Hình ảnh hoa hồng đã hiện diện trong nghệ thuật và thời trang từ hàng nghìn năm. Thông qua kỹ thuật thêu, dệt, in ấn, và nhuộm vải, hình ảnh hoa hồng nở rộ trên trang phục.
Từ thường dân đến quý tộc, ai cũng mê đắm hoa hồng, và số lượng những chiếc đầm trang trí với họa tiết này không thể kể xiết. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có một số mẫu đặc biệt nổi bật, đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thời trang cao cấp, bởi vì chúng gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến thế hệ các nhà thiết kế trẻ.
Hãy cùng Harper’s Bazaar nhìn lại 10 thiết kế hoa hồng nổi tiếng nhất vẫn còn được học hỏi ngày nay.
1780: Triều phục của Marie Antoinette do Rose Bertin thiết kế
- Năm thực hiện: Thập niên 1780
- Chất liệu: Lụa tơ tằm, thêu nổi với sợi kim loại và đính hạt thủy tinh
- Vì sao quan trọng: Được xem là một trong những ví dụ đầu tiên về Haute Couture (thời trang cao cấp) nước Pháp
Nói về influencer đầu tiên trong ngành thời trang, chúng ta không thể không nhắc đến nữ hoàng nước Pháp Marie Antoinette. Từ thời xa xưa, dân thường đã chăm học hỏi phong cách ăn mặc của giới quý tộc. Nhưng Marie Antoinette đã tạo nên những trào lưu mới với lối ăn mặc cực kỳ xa hoa và thậm chí đôi lúc có phần quái gở. Đặc biệt, bà rất yêu hoa hồng nên luôn yêu cầu được vẽ chân dung khi với loài hoa này. Hoa hồng cũng xuất hiện trong những mẫu đầm của bà đã được lịch sử ghi lại.
Người đã giúp Marie Antoinette kiến tạo phong cách thời trang chính là Rose Bertin. Bây giờ, giới sử gia đánh giá bà như nhà thiết kế thời trang cao cấp (couturier) đầu tiên của nước Pháp. Chính Rose Bertin đã tiên phong những xu hướng như tóc búi cao chót vót, váy triều phục xa hoa, hay chiếc váy muslin mộc mạc đã hủy hoại ngành tơ lụa nước Pháp.
Tuy vậy, không nhiều thiết kế của Rose Bertin còn tồn tại ngày nay, sau cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 và khi Marie Antoinette bị hành quyết năm 1793. Chiếc đầm kể trên là một trong số ít những mẫu vật còn sót lại, mà đích thân Marie Antoinette đã mặc.
Chiếc váy này đã bị sửa phom dáng khi sang tay chủ mới trong những thế kỷ sau – cụ thể, phom dáng pannier trong thế kỷ 18 đã bị đổi thành đầm corset kiểu thế kỷ 19 – nhưng vẫn duy trì được chất liệu thêu tay lộng lẫy hình hoa hồng, lông công và chi tiết lông gà lôi. Giới mộ điệu phải ngưỡng mộ chất lượng của mẫu thiết kế vì dù hơn 200 tuổi vẫn không phai màu.
MARIE ANTOINETTE MỘT TAY HỦY HOẠI NỀN CÔNG NGHIỆP TƠ LỤA PHÁP VÌ CHIẾC ÁO CHEMISE À LA REINE
THỜI TRANG THẾ KỶ XVIII: ROCOCO VÀ MARIE ANTOINETTE
1937: Áo khoác hoa hồng siêu thực của Elsa Schiaparelli
- Năm thực hiện: 1937
- Chất liệu:
- Vì sao quan trọng: Một trong những thiết kế nổi tiếng nhất mà bà kết hợp cùng Jean Cocteau
Elsa Schiaparelli (1890-1973) nổi tiếng với những bộ trang phục dạ hội được thiết kế hóm hỉnh, lập dị. Đặc biệt do có mối liên hệ chặt chẽ với thế giới nghệ thuật, cụ thể là các nghệ sỹ thuộc phong trào Lập thể (Cubism) và Siêu thực (Surrealism), nên Elsa Schiaparelli thường xuyên đưa nghệ thuật vào thiết kế thời trang.
Chiếc áo khoác kể trên là một ví dụ. Đây là tác phẩm liên kết giữa Elsa Schiaparelli và nhà làm phim-nhà thơ-nghệ sỹ Jean Cocteau (1889-1963). Ông đã vẽ bức tranh cho Schiaparelli để bà chuyển hóa thành thiết kế mùa Thu 1937.
Bạn hãy nhìn kỹ chiếc áo trên xem: Đây là một chiếc bình đựng hoa hồng, hay là hai người phụ nữ đối mặt nhau trước vườn hồng sau lưng? Một ví dụ của đánh lừa thị giác (trompe l’oeil) hoàn hảo.
Dựa trên chiếc áo khoác nguyên bản của Elsa Schiaparelli, giám đốc sáng tạo Daniel Roseberry đã sáng tạo ra nhiều biến tấu khác. Ví dụ phiên bản mới cho mùa Haute Couture Thu Đông 2021, hoặc chiếc áo choàng đính cánh hoa hồng tươi cho Jennifer Lopez.
1949: Chiếc đầm Miss Dior của Christian Dior
- Năm thực hiện: 1949
- Chất liệu: Organza, hoa lụa
- Vì sao quan trọng: Thiết kế dành tặng em gái Catherine Dior
Trong cuộc đời mình, Christian Dior đã thiết kế nên vô vàn những chiếc đầm lấy cảm hứng từ hoa hồng, và rất nhiều mẫu trong số đó đã đi vào lịch sử thời trang cao cấp. Ấy thế nhưng Harper’s Bazaar cho rằng ý nghĩa nhất là chiếc đầm Miss Dior đến từ bộ sưu tập Haute Couture mùa Xuân 1949.
Nhà thiết kế Christian Dior đã nghĩ đến em gái Catherine khi thiết kế chiếc váy tuyệt đẹp này, để nhắn nhủ về tình yêu cho hoa cỏ của cô ấy. 1000 bông hoa hồng lụa, hoa nhài và hoa dành dành vải được đính tay lên vải bởi nghệ nhân từ xưởng Barbier. Thiết kế đã gây chấn động Paris lúc bấy giờ.
Cựu giám đốc sáng tạo Raf Simons từng thiết kế một phiên bản lấy cảm hứng từ chiếc đầm này, trong BST Haute Couture Thu Đông 2012. Một phiên bản khác theo chân Natalie Portman trong quảng cáo nước hoa Miss Dior. Bên cạnh đó, Dior vẫn liên tiếp ra mắt các thiết kế theo kiểu millefiori (ngàn hoa) theo phong cách của mẫu đầm Miss Dior kể trên.
Năm 2013, Dior ra mắt triển lãm Miss Dior ở Paris và tạo ra một phiên bản thu nhỏ của chiếc váy mang tính biểu tượng. Ở trên là video ghi lại quá trình phục dựng nó.
1959: Váy cocktail hoa hồng của Valentino
- Năm thực hiện: 1959
- Chất liệu: Vải tulle
- Vì sao quan trọng: Thiết kế giúp Valentino khởi nghiệp và định hình sắc đỏ Valentino
Valentino Garavani mở xưởng may của mình vào cuối năm 1959 với ý tưởng tạo ra những bộ quần áo hiện đại, nữ tính. Mở màn là bộ sưu tập Xuân Hè 1959. Thiết kế gây ấn tượng nhất bộ sưu tập là mẫu váy Fiesta bằng vải tulle màu đỏ.
Với kinh nghiệm học việc tại những nhà mốt haute couture xứ Paris như Jean Dessès, Christian Dior và Guy Laroche, Valentino Garavani đã tạo nên thiết kế bồng bềnh, có kỹ thuật xếp nếp thượng thừa, kết hợp với những đóa hoa xếp 3D trên vải. Chiếc đầm cocktail hoa hồng đã giúp nhà thiết kế ngay lập tức thành danh, và cũng giúp biến sắc đỏ thành một màu sắc biểu tượng xuyên suốt lịch sử thương hiệu.
Sau sự khi Valentio Garavani nghỉ hưu, màu đỏ và hoa hồng tiếp tục sống mãi trong các thiết kế của thương hiệu dưới thời các giám đốc sáng tạo kế nhiệm là Alessandra Facchinetti, sau đó là Maria Grazia Chiuri và Pierpaolo Piccioli. Gần đây, bộ sưu tập Valentino Haute Couture Thu Đông 2023 đã giới thiệu chiếc đầm hoa hồng khác (ảnh trên, bên trái) tiếp tục gây tiếng vang không kém.
SẮC ĐỎ VALENTINO: DI SẢN VÔ GIÁ CỦA ÔNG HOÀNG THỜI TRANG
VALENTINO HAUTE COUTURE THU ĐÔNG 2022 NHÌN LẠI 23 NĂM SỰ NGHIỆP CỦA PIERPAOLO PICCIOLI
1967: Đầm hoa hồng của Cristobál Balenciaga
- Năm thực hiện: 1967
- Chất liệu: Lụa gazar
- Vì sao quan trọng: Một cách tạo hình mới lạ cho đầm hoa hồng
Sở trường về cắt may và tái cấu trúc những kiểu dáng truyền thống là kết quả của niềm đam mê may vá kéo dài hàng thập kỷ của ông. Nếu nhiều mẫu đầm hoa hồng khác dùng hoa vải để đính kết lên trang trí, thì Cristobál Balenciaga lại biến toàn bộ phần trên của chiếc váy này thành cánh hoa. Còn phần thân váy ôm sát người mặc lại, trông giống như cành hoa.
1999: Váy cưới bikini hoa hồng của Yves Saint Laurent
- Năm thực hiện: 1968, sau đó được tái hiện trong BST Haute Couture Xuân 1999
- Chất liệu: Vải tulle
- Vì sao quan trọng: Lần đầu tiên một nhà thiết kế chọn bikini làm váy cưới
Khi bikini ra đời năm 1946, nó đã khiến cả thế giới phải gây tranh cãi vì độ thiếu vải. Có lẽ sẽ chẳng ai nghĩ rằng bikini gợi tình sẽ được biến hóa thành áo cưới, qua bàn tay của NTK Yves Saint Laurent.
Lần đầu tiên được giới thiệu năm 1968, sau đó được tái hiện vào mùa Xuân 1999, váy cưới hoa hồng của Yves Saint Laurent thực tế là bộ bikini hai mảnh được đơm kết hoa vải. Táo bạo và nữ tính, quyến rũ và dịu dàng. Khi được hỏi về thiết kế, Yves Saint Laurent nói: “Nó không phải là sự khiêu khích. Mà nó đại diện cho sự nữ tính vĩnh hằng.”
Nếu mẫu thiết kế năm 1968 không được nhớ đến mấy vì không có nhiều hình ảnh lưu lại, phiên bản năm 1999 lại vô cùng nổi tiếng do được trình diễn trên sàn catwalk bởi người mẫu Laetitia Casta, một trong những nàng thơ của Yves Saint Laurent. Những bông hoa hồng phấn từ vải tuyn được chế tác tỉ mỉ và cầu kỳ sống động như những bông hoa thật được đan kết ở phần nội y cùng với đuôi váy dài kèm vòng đội đầu hoa khiến cho Laetitia Casta xuất hiện tựa nữ thần tình yêu.
2005: Bộ sưu tập hoa hồng haute couture của Christian Lacroix
- Năm thực hiện: Mùa Xuân 2005
- Chất liệu: Chất liệu chủ đạo là voile, tulle
- Vì sao quan trọng: Bộ sưu tập xa hoa nhất của thương hiệu trước khi sụp đổ tài chính
Nhắc đến làng thời trang cao cấp nước Pháp không thể không kể đến một tượng đài bất hủ Christian Lacroix. Các thiết kế của Christian Lacroix vẫn là những item được săn lùng ráo riết cho dù nhiều tác phẩm hiện chỉ còn xuất hiện ở các bảo tàng.
Tuy nhiên, điều ít người biết về Christian Lacroix là nhà mốt này luôn gặp gánh nặng tài chính. Từ năm 1987 đến năm 2009 (khi hãng đóng cửa), nhà mốt Pháp này đã lỗ lũy kế hơn 150 triệu Euro. Nếu nhìn những bộ sưu tập thời trang xa hoa của hãng, khó đoán được vấn đề này.
Đỉnh điểm là năm 2005. Năm này, tập đoàn LVMH đã bán thương hiệu Christian Lacroix cho công ty Falic Fashion Group. Với sự hứa hẹn hỗ trợ từ công ty mới, Christian Lacroix đã bừng bừng khí thế ra mắt bộ sưu tập Haute Couture Xuân 2005, được xem là một trong những bộ sưu tập ấn tượng và thể hiện rõ rệt phong cách, cái tôi cá nhân của NTK này. Đội ngũ lấy chất liệu chủ đạo là voan, vải tulle cũng như kỹ thuật nhuộm màu ombré, đính đá thủ công để tạo ra những bộ váy lộng lẫy.
Dẫu vậy, chỉ bốn năm sau, thương hiệu đã lụi tàn. Falic Fashion Group giải thể xưởng may, Christian Lacroix phải tự trang trải để sản xuất bộ sưu tập cuối cùng – mùa Haute Couture Thu Đông 2009. Do đó, những mẫu đầm hoa hồng mùa Haute Couture Xuân 2005 đi vào lịch sử thương hiệu như những thiết kế xuất sắc nhất và mang tính chất hoài niệm nhất.
2006: Đầm Sarabande của Lee Alexander McQueen
- Năm thực hiện: 2006, mùa Xuân Hè 2007
- Chất liệu: Vải organza, hoa vải lụa và hoa thật
- Vì sao quan trọng: Chiếc đầm mang vẻ đẹp của sự phai tàn
“Mọi thứ thối rữa. . . . Tôi dùng hoa vì chúng sẽ tàn. Tâm trạng của tôi lúc đó rất lãng mạn.” Alexander McQueen đã trả lời với Harper Bazaar như vậy khi được hỏi về chiếc váy huyền thoại trong BST Xuân Hè 2007.
Tác phẩm được sáng tạo trên nền vải organza cùng với những bông hoa thật và hoa lụa đính kết bao phủ khắp thân và đuôi váy. Khác với các NTK khác khi thường sử dụng hình ảnh hoa tươi rực rỡ để thể hiện cái đẹp, đầm Sarabande của Alexander McQueen cho ta niềm tin rằng không chỉ duy nhất bông hoa nở rộ mới đẹp và đáng quý, sự tàn phai của thời gian, sự kết thúc tự nhiên của những bông hoa vẫn có thể đẹp lộng lẫy lạ thường, mỗi phút giây của một chu trình sống đều mang một vẻ đẹp khác nhau của cuộc sống.
2019: Đầm hoa hồng in 3D của Zac Posen
- Năm thực hiện: 2019
- Chất liệu: Nhựa in 3D
- Vì sao quan trọng: Chiếc đầm hoa hồng công nghệ cao
Cho Met Gala 2019, nhà thiết kế Zac Posen đã tạo ra một chiếc váy đầm hoa hồng đi vào lịch sử cho người mẫu Jourdan Dunn mặc. Thiết kế không làm từ vải vóc mà được in 3D bằng nhựa bền, tạo ra một bông hoa khổng lồ đẹp siêu thực trên thảm đỏ.
Theo nhà thiết kế chia sẻ, mỗi cánh hoa mất khoảng 100 tiếng đồng hồ để in 3D. Sau đó được phun sơn chuyển màu bằng công nghệ phun sơn xe ôtô, và sơn lớp bóng bảo vệ trên cùng. Tổng cộng quá trình in ấn mất hơn 1.100 tiếng đồng hồ. Chưa kể, chúng còn cần phải được bắt vít vào khung làm bằng chất liệu titan, trước khi lồng vào người Jourdan Dunn. Với 21 cánh hoa xếp chồng lên nhau, mỗi cánh hoa nặng 450g, tổng cộng thiết kế nặng gần 14kg!
Zac Posen cho biết, nếu cần thiết, anh có thể tạo thêm 16 cánh hoa nữa để cấu hình chiếc đầm này cho dài hẳn thành đầm maxi. Tuy nhiên, có lẽ sẽ rất khó khăn để người mặc di chuyển.
2019: Đầm hoa hồng do Sarah Burton thiết kế
- Năm thực hiện: 2019
- Chất liệu: Lụa tơ tằm taffeta, organza
- Vì sao quan trọng: Thiết kế khẳng định hoa hồng là ADN của nhà mốt Alexander McQueen
Dù nhà sáng lập Lee Alexander McQueen nhiều lần áp dụng họa tiết hoa hồng vào trang phục nhưng người kế nhiệm Sarah Burton đi thêm một bước nữa trong việc khẳng định hoa hồng như một họa tiết biểu tượng của thương hiệu Alexander McQueen.
Trong BST Thu Đông 2019, thương hiệu đã trình làng chiếc đầm hoa hồng 3D vô cùng cầu kỳ làm từ lụa taffeta và organza, được dập ly tay trên nền khung corset. Thiết kế này đã được chọn để mở màn cho buổi triển lãm Roses của Alexander McQueen cùng năm.
NHỮNG CHIẾC ĐẦM LÀM NÊN LỊCH SỬ:
8 MẪU ĐẦM MÀU XANH LÁ ĐẸP NHẤT MÀN ẢNH
VÁY KIM BĂNG “SAFETY PIN DRESS” CỦA VERSACE
JENNIFER LOPEZ VÀ CHIẾC ĐẦM VERSACE ĐI VÀO LỊCH SỬ GOOGLE
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar