Đồ án tốt nghiệp ấn tượng của tân Thủ khoa ngành Thời trang trường Đại học Công nghiệp TP. HCM

Phạm Khánh Quỳnh trở thành tân Thủ khoa ngành Thiết kế Thời trang Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM

Bộ sưu tập The Breath of Lichen của Phạm Khánh Quỳnh

Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM vừa tổ chức Lễ bảo vệ Khoá luận tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế Thời trang niên khoá 2020-2024. Vượt qua 63 sinh viên đồng niên khoá khác, Phạm Khánh Quỳnh trở thành Tân thủ khoa ngành Thiết kế Thời trang.

Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ địa y – truyền tải thông điệp nhân văn

Bộ sưu tập của Phạm Khánh Quỳnh mang tên The Breath of Lichen lấy cảm hứng từ địa y – môi trường cộng sinh giữa nấm và sinh vật quang hợp (quang sinh). Tại đây nấm và quang sinh cùng nhau tồn tại và phát triển. Địa y có thể tồn tại ở những trong môi trường khắc nghiệt nhất trên thế giới như đài nguyên bắc cực, sa mạc, bờ đá,…

Chia sẻ về cảm hứng của bộ sưu tập, tân Thủ khoa cho biết:

“Địa y không chỉ mang vẻ đẹp độc đáo từ hình thái và sắc màu tự nhiên mà còn thể hiện một giá trị nhân văn sâu sắc: mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi, nơi hai cá thể khác biệt hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Từ đó, tôi muốn truyền tải thông điệp qua bộ sưu tập rằng – con người cũng không thể sống và phát triển một mình. Để xây dựng một xã hội văn minh, con người cần biết cách hợp tác, cùng nhau làm việc, tôn trọng lẫn nhau và tạo ra các giá trị bền vững.”

Nữ sinh cho hay, bên cạnh ý nghĩa nhân văn, hình ảnh địa y còn gợi mở khả năng sáng tạo trong thiết kế trang phục dạ hội qua các phom dáng độc đáo; chi tiết cấu trúc đa tầng và bề mặt chất liệu phong phú, phản ánh sự hòa quyện của tự nhiên và thời trang.

The Breath of Lichen không chỉ tôn vinh vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn nhắc nhở con người về mối liên kết mật thiết giữa mình và thiên nhiên cũng như tầm quan trọng của sự hợp tác để cùng nhau phát triển hơn, tiến xa hơn.

Phạm Khánh Quỳnh từng là trợ lý thiết kế của NTK Hoàng Minh Hà

The Breath of Lichen của Phạm Khánh Quỳnh được hội đồng ban giám khảo đánh giá cao khi thể hiện được sự khéo léo trong cách kết hợp các chất liệu như vải dệt kim, gấm, vải lưới, sợi kim loại. Các kỹ thuật bao gồm dựng phom 3D, draping 3D, thêu đột chỉ, thêu sa hạt, đính kết cườm, thả tua rua, cắt laser, vẽ màu, xử lý vải bằng nhiệt độ cao, và đạp dằn sợi vải cũng được áp dụng thuần thục tạo nên những mẫu thiết kế độc đáo.

Được biết đồ án tốt nghiệp của Phạm Khánh Quỳnh được hướng dẫn bởi Giảng viên – Thạc sĩ Mai Cẩm Tú.

Cô Cẩm Tú là người hướng dẫn em những bước đầu tiên từ nghiên cứu ý tưởng, xu hướng, thực hiện các bảng moodboard đến sketch và lên mẫu thật” – tân Thủ khoa chia sẻ.

Bên cạnh đó, Phạm Khánh Quỳnh còn nhận được sự hướng dẫn từ NTK Hoàng Minh Hà về phần kỹ thuật dựng phom và xử lý chất liệu.

“Trong những năm học tại trường Đại học Công nghiệp TP. HCM, em có được cơ hội thực tập tại thương hiệu HOANG MINH HA và học tập tại Học viện HOANG MINH HA Académie de la MODE, nên em nhận được thêm sự hỗ trợ từ thầy và Học viện.

Cô Mai Cẩm Tú và thầy Hoàng Minh Hà cũng là những người bạn thân thiết nên em luôn nhận được sự hướng dẫn nhịp nhàng từ hai thầy cô. Bất cứ lúc nào em gặp trục trặc hay có sự cố thì cô và thầy luôn hỗ trợ, giải đáp những khúc mắc kịp thời.

Thật tâm em chưa từng nghĩ mình có thể nhận được kết quả này. Em chỉ cố gắng thực hiện những gì em có thể làm để bộ sưu tập được tốt nhất, xứng đáng với những lời nhắc nhở từ thầy cô. Em biết ơn và cảm thấy mình may mắn khi trong suốt thời gian thực đồ án tốt nghiệp luôn nhận được sự hướng dẫn, dìu dắt của cô Mai Cẩm Tú và thầy Hoàng Minh Hà.”

TIN LIÊN QUAN:

Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm