Những lý do khiến người thông minh khó thăng tiến sự nghiệp
1. Người thông minh khó diễn giải cảm xúc
Những người có chỉ số IQ cao thường đề cao suy luận logic hơn là cảm tính. Điều này tốt cho công việc, đặc biệt là các ngành nghề kỹ thuật, tài chính, kinh tế học, y tế… Tuy nhiên, họ không cảm thấy cần phải diễn tả các suy nghĩ của mình một cách đầy cảm tính. Điều này khiến họ có vẻ lạnh lùng trong cuộc sống hàng ngày.
Sự tách biệt giữa trí thông minh (chỉ số IQ) và sự nhạy cảm (chỉ số EQ) là có thật. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy: não bộ có chỉ số IQ cao sẽ giảm bớt khả năng xử lý cảm xúc.
Như vậy, trong môi trường công sở, người thông minh có thể xử lý công việc của mình rất nhanh. Nhưng lại khó gần gũi với các đồng nghiệp khi không dễ dàng diễn giải cảm xúc của mình. Điều này khiến họ khó tạo thiện cảm với cấp trên, để được đề bạt khi có cơ hội.
>>> ĐỌC TIẾP: KHI BẠN CÔ ĐƠN, ĐÂY LÀ NHỮNG TÁC HẠI LÊN CƠ THỂ
2. Người thông minh gặp nhiều áp lực về kết quả công việc…
Bởi vì những người thông minh luôn hiểu vấn đề nhanh và giải quyết công việc gọn ghẽ, điều này mang đến nhiều sức ép cho họ tại công sở. Họ sẽ thường nhận dự án khó nhằn nhất, phức tạp nhất. Đồng nghiệp và cấp trên kỳ vọng kết quả công việc của họ không chỉ tốt, mà phải xuất sắc.
Trong bài nghiên cứu khoa hoặc Cách dạy con thông minh của cha mẹ thông minh (Smart Parenting for Smart Kids) đăng trong chuyên san tâm lý Psychology Today, tác giả cho biết: Phụ huynh lo sợ nhất về điểm số của con cái thường là bậc phụ huynh của những em học giỏi nhất, có điểm số cao nhất lớp.
Kết quả là cái nhìn của mọi người xung quanh luôn tập trung vào thành tích của người thông minh, thay vì nhìn nhận tính cách của họ. Điều này khiến người thông minh e ngại, sợ hãi sự thất bại hơn hết. Kết quả là người thông minh có thể tìm cách từ chối những dự án họ cho rằng vượt ngoài khả năng của họ, thay vì cố gắng thử thách bản thân.
3. …nhưng đồng thời dễ trở nên lười biếng
Chúng ta hay nói, “cần cù bù thông minh”. Tính chăm chỉ là chìa khoá cho sự thành công. Nhưng người thông minh khó tập được tính siêng năng này.
Một nghiên cứu đăng tải trong chuyên san khoa học Science Direct năm 2004 kiểm tra sự liên quan giữa trí thông minh và tính chuyên cần. Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ nghịch giữa người có IQ cao và sự chăm chỉ.
Vì những người thông minh hiểu vấn đề nhanh chóng, họ cần ít thời gian để hoàn thành công việc hơn. Hậu quả là họ dễ lười biếng, hay trì hoãn. Cộng với tính sợ sự thất bại, người thông minh sẽ có khuynh hướng chọn những công việc họ biết có khả năng hoàn thành, thay vì tự thách thức bản thân ở một lĩnh vực mới mẻ có khả năng mang lại cho họ nhiều cơ hội tốt hơn.
4. Mọi người xung quanh có thể khó chịu vì tính cách của người có chỉ số IQ cao
Những người cực kỳ thông minh, đọc nhiều, biết nhiều. Khi họ nghe thấy bạn bè, đồng nghiệp xung quanh thảo luận một vấn đề không đúng với các sự kiện hay con số thực tế, họ sẽ có khuynh hướng muốn sửa lưng đối phương ngay và luôn. Điều này dễ khiến đối phương bị ngượng, quê và muốn hạn chế giao tiếp với họ. Mà điều này thì không hề tốt cho việc networking và mở rộng các mối quan hệ.
5. Khuynh hướng suy nghĩ quá nhiều là một vấn đề
Những người thông minh phí rất nhiều thời gian suy nghĩ, trầm ngâm về các vấn đề xung quanh. Từ một vấn đề, họ có thể suy nghĩ lan man ra nhiều những vấn đề liên quan. Tố chất này rất tốt để giúp họ hiểu sâu và cặn kẽ về thế giới xung quanh. Nhưng đồng thời khiến họ dễ lo âu, bồn chồn.
Một nghiên cứu đăng tải trong chuyên san tâm lý Elsevier cho thấy người có trí thông minh cao về mặt ngôn ngữ có khuynh hướng suy nghĩ quá nhiều. Ở người lớn tuổi, họ có thể tự khiến bản thân trầm cảm khi về hưu.
Đồng thời, do hiểu nhiều về các lựa chọn và kết quả của lựa chọn ấy, nên người thông minh khó lòng đưa ra quyết định nhanh chóng. “Sự hiểu biết về hậu quả của lựa chọn của bạn khiến bạn chần chừ khi đưa ra quyết định. Nó biến bạn thành người thiếu tính quyết đoán”, theo Tirthankar Chakraborty.
Ở nơi công sở, sự chần chừ này có thể làm ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến của người thông minh. Có thể thấy những người có chỉ số IQ cao thường ưa thích vai trò của một nhà phân tích (analyst), cố vấn cho các dự án, hơn là vai trò manager cấp cao có thẩm quyền định đoạt dự án này.
Làm sao để thay đổi bản thân?
Có những người hài lòng với công việc hiện tại, và không cảm thấy muốn thay đổi cuộc đời của mình. Tuy nhiên, nếu bạn là tuýp muốn thăng tiến nhanh hơn trong công việc, hoặc muốn tạo nên những mối quan hệ thân thiết hơn, bạn sẽ phải sửa đổi 5 điểm trên triệt để. Đồng thời, tham khảo thêm bí quyết rèn luyện kỹ năng lãnh đạo ở phụ nữ từ Harper’s Bazaar.
>>> ĐỌC TIẾP: THAY ĐỔI BẢN THÂN HAY SỐNG MÒN?
Harper’s Bazaar Việt Nam