Đứng đằng sau thành công của người phụ nữ là ai?

“Đằng sau thành công của một người đàn ông là bóng dáng của một người phụ nữ” là một câu danh ngôn vô cùng quen thuộc. Người phụ nữ được mặc định là luôn âm thầm, lặng lẽ đứng sau ánh hào quang của chồng. Vậy thì điều gì xảy ra khi phụ nữ là người đứng trong ánh hào quang?

các nữ doanh nhân Việt Nam

Tôi từng đọc một bài báo sử dụng số liệu từ báo cáo của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) năm 2018. 25% giám đốc điều hành (CEO) và thành viên ban giám đốc ở Việt Nam là phụ nữ. Với con số này, Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ nắm giữ vị trí lãnh đạo vượt xa Malaysia (14%), Singapore (10%) và Indonesia (6%). Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo trên cũng cho biết: So với Singapore và Malaysia, Việt Nam có nhiều phụ nữ mong muốn được thăng tiến trong sự nghiệp hơn. Thành công của người phụ nữ là vấn đề thảo luận đã làm tốn nhiều giấy bút.

Anh đi em ở lại nhà,
Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ.
Lầm than bao quản muối dưa,
Anh đi anh liệu chen đua với đời.

Từ lâu, người phụ nữ đã luôn được khắc họa như cái bóng đằng sau thành công của chồng. Họ là hậu phương vững chắc để người chồng xông xáo ngoài xã hội. Sự sắp đặt này vốn ăn sâu trong tâm thức người Việt qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, trật tự này bị lật đổ kể từ khi người phụ nữ ý thức được tầm quan trọng của việc độc lập tài chính. Họ bước ra và đạt đến những địa vị cao trong xã hội, đôi khi còn hơn cả chồng mình.

Ý nghĩa của địa vị và tiền bạc đối với người phụ nữ

Viết đến đây, tôi nhớ câu chuyện mà doanh nhân Nguyễn Thị Tú Nga, chủ sở hữu Luna Spa, đã trải lòng trong một cuộc phỏng vấn: “Mình từng có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Gia đình mình hồi đó nghèo lắm. Khi ấy, mình nuôi con bằng tiền mẹ chồng cho và sống phụ thuộc vào nhà chồng. Có một câu nói của mẹ chồng làm mình nhớ mãi: ‘Không có tao thì chúng mày lấy gì mà bỏ vào mồm’. Nghe thế, mình chỉ biết lẳng lặng ăn cơm chan nước mắt”.

Được mấy năm, chị quyết định tự mình đứng ra kinh doanh buôn bán. Cuộc đời chị thay đổi từ đó: “Mình nghĩ là mình được trời thương, cho ăn nên làm ra. Lúc đó, tiền được quy đổi bằng phiếu. Số phiếu mình sở hữu đủ sức chất thành đống lớn. Sau bảy năm, mình quyết định ly dị chồng”. Một tay người phụ nữ ấy đã nuôi năm người con ăn học nên người. Ai cũng được đi du học, có nghề nghiệp ổn định: “Mình cũng dạy các con phải tự lập. Khi con ở xứ người, mình chỉ trả tiền học. Còn các chi phí sinh hoạt khác thì các con phải tự lo. Với các con, mình là một người mẹ cứng rắn. Tụi nó hay gọi mình là bà đầm thép”.

Chị Nguyễn Thị Tú Nga nữ doanh nhân Việt Nam

Chị Nguyễn Thị Tú Nga

“Cái được lớn nhất của tiền bạc và địa vị là gì? – Sự tôn trọng”

Trong văn phòng của doanh nhân Thanh Hương Thái Việt trưng bày bằng hàng chục bằng khen của doanh nghiệp  và của cá nhân. Chị Hương tự hào: “Điểm mạnh lớn nhất của tôi chính là khả năng kết nối các doanh nghiệp với nhau. Nếu bạn cần một tập đoàn về giáo dục, tôi có thể giới thiệu bạn với chủ tịch tập đoàn ấy. Địa vị và sự thành đạt khiến họ nhìn tôi với cảm xúc khác!” Chị thêm: “Sự thành công không phải nói bằng lời mà phải thể hiện bằng con số. Trong năm 2018, doanh số công ty tôi tăng trưởng 200%. Những con số chính là lời tuyên bố mạnh mẽ nhất”.

Chủ nhân của Thái Việt chính là một ví dụ điển hình của sự xinh đẹp, tài giỏi và thành đạt: “Tôi cũng bắt đầu bằng con số không mà thôi. Tôi làm cái nhỏ trước, rồi đến cái lớn. Có công mài sắt, có ngày nên kim. Phụ nữ đẹp không thì vẫn chưa đủ. Bạn phải yêu lao động và có mong muốn cống hiến. Tôi thì tôi thích lao động lắm”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương – Thái Việt

Hạnh phúc mua được bằng tiền

Tôi hiếu kỳ: “Cái được lớn nhất từ khi có tiền bạc và địa vị là gì?” Chị đáp ngay: “Sự tôn trọng. Đặc biệt là từ phía gia đình nhà chồng. Ngày xưa, mình không tiền, không địa vị, mọi việc mình đều không có quyền quyết định. Nhưng sau này, việc gì họ cũng hỏi ý mình”. “Địa vị và tiền bạc là một lợi thế rất lớn trong xã hội”, chị khẳng định.

Chúng ta thường đùa: “Hạnh phúc không thể mua được bằng tiền mà bằng rất nhiều tiền”. Câu đùa, nhưng có chút sự thật trong đó. Địa vị và tiền bạc quan trọng với bất kỳ ai. Với phụ nữ, chúng càng quan trọng, bởi chúng mang đến sự tôn trọng trong cả gia đình và xã hội.

Vì sao đi kèm thành công thường là sự cô đơn?

Chúng ta thường nói, tiền bạc mang đến cả hạnh phúc lẫn những điều rất không hạnh phúc. Chúng ta đã chứng kiến nhiều người phụ nữ phải trả cái giá quá lớn cho sự thành công. Câu chuyện của chị Nga tưởng chừng như có hậu, nhưng vương vấn trong đó là nỗi buồn: “Cái giá mình phải trả chính là sự cô đơn”. Giờ đây, chị vẫn ở vậy kể từ cuộc chia tay: “Cái mình cần bây giờ chỉ là sự bình yên trong tâm hồn”.

Để lý giải về điều này, tôi tìm đến thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm tại Công ty Cổ phần Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt. Khi đó, chị vừa tiễn chân một nữ khách hàng: “Chị ấy đến đây vì chồng ngoại tình. Tôi có nhiều khách hàng thế này lắm. Những người phụ nữ càng thành công thì tỉ lệ có hôn nhân rạn vỡ càng lớn”.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm nữ doanh nhân Việt Nam

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm

Hôn nhân rạn vỡ đi kèm với thành công của người phụ nữ

Thạc sĩ Tâm giải thích tình trạng này như sau: “Người phụ nữ có tiền tài và địa vị trong xã hội cũng sẽ gặp những người đàn ông thành đạt khác. Dù cố ý hay không, họ sẽ so sánh những người đó với chồng mình trong vô thức. Khi nhận ra chồng mình sao thua kém quá, người vợ sẽ sớm lâm vào tình cảnh chán ghét chồng. Đỉnh điểm của tất cả chính là sự khinh bỉ và thấy rằng người chồng không xứng đáng với mình. Cộng thêm vào đó là những hấp dẫn bên ngoài. Cuối cùng, ly hôn là một kết cục khó tránh khỏi”.

Vậy thì, không lẽ tất cả lỗi là ở người phụ nữ chán chồng? Không. Chị Tâm bổ sung: “Vốn dĩ, quan niệm người chồng xông xáo ngoài xã hội và chu cấp cho gia đình đã ăn sâu vào tâm trí người Việt. Vợ và con thậm chí còn trở thành động lực để người chồng làm việc. Với những người phụ nữ theo đuổi sự thành đạt và địa vị, họ sẽ dành nhiều thời gian hơn bên ngoài và vắng mặt trong gia đình.

Lúc này, họ đang đóng vai một người đàn ông. Cái tôi của người đàn ông cần phải được vuốt ve. Họ không thích bị lấn át. Nên khi nhu cầu này không được đáp ứng, họ sẽ cảm thấy bị xem thường. Một người vợ quá độc lập, quyết đoán và quyền lực sẽ khiến người chồng không còn cảm giác muốn chở che. Từ đó, họ tìm đến các cô bồ nhí – những người luôn dịu dàng, yếu đuối và khiến họ cảm thấy như một người đàn ông chân chính”.

>>Xem thêm: 5 bài học từ cuộc sống của phụ nữ thành công

Vậy bí quyết nằm ở đâu?

Nếu ưu tiên gia đình, bạn cần học cách cân bằng các vai trò. Đặt ranh giới tách gia đình ra khỏi công việc. Ngoài xã hội, bạn là nữ tướng, nhưng trong gia đình, bạn là người vợ, người mẹ. Câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn còn trong xã hội. Sự hiện diện của người phụ nữ trong căn bếp gia đình rất cần thiết cho hạnh phúc.

Thạc sĩ Tâm khuyên: “Hãy nhớ đến những ưu tiên của mình. Người phụ nữ khôn ngoan là người biết lựa chọn và biết thế nào là đủ”.

Nói thì dễ. Làm thì khó. Ưu tiên gia đình là một sự hy sinh của người phụ nữ khát vọng thành công. Vì thế, nếu bạn kiên quyết theo đuổi sự thành đạt, hãy chấp nhận buông bỏ hạnh phúc riêng. Có mấy người đàn ông chấp nhận thành công của người phụ nữ? Vì thế đơn thân nhiều khi là lựa chọn khó tránh. Mà đơn thân đã sao? Người phụ nữ đơn thân vẫn có thể tìm được niềm vui cho bản thân, ví dụ khám phá những sở thích và phiêu lưu mới. Đó là những thứ bạn khó mà làm được khi đã kết hôn. Cuối cùng, độc thân đang là xu hướng lớn. Thống kê cho thấy tỷ lệ người độc thân tăng liên tục trong những năm gần đây trên phạm vi toàn cầu. Các nhà tương lai học dự báo năm 2020, khoảng một nửa nhân loại không kết hôn!

>>Xem thêm: Biến trực giác thành vũ khí khôn ngoan

BÀI: KHÁNH AN. ẢNH: TƯ LIỆU
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm