc cung cấp các phụ kiện này như một phần thiết yếu trong catalogue sản phẩm của mình.
Những thương hiệu thời trang cao cấp khởi nguồn từ thế giới của ngựa
Nói đến các thương hiệu thời trang gắn liền với ngựa và bộ môn cưỡi ngựa, chúng ta có thể kể đến Gucci, Hermès, Salvatore Ferragamo, Ralph Lauren Polo, Longchamp…
Gucci được sáng lập như một cửa hàng bán hành lý và yên cương cưỡi ngựa ở Florence năm 1921. Nhà sáng lập, ông Guccio Gucci, đã quyết định phải sản xuất phụ kiện cưỡi ngựa để mau chóng đưa cửa hàng của mình tiếp cận với giới thượng lưu khắp châu Âu. Chỉ sau khi Gucci trở nên nổi tiếng là nơi chế tác đồ da chất lượng cao, ông Guccio Gucci mới mở rộng kinh doanh sang các vật phẩm khác như giày dép, túi xách, trang phục may mặc sẵn.
Để tưởng nhớ khởi nguồn với bộ môn cưỡi ngựa, Gucci luôn nhấn mạnh vào những yếu tố mang âm hưởng của môn cưỡi ngựa trong thiết kế. Có thể kể đến Horsebit (miếng kim loại cho ngựa cắn khi choàng yên cương), họa tiết móng ngựa, nón cưỡi ngựa. Họa tiết Gucci Web với vạch kẻ xanh và đỏ cũng xuất thân từ thú chơi cưỡi ngựa, bắt nguồn từ chiếc đai nịt canvas sử dụng trên yên cương truyền thống.
Hermès không chỉ liên quan đến bộ môn thi đấu cưỡi ngựa mà còn gắn liền với những chiếc xe kéo bằng ngựa. Thierry Hermès bắt đầu công việc kinh doanh vào năm 1837 tại một giao lộ sầm uất của Paris với xưởng làm yên cương ngựa phục vụ cho giới quý tộc châu Âu. Sau này, khi công việc kinh doanh mở rộng ra các sản phẩm thời trang khác, Hermès vẫn không quên nhấn mạnh rằng mỗi một thiết kế của mình đều liên quan ít nhiều đến bộ môn cưỡi ngựa. Hãng vẫn duy trì hình ảnh chiếc xe ngựa kéo trên logo chính thức của mình.
Mối liên quan với ngựa và thời trang kỵ sỹ không phải là thứ độc quyền của riêng hai nhà mốt trên. Tại Mỹ, Polo Ralph Lauren cũng lấy cảm hứng từ bộ môn thi đấu polo. Hãng nổi tiếng với kiểu áo polo được các vận động viên dùng khi thi đấu. Bên cạnh đó là bốt kỵ sỹ, áo jacket đi săn… Tủ đồ hàng triệu người trên thế giới luôn có những chiếc áo mang biểu tượng vận động viên polo cưỡi trên lưng tuấn mã đặc trưng của hãng.
Longchamp cũng là một hãng thời trang cao cấp sử dụng hình ảnh ngựa trên logo. Longchamp chính là tên của trường đua ngựa nổi tiếng Paris. Hình ảnh ngựa bay trở thành biểu tượng của hãng và xuất hiện trên rất nhiều túi xách da, nhất là dòng túi danh tiếng Les Pliage.
Phong cách thời trang kỵ sỹ (equestrian) là gì?
Các thương hiệu đưa tình yêu với bộ môn cưỡi ngựa vào thời trang qua những yếu tố mang phong cách kỵ sỹ.
Về mặt biểu tượng, những hình ảnh như horsebit (miếng để ngựa cắn khi cài yên cương), họa tiết móng ngựa hay khóa cài yên cương thường được các thương hiệu sử dụng. Bốt cưỡi ngựa, nón bảo hộ khi cưỡi ngựa, găng tay da thuộc để bảo vệ bàn tay khi cưỡi ngựa là một số những phụ kiện dễ dàng được cải tạo để đưa vào các bộ sưu tập thời trang may đo sẵn.
Về mặt trang phục, phong cách thời trang cưỡi ngựa thường kết hợp áo polo hoặc áo thun cùng với quần bó, bên ngoài khoác áo vải tweed thắt eo, chân mang bốt da thuộc cao đến gối. Phong cách này đặc biệt được ưa chuộng bởi các quý cô thích trang phục menswear mạnh mẽ. Đặc biệt, Chanel còn lăng-xê quần jodhpur, một kiểu quần lấy cảm hứng từ chiếc quần harem thụng của Ấn Độ.
Những món đồ chỉ dành cho giai cấp quyền quý với thú đi ngựa tao nhã một thời giờ lại trở nên cá tính, phóng khoáng.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam