Doanh thu giảm trong quý 3/2024, LVMH vẫn kiên định với chiến lược đã vạch ra

Báo cáo doanh thu giảm trong quý 3/2024, tập đoàn LVMH cho biết đang đẩy mạnh đầu tư vào tương lai với các chiến dịch phù hợp

Tập đoàn LVMH báo cáo tài chính quý 3/2024. Ảnh: LVMH

Bởi tập đoàn LVMH là tập đoàn xa xỉ phẩm lớn nhất thế giới, tình hình kinh doanh của tập đoàn cũng được xem như dấu hiệu biểu đạt cho ngành hàng xa xỉ phẩm nói chung. Và tình hình kinh doanh trong quý 3/2024 của tập đoàn LVMH khiến giới tài chính lo rằng ngành hàng này đang có dấu hiệu đi xuống. Tuy nhiên, trong buổi báo cáo tài chính, đại diện LVMH khẳng định rằng các chiến lược của tập đoàn là lâu dài và sự suy giảm này chỉ là tuần hoàn.

ĐỌC NHANH

  • Về ngắn hạn, LVMH đối mặt với những sự bất ổn trong thị trường. Tuy nhiên tình hình dài lâu vẫn rất khả quan do sức mạnh của các thương hiệu thuộc sở hữu của tập đoàn.
  • Thị trường Trung Quốc đặc biệt giảm mạnh, song về lâu dài quốc gia này vẫn là thị trường chiến lược bởi dân số đông, giới trung lưu tiếp tục tăng trưởng khi không còn bị kìm kẹp bởi chính sách một con.

Tập đoàn LVMH báo cáo kết quả kinh doanh trong Quý 3/2024

Kết thúc Quý 3/2024, tổng doanh thu của tập đoàn LVMH đạt 19,08 tỷ Euro, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên doanh thu theo quý giảm trong năm 2024 – bởi quý 1/2024, tổng doanh thu tăng 3 % và ở quý 2 là 1%.

So sánh Quý 3/2024 với cùng kỳ năm2023, ngành sản phẩm thời trang và đồ da thuộc giảm 5%, đạt doanh thu 9,15 tỷ Euro. Đồng hồ và trang sức giảm 4%, thu về 2,34 tỷ Euro. Rượu vang và các loại thức uống có cồn giảm 7%. Tuy nhiên mỹ phẩm thì tăng 3% và bán lẻ tăng 2%.

Sự tăng trưởng/giảm sút doanh thu phân chia theo các ngành hàng, lần lượt trong Quý 1, Quý 2, Quý 3 của năm 2024, và số liệu kết lại 9 tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: LVMH

Sự sụt giảm lớn nhất đến từ thị trường Trung Quốc

Trong số các số liệu, mức giảm lớn đến từ châu Á (không tính Nhật Bản) lên đến 16%. Thị trường Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng tốt, đạt 20%. Tại Hoa Kỳ thị trường lớn thứ hai của tập đoàn, doanh số bình ổn, không tăng không giảm.

Nói về hiện tượng trên, giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony cho biết là doanh thu cải thiện nhẹ ở thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng kém hơn ở Trung Quốc và Nhật Bản. Ông cho rằng có hai nguyên nhân.

Đầu tiên, không thể phủ nhận việc Trung Quốc đang đối mặt với tình hình kinh tế không khả quan. Khủng hoảng nhà ở, tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh thiếu niên và tầng lớp trung lưu,… khiến người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng. Đây là tình hình chung chứ không ảnh hưởng riêng đến các thương hiệu thuộc sự quản lý của tập đoàn.

Thứ nhì, đó là người Trung Quốc có hầu bao rủng rỉnh chọn mua sắm khi đi du lịch. Louis Houdart, giám đốc quản lý khu vực Trung Quốc đại lục của công ty tư vấn xa xỉ MAD, nhận định rằng: “Người tiêu dùng Trung Quốc đã bắt đầu đi du lịch trở lại và mua sắm ở nước ngoài. Điều quan trọng là không chỉ xem xét mức tăng trưởng theo năm, mà còn so sánh mức tăng trưởng trước COVID so với hiện tại”. Ví dụ cụ thể nhất là doanh thu tại Nhật Bản, bởi thị trường này đang thu hút lượng lớn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, trong số đó có nhiều khách Trung Quốc.

Giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony mô tả kết quả tài chính trong quý là “suy thoái theo chu kỳ”. Ông cho biết tập đoàn đang đầu tư cho tương lai ở Trung Quốc, cụ thể là tầng lớp trung lưu ở các thành phố lớn. Do đó, trong năm qua, tập đoàn tiếp tục đầu tư cho thị trường châu Á, ví dụ như tổ chức các cửa hàng pop up và triển lãm cho L’Or de Dior, hay mở bán mỹ phẩm Fenty Beauty của Rihanna chính thức tại đây.

Sự tăng trưởng/giảm sút doanh thu phân chia theo các thị trường là Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Á (không tính Nhật Bản), và châu Âu, lần lượt trong Quý 1, Quý 2, Quý 3 của năm 2024, và số liệu kết lại 9 tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: LVMH

Chiến lược dài lâu không bao hàm giảm giá

Trong khi nhiều nhà đầu tư lo lắng trước tình hình kinh doanh quý 3/2024, tập đoàn LVMH cho biết tự tin vào các chiến lược kinh doanh đã vạch ra trong thời gian qua.

Gần đây, tập đoàn vừa ký hợp đồng bảo trợ 10 năm cho giải đua xe Công thức 1. Công ty gia đình của ông Bernard Arnault, Agache, cũng sẽ bắt tay với thương hiệu nước uống tăng lực Red Bull để mua lại phần lớn cổ phiếu của Câu lạc bộ bóng đá Paris (Paris FC). Ngoài ra, tập đoàn cũng khởi động LVMH Shares, một chương trình cổ phần hóa cho các nhân viên quốc tế của tập đoàn ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, nhắm tới 70% lực lượng lao động toàn cầu. Việc cho phép các nhân viên sở hữu cổ phần sẽ giúp kích thích tinh thần làm việc và sáng tạo của họ. Tập đoàn sẽ phát hành tối đa 200.000 cổ phiếu mới và chia đều cho những người đăng ký từ nay đến 13/11/2024.

Tuy nhiên, tập đoàn sẽ không áp dụng phương pháp giảm giá, khuyến mãi để kích cầu doanh thu. Và cũng sẽ không ra mắt các dòng sản phẩm phụ giá mềm.

“Tôi nghĩ đó [chiến lược đó] sẽ là một sai lầm,” vị CFO nói. “Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng chúng tôi nên trung thành với công thức thành công trong nhiều năm qua.”

TIN LIÊN QUAN:

Trích dẫn Yahoo Finance, Seeking Alpha
THarper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm