Cuộc cách mạng thời trang từ bộ sưu tập New Look của Dior
Ngày 12-2-1947, nhà thiết kế Christian Dior ra mắt bộ sưu tập haute couture đầu tiên tại nhà mốt mới thành lập ở số 30 đại lộ Montaigne, Paris. Sự kiện này đã đánh dấu cột mốc đưa tên tuổi nhà couture này vang danh khắp làng thời trang quốc tế.
Khi chiêm ngưỡng các thiết kế, Tổng biên tập tạp chí Harper’s Bazaar Mỹ đương nhiệm, bà Carmel Snow, đã thốt lên: “Những thiết kế của ông thật mới lạ!” (Your dresses have such a new look). Từ đó, hai từ New Look (diện mạo mới) đã được dùng để miêu tả bộ sưu tập đầu tay của Christian Dior. Các thiết kế trong bộ sưu tập này cũng trở thành nền tảng tạo dựng phong cách của Dior về sau.
Giải thích lý do vì sao bà Carmel Snow lại dùng từ New Look để miêu tả bộ sưu tập đầu tay của Christian Dior, chúng ta phải thảo luận về phong cách thời trang của giai đoạn lúc ấy.
Năm 1947, cả thế giới vừa bước vào giai đoạn Tái thiết, hồi phục hậu Thế chiến II (1939 – 1945). Thế chiến đã gây hao hụt trong vải vóc, chất liệu may mặc. Phụ nữ phải tiết kiệm, sử dụng trang phục cũ để may đồ mới, và lựa chọn phom dáng ít tốn vải nhất. Bên cạnh đó, sự kham khổ của thế chiến thể hiện trong thời trang qua đường nét mạnh mẽ và suôn thẳng.
Trong thời kỳ tái thiết sau chiến tranh, quý ngài Christian Dior đã tiên phong đưa sự nữ tính trở lại trong thời trang, trả lại vẻ quyến rũ và thanh lịch cho phái đẹp, làm tôn lên đường nét cơ thể của họ. Bộ sưu tập New Look của Dior đã làm nên cuộc cách mạng trong thẩm mỹ thời trang của thời bấy giờ, đi đầu trong việc phục hưng lại vẻ đẹp duyên dáng và tinh tế mà sau đó đã thống lĩnh xu hướng thời trang của thập niên 1950.
Phong cách cổ điển đề cao sự nữ tính
Trong bộ sưu tập New Look của Dior, các thiết kế có phần eo được chú trọng thắt chặt, phần ngực bo tròn và vai thu hẹp. Trang phục tạo nên phom dáng đồng hồ cát – biểu tượng của vẻ đẹp nữ tính – cho người mặc. Nó trái ngược hoàn toàn với kiểu váy áo suôn thẳng, đơn giản của thập niên trước.
Trong số các thiết kế, áo khoác “Bar” suit chính là biểu tượng đặc trưng nhất, trở thành bản sắc của nhà Dior hàng thế kỷ sau.
Trong bộ sưu tập New Look nguyên thủy, chiếc áo khoác này được nhà thiết kế Christian Dior trình làng cùng một mẫu đầm xếp ly midi. Ngày nay, đầm xếp ly midi là một item tương đối phổ cập trong tủ đồ của phái nữ. Nhưng vào năm 1947, nó là một item rất xa xỉ, vì tốn kém nhiều vải vóc. Bước xếp ly vải lúc ấy cũng được thực hiện hoàn toàn thủ công vì chưa có kỹ thuật dập máy như ngày nay.
Tuy xa xỉ là vậy nhưng các thiết kế của Dior vẫn được phái nữ yêu thích. Giữa bối cảnh khó khăn vì nền kinh tế chậm chạp tái khởi hậu Thế chiến II, những người phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu vẫn không ngần ngại bỏ ra cả nghìn đô-la Mỹ để sở hữu những thiết kế lộng lẫy này.
Những thế hệ giám đốc sáng tạo Dior kế thừa tinh hoa của bộ sưu tập New Look
Các thế hệ giám đốc sáng tạo của Dior đều lấy nền tảng New Look làm “nguyên liệu” quý giá để khai thác và sáng tạo theo cách riêng của họ. Trong số họ, Raf Simons được xem là người thừa kế tinh hoa nữ tính của quý ngài Christian Dior.
Bộ sưu tập đầu tay mà Raf Simons thiết kế cho thương hiệu Dior được gọi là The New Couture, chơi chữ từ The New Look. Các thiết kế tương đối tối giản khi so sánh với kỷ nguyên rối rắm của giám đốc sáng tạo tiền nhiệm John Galliano. Nhưng vẫn lộng lẫy và thanh lịch đúng tinh thần của nhà sáng lập thương hiệu.
Sau khi Raf Simons rời đi, Maria Grazia Chiuri được bổ nhiệm và mang phong cách nữ quyền đến với nhà mốt Pháp. Cũng dưới thời Maria Grazia Chiuri, Dior sống sót qua giai đoạn của đại dịch. Phom dáng chiết eo của bộ sưu tập New Look được nới lỏng, làm mềm mại đi, nhưng vẫn giữ lại vóc dáng đồng hồ cát kinh điển đã làm nên tên tuổi của Dior.
THẬP NIÊN 1950: THỜI KỲ VÀNG SON CỦA THỜI TRANG HAUTE COUTURE VÀ CHRISTIAN DIOR
LỊCH SỬ ĐẦY THĂNG TRẦM CỦA NHÀ MỐT CHRISTIAN DIOR
GIẢI MÃ PHONG CÁCH RETRO QUA CÁC THẬP NIÊN, TỪ 1920 ĐẾN 2000
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam