Nằm giữa hòn đảo Java, tỉnh Central Java, là trung tâm lịch sử và văn hóa của hòn đảo đông dân nhất Indonesia. Nếu là người yêu thiên nhiên, ắt hẳn bạn sẽ không thể rời mắt khỏi những rừng cây và cánh đồng xanh bạt ngàn của tỉnh lỵ này. Nếu là người ưa mạo hiểm, bạn sẽ hào hứng với việc chinh phục các ngọn núi lửa thỉnh thoảng vẫn phun trào. Còn nếu bạn thuộc týp người thích tìm hiểu các đề tài về văn hóa, vùng đất từng là thuộc địa của Hà Lan này sẽ chiếm nhiều không gian trong quyển sổ tay của bạn.
Riêng bản thân tôi, chỉ đơn giản là một người thích khám phá nên tin rằng Central Java hứa hẹn mang đến nhiều điều thú vị. Vốn đã quá quen với cái lạnh mùa đông ở thủ đô Hà Nội, tôi muốn trải qua những ngày nắng ấm vào thời điểm cuối năm. Vào một ngày tháng Mười Hai, chúng tôi xếp hành lý lên đường đến vùng đất hầu như không có mùa đông ở trung tâm hòn đảo Java.
Đền BOROBUDUR, MEGALANG
Từ sân bay Yogyakarta, chúng tôi mất hai giờ đi ô-tô để đến resort MesaStila thuộc thị trấn Magelang. Sau khi làm các thủ tục check-in, chúng tôi hào hứng lên đường đến Borobudur. Nơi đây được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận là Di tích Phật giáo lớn nhất thế giới.
Borobudur nằm trên một ngọn đồi nhỏ ở thung lũng Kedu Basin gần Megalang. Vì muốn tìm hiểu về ngôi đền thật cặn kẽ, chúng tôi quyết định nhờ sự giúp đỡ của một anh hướng dẫn viên. Theo lời anh, 504 bức tượng Phật trong đền được chạm khắc nổi từ những phiến đá theo lối kiến trúc Gupta của người Ấn Độ và không dùng bất cứ vật liệu kết dính nào. Các nhà phê bình còn đánh giá những bức tượng phù điêu nơi đây thể hiện đầy đủ và trọn vẹn nhất về cuộc đời của Đức Phật.
Ngoài ra, chúng tôi còn được nghe kể một truyền thuyết thú vị. Nếu bạn vào bên trong tòa tháp chứa hài cốt những vị sư, chạm tay vào bức tượng Phật trên đỉnh tháp và khấn nguyện thành tâm, điều ước của bạn rất có thể sẽ thành sự thật. Trước khi rời khỏi nơi đây, chúng tôi không quên ngắm nhìn toàn cảnh ngôi đền cổ kính một lần nữa.
Bảo tàng xe lửa AMBARAWA
Sau khoảng hai giờ rưỡi đi ô-tô về phía Bắc, chúng tôi đã đến thị trấn Ambarawa, nơi có Bảo tàng xe lửa Ambarawa. Nơi đây hiện trưng bày 21 đầu máy hơi nước, trong đó có 4 đầu máy vẫn còn hoạt động để phục vụ du khách. Điều làm chúng tôi thích thú nhất là bước lên chiếc xe lửa mang biển số B2502 có tuổi đời hơn 100 năm.
Dọc theo đường ray Ambarawa – Bedono, chúng tôi say sưa ngắm nhìn những cánh đồng lúa xanh rờn. Hai ngọn núi Merbabu, Ungaran và hồ Rawa Pening lần lượt hiện ra từ phía xa. Ở Central Java, khí hậu luôn ôn hòa và nhiệt độ dao động từ 18–28ºC. Mải mê tận hưởng bầu không khí dễ chịu, chúng tôi không hay xe lửa đã chạm điểm dừng ở Bedono từ lúc nào.
Hồ TELAGA WARNA
Vào ngày hôm sau, chúng tôi nôn nóng khởi hành đến Wonosobo để chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt đẹp ở hồ Telaga Warna, biểu tượng du lịch của huyện này. Telaga Warna có nghĩa là “Hồ Sắc Màu”. Vị thế nằm trên cao nguyên Dieng cao hơn mực nước biển 2000m cũng không làm cho “Hồ Sắc Màu” vắng du khách. Giấu mình giữa các rặng cây to lớn, vẻ đẹp bí ẩn của nó thu hút bất kỳ ai có dịp ghé thăm.
Bước qua cổng chính, chào đón chúng tôi là con đường lát gạch như xẻ đôi khu rừng cổ thụ. Telaga Warna hiện ra phía trước, vừa mờ ảo vừa lung linh. Tôi “ồ” lên một tiếng rõ to theo phản xạ tự nhiên. Màu của nước hồ như được pha trộn bởi sự sáng tạo của một họa sỹ tài năng nào đó: xanh lam ở giữa và xanh ngọc bích viền xung quanh.
Theo lời giải thích của một nhân viên bảo vệ, Telaga Warna là miệng núi lửa có chứa lưu huỳnh. Nước trong hồ khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ bị khúc xạ, tạo ra nhiều màu sắc khác nhau. Tùy vào thời gian, thời tiết và vị trí quan sát, nước trong hồ sẽ biến đổi từ xanh lam, xanh ngọc cho đến xanh lá cây và đôi khi là nâu đỏ hoặc vàng.
Trước khi chúng tôi chào tạm biệt “Hồ Sắc Màu”, người bạn địa phương không quên dặn dò: “Nếu đã đến Dieng, ngoài Telaga Warna, các bạn nhất định phải viếng thăm khu đền Arjuna”.
Khu đền ARJUNA
Thế là chúng tôi tiếp nối hành trình ở khu đền Arjuna, một trong những kiến trúc bằng đá cổ xưa nhất Java. Tổ hợp các ngôi đền như Gatotkaca, Bhima và Sembadra… do người Hindu giáo xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII. Cho đến ngày nay, những ngôi đền này luôn được người dân bản xứ và cả du khách quốc tế đến viếng quanh năm. Các ngọn núi lửa với lưu huỳnh dày đặc thường xuyên tạo ra những làn khói và sương mờ giúp khu đền càng trở nên huyền bí, trang nghiêm.
Khi vừa đến nơi, chúng tôi ngay lập tức bị thu hút vào hình ảnh của một nhóm người địa phương đang thực hiện nghi thức cúng bái lạ mắt. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được đây là lễ tạ ơn các vị thần đã giúp người dân có một mùa trồng trọt bội thu. Người dân Java vốn có đời sống tâm linh phong phú với vô số lễ nghi cổ truyền, thờ cúng tổ tiên và sự sùng bái đa thần.
Surakarta – Trung tâm lễ hội của Java
Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi đến với thành phố Surakarta, thường được gọi là Solo, chúng tôi mới biết hàng đêm nơi đây đều diễn ra những buổi biểu diễn âm nhạc dân gian và điệu múa truyền thống. Không hẹn mà gặp, khi màn đêm buông xuống, rất đông người dân và cả du khách đã xuống phố để hòa vào không khí rộn rã của các buổi tiệc âm nhạc.
Sống trong bầu không khí lễ hội như thế nên từ trẻ em đến người già ở Indonesia đều biết múa hát. Thú vị hơn, 700 dân tộc sinh sống ở Indonesia đều có các điệu múa truyền thống riêng. Điều này khiến tổng số điệu múa ở xứ sở vạn đảo lên đến con số ấn tượng: 3.000. Ở các trường múa Indonesia hiện vẫn còn lưu truyền những vở kịch và điệu múa truyền thống. Đặc biệt, điệu múa Saman truyền thống của tỉnh Aceh được UNESCO công nhận là Di sản thế giới văn hóa phi vật thể. Saman là điệu múa duy nhất không sử dụng nhạc cụ mà chỉ có hát và tiếng vỗ tay.
Nhắc đến Solo, người ta còn gọi bằng cụm từ “thành phố không ngủ”. Từ chiều tối đến sáng hôm sau, các quầy thực phẩm sẵn sàng phục vụ du khách. Chúng tôi bắt gặp nhiều gian hàng bán món satay, thức ăn chủ yếu làm từ thịt bò hoặc gà. Cô bán hàng vừa nhanh nhẹn chuẩn bị món ăn vừa kể với chúng tôi công đoạn lấy thịt thực hiện theo tín ngưỡng của cộng đồng người Hồi giáo ở Indonesia. Thịt được ướp các gia vị gồm sả, riềng, muối, đường… rồi nướng trên bếp than hồng. 15 phút sau, que thịt chuyển sang màu vàng nâu, miếng thịt ánh màu mỡ và tỏa mùi thơm nức. Vị sả ớt cay cay, vị thịt ngọt đậm đà hòa cùng vị béo ngậy của loại nước chấm làm từ lạc (đậu phộng) tan ra trong miệng tạo nên một mùi vị đặc trưng khó quên.
Vừa cầm xiên thịt ăn dở trên tay, chúng tôi vừa dạo quanh các gian hàng lưu niệm. Tôi mua vài khúc vải batik, loại vải truyền thống dệt bằng tay và các món trang sức bằng đồng để làm quà cho bạn bè. Màn đêm Solo không lung linh và sang trọng như các thành phố lớn, song sự nhộn nhịp theo kiểu “hội làng” ấy cũng đủ khiến chúng tôi muốn quay lại nơi đây thêm lần nữa.
Resort MesaStila, MAGELANG
Khi bạn đến tỉnh Central Java, một trong những địa điểm nghỉ chân hoàn hảo là khu resort MesaStila, trước đây có tên gọi là Losari Spa Retreat & Coffee Plantation.
Được bao phủ bởi một đồn điền cà-phê rộng 22 hecta, MesaStila mang đến cho du khách bầu không khí yên tĩnh và thơ mộng. Tọa lạc ngay giữa một ngọn đồi nhưng resort vẫn được trang bị đầy đủ các tiện nghi hiện đại nhất.
Tất cả 22 tòa villa riêng biệt của resort được thiết kế theo phong cách cổ truyền của Indonesia và rất sang trọng, tiện nghi. Giá phòng trung bình từ 200 đô-la Mỹ/đêm (khoảng 4.180.000 đồng). Bạn có thể đặt phòng trước tại website www.chudu24.com.
Có một điều bạn cần lưu ý là du khách phải hạn chế uống rượu và không được phép hút thuốc ở một số villa. Đứng ở ban-công của bất cứ phòng nào, bạn đều có thể phóng tầm nhìn ra toàn cảnh tám ngọn núi lửa hùng vĩ mà yên bình xung quanh.
Bên cạnh đó, tất cả các loại hình dịch vụ như phòng tập gym, lớp học yoga, tour trồng trọt, lớp múa truyền thống… đều miễn phí. Du khách cũng có thể đạp xe đến suối nước nóng của resort hoặc tản bộ đến đỉnh của những ngọn núi xung quanh.
Một điểm đặc trưng là những món ăn ở resort ít khi được chế biến từ thịt. Nguyên liệu chủ yếu là rau củ quả được trồng ngay trong khu vườn rộng lớn thuộc sở hữu khu resort và một ít cá, hải sản tươi sống.
Travel tips
– HẦU HẾT ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH LỚN Ở JAVA đều sử dụng đô-la Mỹ và Úc nhưng để tiện lợi, bạn nên đổi sang tiền Indonesia là Rupiah (IDR). 1 IDR bằng khoảng 2,15 đồng.
– NẾU DI CHUYỂN TRONG NỘI THÀNH, bạn nên thuê xe đạp hoặc xe máy. Nếu đi từ thành phố này sang nơi khác, bạn có thể chọn xe bus để tiết kiệm.
– MỘT SỐ ĐIỂM THAM QUAN HẤP DẪN KHÁC như bảo tàng OHD ở Magelang và núi lửa Merapi.
Bài: Silk Bùi. Trang Phục Và Phụ Kiện: Louis Vuitton. Ảnh: Hadi Cahyono