Dự án Empower Women Asia (EWA) thuộc tổ chức phi chính phủ KIBV – Keep It Beautiful Vietnam đang có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giúp đỡ các chị em dân tộc thiểu số tại các làng nghề truyền thống phía Bắc và gìn giữ vẻ đẹp của nền văn hoá Việt Nam dần bị lãng quên.
Từ câu chuyện về vẻ đẹp của những người phụ nữ dân tộc thiểu số …
Khi nhắc tới những người phụ nữ dân tộc thiểu số, hiện lên trong tâm trí chúng ta là hình ảnh rắn rỏi; lam lũ; chịu thương chịu khó. Họ là những phụ nữ khéo léo, đảm đang, quán xuyến các công việc từ đồng áng đến nội trợ. Tuy vậy, họ lại thường không may mắn bị bỏ lại phía sau. Những quy chuẩn và định kiến của xã hội khiến cô thiếu nữ vô tư, yêu đời với nhiều ước mơ, hoài bão sớm trở thành một người phụ nữ lặng lẽ thu mình sau gác bếp và trên nương rẫy. Họ sớm gánh lên vai những trọng trách mà xã hội và người xung quanh vô hình đặt lên đôi vai.
Và rồi, cũng có ngày những ánh hào quang bên trong cô gái ấy tỏa sáng. Đó là khi những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ được ghi nhận. Trong số những người phụ nữ dân tộc thiểu số khắc tên trong lòng công chúng có thể kể đến chị Lý Thị Quyên. Chị là người thành công tìm được những bài thuốc cổ truyền của người Dao. Hay nàng Hoa hậu tóc tém H’hen Niê với những dấu ấn trong việc đưa hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số trở nên thông minh, sắc sảo và đầy cá tính trong mắt những người hâm mộ. Chính những người phụ nữ sống bằng nỗ lực ấy đã là động lực và nguồn cảm hứng cho rất nhiều cô gái dân tộc thiểu số hiện nay.
… Đến nét đẹp của một làng nghề văn hoá ẩn mình sau những dãy núi
Nét đẹp của những người phụ nữ dân tộc thiểu số không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài hay ở kiến thức và năng lực họ có. Vẻ đẹp còn ẩn chứa trong lao động. Tham gia nhiều công việc từ ra ruộng cày cấy; lên lớp dạy chữ; ở nhà chăm lo cho con cái. Ta không thể không nhắc đến những hình ảnh đẹp của người phụ nữ cặm cụi bên khung cửi. Hay khi họ khoác lên mình những bộ trang phục thổ cẩm rực rỡ sắc màu.
Để có thể mang lại những tấm vải dệt với màu sắc bắt mắt, các nghệ nhân phải vào rừng. Họ tìm các vỏ cây, lá cây có thể tạo ra màu nhuộm. Cụ thể như: cỏ ngọt cho ra màu xanh nhạt; hoa hoè và hoa hiên cho ra màu đỏ hoặc hồng nhạt như cánh kiến; lõi cây mít cho ra màu vàng. Sau khi đã lựa chọn tỉ mỉ, họ phải trải qua thêm nhiều công đoạn phức tạp mới có thể cho ra những loại màu nhuộm đẹp và rực rỡ. Chính vì được làm từ các chất liệu thiên nhiên nên các sản phẩm từ dệt thủ công không gây kích ứng da, đảm bảo an toàn cho người mặc.
Bởi tất cả các công đoạn nhuộm, dệt đều được làm thủ công nên mỗi sản phẩm khi ra đời lại mang một màu sắc riêng, độc nhất vô nhị. Vì vậy, khi chọn mua sản phẩm từ làng dệt, người mua sẽ sở hữu cho riêng mình mẫu mã khác biệt. Đó là sản phẩm có một không hai trên thị trường. Bên cạnh đó, toàn bộ quy trình có thể đạt tiêu chuẩn cao nhất của sản phẩm bền vững. Quy trình này không có sự can thiệp của máy móc; không tiêu tốn năng lượng điện hay tạo ra khí thải công nghiệp. Thậm chí, để tận dụng các mảnh vải thừa, nghệ nhân áp dụng kĩ thuật chần vải quilting. Đây là kỹ thuật được ví như “môn nghệ thuật” về vải. Đó cũng là cách thể hiện quan điểm; khiếu thẩm mỹ và sự sáng tạo của họ.
Chương trình gây quỹ “Chắp cánh những giấc mơ bên khung cửi”
Với sự kỳ công tỉ mẩn ấy, EMPOWER WOMEN ASIA nhìn thấy những sản phẩm của các chị em không chỉ đơn thuần là một sản phẩm. Đó còn là một câu chuyện đáng được trân trọng và tôn vinh. Trong khi thế giới đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự lên ngôi của ngành thời trang bền vững, thì các sản phẩm làm từ vải dệt tay truyền thống sẽ càng có nhiều hơn cơ hội cạnh tranh; khẳng định vị thế tại thị trường trong nước và quốc tế.
Chương trình gây quỹ “Chắp cánh những giấc mơ bên khung cửi” (từ ngày 28/04/2021 đến ngày 28/05/2021) là một trong những sự kiện đầu tiên của chuỗi sự kiện “Khung cửi dệt những ước mơ”. Sự kiện nằm trong dự án EMPOWER WOMAN ASIA (EWA) thuộc tổ chức phi chính phủ KIBV – Keep It Beautiful Vietnam. Chương trình với mục đích giúp đỡ các chị em dân tộc Thái tại Hòa Bình; Mai Châu bằng hình thức hỗ trợ hiện vật hiện kim. Đặc biệt hơn, những chị em phụ nữ nghèo và khuyết tật sẽ được hỗ trợ thêm các trang thiết bị; dụng cụ cần thiết trong sản xuất như: khung cửi; máy quay tơ,… Không chỉ thế, EWA còn muốn lan toả hình ảnh người phụ nữ dân tộc bên khung cửi trở nên thân thương, gần gũi hơn với người Việt Nam. Sự kiện nhằm gìn giữ được vẻ đẹp của một nền văn hoá Việt Nam dần bị lãng quên.
Với hình thức gây quỹ online bằng việc bán các sản phẩm dệt thổ cẩm từ chính các chị em Mai Châu, Hòa Bình; chương trình gây quỹ của EWA đã thu hút hơn 20 nghìn lượt tương tác cùng với sự quan tâm của các nhãn hàng. Trong đó nhà tài trợ LIBÉ; Người mẫu Hương Ly (Quán quân Vietnam’s Next Top Model); diễn giả nổi tiếng Tuệ An. Chương trình gây quỹ trích 100% lợi nhuận đến các chị em dân tộc thiểu số vùng núi Mai Châu.
Khởi động cuộc thi: Phụ nữ Việt Nam và làng nghề
Tiếp nối chương trình gây quỹ, Empower Women Asia chính thức khởi động cuộc thi ‘’Phụ nữ Việt Nam và làng nghề – Vietnamese Women and craft villages”. Cuộc thi nhằm tôn vinh các chị em phụ nữ Việt Nam nói chung; các chị em dân tộc thiểu số trong các làng nghề nói riêng. Cuộc thi cũng đồng thời tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam trong lao động. Đưa những hình ảnh đẹp tại các làng nghề truyền thống đến với bạn bè quốc tế.
Empower Women Asia mong nhận được sự đón nhận và tham gia của các bạn trẻ; nhóm tập thể; những người có hứng thú với các sản phẩm làng nghề truyền thống. EWA mong muốn đưa hình ảnh của người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao nói riêng; người phụ nữ tại các làng nghề nói chung đến gần hơn với cuộc sống hiện đại; với những bạn trẻ Việt Nam đang sống, học tập trong và ngoài nước; cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp có các sản phẩm được phát triển từ các làng nghề truyền thống. Hành động này nhằm khuyến khích việc giữ gìn nét đẹp truyền thống đặc trưng của Việt Nam. Tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập ổn định, bền vững hơn.
Tìm hiểu thêm thông tin tại Fanpage EmpowerWomenAsia
Tạp chí Harper’s Bazaar Vietnam