Đồng hồ thường được ví như trang sức cho nam giới, nhưng bây giờ đã là năm 2024 và nữ giới cũng rất thích trưng dụng món phụ kiện này. Tuy nhiên, đồng hồ khi đến với phái nữ có nhiều biến tấu lạ mắt hơn, chứ không phải lúc nào cũng nằm ở vị trí quen thuộc trên cổ tay.
Năm ngoái, Rihanna từng biến đồng hồ Jacob & Co 17 tỉ đồng thành vòng cổ. Năm nay, Taylor Swift cực thanh lịch với vòng choker đồng hồ nạm toàn kim cương đen của Lorraine Schwartz tại lễ trao giải Grammy 2024. Jennie theo sát sau đó với tạo tác 3-trong-1 từ Chanel: Đồng hồ kiêm vòng cổ và tai nghe.
Gần đây nhất, từ MV đến sân khấu quảng bá Mantra, Jennie lại lăng-xê một cách đeo đồng hồ khác, khi chọn những chiếc nhẫn đồng hồ bé xinh xinh nằm trên ngón tay. Kiểu nhẫn đồng hồ mà Jennie đeo khiến hội tín đồ tò mò: Phát kiến nữ trang mới của năm là đây? Nhầm to! Tưởng là món đồ trong kỷ đại công nghê khi thu nhỏ đồng hồ cực kỳ công phu, nhưng thực chất, lịch sử của nhẫn đồng hồ khởi phát từ nhiều thế kỷ trước.
Nhẫn đồng hồ theo dòng lịch sử: Món nam trang thế kỷ 16 tái sinh trên bàn tay It Girl thế kỷ 21
Từ những trang sách đến đời thực vào thế kỷ 16 đến 18: Quà tặng vua chúa
Đồng hồ là một tạo tác vô cùng phức tạp. Những chiếc bánh răng cưa chỉ cần lệch 1mm nhỏ cũng sẽ gây ra tai hại. Việc thu nhỏ đồng hồ thành phụ kiện nhỏ xíu, chỉ vừa trên ngón tay, là một thử thách chỉ có thợ kim hoàn bậc thầy trong những niên đại thủ công dám nghĩ ra và đón nhận. Vì lẽ đó, cũng thật dễ hiểu khi tạo tác đặc biệt này chỉ dành cho những người quan trọng nhất trong xã hội là bậc vua chúa, hoàng tộc.
Năm 1561: Nếu bản vẽ Người Vitruvius lẫy lừng về cơ thể người của Leonardo da Vinci có biến thể dành cho trang sức, đó phải là hình chiếc nhẫn đồng hồ của thợ kim hoàn Pierre Woeiriot de Bouzey II để lại trong cuốn sách Livre d’Aneaux d’Orfevrerie. Vòng nhẫn tinh xảo với đầu người chạm khác, hoa văn vặn xoắn nâng đỡ cho chiếc mặt đồng hồ đầy đủ kim phút, kim giờ chỉ đến các con số La Mã. Tạo một mặt đồng hồ vận hành được trên vòng nhẫn không có gì là không tưởng với Pierre Woeiriot de Bouzey II, khi xét trong cuốn sách của ông, còn 39 thiết kế nhẫn với những chi tiết chạm khắc cường điệu như vô thực.
Nửa cuối thế kỷ 17 (1650 – 1700): Một nghệ nhân thuộc thành phố Augsburg, nước Đức, tên Johannes Butz, thành công chế tác nhẫn gắn mặt đồng hồ được làm từ vàng, ngọc lục bảo, kim cương trên hình dáng của một chiếc nhẫn đóng dấu (signet ring). Hiện món phụ kiện được trưng bày tại bảo tàng Kunsthistorisches, Áo.
Năm 1754: Nhà giáo kiêm thợ đồng hồ Pierre Beaumarchais được vua Louis XV yêu cầu kết hợp đồng hồ với nhẫn để làm qua tặng cho người phụ nữ tri kỷ của vị quân vương, bà Jeanne-Antoinette Poisson hay còn được biết đến với biệt danh Madame de Pompadour. Pierre Beaumarchais trình làng chiếc nhẫn, khiến Louis XV ấn tượng đến nỗi phong tước cho ông và yêu cầu ông làm một bản tương tự cho ngài, biến nhẫn đồng hồ thành một món nam trang.
Thiết kế lan tỏa khắp mọi tầng lớp xã hội trong thế kỷ 19 và 20
Vào kỷ nguyên Victoria, món trang sức không chỉ còn “độc quyền” nằm trên tay tầng lớp vua chúa, mà quý tộc và bất kể những người nào có hầu bao lớn đều có thể chạm đến tạo tác độc đáo này. Thập niên 1950 còn đưa nhẫn đồng hồ vào hộp trang sức của những người phụ nữ trung lưu với biến thể làm từ thép.
Trong giai đoạn thế kỷ 19 đến thế kỷ 20, nhẫn đồng hồ trải qua khá nhiều thăng trầm trên phương diện xu hướng, nhưng đây là lúc thiết kế đạt đỉnh cao tinh xảo. Kích cỡ mặt đồng hồ ngày càng thêm đa dạng, từ khuôn hình bầu dục chiếm nửa ngón tay, cho đến khuôn tròn nhỏ bé ẩn sau lớp cánh của chú bọ rùa khảm ngọc, với nhiều thương hiệu cùng cạnh tranh, mời chào sự gợi cảm, công phu của nhẫn đồng hồ đến thị trường.
Năm 1900 – 1920: Trên vành đai tròn là chú bọ rùa đính ngọc trong suốt, kim cương có giác cắt hoa hồng. Lật mở đôi cánh, mặt đồng hồ tròn, nhỏ hiện ra. Đây là mẫu thiết kế có giá trên thị trường thứ cấp hiện tại, có thể được đấu giá gay gắt lên đến 8.000 Mỹ kim.
Năm 1940 – 1960: Jaeger-LeCoultre đại diện cho nhẫn đồng hồ phân khúc cao cấp. Thiết kế đáng nhớ nhất từ giai đoạn này là nhẫn đồng hồ vàng, với mặt đá Thạch Anh Vàng (citrine) thay cho mặt kính đồng hồ.
Ngoài ra còn có thương hiệu Blancpain, cũng theo đuổi mô-típ ẩn mặt đồng hồ dưới lớp đá quý trong suốt, pha phối hoàn mỹ giữa trang sức đắt giá và đồng hồ tiện dụng.
Năm 1960 – 1970: Seiko, hãng đồng hồ từ Nhật Bản, gần như độc chiếm thị trường thứ cấp khi nói về sản phẩm nhẫn đồng hồ thuộc giai đoạn này. Thiết kế tiết chế hơn rất nhiều so với Jaeger-LeCoultre, Blancpain, với phần mặt kính nổi như một chiếc kính cầu lồi, cùng đai nhẫn có thể điều chỉnh theo kích cỡ ngón tay.
Vì đâu xu hướng này thoái trào dịp cuối thế kỷ 20?
Cuối năm 1970, đồng hồ pin thạch anh (quartz watch) ra đời. Đây là một phát kiến công nghệ nhiều lợi ích cho phần đông thế giới nhưng là cơn ác mộng với những nhà chế tác đồng hồ truyền thống cao cấp. Seiko, Casio hay Citizen xuôi dòng theo sự thay đổi này, dần thay thế những món đồng hồ chế tác thủ công phức tạo bằng đồng hồ đeo tay chạy pin. Trong khi một số tên tuổi khác từ Thụy Sĩ tàn lụi dần vì không muốn làm mới sản phẩm, song cũng không thể níu kéo sự hứng thú của khách hàng nữa.
Cầu giảm, cung cắt, những chiếc nhẫn đồng hồ công phu bị đào thải trên thị trường đồng hồ và trang sức. Chỉ còn một ít các nhà sưu tầm vẫn kiên định với chúng, chủ yếu săn lùng các thiết kế vintage.
Sự tái sinh của nhẫn đồng hồ trong năm 2024
Chính sự cải tiến công nghệ gần xóa sổ nhẫn đồng hồ một thời lại đang trở thành bình minh mới cho món phụ kiện.
Năm 2023, cụm từ dường như chưa xuất hiện trong từ điển thời trang kỷ nguyên số bỗng thăng hạng liên tục trên kết quả tìm kiếm của Google, nhờ một bộ phận giới trẻ thích săn tìm đồ vintage. Muốn nắm trên tay phụ kiện tạo tuyên ngôn bắt mắt nhưng không đủ hầu bao dành cho những mặt đá quý nghìn đô, họ tìm thấy phương án thay thế ở mặt đồng hồ tròn đặt tại vị trí không ngờ tới nhất, đến từ các thiết kế cách đây nhiều thập kỷ.
Các thương hiệu đồng hồ cũng nhanh nhạy bắt tín hiệu, nối lại sự hứng thú với nhẫn đồng hồ. Không còn giữ tạo hình cổ điển như trước, họ sáng tạo bằng cách ghi dấu chiếc đồng hồ điện tử lên món trang sức nền nã một thời, khiến chúng trở nên thiết thực hơn nhiều lần. Nếu trong wishlist của bạn có MM6 mãi chưa đạt được, bạn có thể thử cân nhắc nhẫn đồng hồ MM6 x Timex với mức giá 6 triệu đồng, phải chăng hơn so với nhẫn khắc thông thường của MM6, nhưng “lời” thêm chức năng chỉ dẫn thời gian.
Sự công nhận của những “trendsetter” lẫy lừng như Jennie cũng trở thành mồi lửa cho sức nóng mới của những chiếc nhẫn đồng hồ. Trong Mantra, cô vừa đeo phụ kiện lạ mắt từ Steve Madden, vừa mang hai chiếc nhẫn vintage lên sân khấu trình diễn. Mặc cho sự hiện diện của nhiều chiếc nhẫn khác, ánh mắt vẫn luôn bị cuốn hút về mặt đồng hồ nhỏ xinh – một minh chứng rõ rệt cho mị lực của món phụ kiện đặc biệt này.
Vì sao bạn nên có cho mình một chiếc nhẫn đồng hồ?
1. Nhỏ gọn nhưng đầy đủ chức năng
Cạnh bộ máy vận hành không hề thua kém chiếc đồng hồ nguyên bản, nhẫn đồng hồ không hề nặng tay và hơn hết, cân bằng giữa ranh giới của một chiếc đồng hồ ứng dụng với một món trang sức thời thượng.
Không phải mẫu đồng hồ nào cũng phù hợp cho mọi bản phối, nhưng điểm nhấn nhỏ từ chiếc nhẫn đồng hồ vừa đủ ấn tượng, nhưng không đến mức chiếm dụng mọi ánh nhìn, giúp chúng trở thành bạn đồng hành cho rất nhiều phong cách khác nhau.
2. Một tạo tác đòi hỏi kỹ thuật cao
Vì kích cỡ nhỏ, nhẫn đồng hồ buộc phải có bộ máy chống chịu chuyển động tốt hơn, do biên độ dao động lớn và chuyển động liên tục hơn ở ngón tay so với cổ tay. Cấu trúc đồng hồ như một kiến trúc kỳ công, tiêu chí này thu hút những tín đồ yêu phụ kiện có giá trị thủ công cao.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
NHỮNG CÁCH CHỤP HÌNH VỚI TRANG SỨC ĐỂ CÓ BỘ ẢNH ĐẸP
CÁC THƯƠNG HIỆU TRANG SỨC FINE JEWELRY ĐƯỢC LÒNG BLACKPINK
NHỮNG VIÊN ĐÁ PHONG THỦY ĐẠI DIỆN CHO 12 CUNG HOÀNG ĐẠO
Harper’s Bazaar Việt Nam