Đi đôi với thời trang mùa hè là những mẫu trang sức phong cách bohemian. Sự hoang dã, tính độc lập và xúc cảm nên thơ của người dân gypsy đã tạo nên những chiếc đầm maxi in hoa cỏ, phối cùng những món trang sức độc bản không theo khuôn khổ. Một loại trang sức rất phù hợp với phong cách bohemian chính là những loại trang sức bạc khảm đá mặt trăng moonstone.
Tuy chỉ là một loài đá bán quý, đá mặt trăng moonstone được ưa chuộng trong thiết kế nữ trang vì nó đẹp nên thơ, lại có giá thành không quá đắt đỏ. Nếu chưa rõ đây là loại đá gì, hãy cùng Harper’s Bazaar khám phá viên đá mặt trăng moonstone.
Đá mặt trăng moonstone là gì?
Moonstone là cái tên được dùng cho những viên đá chất lượng hảo hạng có cấu trúc chủ đạo là khoáng chất feldspar, bề mặt thể hiện hiện tượng quang học adularescence trong điều kiện ánh sáng hợp lý.
Những viên đá này, khi được mài tròn phong cách cabochon và chiếu rọi đèn vào, sẽ hiện một vầng sáng mờ ảo, lung linh, như đang phát quang xà cừ. Hiệu ứng quang học này mô phỏng ánh sáng dịu nhẹ của ánh trăng chiếu rọi qua đám mây mù.
Qua cái tên, có thể bạn sẽ nghĩ đá mặt trăng chỉ có màu trắng. Tuy nhiên, không hẳn vậy. Dòng đá này đa sắc, từ trong suốt, ngả qua trắng sữa, xám, nâu, hồng, cam, xanh lá cây, vàng.
Hiệu ứng quang học adularescence
Hiện tượng quang học của moonstone đến từ cấu trúc đá. Trong viên moonstone có hai cấu trúc khoáng chất feldspar khác nhau: orthoclase và albite. Hai cấu trúc orthoclase và albite này tạo thành từng lớp chỉ mỏng vài micron, nằm chồng chéo lên nhau, để tạo thành cấu trúc moonstone hoàn chỉnh.
Tuy cùng là họ feldspar nhưng orthoclase và albite đều có chỉ số khúc xạ khác nhau. Vì vậy, khi ánh sáng xuyên qua viên đá, tia ánh sáng bị khúc xạ lung tung và phản chiếu giữa những lớp orthoclase và albite, tạo nên hiệu ứng phát quang.
Những viên đá khác thuộc họ feldspar, như đá labradorite, cũng có hiệu ứng quang học adularescence. Nhưng, cái tên của hiệu ứng quang học này khai sinh hoàn toàn vì đá mặt trăng. Lý do vì những viên đá mặt trăng chất lượng cao vốn được khai thác ở Thụy Sỹ, ngay khu vực núi Adular thuộc dãy Alps. Ban đầu, viên đá được gọi là đá adularia theo tên của quả núi. Về sau này thì người ta mới đổi tên viên đá thành moonstone. Nhưng cái tên gắn liền với hiệu ứng quang học này thì vẫn còn mãi.
Viên đá gắn liền với truyền thuyết mặt trăng, tình yêu và sắc đẹp
Vì hiệu ứng quang học đẹp nên thơ này mà moonstone được ưa chuộng khắp nơi trên thế giới.
Theo Ấn độ giáo, viên đá này hình thành trong cuộc chiến giữa thần Vishnu và quỷ Bali. Quỷ Bali bị đánh bại, tan vỡ ra thành từng mảnh. Những mảnh vỡ này rơi xuống đất và hóa thành nhiều loại đá quý khác nhau. Đá mặt trăng moonstone đến từ đôi mắt của Bali.
Người Hy Lạp và La Mã cổ đại cũng cho rằng đây là viên đá tượng trưng cho ánh trăng. Truyền thuyết viết rằng, nữ thần mặt trăng Artemis/Diana sẽ trao vinh quang, trí tuệ và tình yêu cho những ai sở hữu viên đá này.
Thuở Trung Cổ ở châu Âu, đá mặt trăng được dùng để làm quà tặng cho những cặp đôi yêu nhau. Nó đặc biệt được ưa chuộng vào thời kỳ Art Nouveau (hưng thịnh từ khoảng năm 1890 đến 1910) tại lục địa Âu Mỹ. Nhà kim hoàn René Lalique của Pháp từng chế tác nhiều món nữ trang tinh xảo với viên đá này. Năm 1906, Đại Công tước xứ Hesse tặng vợ mình, công nương Eleanor, với một vương miện cẩn đá mặt trăng màu xanh, như một món quà ca ngợi sắc đẹp trường cửu của bà.
Những người tin vào thiên văn học cũng biết rằng, đá mặt trăng moonstone là viên đá hộ mệnh cho tháng Sáu. Cùng với ngọc trai và alexandrite, viên đá này được tin là mang lại may mắn cho những người sinh ra vào tháng mùa hè này.
Lưu ý gì khi chọn mua trang sức có đá mặt trăng moonstone?
1. Mức giá phụ thuộc chủ yếu vào hiệu ứng quang học
Đá mặt trăng thông thường nhất sẽ có hiệu ứng phát quang màu trắng hoặc ngả bạc.
Hiếm thấy hơn là hiệu ứng adularescence tông màu xanh dương. Giới đá quý gọi nó là đá moonstone có Blue Flash. Đá moonstone chất lượng tốt có hiệu ứng Blue Flash giá cũng cao, chứ chẳng hề thấp như những dòng đá bán quý bình thường như quartz hay amethyst.
Đôi khi bạn sẽ tìm thấy một viên đá gọi là rainbow moonstone, tức đá mặt trăng cầu vồng. Ánh sáng khúc xạ không thuần một gam màu, mà lại có bảy sắc cầu vồng. Thực chất, đây không phải là đá moonstone, mà là đá labradorite – cũng là một họ đá từ khoáng chất feldspar.
Cuối cùng, một số viên đá mặt trăng, khi được mài bóng kiểu tròn cabochon, sẽ thể hiện hiệu ứng mắt mèo (cat’s eye) hoặc ánhs ao (asterism). Hai hiệu ứng này rất hiếm khi xuất hiện trên moonstone. Vì vậy, những viên đá mặt trăng có hiệu ứng này sẽ có giá trị rất cao, thuộc loại được người sành đá quý săn lùng và sưu tầm.
Có thể thấy rằng, để được gọi là đá mặt trăng, đôi khi cấu trúc khoáng chất không quan trọng bằng hiệu ứng quang học adularescence. Viên đá giá càng cao thì phải càng ít tạp chất, nước trong, hiệu ứng quang học mạnh. Lý do vì sao đá cần ít tạp chất, vì nó có thể làm ảnh hưởng đến độ lên màu của hiệu ứng adularescence.
2. Kiểu cắt, mài đá tạo nên những viên đá moonstone đẹp nhất
Cho dù đây chỉ là một viên đá bán quý, bạn cũng đừng nên sơ sài trong khâu tuyển chọn viên đá đẹp. Nước đá càng trong, ít rạn nứt, hiệu ứng quang học mạnh thì càng có giá trị. Để hiệu ứng quang học đẹp nhất, viên đá nên được cắt mài tròn – dáng cắt cabochon.
Viên đá được cắt đẹp phải có hình dáng cân đối. Hiệu ứng adularescence phải trải đều xung quanh mặt đá, thay vì chỉ bị co cụm ở một phía.
Một số viên đá moonstone do trong suốt nên hiệu ứng quang học không rõ. Viên đá này có thể được gắn thêm một lớp thạch anh (quartz) mỏng ở dưới đáy. Điều này không có nghĩa là đá giả hay chất lượng kém. Nhiều viên moonstone có hiệu ứng blue flash quý hiếm cần lớp thạch anh hỗ trợ để lên nước đẹp hơn. Ngoài ra, đáy lót quartz sẽ giúp viên đá cứng cáp hơn, chống trầy tốt hơn (vì quartz có độ cứng cao hơn moonstone, 7 so với 6 trên thang điểm Mohs).
3. Kích cỡ viên đá
Họ đá khoáng chất feldspar hiếm khi nào tạo nên một viên moonstone có cân nặng carat cực to mà lại ít sạn. Vì vậy, thông thường, các viên moonstone sẽ khá nhỏ. Nếu có một viên cỡ đại với hiệu ứng tuyệt đẹp, giá trị của nó sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với viên thông thường.
4. Độ bền của moonstone
Khi chọn mua trang sức cẩn đá mặt trăng, bạn không nên dùng nó cho trang sức đeo hàng ngày (như nhẫn đính hôn) hoặc nhẫn/vòng tay dễ bị va chạm. Moonstone có độ cứng khá yếu, chỉ 6 trên thang điểm Mohs, nên nó dễ bị trầy xước. Lựa chọn tốt hơn sẽ là vòng đeo cổ, bông tai hay cài áo, ít cơ hội va chạm với vật cứng.
>>> Xem thêm: TẤT CẢ NHỮNG GÌ BẠN CẦN BIẾT VỀ ĐÁ OPAL ĐỂ TRÁNH MUA NHẦM HÀNG CHẤT LƯỢNG KÉM
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam