Trần Thị Đào dùng kỹ thuật mây đan thiết kế thời trang

Trần Thị Đạo là sinh viên chuyên ngành thiết kế thời trang trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, vừa bảo vệ đồ án tốt nghiệp với bộ sưu tập Đan

Sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM Trần Thị Đào đã lên ý tưởng táo bạo khi thiết kế thời trang dự tiệc cho nữ vận dụng các kỹ thuật đan lát mây tre truyền thống. Nói về cảm nghĩ của mình, cô cho biết:

“Tuổi thơ của những đứa trẻ vùng quê như tôi thấm đẫm hình ảnh luỹ tre làng, con đường quê – nơi vui chơi những khi tan trường, nơi ngắm nhìn ông bà vót từng nhành tre, đan từng cái giỏ,…Những kí ức ấy không thể mua lại được.

Cuộc sống đang ngày một phát triển, với những lo toan bộn bề, với áp lực công việc ta lại thèm một lần được bé lại, để lại được vô ưu vô lo, được trở lại với những ngày xưa ấy.

Những ký ức ấy làm tôi rất rất muốn đem hình ảnh mây tre đan – một trong những tinh hoa dân tộc – vào thời trang theo cách nhìn và cảm nhận của tôi về vẻ đẹp của ngành nghề truyền thống. Vì vậy tôi quyết định đưa hình ảnh này vào bộ sưu tập tốt nghiệp của mình.

Tôi cho rằng thời trang không nhất thiết phải bắt nguồn từ cái gì quá cao siêu, xa vời hay khó hiểu. Từ những thứ giản dị và thân thuộc, tôi muốn thổi hồn của sự hiện đại, mới mẻ thông qua thời trang. Đó là những giá trị mà tôi muốn hướng đến”.

BST Đan của Trần Thị Đào khai thác màu sắc và tạo hình của những sản phẩm mây tre đan truyền thống để biến thành chất liệu thời trang. Mượn hình ảnh sơ chế sợi đan, vụn của mây tre khi được vót, kiểu đan mắt cáo, đan chéo 1 thanh, đan chéo 2 thanh, đan vuông 2 sợi, đan vuông 1 sợi,… chúng được xử lý thành chất liệu vải.

Qua BST Đan, Trần Thị Đào hy vọng sẽ truyền tải được vẻ đẹp khác của nghề truyền thống thông qua câu chuyện của thời trang.

>>> XEM THÊM: HỌA TIẾT DIOR CANNAGE: CẢM HỨNG TỪ GHẾ MÂY TRE ĐAN CHÂU Á

Tạp chí thời trang Harper’s Bazar Việt Nam

Xem thêm